Cậu bé mù và giải thưởng quốc tế

Cậu bé mù và giải thưởng quốc tế

Vũ Văn Tuấn là kết quả của tình yêu giữa ông bố mù bẩm sinh Vũ Văn Dần và mẹ là Lê Thị Hoa (thôn Trung Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ngay từ lúc chào đời vào mùa thu năm 1990, “đôi cửa sổ tâm hồn” của cậu đã không bao giờ hé mở để cho em được nhìn người mẹ yêu và ông bố hiền mù lòa. Tưởng chừng cuộc đời Tuấn sẽ mãi chìm trong bóng tối, nhưng ý chí và nghị lực phi thường của em đã khiến bao người phải khâm phục, coi đó như một tấm gương.

  • “Mẹ ơi, con muốn đi học”

Cậu bé mù và giải thưởng quốc tế ảnh 1
Vũ Văn Tuấn và bằng chứng nhận giải thưởng quốc tế.

Gia đình Tuấn nghèo lắm, có lẽ vào thuộc vào diện nhất, nhì của làng, xã. Cả nhà chỉ có 5 sào ruộng, bao nhiêu công việc chính đều dựa vào một mình người mẹ. Vì đều bị mù, nên bố con Tuấn không giúp mẹ được gì. Đến bây giờ, Quỳnh (em gái Tuấn) cũng đã mù một mắt, mắt còn lại chỉ nhìn thấy lờ mờ. Hôm tôi đến nhà, chị Hoa cho biết anh Dần đang đi làm nghề tẩm quất trong thành phố Hồ Chí Minh để kiếm tiền gửi về cho chị nuôi con. Còn chị Hoa vẫn ngày hai buổi tần tảo đi lượm sắt vụn, đồng nát trong lúc nông nhàn để kiếm thêm tiền chi tiêu và mua sách vở cho anh em Tuấn học. Chị Hoa cho biết thêm, năm 2003, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, dù chồng đã vào thành phố Hồ Chí Minh, chị cũng phải bỏ quê ra Hà Nội làm “ôsin” hơn một năm trời.

Tuấn lớn hơn em 2 tuổi, nhưng hai anh em lại cùng học một lớp, bởi lẽ Tuấn đi học muộn và như lời Tuấn thì học cùng vậy để mỗi khi đến lớp, hai anh em dắt nhau đi không phải phiền đến bạn bè dẫn đường. Chuyện Tuấn đi học cũng chứa đầy những quyết tâm. Nhà Tuấn nằm cạnh một ngôi trường làng. Năm lên tám tuổi, mỗi khi nghe tiếng trống trường vang lên từng hồi, Tuấn cứ nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Nhiều hôm, nghe tiếng bạn í ới gọi nhau, Tuấn gào lên “Mẹ ơi, con muốn đi học”.

Chị Hoa cứ tưởng con mình đòi vu vơ, đành an ủi con cho qua chuyện. Nhưng rồi ngày nào Tuấn cũng đòi như vậy, thế là chị phải nuốt nước mắt vào lòng, dẫn con đến trường mẫu giáo. Những ngày đầu Tuấn đến trường là những lần xước mặt, bầm tím do vấp ngã. Khi vào lớp một, em không thể học được như các bạn, đành phải ở nhà. Rất may trong thời gian đó, Hội người mù huyện Yên Định mở lớp dạy chữ nổi cho người khiếm thị trong huyện. Vậy là Tuấn được đến trường huyện học chữ Braille. Tuấn học rất thông minh và chăm chỉ.

Sau một năm, (tháng 3 năm 2000) Tuấn được Tỉnh Hội người mù Thanh Hóa cho về thành phố học chữ Braille hệ nâng cao. Ngồi sau xe đạp để mẹ chở đi thành phố học, lần đầu tiên trong đời Tuấn được nghe nhiều tiếng còi ô tô, xe máy mà lòng rộn ràng. Buổi đầu vào lớp, Tuấn bỡ ngỡ vì cách học của hệ nâng cao. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, được sự chăm sóc dạy dỗ nhiệt tình của các thầy, cô giáo, Tuấn tự tin hơn và vươn lên trong học tập.

Hai tuần đầu, em được xếp học lực thứ năm của lớp, sau đó Tuấn vươn lên đứng đầu. Sáu tháng theo học chữ Braille, Tuấn đã có được một lượng kiến thức khá cơ bản và được chuyển thẳng về lớp ba Trường Tiểu học Yên Trung để học. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của em vì phải học với những người sáng mắt, phương pháp dạy của giáo viên cũng hoàn toàn xa lạ với em. Tuấn tâm sự: “Em biết không còn con đường nào khác, phải tự mình phấn đấu học và học anh ạ”.

