Phòng dịch bệnh, ngộ độc… cận Tết

Không chỉ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, mấy ngày qua người TPHCM cũng đổ xô đi tiêm ngừa bệnh cúm và nhiều loại bệnh khác, đến độ lượng vắcxin nhập về không đủ đáp ứng. Chúng tôi có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM về diễn tiến của một số loại dịch bệnh đáng quan tâm hiện nay.Đủ vắcxin ngừa quai bị
Phòng dịch bệnh, ngộ độc… cận Tết

Không chỉ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, mấy ngày qua người TPHCM cũng đổ xô đi tiêm ngừa bệnh cúm và nhiều loại bệnh khác, đến độ lượng vắcxin nhập về không đủ đáp ứng. Chúng tôi có cuộc trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM về diễn tiến của một số loại dịch bệnh đáng quan tâm hiện nay.Đủ vắcxin ngừa quai bị

- Hơn hai tháng qua, bệnh quai bị xuất hiện nhiều nơi ở TPHCM. Theo ông bệnh này có theo chiều hướng xấu đi?

- Ông LÊ THANH HẢI: Trong tháng 10 và 11 vừa qua, bệnh quai bị xuất hiện nhiều trong các trường tiểu học, mầm non… Tháng 10, có gần 30 ca, sau đó tăng vọt lên 311 ca trong tháng 11. Hai tuần đầu tháng 12, giảm xuống còn 101 ca. Diễn tiến của bệnh quai bị hiện nay tương đối ổn.

So với hai tháng trước, bệnh không còn xuất hiện trong số đông học sinh mà chỉ rải rác ở vài địa bàn như quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp… Mọi người không nên quá lo lắng. Trong tuần qua, có hàng trăm phụ huynh đưa trẻ đến TTYTDP tiêm ngừa bệnh quai bị, thậm chí bà con ở Cần Giờ còn thuê hẳn hai xe khách đưa các cháu lên tiêm ngừa.

Chỉ một ngày thứ bảy, phòng tiêm chủng TTYTDP tiếp nhận khoảng 150 trẻ đến tiêm vắcxin phòng bệnh quai bị. Trung tâm đang mua thêm vắcxin để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Phòng dịch bệnh, ngộ độc… cận Tết ảnh 1

Chỉ trong 2 ngày, chị Ngô Thị Lan (xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ) đưa 4 cháu trong gia đình đi tiêm ngừa bệnh quai bị.

- Công tác phòng chống bệnh quai bị hiện nay như thế nào?

- Trung tâm đã chỉ đạo cho 24 Đội y tế dự phòng quận, huyện phối hợp với các ban ngành triển khai các biện pháp phòng chống bệnh xuống tận các phường, xã, thực hiện vệ sinh môi trường, hướng dẫn học sinh không ăn uống chung ly, chén. Nhân viên y tế và giáo viên chủ động cách ly ngay người bị bệnh khi phát hiện.

  • “Đón đầu” dịch cúm như thế nào?

- Thời tiết chuyển mùa cũng là thời điểm bùng phát dịch cúm. Bác sĩ dự báo về điều này như thế nào?

- Không chỉ có TPHCM, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang khẩn trương triển khai mọi biện pháp phối hợp với ngành thú y ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch bệnh cúm trên gia cầm và trên người. Một số nước láng giềng với Việt Nam cũng đã xét nghiệm và phát hiện mẫu dương tính thuộc với cúm type A chủng H5N1.

Vào thời điểm Tết, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ địa phương này sang địa phương khác gia tăng cùng với nhu cầu sử dụng sản phẩm gia cầm tăng vọt nên thời gian tới dịch cúm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

- Ngành đã có sự chủ động phòng chống như thế nào?

- Ngành đã thông báo, tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại các tuyến phường, xã, cửa ngõ ra vào thành phố, cửa khẩu… nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát thành dịch. Các Đội y tế dự phòng kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ cơ số hóa chất, phương tiện kỹ thuật hiện có và dự trù (khi cần) để sẵn sàng đối phó với bệnh cúm và cả dịch SARS. Ngoài ra, Đài Loan vừa quyết định hỗ trợ cho thành phố 10.000 khẩu trang chuyên dùng dành cho những người tham gia phòng chống dịch.

- Tại các tỉnh phía Bắc, người dân đổ xô đi tiêm ngừa bệnh cúm dẫn đến tình trạng thiếu vắcxin, còn ở TPHCM thì sao?

- Tại thành phố hiện nay chưa có hiện tượng “sốt” vắcxin phòng ngừa bệnh cúm. Đã có nhiều người dân đến trung tâm hỏi tiêm ngừa bệnh cúm type A chủng H5N1, tuy nhiên loại vắcxin này hiện nay vẫn chưa có để tiêm rộng rãi. Tại TTYTDP chỉ có loại vắcxin ngừa bệnh cúm A type H1N1, H3N2 và một type cúm B.

Theo tôi, người dân nên nâng cao ý thức trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sử dụng sản phẩm gia cầm, tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Biện pháp phòng ngừa phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của người dân.

  • Và nỗi lo ngộ độc thực phẩm khi cận Tết

- Hơn một tháng đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thức ăn trên địa bàn TP. Người dân đang băn khoăn về chất lượng vệ sinh thực phẩm trong dịp cận Tết?

- Trong 3 vụ ngộ độc thực phẩm, có 2 vụ xảy ra trong trường học ở quận 3 và Bình Thạnh là do phía nhà trường và phụ huynh bảo quản thực phẩm không tốt. Riêng vụ 25 nhân viên tại khách sạn Sofitel Plaza (quận 1) bị ngộ độc thực phẩm là đáng quan tâm nhất.

Thức ăn do nhân viên Công ty Aden (quận 1) chế biến, nhưng khu bếp ăn rất mất vệ sinh. Đặc biệt, một nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thức ăn bị nấm móng tay, ngón tay cái sưng đỏ. Đây là nguy cơ dễ gây ngộ độc thực phẩm và lây truyền bệnh qua đường thực phẩm.

TTYTDP và Đội y tế dự phòng 24 quận, huyện đã phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế và các ban ngành liên quan thành lập 25 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết. Theo chỉ đạo của UBND TP, đoàn sẽ cương quyết xử lý những cơ sở vi phạm các quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
 

NGỌC TRƯỚC

Tin cùng chuyên mục