Đường đến Phú Quý còn xa...

Đường đến Phú Quý còn xa...

Là người thích du lịch, tôi đã đến khá nhiều hòn đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang)…, mỗi đảo đều có vẻ đẹp riêng, nhưng đảo Phú Quý đã để lại trong tôi cảm xúc đặc biệt. Có lẽ bởi đảo Phú Quý còn xa xôi quá và hòn đảo tiền tiêu này ẩn giấu nhiều thứ lạ.

  • Đảo đẹp, đảo giàu

Đường đến Phú Quý còn xa... ảnh 1

“Vương quốc” cá mú Lạch Dù - Phú Quý.

Sau gần 6 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, hình ảnh đầu tiên của đảo Phú Quý đập vào mắt tôi là cảnh cảng Phú Quý tấp nập thuyền bè. Đặt chân lên đảo, tôi tìm cách “đột nhập” vào Lạch Dù – nơi được mệnh danh là “vương quốc” cá mú nuôi bán tự nhiên lớn nhất nhì ở Việt Nam.

Toàn Lạch Dù có gần 60 hộ bè với khoảng 600 vuông lồng. Cá mú nuôi ở đây chủ yếu có hai loại: mú đỏ (bắt từ thiên nhiên ở biển) và mú cọp hay còn gọi mú đen (mua giống từ Đài Loan).

Thịt cá mú trắng, dai, ngọt, không tanh, được xem là đặc sản trong các nhà hàng và xuất khẩu ra nước ngoài. 1kg cá mú đỏ giá từ 300.000 đồng – 350.000 đồng, cá mú đen từ 170.000 đồng – 200.000 đồng (mua tại bè). Cá mú chế biến được nhiều món như nấu cháo, nấu canh, hấp gừng, nướng... đều rất ngon. Mỗi năm xuất khẩu cá mú đem về cho Phú Quý hàng tỷ đồng.

Với diện tích 16,52km2, nhìn trên bản vẽ, Phú Quý có hình chữ nhật lệch. Hòn đảo này có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là về kinh tế biển, dầu khí và an ninh quốc phòng. Tuy là huyện nhưng Phú Quý chưa có thị trấn, huyện lỵ. Toàn đảo có 3 xã: Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải. Trung tâm hành chính huyện đặt tại xã Ngũ Phụng, cách cảng cá Phú Quý 5km.

Ông Huỳnh Văn Hưng – Chủ tịch huyện đảo Phú Quý - cho biết trong tương lai, trên đảo sẽ hình thành 4 cụm thương mại, du lịch, hành chính và công nghiệp. Hiện nay dân số gần 25.000 người, trên đảo có trường học từ cấp I đến cấp III. Năm 2005, có đến 280 em đang học trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học ở Phan Thiết, Đà Lạt, TPHCM...

Đối với kinh tế biển, Phú Quý hướng đến phát triển ngành thủy sản có giá trị cao để xuất khẩu. Toàn đảo hiện có tổng số thuyền máy 1.024 chiếc, trong đó 559 chiếc thuyền có công suất dưới 20CV, 460 chiếc lớn hơn 20CV, 5 chiếc công suất trên 90CV có thể đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng khai thác hải sản tươi các loại mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn.

Phú Quý không chỉ giàu tiềm năng mà còn đẹp về cảnh trí thiên nhiên. Ba ngọn núi Ông Đụn (cao 40m), Cao Cát (70m), núi Cấm (106m) tạo sự hùng vĩ cho đảo. Phú Quý còn có nhiều danh thắng và bãi biển tuyệt đẹp như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ – Gành Hanh... rất tốt để hình thành nên những khu du lịch biển.

Quanh đảo có nhiều đảo nhỏ không người ở, chỉ có hòn Tranh rộng 3km2, nằm cách đảo Phú Quý chừng 500m thì có 7 nhà dân, có nhiều ghềnh đá hoang sơ và đặc biệt là bãi tắm sạch đẹp. Ngoài khơi hòn Hải có cột mốc biên giới trên biển, hòn Đồ Lớn là một sân chim trên biển kỳ thú. Ngoài ra, Phú Quý còn nhiều ngôi cổ tự như Linh Sơn nằm trong hang núi trên núi Cao Cát, Linh Quang cổ tự, mộ Thầy...

  • Nhưng còn xa

Tháng 1-2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển khu kinh tế đảo Phú Quý theo mô hình khu kinh tế đặc thù, trong đó xây dựng khu mậu dịch tự do gắn với cảng biển Phú Quý và khu công nghiệp chế biến phục vụ phát triển ngành hải sản trong khu vực.

Phú Quý nằm trong danh mục 16 khu bảo tồn cần được bảo vệ. Đảo có 2.300ha thềm lục địa, được vành đai san hô dày bao quanh. Phú Quý rất đa dạng sinh học, có 70 loài thực vật ở cạn, 72 loài tảo biển, 134 loài san hô cứng và 15 loài nhuyễn thể.

“Đảo đẹp nhưng còn xa quá, ước gì đường đến Phú Quý gần hơn” - trên chuyến tàu trở về đất liền, nhiều người trong đoàn nói như vậy. Nếu so Vũng Tàu với Côn Đảo, Rạch Giá với Phú Quốc thì Phan Thiết với Phú Quý không xa hơn (đảo cách Phan Thiết 120km, khoảng 56 hải lý).

Tuy nhiên, cái xa ở đây là cách trở về đường giao thông ra đảo. Phú Quý chưa có sân bay như Côn Đảo, Phú Quốc. Để giải quyết việc đi lại giữa đảo và đất liền, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư 2 tàu thủy Bình Thuận 16 và Bình Thuận 18, sức chở khoảng 150 khách.

Ngoài ra còn có 3 tàu của ngư dân công suất nhỏ hơn, bình quân 3 ngày mới có một chuyến ra đảo và về đất liền. Người dân xứ đảo vì hoàn cảnh phải chấp nhận việc đi lại như vậy, còn đối với du khách, một cuộc hành trình trên biển dài 6 giờ đồng hồ thì quá mệt. Chưa nói đến biển Bình Thuận – miền Trung luôn có gió mùa Bắc hoặc Nam thổi nên thường tạo ra sóng ngang, tàu khách khó đi.

Toàn đảo hiện nay mới chỉ có 27km đường trải nhựa, còn lại là đường đất đỏ. Trên đảo chỉ có 4 nhà trọ ở khu vực cảng Phú Quý chủ yếu đón khách buôn bán. Điện (dùng cơ điện) chỉ có được 16 tiếng/ngày. Dịch vụ giải trí phục vụ cho chính người dân trên đảo gần như không có gì, chưa nói để phục vụ du khách. Trong những ngày ở đảo, tôi đi một số bãi biển thấy nhiều nhóm thanh thiếu niên tập tành uống rượu, hút thuốc. “Văn hóa vui chơi giải trí ở đảo này còn nghèo lắm, chưa có gì”, nhiều người dân đảo nói như vậy.

Tôi đem chuyện đảo Phú Quý bàn với mấy anh giám đốc công ty du lịch tại TPHCM, nhiều người đã từng ra đảo “vẽ” một bức tranh “Phú Quý – thiên đường du lịch” đầy hấp dẫn. Theo họ, muốn du khách đến Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nên đầu tư một đội tàu cao tốc công suất lớn ra đảo (trước đây cũng có một tàu cao tốc nhưng công suất nhỏ chạy không được); sớm xây dựng một sân bay đón các chuyến bay nhỏ từ TPHCM ra.

Bên cạnh đó, điện, nước, đường sá phải được nâng cấp và đầu tư thêm. Đặc biệt cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ du lịch phải có. Không cần đầu tư dàn trải, chỉ nên tập trung xây dựng một vài khu resort, khách sạn cao cấp có những dịch vụ khép kín cho khách sử dụng... Khi đó, chắc chắn Phú Quý sẽ hấp dẫn, bởi rất nhiều du khách, các nhà đầu tư chưa từng biết Phú Quý muốn ra khám phá hòn đảo mới mẻ này.

NGUYỄN TẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục