Đoàn khách lạ đến trường cai nghiện…

Đoàn khách lạ đến trường cai nghiện…

Đầu tháng 10-2006, Trường Giáo dục Đào tạo - Giải quyết việc làm số 5 ở Đắc Nông đã đón một đoàn khách đặc biệt. Những người làm báo của lực lượng TNXP gần 40 người, có mời nhà báo giàu kinh nghiệm đi theo hướng dẫn. Họ sẽ mở “trại sáng tác” rất ngắn ngày, sục sạo làm báo, phỏng vấn và phát đều đều bản tin vào mỗi buổi sáng. Bản tin như thế vang lên ở các đội, học viên nghe thấy câu chuyện của mình, kể cả nghe tiếng nói của mình trong các trò chơi của đêm trước giao lưu.

Đoàn khách lạ đến trường cai nghiện… ảnh 1
Ở trường cai nghiện nhưng... “cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Đi lại trong trường - rộng tới hơn 200ha, giữa những cơn mưa rừng đặc trưng, ầm ầm đổ xuống, lăn quay những chú bọ cánh cứng; rồi nóng, rồi lạnh luôn đấy - người học viên bắt gặp các nhà báo đi lấy tin.

 Họ xuống xưởng dạy nghề, đi trường dạy văn hóa, vào đội sản xuất, vườn rau, xem quy trình gia công hạt điều, xuống bếp xem cái nồi hơi sáng kiến tiết kiệm thay gas nấu ăn, đi thăm khu định cư trên đồi. Mưa lạnh, thoắt mưa thoắt tạnh nên các đội đi làm dù đều có áo mưa mà chẳng thấy ai mặc.

Khách gặp các học viên đi lao động thì chào: “Cố lên”. Học viên lao xao cười đáp lại, pha trò: “Cố quên!”. Cũng có vài người như mách, than vãn, bảo: “Mưa cũng không được nghỉ. Vẫn phải đi làm”. Các đội viên đã qua thời kỳ cai nghiện thường hỏi khách trong các đêm ngồi xen lẫn ở hội trường xem văn nghệ, giao lưu, một câu hỏi đặc trưng ở đây: “Bao giờ chúng cháu (chúng con) được về?”. Thậm chí có anh bạn trẻ còn hỏi: “Bao giờ chúng con được thả ra?”.

Nhà thơ Minh Vũ - một thành viên trong đoàn khách có cuộc trao đổi nho nhỏ với các bạn khi anh ngồi cùng hàng ghế xem liên hoan - bảo: “Chính các em quyết định việc thả mình ra”. “Sao nói cai 48 tháng, rồi lại 50, có khi 60 tháng. Hay là không bao giờ được về hả anh?”. “Ngày mai, một ngày sau đó, trường sẽ tổ chức lễ tái hòa nhập cộng đồng cho 3 học viên đầu tiên, các bạn sẽ được dự lễ”.

Bạn lại bảo: “Con chim đem nhốt hoài trong lồng nó cũng chết nữa là chúng em”. “Đúng, nhưng nếu không tập trung cai nghiện thì chắc chắn em chết, có khi chết lâu rồi. Còn tập trung cai thì gian khổ, có thể vẫn có người chết nhưng còn đường sống, nếu có nghị lực”. Anh Minh Vũ chỉ cho các em thấy những cán bộ nhà trường. Nhiều người tốt nghiệp đại học, có trình độ, bỏ cả gia đình ở thành phố lên đây làm nhiệm vụ. Anh bảo, các em cai xong còn có ngày về, còn họ bị các em “đày chung thân” ở chốn rừng núi này. Các em gãi tai: Bọn em cũng biết thế, nhưng trong người luôn luôn mâu thuẫn...

***

Những nhà báo của lực lượng TNXP cùng với các nhà thơ, nhạc sĩ đi dự trại ở Trường 5 này cảm nhận được sự gay go quyết liệt của trận chiến ở đây. Nơi này, đại bản doanh của TNXP - Trường 5 - đẹp và sạch đến bất ngờ. Vào bất cứ đâu, phòng làm việc, hội trường, nhà ăn, các đội sản xuất... đều phải bỏ dép guốc bên ngoài vì tất cả đều được lau chùi sạch bóng.

