Tận tâm, tận lực với sách địa chí

Tận tâm, tận lực với sách địa chí

Nhà địa chí học đầu tiên của miền Bắc - cụ Nguyễn Tú (ở Quảng Bình) - bắt đầu nghiệp viết sách khi tuổi đã 60. Để rồi “cái đẹp của đất nước, chiều sâu của lịch sử, cái sinh động của cuộc sống hàng ngày, cái đa dạng của cỏ cây, tôm cá… hiện lên trong nhiều trang với lời văn của một nhà sinh học, một nhà dân tộc học và dĩ nhiên là của một nhà văn…” (lời đánh giá của Giáo sư Nguyễn Khắc Viện).

  • Cuốn địa chí làng thứ nhất

Cụ Nguyễn Tú sinh năm 1920 tại xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình trong một gia đình nho học. Tham gia cách mạng khi tuổi 20, đến năm 1964 cụ được chuyển qua bộ phận nghiên cứu, viết lịch sử Đảng. Chính trong thời gian làm công việc này mà mơ ước được làm một điều gì đó cho quê hương nảy nở trong suy nghĩ của cụ.

Tận tâm, tận lực với sách địa chí ảnh 1
Viết sách, ôn luyện chữ Hán, chữ Nôm – chuyện thường ngày của cụ Nguyễn Tú.
Ảnh: MINH PHONG

Tuy nhiên, phải đến năm 1981, cụ mới có điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình. Với đề tài “Quảng Bình từ thời Lâm Ấp đến thời hiện đại”, cụ chọn Bảo Ninh để viết cho hết nguồn cội quê hương. Năm đó, cụ Nguyễn Tú đã ngoài 60, thân lại mang trọng bệnh và thêm người vợ mù lòa nhưng ông vẫn âm thầm nhẫn nại học lấy tiếng Pháp, ôn lại chữ Nho, chữ Nôm để tìm hiểu gia tài tư liệu cha ông để lại. Tất cả đều được thực hiện trong túp lều nhỏ của ông trên bời bời động cát Bảo Ninh.

Bắt tay viết cuốn địa chí làng đầu tiên, mới thấy chẳng hề đơn giản. Lúc đó tri thức của cụ về mảnh làng sinh ra mình chỉ đặng hai câu “Văn La song hiệp biện, Trung Bính tứ thượng thư”. Cụ giải nghĩa, mảnh làng chơ vơ bên mép biển Trung Bính có bốn vị quan làm đến chức thượng thư, làng Văn La bên cạnh xứng lại hai vị quan hiệp biện - chánh nhất phẩm. Cụ đã phải mất hàng năm hầu chuyện các bậc lão làng về truyền thuyết, chuyện cũ tích xưa của Bảo Ninh để đối chiếu, tái hiện, tìm dấu vết cũ mà viết cho đúng nơi xuất xứ sự vật, sự việc.

Sáu năm ròng rã điền giả, thu thập tài liệu và viết. Cuối cùng, cuốn Địa chí Bảo Ninh của tác giả Nguyễn Tú ra đời và được đón nhận trân trọng với giải A Giải thưởng cố đô Huế lần thứ nhất. Khi đọc tác phẩm này, GS Nguyễn Huệ Chi đã không tiếc lời: “Cả một thế giới riêng biệt đóng khung trong một cái làng hết sức bình thường, bỗng từ sách của ông Nguyễn Tú mà sống lên, cựa động trăn trở và tự tìm lấy giá trị của mình”.

  • Chữ tâm của ông già viết sách

Cái ngày cụ Nguyễn Tú chạm bút với địa chí làng xã đến nay đã tròn 26 năm. Bắt đầu sự nghiệp khi bệnh lao biến chứng phải cắt đi một lá phổi, từ đó đến nay, cuộc sống của cụ duy trì chỉ với một lá phổi và bằng đồng lương hưu không quá 400.000 đồng/tháng. Thế mà đến nay, cụ đã xuất bản hơn mười tập sách viết riêng về địa chí, danh nhân, lịch sử, non nước Quảng Bình; năm tập danh nhân Bình Trị Thiên và Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Quảng Bình soạn chung với các tác giả khác.

Năm 1998, cụ được Hội Văn học dân gian VN tặng giải ba cho tác phẩm “Quảng Bình non nước quê hương”. Địa chí huyện Hương Thủy (in chung) cũng được tặng giải nhì năm đó. Địa chí Đồng Hới được tặng giải A Hội Văn nghệ dân gian VN năm 1999 cùng nhiều giải thưởng khác.

Để hoàn thành những tác phẩm địa chí đầy đủ ngọn nguồn, cụ Nguyễn Tú đã trải qua nhiều hành trình nhọc nhằn nhằm chăm chút giữ gìn hương hỏa của đất đai xứ sở qua từng trang sách. Có khi cụ khăn gói ra Thư viện Quốc gia ở Hà Nội để đọc, ghi chép lại tư liệu. Rồi lại thấy cụ vào Sài Gòn, nương nhờ Hội đồng hương Quảng Bình nơi ăn chốn ở để đến các thư viện lớn, tiếp tục đọc và chép tài liệu. Hết ở thư viện, cụ lại tìm về vùng Lục tỉnh (Đồng bằng sông Cửu Long) tìm hiểu dấu xưa của bậc mở cõi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - vốn có gốc gác Quảng Bình, rồi theo lại dấu cũ ấy để tái hiện cho được những cuộc di dân trước đây của người miền Trung vào Nam theo Lễ Thành Hầu.

Tận tâm, tận lực với sách địa chí ảnh 2
Những cuốn sách địa chí làng của cụ Nguyễn Tú.

Bước chân của cụ đã lang bạt hầu khắp xứ sở cần đến. Nhiều nhất vẫn là Quảng Bình. Tuổi đã cao, sức có hạn nhưng cụ vẫn đi thuyền vượt sông Long Đại để tận mắt, tận tay vượt qua 16 thác ghềnh hiểm trở, với kinh nghiệm vượt thác bằng một bài vè cổ sưu tầm được từ dân địa phương. Vượt được 16 thác, cụ xuôi về núi Đại Phúc khảo sát nơi chôn nhau cắt rốn của đức ông mở cõi trời Nam Nguyễn Hữu Cảnh. Rồi trèo lên núi Chóp Chài Trung Thuần vạch lau lách, tái hiện lại bản đồ thế trận nghĩa quân Lê Trực giúp vua Hàm Nghi đánh Pháp. Đến lúc chân đã run, mắt đã mờ vì tuổi 75 cụ vẫn đủng đỉnh qua Đèo Ngang tìm vết tích thành Lâm Ấp của 2000 năm trước. Những chuyến đi đó, cụ ghi, sắp xếp tuần tự, viết thành địa chí. Những tác phẩm cụ viết ra được người đời đón nhận nhiệt liệt.

  • “Hỏi chi xuân cũng không hề nói”

Đã ngoài tuổi 86, cụ Tú vẫn mỗi ngày dành 8 tiếng cầm bút viết sách. Khoảng thời gian còn lại, cụ ôn vốn tiếng Hán, tiếng Nôm, học thêm từ mới tiếng Pháp. Trong căn nhà nhỏ, cụ thổ lộ: “Viết sách phải chuẩn xác quá khứ để tránh tổn thương, xúc phạm tâm linh và tránh bất hòa giữa cộng đồng cư dân vì không có tình người thì không có làng xóm, không có phong tục, truyền thống, và như vậy con người không thể tồn tại, vươn lên trên mảnh đất nghèo khó khắc nghiệt. Tôi luôn cố gắng trọn nghĩa lễ độ với những bậc tiền nhân”. Với nguyên tắc bất di bất dịch đó, tác phẩm nào cụ viết ra cũng mang một thần thái khách quan. Định danh rõ ràng từng tên đất, tên làng, phân giải tường minh những tên tuổi lịch sử để hậu thế hiểu đúng cha ông.

Ý thức được cái tuổi xế bóng của mình, cụ Nguyễn Tú đang gấp rút hoàn thành bộ sách (5 tập) “Những nét đẹp văn hóa Quảng Bình” gồm Nhân vật chí (nét đẹp con người Quảng Bình), Sơn thủy chí (nét đẹp của sông núi Quảng Bình), Ngôn chí (nét đẹp của lời ăn tiếng nói người Quảng Bình), Phong tục chí (nét đẹp của phong tục đất Quảng Bình), Văn chí (nét đẹp của lời ca tiếng hát dân gian). Bộ sách 5 tập này mỗi cuốn khoảng 1.000 trang in đã khiến cụ không một ngày ngơi nghỉ, hiện đã xong một phần bản thảo.

Là người đã cầm bút giữ gìn phong hóa đất quê với một quyết tâm phi thường nhưng mỗi lần tiếp chuyện với tôi, đằng sau cái tinh anh của đôi mắt sáng quắc là cả một biển trời đong đầy nước mắt tâm tư. Trong thư phòng của ông, những trĩu nặng ấy thốt lên thành thơ gửi vào “Cánh hạc”, “Đường mây”, vào “Xuân” như sự sẻ chia âm thầm mà tôi từng bắt gặp khi ông họa bài “Xuân” lên tường:

Đã mấy Xuân rồi Xuân đến tôi
Bao nhiêu Xuân khổ mấy Xuân tươi?
Hỏi chi Xuân cũng không hề nói
Chỉ thấy Xuân hoa mỹ nụ cười!  

MINH PHONG - TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục