Phòng, chống bệnh cúm B (cúm mùa)

Cúm B, hay còn gọi cúm mùa, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm B gây ra. Virus hoạt động mạnh vào thời điểm mùa lạnh hoặc những lúc giao mùa, có thể bùng phát thành dịch lớn tại những nơi đông dân cư.
Sở dĩ virus cúm B có khả năng lây lan nhanh là do cơ chế lây nhiễm vi khuẩn qua đường hô hấp. Tuy không nguy hiểm như những chủng virus cúm A, cúm C, nhưng cúm B gây nên những triệu chứng tương tự như cảm lạnh (ho, sổ mũi, nhức đầu, sốt…).
Phần lớn người bình thường mắc virus cúm B sẽ tự khỏi bệnh hoàn toàn sau vài ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch kém hoặc bị suy giảm (như phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ…) thì có nhiều khả năng bị biến chứng như suy hô hấp, gây nguy hiểm cho thai nhi, biến chuyển thành bệnh cúm ác tính và thậm chí có thể gây tử vong. Biến chứng nặng xảy ra chủ yếu ở các bệnh nhân dưới 2 tuổi hoặc trên 65 tuổi, thai phụ, người bị bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường… 
Bệnh cúm B được dự phòng bằng cách tiêm chủng vaccine phòng bệnh cúm. Trẻ em và người già, người bị bệnh mãn tính được khuyến khích tiêm chủng vaccine phòng bệnh cúm hàng năm, vì là đối tượng nguy cơ có biến chứng nặng khi mắc bệnh cúm B.
Bên cạnh tiêm chủng vaccine cúm thì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, che miệng mũi khi ho, hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng viêm hô hấp cấp, duy trì chế độ ăn đầy đủ và cân đối, tập thể dục đều đặn… cũng là những biện pháp hữu ích để phòng bệnh cúm.
Đối với người bị bệnh viêm hô hấp cấp, nên hạn chế tiếp xúc với người khác, tránh đến nơi tập trung đông người, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, che miệng mũi khi ho, hắt hơi.
Khi trẻ bị nhiễm bệnh, không nên cho trẻ đến trường học, nhà trẻ để tránh lây cho trẻ khác. Trong vùng có dịch, mọi người cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh cũng như khi đi đường. Nếu có những biến chứng nặng, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Tin cùng chuyên mục