Không hiểu do mưa rừng đất đỏ bám, hay là do ý thức rằng nơi chữa trị này cũng là một kiểu như bệnh viện? Khi đoàn nhà báo yêu cầu được thực thành những cuộc phỏng vấn để viết nhân vật, đề nghị nhà trường giúp đỡ, không thấy có một hội nghị nào, không thấy những báo cáo thành tích đầy rẫy các con số như ta thường thấy ở nơi khác, Giám đốc Huỳnh An Trung nói vắn tắt ít phút ngay khi cả đoàn vừa xuống xe. Anh cho biết, nhà trường cũng đang chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu để kỷ niệm 5 năm thành lập trường, nhưng anh không nói rõ 10 sự kiện ấy là gì.

Những ưu điểm như công tác xã hội, khám bệnh cứu trợ, gắn bó với đồng bào dân tộc địa phương, khai thác tốt sản xuất nông nghiệp, các phong trào cho học viên, văn hóa văn nghệ, đào tạo, tham vấn, các khu lưu trú cho thân nhân lên thăm, việc mở cả lớp đại học từ xa cho cả cán bộ và người cai nghiện... tất cả chỉ được biết rõ do đoàn nhà báo thâm nhập, tìm hiểu.

Đoàn khách lạ đến trường cai nghiện… ảnh 2
Đoàn khách xuống thăm các đội sản xuất.

Nhà trường cũng chọn ngay một danh sách hơn 10 nhân vật cho đoàn nhà báo phỏng vấn và đi sâu tìm hiểu. Trong danh sách này có các nhân viên tư vấn, những đảng viên trẻ, nhân viên hành chính và khá nhiều học viên cai nghiện tiến bộ, trở thành những đội viên trong các đội lao động tình nguyện, thành các cộng tác viên và cả người sắp được về với gia đình.

Nói cách dễ hiểu thì có khá nhiều thanh niên sau khi cai nghiện trở thành một dạng gần như “cán bộ” của trường. Đó là những em như Nguyễn Quang Hoàng, Hà Minh Tuấn, và cả “nhạc sĩ” chơi đàn, điều khiển dàn nhạc, kiêm cả lái xe v.v... Hoàng đã gần như là một phóng viên nội bộ của trường. Em sống ở một phòng trong hội trường lo âm thanh, quay phim, chụp ảnh và đang bận rộn đi làm phóng sự về nhà trường, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm sắp tới. Còn Tuấn, từ một học viên cai nghiện đã trở thành người cộng tác viên của đội bảo vệ, em sinh hoạt chung với các nhân viên bảo vệ.

Còn các cán bộ công nhân viên của trường? Họ gây rất nhiều bất ngờ. Một em Trang nhỏ xíu được gọi là “bon sai” phục vụ ở căng tin lại là một ca sĩ nổi tiếng của trường. Buổi sáng có thể thấy một anh Thành nơi trại rau, đêm đến thấy anh trên sân khấu, hát hay như ca sĩ chuyên nghiệp. Đoàn nhà báo quen thân với anh Cử, Đoàn Ngọc Hùng - những TNXP của lực lượng rất sát sao với Trường 5. Các nhân vật được phỏng vấn, bận rộn với đoàn khách. Họ thường cùng nhau họp mặt đến tận khuya.

Chưa thể biết rõ hết những quyết liệt, cam go ở nơi đây. Xã hội cũng đang chờ hiệu quả của chương trình ba giảm. Nhưng rõ ràng một điều: tính chất TNXP! Người xa quê tận miền Bắc, miền Trung, người để gia đình ở lại thành phố, người mang cả gia đình lên lập nghiệp ở Đắc Nông để gắn bó với công việc trường cai nghiện, người chăm nom săn sóc bệnh nhân HIV, v.v... Tất cả họ đều đối mặt với thử thách cam go, có cả nguy cơ bị phơi nhiễm, lây bệnh. Người nghiện đi cai thì chịu thử thách của những cơn vật vã, của lao động và chế độ sống kỷ luật, xa gia đình, mong mỏi ngày về. Các nhà báo nói với nhau: Đến nơi đây có thể biết họ vẫn sống cảnh thường trực như thời chiến. 

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Tin cùng chuyên mục