Phong phú thị trường dầu ăn

Nhu cầu sử dụng dầu ăn của người Việt ngày càng tăng cao đang là lực đẩy cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tích cực tham gia vào thị trường. Từ đó, mang đến những sản phẩm ngày càng đa dạng hơn phục vụ người tiêu dùng. 
Người tiêu dùng có rất nhiều sự chọn lựa khi các sản phẩm dầu ăn được bán trên thị trường ngày càng đa dạng hơn
Người tiêu dùng có rất nhiều sự chọn lựa khi các sản phẩm dầu ăn được bán trên thị trường ngày càng đa dạng hơn

Sức hút của thị trường 

Theo đánh giá từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, với dân số trên 95 triệu người, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dầu của thị trường Việt Nam hiện lên tới 1,5 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, lượng sử dụng này vẫn còn thấp nếu tính bình quân tiêu thụ đầu người (chỉ khoảng 9,5kg/người/năm) so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (13,5kg/người/năm). Theo ước tính của Bộ Công thương, đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ dầu ăn của Việt Nam sẽ ở mức 16,2kg/người/năm. Các con số trên cho thấy nhu cầu lớn, dư địa phát triển vẫn còn nên đã không ít DN trong nước lẫn quốc tế tham gia vào thị trường dầu ăn tại Việt Nam. 

Mới đây, đích thân bà Teresa Kok, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia, đã dẫn đầu đoàn DN nước này đến TPHCM tham dự một sự kiện hội chợ về dầu cọ,  tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Như chia sẻ của các DN Malaysia, Việt Nam có nhu cầu sử dụng dầu ăn lên tới 1,5 triệu tấn, song sản lượng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nên phải nhập khẩu nhiều từ các nước khác, trong đó có Malaysia.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia 242.700 tấn (tăng gần 23.200 tấn so với cùng kỳ năm 2018). Mức tăng trưởng này do một số yếu tố, trong đó có giá cả cạnh tranh, sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế rất tốt trong nước. Với mức tăng trưởng trên, các DN Malaysia đang hướng tới việc đầu tư, mở rộng kinh doanh sản phẩm dầu cọ tại Việt Nam để khai thác thị trường đầy tiềm năng này. 

Theo đánh giá từ các chuyên gia, sự tăng trưởng ngành hàng dầu ăn của thị trường Việt Nam đang trở thành hấp lực thu hút những DN ngoại cũng như DN trong nước tham gia vào sân chơi này. Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Kido (KDC), sau khi bán hết mảng bánh kẹo, tập đoàn này đã tham gia vào thị trường dầu ăn, thâu tóm hàng loạt thương hiệu dầu ăn như Tường An, Vocarimex, Golden Hope. 

Ngoài Kido, Tập đoàn Sao Mai An Giang cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra với thương hiệu Ranee thuộc phân khúc cao cấp. Hay Tập đoàn Daso chuyên về logistics cũng tung ra 2 sản phẩm dầu ăn mang tên Ogold và Bình An; Công ty cổ phần Quang Minh với các sản phẩm Mr Bean, Soon Soon, Oilla...

Đa dạng sản phẩm 

Bộ Công thương cho biết, hiện trên thị trường có khoảng 40 DN tham gia sản xuất dầu ăn; trong đó, dầu cọ chiếm 70%, dầu đậu nành chiếm 23%, còn lại là các loại dầu khác. Việc có nhiều DN cùng tham gia vào thị trường, cũng như xu hướng tiêu dùng của người Việt đang thay đổi theo chiều hướng ưa chuộng sản phẩm tốt cho sức khỏe, đã giúp ngành hàng dầu ăn ngày càng đa dạng hơn.

Khảo sát tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Big C, Lotte Mart... cho thấy, sản phẩm dầu ăn được các siêu thị này kinh doanh khá phong phú, từ dầu ăn bình dân tới cao cấp; từ dầu động vật cho tới dầu thực vật. Hiện tại, giá của các sản phẩm dầu ăn khá đa dạng, trong đó mức thấp nhất khoảng 24.000 đồng/chai (1 lít), cao nhất có thể lên tới vài triệu đồng (tùy sản phẩm, thương hiệu). 

Các nhà sản xuất cũng linh động khi đưa ra nhiều sản phẩm với ứng dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, mỗi loại dầu ăn cung cấp những dưỡng chất khác nhau, một số tác dụng của các loại dầu ăn phổ biến như: dầu oliu hỗ trợ phát triển trí não, đặc biệt là trẻ em; dầu đậu phộng làm đẹp da và ngăn ngừa lão hóa; dầu mè giàu hợp chất chống oxy hóa, có tác dụng giúp người dùng giảm bớt căng thẳng thần kinh; dầu cá tăng cường trí nhớ, bảo vệ tim mạch… 

Nguyên nhân thị trường dầu đa dạng được các nhà bán lẻ chỉ ra là do người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn khi yêu cầu những sản phẩm tốt cho sức khỏe và họ có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm dầu thực vật. Chính vì thế mà sản phẩm dầu thực vật đã ngày càng được sản xuất đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Như phân tích của các DN sản xuất dầu ăn, khi thị trường càng trở nên cạnh tranh thì buộc nhà sản xuất phải có bước đi chiến lược phù hợp, người tiêu dùng cũng vì thế mà được tiếp cận những sản phẩm có chất lượng với giá thành phù hợp hơn. Chẳng hạn Công ty cổ phần Thực phẩm An Long, trong năm nay đang quyết tâm chinh phục người tiêu dùng bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm dầu ăn thông qua chú trọng chọn lựa nguồn nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm. Hay Tường An cũng đang tập trung vào phát triển phân khúc dầu ăn cao cấp để đáp ứng xu hướng đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng...

Tin cùng chuyên mục