Điều đặc biệt ở cậu bé mù lòa này là em học giỏi ở tất cả các môn học văn hóa (kể cả ngoại ngữ). Từ khi vào bậc tiểu học đến nay đã là học sinh lớp 8, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi của trường. Khi nhận xét về Tuấn, cô giáo Vũ Thị Thông, Phó hiệu trưởng Trường THCS Yên Trung không giấu được niềm tự hào: “Em là một học sinh ngoan, chăm chỉ và rất thông minh. Trong học tập, em là người biết tự vươn lên. Trong quan hệ thầy trò và bạn bè, Tuấn là một học sinh mẫu mực. Hiện nay, nhà trường đang phát động phong trào học sinh noi theo gương điển hình Vũ Văn Tuấn...”.

Cô Thông cho biết thêm, nhà trường phải áp dụng chấm điểm các bài kiểm tra, bài thi của Tuấn bằng một cách riêng: khi Tuấn làm bài xong, em sẽ đọc to bài của mình lên cho giáo viên nghe cách diễn đạt và kết quả để giáo viên chấm điểm, vì thầy cô giáo… không đọc được chữ Braille.

  • Giải thưởng quốc tế và những ước mơ

“Hình như Tuấn được “Trời ban” cho sở thích tham dự các cuộc thi. Hễ cứ nghe đài thông báo phát động cuộc thi nào đó là Tuấn lại mày mò tìm tài liệu để làm bài tham dự”, mẹ Tuấn nói với tôi như vậy. Năm 2001, Tuấn tham dự cuộc thi “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của chúng em”, được Trung ương Đoàn tặng giấy khen.

Cậu bé mù và giải thưởng quốc tế ảnh 2
Hai anh em Tuấn - Quỳnh cùng học bài. Ảnh: THÁI DƯƠNG

Các cuộc thi “Tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” v.v..., em đều làm bài dự thi và được Ban tổ chức tặng bằng khen, giấy khen. Tháng 9-2005, Tuấn tham gia cuộc thi “Chữ Braille trong cuộc sống của tôi” do Hiệp hội người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Khi vào xét giải, ở vòng 1 của quốc gia, bài của Tuấn đoạt giải nhất và được gửi đi tham dự quốc tế. Rồi Vũ Văn Tuấn đã vinh dự được nhận giải nhì khu vực Đông Nam Á.

Ngày Tuấn nhận giải, các thầy, cô giáo, bạn bè cùng trường ùa đến chúc mừng em trong niềm hân hoan. Cả nhà Tuấn, ai cũng mừng. Người vui nhất là chị Hoa, vì Tuấn đã không phụ công chăm sóc của cả gia đình và thầy, cô giáo. Theo đề nghị của tôi, gia đình Tuấn cho xem tập bản thảo bài dự thi. Trong đó, có đoạn Tuấn viết: “Tôi nghĩ, mình không thể phụ lòng cha, mẹ và thầy, cô giáo, đặc biệt là sẽ có lỗi với ông Lu-i Bơ-rai nếu như mình bỏ học. Vì ông ấy đã sáng tạo ra chữ Braille và muốn rằng tất cả người mù trên thế giới này đều được học tập và hòa nhập với cộng đồng...”.

Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, Tuấn ở nhà giúp mẹ làm những việc nhẹ nhàng, chăm chú nghe các chương trình phổ biến kiến thức của Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi ghi lại những kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt bằng chữ Braille, sau đó tính toán kỹ lưỡng và chỉ cho mẹ áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, kinh tế gia đình Tuấn dần dà đỡ hơn.

Chia tay với Tuấn, trên đường về tôi vẫn nhớ mãi lời thổ lộ của em về những mơ ước sau này: “Có thể là quá cao so với một người mù như em nhưng em sẽ cố gắng phấn đấu hết sức mình, trở thành một thầy giáo dạy chữ nổi cho các em nhỏ cùng cảnh ngộ. Rồi nữa, em muốn được theo học một lớp tin học dành cho người khiếm thị. Nhưng em đang lo rằng khi lên cấp III, liệu có ngôi trường nào nhận em vào học như mái trường ở quê em không, hả anh? ’’.

Tuấn ơi, mọi người không ai bỏ mặc em đâu. Hãy cố gắng lên, em nhé! 

THÁI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục