Chúng ta phải bay đến nước Mỹ

Chúng ta phải bay đến nước Mỹ

Tôi xin nói ngay, đến bây giờ, Việt Nam chưa “thông hàng” đến nước Mỹ. Nghĩa là Hãng Hàng không Việt Nam chưa có tuyến bay chính thức đến Hoa Kỳ. Bài viết này đề cập một thực tế, đòi hỏi chúng ta phải vươn cánh bay xa, phải mạnh dạn, phải có ý chí mạnh mẽ để đưa ngành hàng không Việt Nam đàng hoàng ngồi ở “chiếu trên”.

  • Quá khứ và hiện tại

Còn nhớ năm 2004, phóng viên của một tờ báo tại thành phố Hồ Chí Minh hỏi một lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA) “chừng nào chúng ta có đường bay dân dụng đến Mỹ” thì được trả lời năm 2005 sẽ có. Năm 2005 lại hỏi, được trả lời năm 2006. Được biết, gần đây Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng có câu hỏi: “Đường bay sang nước Mỹ như thế nào?”. Người viết bài này nghe nói, lãnh đạo VNA chưa trả lời được.

Chúng ta phải bay đến nước Mỹ ảnh 1

Năm 1965, người Mỹ mang máy bay hiện đại, đưa 12 Hàng không mẫu hạm, chứa gần ngàn máy bay đánh Việt Nam. Lúc đó, chúng ta chỉ có một trung đoàn với chỉ gần 30 chiếc Mig- 47 cũ kỹ, lạc hậu. Vậy mà, Việt Nam đã làm cho cả thế giới kinh ngạc bằng những chiến thắng vang dội. Chúng ta đã đàng hoàng xếp hàng ở phía trên, chẳng chịu lép vế với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Cũng trong chiến tranh, các chiến sĩ ngành hàng không dân dụng đã bay hàng trăm chuyến chuyên cơ chở những nhà lãnh đạo quốc gia đi thăm và làm việc với các nước trên thế giới; chuyên chở hành khách, hàng hóa đến các vùng xa xôi, vượt qua hàng rào những máy bay tiêm kích Mỹ luôn rình rập và ngăn chặn.

Điều đặc biệt làm cho cả nước tự hào, những chiến sĩ của trung đoàn vận tải hàng không đã dũng cảm mang rốc-két, bom, đạn cối đánh chìm tàu biệt kích Mỹ ngụy, tấn công trạm Rađa Pathí của Mỹ ở Lào, đánh căn cứ Long Chẹng, thả dù và đánh căn cứ của Mỹ, đánh tàu chiến Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Trong những chiến công hiển hách của Trung đoàn bay Hàng không dân dụng, có việc sử dụng chiếc IL-14 với những phi công ngoan cường, tiếp viên hàng không xinh đẹp và rất dũng cảm (cô Kim Thu), đã vượt đường dài xuyên quốc gia, vượt qua những hiểm nguy trên đường, bay trong đêm, không có phương tiện dẫn đường từ Gia Lâm hạ cánh an toàn xuống sân bay Pôchengtông (Campuchia), đón Hoàng thân Xuvanaphuma về Khang Khay để lập Chính phủ liên hợp 3 phái ở Lào... Có lẽ, những chuyến bay của chiếc IL-18 BH 195 chở đoàn đại biểu cấp cao sang Paris đàm phán với Mỹ hồi đó đã làm cho cả nước xúc động, tràn đầy niềm tin rằng Việt Nam của ta một ngày nào đó, vượt không trung, sẽ bay đến bất kỳ nước nào trên trái đất này.

Tôi muốn viết đôi dòng trong quá khứ để nói rằng, hôm nay trong điều kiện như mơ, chúng ta không có lý do gì để phải chịu xếp vào hàng các quốc gia kém cỏi, phải chịu ngồi chiếu dưới trong “làng hàng không”.

Chúng ta cũng biết rằng, ở nước Úc chỉ có 200 ngàn Việt kiều. VNA mỗi ngày bay đến Úc một chuyến, vậy mà “chở hoài không hết”! Còn ở Mỹ, Canada, số Việt kiều đông gấp 10 lần ở Úc, tiềm năng đường bay hết sức to lớn. Hiện nay, nhà chức trách Mỹ quyết định cử Hãng United Airlines (UA) để bay đi Việt Nam, đã tổ chức mỗi ngày một chuyến.

Và, nước Mỹ sẵn sàng để đón Việt Nam bay sang. Chính phủ ta đã cử VNA đàm phán và tổ chức đường bay sang Mỹ nhưng vẫn chưa tổ chức được, dù đã nhiều năm? Thị trưởng Sanfrancisco nói: “Tôi ủng hộ, tôi đang chờ Việt Nam để khánh thành một đường bay hoàn chỉnh”. Ngụ ý của ông thị trưởng là bây giờ chỉ mới có hàng không Mỹ làm con thoi Mỹ - Việt Nam – Mỹ, ông mong có những tuyến “thông hàng” Việt Nam – Mỹ - Việt Nam.

  • Nối cánh sang đại dương

Chúng ta phải bay đến nước Mỹ ảnh 2
Đại tá Nguyễn Thành Trung (bìa phải) trong ngày khai trương tuyến bay Việt Nam - Nhật

Chúng tôi xin đưa ra vấn đề thứ nhất để sớm tổ chức những tuyến bay dân dụng sang Hoa Kỳ, đó là yếu tố “thiên địa”. Tôi nghĩ rằng, nếu lấy compa đặt tâm tại Hà Nội quay vài vòng thì vòng ngoài ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, thậm chí Brunei đều đã có những chuyến bay dân dụng thường xuyên bay sang Hoa Kỳ. Còn vòng trong là Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam chưa tổ chức được với nhiều lý do. Nghe nói, Campuchia sắp bay sang Mỹ, trong thời gian không xa.

Vấn đề thứ hai, bay sang Hoa Kỳ sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam. Chúng ta sẽ có mặt ở Mỹ, cờ đỏ sao vàng sẽ xuất hiện thường xuyên trên bầu trời nước Mỹ, chúng ta sẽ có lợi về kinh tế, về chính trị và cả về văn hóa. Chỉ riêng lợi ích kinh tế, người viết được biết, năm qua, chỉ qua việc “bán ké” – nghĩa là bán vé cho những chuyến bay do người Mỹ tổ chức - đã thu về cho đất nước được 21 triệu đôla Mỹ.

Vấn đề thứ ba, người Mỹ đã bay đến Việt Nam gần 2 năm nay. Tôi biết rất rõ, dư luận của kiều bào ở Mỹ, ở Canada và nhân dân ta ở trong nước đang mong mỏi máy bay của Việt Nam sẽ có mặt. Họ muốn ngồi trên chiếc máy bay do người Việt Nam lái, do nhân viên Việt Nam phục vụ. Những kiều bào ở Mỹ hiểu rất rõ các hãng hàng không bay đến nước Mỹ là những hãng có tầm cỡ quốc gia hạng cao. Họ muốn vị thế của Việt Nam không phải cứ mãi ở thứ hạng thấp so với các hãng hàng không khu vực.

Có lẽ, điều mà cho tới nay, chúng ta chưa nối cánh bay sang bên kia đại dương là vì Việt Nam hiện không đủ máy bay. VNA mới chỉ có Boeing 777, hai động cơ. Máy bay này cũng có thể bay đến Mỹ. Nhưng nếu có loại 4 động cơ thì quá tuyệt vời, ta sẽ không còn thua kém ai! Điều làm cho lãnh đạo của VNA còn phân vân vì chi phí thuê máy bay loại này khá cao (gần 1 triệu USD/tháng); điều thứ hai là giai đoạn đầu sẽ không có lãi.

Được biết, đường bay đi Pháp đã mở gần chục năm nay, chưa bao giờ có lãi nhưng nó vẫn được duy trì tốt đều đặn… Mở một đường bay đòi hỏi phải có thời gian để có thể phát sinh lợi nhuận. Một điều khó khăn nữa là sự tính toán của các chuyên gia Hàng không Việt Nam: đường đi Mỹ quá xa, phải dừng kỹ thuật ở Nhật, ở Đài Loan, ở Hàn Quốc để lấy dầu, bất lợi cho kinh doanh. Có lẽ VNA muốn có thương quyền 5, tức là có bán vé, có khách lên máy bay để đi tiếp nhưng các nước có điểm dừng đó lại chưa chịu, cho nên VNA vẫn còn loay hoay.

Đứng trên tổng thể nền kinh tế của Việt Nam - đặc biệt là du lịch, thương mại và công nghiệp, nước ta rất cần có đường bay tới Mỹ. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã có hàng trăm đại lý bán vé của người Mỹ ăn hoa hồng, đã có đại diện tại Mỹ và Canada, có tiền luân chuyển bằng tiền bán vé lên đến hàng chục triệu đôla mỗi năm thì việc thuê vài chiếc Boeing không phải là không làm được. Đội ngũ phi công Việt Nam đã sẵn sàng bay đến nước Mỹ. Tôi đem vấn đề này hỏi đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung, đồng thời là Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Anh Trung nói: “Tôi cho rằng, bay tới Mỹ là thể hiện trách nhiệm đối với Đảng, đối với đất nước, với hơn tám chục triệu nhân dân và hai triệu kiều bào đang làm ăn sinh sống ở Bắc Mỹ, họ luôn mong muốn về thăm quê hương. Đấy là một đường bay có tiềm năng, phải tập trung nguồn lực để cánh bay Việt Nam vươn tới nước Mỹ. Đó là nguyện vọng và mong ước của tôi, đồng thời là chấp hành chỉ thị và ý nguyện của các nhà lãnh đạo Việt Nam”. 

LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục