Vừa nhai trầu... vừa vẽ

Vừa nhai trầu... vừa vẽ

Thật khó hình dung tác giả của gần 1.000 bức tranh, liên tiếp xuất hiện tại hơn một chục cuộc triển lãm là một cụ bà đã 85 tuổi và chưa từng được qua trường lớp đào tạo chuyên môn. Một điều thú vị khác, tên riêng của cụ bà có tài về hội họa ấy cũng là một trong 4 loại tài hoa - cầm, kỳ, thi, họa: bà là Lê Thi.

  • “Nàng thơ” cầm bút vẽ…

Vừa nhai trầu... vừa vẽ ảnh 1

Bà Lê Thi bên các tác phẩm của mình.

Bà Lê Thi quê gốc ở Thanh Hóa nhưng phần lớn cuộc đời bà sống ở thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây) cùng con cháu. Làng Xa La - một làng nhỏ xinh xắn nằm kề bên dòng sông Nhuệ hiền hòa - đã trở thành quê hương thứ hai của bà.

Khuôn viên của gia đình bà Lê Thi nằm sát bờ sông, rộng như một trang trại, cây cối xanh tươi tỏa bóng mát rượi tạo cảm giác êm đềm, thư thái. Cách khoảng sân gạch là ngôi nhà hai tầng mái bằng khang trang. Căn nhà sàn rộng rãi dựng liền kề phía sau là nơi sáng tác, cũng là phòng tranh của bà.

Bà Lê Thi có vóc người nhỏ nhắn, lưng đã còng, nét mặt hiền hậu và giọng nói nhỏ nhẹ dễ nghe. Vừa tiếp chuyện khách, bà vừa thong thả ngoáy trầu trong cái cối nhỏ bằng đồng. Bà khoe từ năm 1997 đã có tranh tham dự 2 cuộc triển lãm.

Năm 1998, tranh của bà có mặt ở 3 cuộc triển lãm, trong đó có Triển lãm tranh Quốc tế của phụ nữ Pháp với phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội, do nữ danh họa Điềm Phùng Thị tổ chức với sự góp mặt của 34 tác giả nữ. Năm 1999, bà tham gia tiếp 3 cuộc triển lãm khu vực. Đặc biệt tháng 6 năm 2000, UBND thành phố Thanh Hóa đã trân trọng tổ chức Triển lãm tranh “Quê”, giới thiệu những sáng tác của bà với công chúng quê hương.

Trên bức tường phòng khách gia đình được treo một số tác phẩm của bà như Làng Hà Trì, Chợ vùng cao, Mảnh ao làng, Mo cau (tác phẩm được trao giải Nhì giải thưởng VHNT Nguyễn Trãi năm 2000)…

Chúng tôi chú ý đến một bức tranh treo ở vị trí trang trọng nhất có tên Tựa cửa. Trong tranh, một bà cụ ngồi bên bậu cửa như đang ngóng trông, bên cạnh chỉ có con mèo nhỏ, xa xa là cánh đồng mênh mông, một con đường đất vắng vẻ dài tít tắp trong buổi chiều tà. Chúng tôi được biết đã có nhiều người muốn mua bức tranh này nhưng bà không bán.

Bà kể ngày ấy con trai bà hay phải đi công tác xa, nhớ con, bà vẽ bức tranh thay lời nhắn nhủ: “Con đừng đi lâu mà mẹ ngóng mong”. Bức tranh đối với bà như kỷ niệm của một thời vất vả, gian nan và một minh chứng về tình mẫu tử thiêng liêng.

Có lẽ hầu hết sáng tác của bà đều xuất phát từ cái nhìn đầy mẫn cảm với cuộc đời. Từ những tranh phong cảnh vùng quê Thanh Hóa nơi bà sinh ra (như Quê cũ, Miền quê yên tĩnh, Những người cào hến, Sông núi đất Thanh...) đến những tranh về sinh hoạt thường nhật nơi bà đang sống (như Đàn gà, Bến nước, Đồng quê, Cây đa sông Nhuệ…) đều ẩn chứa bao nỗi niềm, bao tình cảm yêu thương đằm thắm.

  • Còn sức là còn vẽ…

Bà Lê Thi bước vào làng hội họa không như nhiều họa sĩ khác. Bà chưa từng được qua một lớp học vẽ dù là nghiệp dư, cũng chưa xem một họa sĩ nào vẽ tranh. Theo lời bà kể thì hồi nhỏ bà ham vẽ lắm, có đồng tiền mừng tuổi nào là dành dụm mua bút chì và giấy để vẽ. Sau này lớn lên, đi công tác, rồi làm bổn phận người mẹ với bao nỗi lo toan vất vả, niềm đam mê thuở ấu thơ tưởng chừng như đã vĩnh viễn qua đi.

Nhưng rồi như duyên phận với nghề vẽ, lần ấy, người con trai học ở nước ngoài gửi một hộp màu vẽ về cho cháu nội. Thế là bà dạy cháu, rồi cả hai bà cháu cùng vẽ. Đầu tiên chỉ là những minh họa đơn giản theo câu chuyện cổ tích như chàng Thạch Sanh dũng cảm bắn đại bàng cứu công chúa, hoàng tử và cô Tấm trong hội thử hài, những nàng tiên cá bơi lội dưới biển xanh…

Rồi dần dần, những tác phẩm đầu tay của bà đã thực sự ra đời từ hộp màu của trẻ con. Những bức vẽ thể hiện ký ức, sự hồi tưởng, hay đơn thuần mô tả cảnh vật nơi bà đang sống. Những bức vẽ ban đầu chỉ nhỏ bằng bàn tay đã đem đến cho bà bao niềm vui, bao hạnh phúc. Sau đó bà vẽ những bức tranh to hơn. Không có tiền mua vải, bà vẽ lên giấy, bà lấy cả vỏ bao tải bột mì căng lên, quét hồ nhiều lần để vẽ.

Từ năm 1994, điều kiện kinh tế gia đình có khá hơn, bà bắt đầu vẽ được nhiều tranh với hệ thống các đề tài khác nhau về phong cảnh, về cuộc sống sinh hoạt và thể hiện những ý tưởng riêng. Vừa vẽ bà vừa rút kinh nghiệm. Càng vẽ bà càng ham.

Tranh của bà thường sử dụng chất liệu sơn dầu. Bà thích lối vẽ ngẫu hứng, tự do không câu nệ vào bất cứ quy tắc không gian nào. Có lẽ điều đó làm tranh của bà độc đáo mà vẫn gần gũi, hài hòa trong bố cục với những đường nét mềm mại duyên dáng.

Có thể bà chưa được công chúng biết tới nếu không có bài báo Người đảng viên già cầm bút vẽ. Bà kể lại với thái độ quý trọng:

– Sau bài báo, ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa biết và cùng Vụ Mỹ Thuật xuống thăm tôi. Ông hỏi: “Cụ có muốn triển lãm không”, tôi trả lời là muốn. Thế rồi, ông trao đổi với Vụ Mỹ Thuật, UBND tỉnh Hà Tây tạo điều kiện cho tôi mở riêng một phòng tranh ở Trường Đại học Mỹ Thuật vào năm 1997. Lần ấy, tôi mang trưng bày 77 bức tranh. Cả nhà tôi đều rất mừng vì lần đầu tiên được triển lãm tranh, mà lại ở Hà Nội.

Chúng tôi hỏi:

– Thưa bà, sắp tới bà có dự định gì về sáng tác tranh?

– Tôi đã sang tuổi 85. Hôm Tết, các anh ở Sở VHTT, Hội VHNT đến mừng thọ đều chúc tôi sáng tác nhiều tranh. Tôi nghĩ mình già rồi, sức cũng yếu rồi, việc mình làm được là vẽ tranh. Vẽ tranh vừa là nguồn vui, vừa phục vụ đất nước. Hội Mỹ thuật cũng đến tặng quà và chúc mừng tôi. Lại còn những người yêu tranh tôi, họ động viên và biếu họa phẩm, khung tranh. Các con tôi ủng hộ, giúp tôi nhiều lắm.

Cứ vào dịp đầu xuân là lại mở phòng tranh tại nhà. Căn nhà sàn làm phòng trưng bày cũng là do con cháu và bạn bè yêu tranh dựng giúp cho. Hôm vừa rồi, có bà khách nước ngoài của tổ chức Quỹ Hỗ trợ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển đến thăm. Bà khách cứ cầm tay tôi mà lắc mãi: “Cụ còn vẽ được như thế này thật là quý quá”. Tôi nghĩ hễ còn sức là tôi còn vẽ.

QUÁCH HƯƠNG
 

Tin cùng chuyên mục