Phòng thí nghiệm khoa học trên sao Hỏa

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang hoàn thiện tàu thám hiểm sao Hỏa mới có tên Mars Science Laboratory (MSL – Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa) và chuẩn bị kế hoạch phóng Curiosity lên Hành tinh Đỏ trong năm 2011.
Phòng thí nghiệm khoa học trên sao Hỏa

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang hoàn thiện tàu thám hiểm sao Hỏa mới có tên Mars Science Laboratory (MSL – Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa) và chuẩn bị kế hoạch phóng Curiosity lên Hành tinh Đỏ trong năm 2011.

Theo SPACE.com, MSL còn có tên Curiosity (Hiếu kỳ), kích thước cỡ chiếc xe hơi, dài 2,7m và nặng 900kg. Curiosity có khả năng mang lượng thiết bị khoa học nhiều gấp 10 lần các tàu thám hiểm trước đây NASA đã đưa lên sao Hỏa.

Curiosity có 6 bánh xe, mỗi bánh có động cơ riêng biệt, giúp tàu có thể quay 3600 tại chỗ. Cánh tay robot dùng đưa các thiết bị như camera, quang phổ kế tia X hạt alpha (APXS)... tiếp xúc bề mặt sao Hỏa và lấy mẫu phân tích. Các kỹ sư NASA đang xem xét hoàn thiện “nhà máy điện hạt nhân” của Curiosity. Đây là một máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ đa nhiệm (MMRTG) được thiết kế để tăng cường phạm vi, khả năng hoạt động và tuổi thọ của Curiosity trên Hành tinh Đỏ.

MMRTG sử dụng khoảng 4,8kg dioxide plutonium, chủ yếu là plutonium-238, làm nguồn nhiệt. “Nhà máy điện” này hiện nạp đủ nhiên liệu và được trữ tại Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, chờ năm tới đưa đến bãi phóng ở mũi Canaveral, Florida.

Các thành phần bánh xe linh động của Curiosity. Ảnh: NASA

Các thành phần bánh xe linh động của Curiosity. Ảnh: NASA

Curiosity trị giá 2,3 tỷ USD đã được phát triển trong nhiều năm qua, gặp không ít trở ngại, phải hoãn phóng từ năm 2009 đến năm 2011. Một vấn đề quan trọng liên quan bộ khung kim loại của tàu, khi một nhà thầu đã giả mạo tài liệu về chất lượng titan cung cấp cho NASA, buộc cơ quan này phải rà soát lại quy trình để đảm bảo Curiosity không sử dụng nhầm lô hàng kém chất lượng đó. Việc rà soát này hiện tiến triển hơn 90% và Curiosity sẽ không bị ảnh hưởng – theo Doug McCuistion, Giám đốc Chương trình thám hiểm sao Hỏa của NASA.

Vào tháng 9 tới, các nhà khoa học sẽ có cuộc hội thảo thứ tư về vấn đề đổ bộ của Curiosity. Cuộc họp sẽ tập trung vào các câu hỏi khoa học và tranh luận về những điểm đổ bộ có thể cho Curiosity. Theo Ủy ban Chỉ đạo lựa chọn đổ bộ sao Hỏa (MLSSC), quá trình chọn điểm đổ bộ cho Curiosity đang được gút lại.

Có gần 60 điểm đổ bộ cho sứ mệnh này đã được nghiên cứu trong hơn 3 năm và hiện chỉ còn lại 4 điểm là các miệng núi lửa Eberswalde, Gale, Holden và Mawrth Vallis. Các điểm này được cộng đồng khoa học đánh giá cao và mỗi điểm đều có các cơ hội nghiên cứu khoa học thú vị cho Curiosity. Một điểm đổ bộ thứ năm có thể được MLSSC thêm vào danh sách vào tháng 5 tới.

Mẫu tàu Curiosity thật trưng bày tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế Bourget 2009 ở Pháp. Ảnh: SPACE EXPLORATION
Mẫu tàu Curiosity thật trưng bày tại Triển lãm Hàng không vũ trụ quốc tế Bourget 2009 ở Pháp. Ảnh: SPACE EXPLORATION

Với các thiết bị khoa học hiện đại của Curiosity, các nhà khoa học hy vọng có các nghiên cứu khoa học ấn tượng và hứa hẹn cung cấp những ảnh chụp và phim tuyệt vời về một hành tinh ngoài trái đất. Một trong những khả năng đang được đánh giá cao của Curiosity là camera 3D có zoom, do Công ty Malin Space Science Systems ở San Diego, California xây dựng. Đây là công ty đã chế tạo camera cho đạo diễn James Cameron dùng quay bộ phim bom tấn Avatar của ông. Cameron là một thành viên của nhóm khoa học MSL, ông quan tâm đến quay phim tài liệu và nghiên cứu khoa học bằng cách sử dụng các thiết bị của Curiosity, gồm các camera MastCam, MAHLI và Mardi, để ghi hình 2 phút cuối của quá trình đổ bộ sao Hỏa

THANH ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục