Phỏng vấn một nồi cơm

- Thưa anh, nhiều năm qua, càng lúc càng có nhiều người xúm vô múc cơm từ anh để ăn. Bằng chứng là bộ máy phình to quá thể, người hưởng lương không ngừng tăng. Và sau mỗi lần được gọi là tinh giản biên chế, biên chế lại bự thêm. Nhiều người cùng ăn mà cơm vẫn đủ, anh là nồi cơm thường hay nồi cơm Thạch Sanh? 

- Quá trời người lãnh lương, tức là quá trời người bu vô tiền dân đóng thuế. Sức dân có hạn, nên khi bộ máy hành chánh to lên, những thứ khác sẽ teo tóp đi. Nếu ngân sách chi quá nhiều cho lương, tức là đầu tư cho giáo dục, y tế, hạ tầng giao thông... sẽ bị suy dinh dưỡng. Không có nồi cơm nào chịu nổi, nếu có quá nhiều người múc.

- Biết thế, nhưng tại sao biên chế không giảm được, thưa anh?

- Cái cốt lõi là người ta dòm thấy có nhiều lợi ích “thâm canh”, nếu xin vô được biên chế. Ghế phải đẻ ra cho vừa với số người, nên nhiều nơi bộ máy đông đúc mà hiệu quả thấp chủn. Có nhiều tầng nấc, nhiều chức vụ, nhiều ban bệ nên mới sinh ra thủ tục lằng nhằng, tạo ra nhiều giấy phép con. Lĩnh lương chỉ là một phần, vì còn nhiều thứ khác có thể “ăn” từ chức vụ. 

- Vậy rốt cuộc phải làm gì để làm nhỏ nồi cơm chi cho bộ máy hành chánh lại, thưa anh?

- Làm gọn bộ máy liền thôi, đừng trì hoãn. Miệng ăn núi còn lở, huống chi nồi!

Tin cùng chuyên mục