Gần lắm Hoàng Sa-Trường Sa

Nguyễn Đắc Thành
Gần lắm Hoàng Sa-Trường Sa

(SGGPO).- Mô hình đất nước hình chữ S thu nhỏ và các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm... được tái hiện một cách công phu, sinh động trên diện tích 30 mét vuông là nơi đem lại những kiến thức bổ ích cho học sinh. Và quan trọng hơn hết, một Hoàng Sa-Trường Sa ruột thịt chưa bao giờ gần đến như thế với những thế hệ trẻ.

Mô hình với dải đất hình chữ S và đầy đủ các quần đảo trong diện tích 30 mét vuông.

Thầy Đỗ Xuân Thưởng -  Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đức Thiệu, Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết cách đây gần 3 năm, lúc vừa về quản lý nhà trường, thầy đã chia sẻ ý tưởng dạy học về chủ quyền đất nước thông qua mô hình thu nhỏ trong khuôn viên nhà trường và ngay lập tức, lời chia sẻ đó đã nhận được sự hưởng ứng của các giáo viên.

Hình ảnh thu nhỏ bia chủ quyền ở đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

Và rồi, kế hoạch của thầy ngay sau đó được đông đảo phụ huynh cùng giáo viên trong trường ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần.

Trong nhiều tháng liền, thầy Thưởng cùng các nhà hảo tâm lần lượt đặt từng viên gạch đầu tiên xây dựng một mô hình chủ quyền biển đảo có diện tích gần 30 mét vuông với số tiền gần 70 triệu đồng.

Mô hình này là hình ảnh thu nhỏ của một đất nước Việt Nam với 3.260km đường bờ biển đẹp. Cùng với đó, 3 trung tâm lớn của đất nước là thủ đô Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TPHCM với các biểu tượng nổi tiếng như Chùa Một Cột, di tích Ngũ Hành Sơn và Chợ Bến Thành.

Nhà giàn DK 1 cách đất liền 250-350 hải lý, do Lữ đoàn 171 thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý, được mô phỏng sinh động.

Nhờ vào những mô hình biển đảo thu nhỏ này, mà nhiều năm nay, thầy trò Trường Nguyễn Đức Thiệu đã không còn cảnh học môn địa lý, lịch sử qua sách vở khô khan, mà thay vào đó, học sinh được tận mắt chiêm ngưỡng và “chạm” vào những cột mốc chủ quyền trên biển Đông thông qua bài thuyết trình sinh động của các giáo viên trong trường.

Hình ảnh Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được đưa vào mô hình.

Trong giờ học thực hành môn địa lý, dẫn học sinh đến trước mô hình, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh giới thiệu cho hàng chục em học sinh: “Đây là Nhà giàn DK1,  một cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông. Trên nhà giàn luôn có  các chiến sĩ ngày đêm canh giữ để bảo vệ chủ quyền biển đảo… Và xa hơn nữa là quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa – một phần máu thịt của Tổ quốc”.

Thủ đô Hà Nội với Chùa Một Cột và TPHCM với chợ Bến Thành được đưa vào trong mô hình.

Nguyễn Đắc Thành

Tin cùng chuyên mục