Chuyện học bên dòng sông biên giới

Chuyện học bên dòng sông biên giới

Cách dòng sông Hậu chừng 200 mét, biên giới Việt Nam – Campuchia ngày nào cũng nhộn nhịp, tấp nập kẻ mua người bán. Không khí sinh hoạt càng đông vui hơn, khi năm nay, hàng trăm trẻ em Việt kiều từ Pẹc Chạy (Campuchia) cắp sách sang Khánh An (Việt Nam) học tiếng Việt. Đây là nét riêng chỉ có ở tỉnh An Giang, tỉnh biên giới Tây Nam tổ quốc.

  • Đôi bờ không cách xa
Chuyện học bên dòng sông biên giới ảnh 1

Trẻ em Việt kiều Campuchia đi học ở An Giang.

Dòng sông Hậu, chạy qua các xã Phú Hữu, Khánh An, thị trấn Long Bình (huyện An Phú) của An Giang và đối diện là xã Pẹc Chạy (quận Kor Thum). Hồi chiến tranh, người Việt từ An Phú sang Kor Thum định cư và làm ăn sinh sống dọc tuyến sông này.

Do vậy, quan hệ vùng biên giới Việt Nam – Campuchia rất thân mật với nhau, dân cư phần đông đều có họ hàng thân thuộc và nội ngoại ở 2 bên bờ. Chị Nguyễn Thị Hằng quê quán ở xã Vĩnh Hậu, lấy chồng rồi về Pẹc Chạy lập nghiệp và ở tận trong Mương Vú cách bờ sông Hậu chừng 4, 5 cây số. Hôm gặp lại chúng tôi, chị Hằng tâm sự: “Cố gắng mần ăn, bữa đói bữa no, nhưng vẫn ráng cho hai đứa con gái về Khánh An đi học, lên tới lớp 7, lớp 8 rồi. Đường sá xa xôi, cách trở nhưng chẳng lẽ để con mình dốt”.

Bà con Việt kiều chiếm đến 70% dân số xã Pẹc Chạy, còn dọc theo 2 xã Sầm Pa Puôl và Sơn Kha Mau cũng có, nhưng số lượng ít hơn và sinh sống rải rác. Tổng cộng 3 xã giáp ranh khu vực Cửa khẩu Chray Thum – Khánh Bình có khoảng 1.000 Việt kiều. Dân cư Pẹc Chạy ở dọc dòng sông Hậu, không có chợ búa nhóm họp, cho nên con cá lá rau hàng ngày đều phải qua Khánh An. Nhiều người nói, mấy năm trước đây, chính quyền quận Kor Thum cho thành lập trường học ở sâu trong Mương Vú để dạy chương trình phổ thông cho con em Campuchia, còn bà con Việt kiều thì muốn cho con vượt biên giới quay về học tiếng mẹ đẻ. Mặc dù, ai cũng biết bước đường gian nan để được đến trường, nhưng chỉ mong sao con cái nói thông, viết thạo tiếng Việt.

Mùa lũ đang dâng cao, chiếc xuồng lườn gắn máy từ Khánh An lướt nhanh, băng đồng sang Mương Vú mênh mông như biển nước. Ghé vô nhà chị Quách Thị Tư, hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng dãi nắng dầm sương nhưng đều vui mừng khi 2 đứa nhỏ Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Thị Tú được sang học tại Trường Tiểu học A Khánh An. Chị Tư bày tỏ: “Tui sợ qua Khánh An người ta không nhận, vì mình mang quốc tịch Campuchia. Rất may, được nhà trường giúp đỡ tận tình, năm nay cho hai đứa nhỏ vô học lớp 1. Hết sức mang ơn”. Đến thăm nhiều gia đình khác, bà con đều nói, mùa khô ở đây đường sá đi lại rất khó khăn, sinh hoạt cực khổ lắm, đâu bằng bên quê nhà, nhưng đã qua xứ người thì phải chấp nhận.

  • Anh em cùng chung một lớp

Do đặc thù quan hệ dân cư hai bên bờ sông biên giới và nhu cầu học tập của con em Việt kiều, Phòng Tư Pháp huyện An Phú đã hướng dẫn Ban Tư pháp các xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình lập khai sinh theo hệ B. Ông Huỳnh Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An giải thích: Giúp con em mình biết đọc và biết viết tiếng Việt là chủ yếu, đối với những trường hợp con em học cao, phải làm khai sinh thực thụ và được người thân bảo lãnh thường trú. Theo chính sách chung, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em Việt kiều từ Campuchia sang học tiếng Việt phổ thông, hơn nữa khoảng cách dòng sông chỉ vài trăm mét và xa cũng không quá 5 cây số đường bộ giáp ranh biên giới. Các bến đò chính của xã còn cam kết không thu tiền học sinh Việt kiều và đảm bảo an toàn đường sông.

Sau 2 tuần khai giảng năm học mới, về thăm các trường học ở xã Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang), chúng tôi nghe chuyện vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường và số đó hầu hết diện con em Việt kiều ở bên Pẹc Chạy. “Dù đến sớm hay muộn, trường vẫn bố trí chung một lớp học, không tách rời. Tất nhiên sẽ có khó khăn, nhưng phải cố gắng khắc phục chứ không còn cách nào khác hơn”.– Cô giáo Nguyễn Thị Sành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Khánh An khẳng định. Hiện tại, lớp đã nhận được 875 học sinh, con em Việt kiều từ Campuchia sang học, chiếm đến 50% số học sinh toàn trường. Số lượng này đang có chiều hướng tăng lên, khối học sinh lớp 1 đi học được 187/158 em so với kế hoạch; trong đó, số trẻ Việt kiều ở Pẹc Chạy chiếm đến 107 em.

Sau 7 năm triển khai Chương trình 135 của Chính phủ, xã Khánh An được công nhận thoát khỏi diện nghèo và hưởng lợi các công trình thiết yếu, trong đó có xây dựng nhiều phòng học mới. Đầu tháng 9 vừa rồi, nhân dân địa phương vui mừng công bố hoàn thành đề án Xóa nhà tre lá và dột nát tạm bợ. Ông Nguyễn Văn Khên – Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú nói: “Cơ sơ vật chất tạm ổn, sẵn sàng đón nhận trẻ em Việt kiều từ Campuchia sang học. Thấy vậy chứ so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm, để đạt mức chất lượng tối thiểu. Chúng tôi rất muốn thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết vùng biên giới, trước hết là đối với bà con Việt kiều”. Còn theo Ban Tư pháp xã Khánh An cho biết, có 117 hộ Việt kiều Campuchia đã về định cư trước năm 1995, nay đã được lập hộ tịch và hộ khẩu, con em Việt kiều đều đủ giấy tờ hợp lệ để vào năm học mới.

  • Niềm vui trong năm học mới
Chuyện học bên dòng sông biên giới ảnh 2

Những chiếc xuồng máy nối 2 bờ biên giới Việt Nam – Campuchia.

Bến chợ Khánh An bây giờ rất đông vui, ngày 2 buổi chiếc phà đưa rước học sinh đều đều, như thể chiếc cầu nối nhịp 2 bên bờ biên giới Việt Nam – Campuchia. Mấy chiếc xuồng lườn gắn máy hoạt động nhộn nhịp, chuyên đưa rước khách trong mùa lũ lụt, đón các em học sinh ở sâu tận Mương Vú. Cậu bé Nguyễn Văn Lượng, 10 tuổi, học lớp 3 Trường Tiểu học B Khánh An khoe, nhà mình ở bên sông (Pẹc Chạy – Campuchia) nên lúc nào đi học cũng đúng giờ, còn các bạn ở xa hơn bị trễ hoài vì chờ đò rước hoặc phải quá giang người quen. Còn em Trần Minh Số, lớp 6 Trường THCS Khánh An kể, mỗi ngày em đi học tốn 2.500 đồng tiền đò do nhà ở trong Mương Vú; người anh Trần Minh Sang học lớp 10, phải xuống tới chợ huyện An Phú, cách khoảng 20 cây số nữa nên tốn tiền nhiều hơn; nếu tính chung cả 2 anh em thì mỗi ngày cha mẹ phải cho đến 10.000 đồng mới đủ.

Anh Huỳnh Văn Dừng ở Pẹc Chạy, chủ đò đưa rước học sinh cho rằng: “Gia đình làm ăn khá, thì mới cho các em đi học được. Giá đưa rước 2.500đ/em/ngày đâu phải dễ, chịu trách nhiệm đưa đón các em tận nhà”. Mùa lũ dâng cao, anh vẫn theo những chuyến đò dọc để đưa rước hơn 100 học sinh Việt kiều. Trừ đi thuế má bên Campuchia, cũng còn được một mớ tiền để nuôi 2 đứa con đi học. Anh chỉ 2 anh em Lâm Văn Vũ (10 tuổi) và Lâm Văn Văn (9 tuổi) cùng học lớp 2 Trường Tiểu học A Khánh An, rồi nói với chúng tôi: “Hai cháu này gia đình nghèo lắm, cha mẹ đi làm mướn không có ở nhà, chỉ biết gởi tiền đò cho tui và nhờ trông coi giùm nó”. Vậy đó, con cái ham học không nỡ để cho nó dốt, cha mẹ nghèo cũng bấm bụng, miễn sao đưa được con đến trường là vui.

Năm học 2006-2007, Trường THCS Khánh An dự kiến thu nhận 1.049 học sinh, trong đó con em Việt kiều Campuchia chiếm hơn 30%. Tựu trường đến trễ sau ngày khai giảng là thực trạng phổ biến, thầy cô giáo luôn chịu khó với các em, không phân biệt nội biên hay ngoại biên. Ngoài chính sách chung, chưa có chế độ phụ thêm nào đối với những ngôi trường có đông… học sinh quốc tế như ở đây. Tuy vậy, các thầy cô vẫn chăm lo và sung sướng khi thấy các em chăm ngoan, vượt khó học giỏi. Tại kỳ thi 2006 vừa qua, bà con trong vùng hết sức vui mừng khi hay tin: Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Lành (Việt kiều Campuchia) đều trúng tuyển vào đại học. Đây là thế hệ đầu tiên của Trường THCS Khánh An sau năm 5 thành lập, kể từ 2000-2001 đến nay. Thầy giáo La Văn Bé – Hiệu trưởng trường cho biết thêm, năm ngoái có 163 học sinh tốt nghiệp THCS, trong số này, con em Việt kiều Campuchia cũng chiếm hơn 30%.

Ông Huỳnh Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, rất hãnh diện: “Tôi có đứa cháu Lê Duy Phương ở bên Pẹc Chạy, Campuchia, đã tốt nghiệp Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, rồi làm việc ở trên đó luôn được hai năm. Tên nó bây giờ vẫn còn trong hộ khẩu gia đình, do vợ chồng tôi đứng ra bảo lãnh”. Buổi chiều tan học, chia tay với Khánh An, chứng kiến cảnh học sinh xuống đò về nhà bên kia bờ biên giới, trông những gương mặt hớn hở hết sức hồn nhiên, chúng tôi thầm thán phục các em và các bậc cha mẹ của các em. Có lẽ, chỉ ở đầu nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang, nơi tuyến biên giới Tây Nam mới có nét đặc thù rất đẹp này.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục