“Cha đẻ” một miền rừng

“Cha đẻ” một miền rừng

Trên lối mòn thâm u hun hút giữa cánh rừng già ở thung lũng Khe Xa Lau - nơi được coi là chốn “thâm sơn cùng cốc” vùng biên giới Việt-Lào, cái chân gỗ của thương binh 3/4 Hồ Mơ để lại những vết lõm kiểu như… con thú đánh dấu lãnh địa của mình! Tôi bỗng nghiệm ra rằng, hơn hai chục năm quăng quật giọt mồ hôi để giành giật sự sống cho rừng, “vết lõm” đó đã “đóng dấu” vào lý lịch thăng trầm của đại ngàn miền Tây Quảng Trị.

  • Mở đường năm nghìn mét
“Cha đẻ” một miền rừng ảnh 1

Hồ Mơ bên cửa rừng Khe Xa Lau.

Thung lũng Khe Xa Lau rộng hàng trăm hécta, nằm phía Đông bản Prin C, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đó là những cánh rừng già “sót lại” sau chiến tranh, nhưng cũng đã nhanh chóng trở thành “tọa độ chết” dưới lưỡi rìu của bọn lâm tặc. Bọn chúng đã mặc sức hoành hành chặt phá rừng và chỉ trong vòng 5 năm sau ngày hòa bình, rừng già Khe Xa Lau thoát chết trong chiến tranh đã bị hủy diệt bởi lâm tặc.

19 tuổi, chàng thanh niên Vân Kiều Hồ Mơ đã dám vào tận Khe Xa Lau tìm bộ đội để xin đi đánh giặc, rồi tham gia đánh đồn A Lưới (Thừa Thiên - Huế) năm 1969 và trở về bản làng với đôi chân không còn nguyên vẹn.

Vậy mà khi hòa bình, chính Hồ Mơ phải chứng kiến rừng bị tàn phá, đất đai xói mòn, lở lói từng mảng lớn, cuộc sống dân bản bị đe dọa và nhiều người đã nghĩ đến chuyện du canh du cư. Cựu chiến binh Hồ Mơ nói: “Mình nghĩ, hết chiến tranh rồi, rừng càng phải được bảo vệ. Phải gần rừng mới bảo vệ được rừng!” Hồ Mơ nghĩ như thế và đã làm như thế. Để ở gần rừng, ông “bấm bụng” rời gia đình và bản Prin C; một mình cầm rựa, cuốc xẻng, quang gánh đi mở “đường máu” từ thung lũng Khe Xa Lau về bản!

- Làm vậy là làm ngược. Đáng lẽ phải mở đường từ bản vào thung lũng chứ? Tôi hỏi.
- Ngược mà không ngược! Mình không muốn làm nửa chừng. Không thông đường về bản thì coi như không làm được như cái đầu mình suy nghĩ!

Chẳng ai biết Hồ Mơ làm gì trong rừng hoang, nơi con thú không còn chỗ ở. Thỉnh thoảng dân bản thấy “nó” về lấy cái ăn; bộ dạng, mặt mày, áo quần cũng không khác bọn lâm tặc. Cứ thế, ngót một tháng ròng bổ từng nhát cuốc, gánh từng gánh đất, con đường của Hồ Mơ len lỏi qua lau lách, uốn lượn 5 cây số và cuối cùng đã về thấu bản làng! Ông đã phải trả giá cho sự “quyết chí” và “suy nghĩ” của cái đầu bằng 2 tháng sốt rét nằm bẹp giữa nhà sàn! Bà Y Khanh - vợ ông, chăm sóc chồng không đêm nào chợp mắt. Bà kể: “Hồ Mơ đau không rên. Nhưng người run như con gà dịch, không ăn không uống cả tuần, dòm (nhìn) giống con ma một chân!”.

Sau đận ấy, bà tưởng chồng đã hết dại: Ai dè vừa khỏi bệnh, ông đã tập tễnh trên chiếc chân gỗ, đi đi lại lại ngắm nghía con đường cỏ bắt đầu mọc chạy mất hút dưới chân đồi. Lần này, Y Khanh phải theo chồng “làm ngược” thêm lần nữa vì lo cho sức khỏe của ông. Hồ Mơ “bàn giao” ngôi nhà mái ngói của mình cho em trai. Hai vợ chồng ông trở vào thung lũng, cùng nhau đào bới, gùi gánh, đắp thành một gò đất cao bên bìa rừng Khe Xa Lau và dựng lên đó một ngôi nhà sàn để tính kế lâu dài. Năm đầu trồng lúa nước, trồng ngô, sắn ở những rẻo đất hoang và khi đã có cái ăn, Hồ Mơ bắt tay vào việc trồng rừng và giữ rừng.

  • Khe Xa Lau xanh trở lại
“Cha đẻ” một miền rừng ảnh 2
Gia đình cựu chiến binh Hồ Mơ tại Khe Xa Lau.

Tính đến nay, vợ chồng Hồ Mơ đã định cư đúng 23 năm giữa thung lũng Khe Xa Lau. Nhớ lại những ngày đầu, ông kể: “Khi mình lên đây, lâm tặc đã đi rồi, gỗ cũng mang đi rồi”. Đứng trước hàng trăm hécta rừng đã tan hoang, Hồ Mơ bàn với vợ: “Mình vô đây là để bảo vệ rừng, rừng đã bị phá thì phải làm lại rừng!”.

Nói với vợ như thế nhưng Hồ Mơ thực sự chưa biết phải làm lại rừng bằng cách nào. Đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn, người thương binh mang họ Bác Hồ cứ khắc khoải nhìn vào khoảng không trước mặt, nơi rừng già xơ xác với muôn vàn vết chém. Và rồi ông chợt nhớ đến người y tá đã từng băng bó vết thương cho ông hồi đánh đồn A Lưới.

Hồ Mơ mừng rỡ: “Phải. Phải rồi! Làm lại rừng như người y tá!”. Việc đầu tiên là phải làm sạch cỏ dại và lau lách để cây non mọc. Hai vợ chồng không thể làm chuyện đó và ông đã có “sáng kiến” chăn nuôi trâu bò và dùng trâu bò để làm sạch cỏ dại. Mỗi tuần một lần, Hồ Mơ rào một khoảnh rừng nhỏ rồi thả trâu bò vào đó để chúng “làm cỏ”. Hết khoảnh rừng này chuyển sang khoảnh khác và cứ thế, năm này qua năm khác, cuối cùng chồi cây rừng đã có chỗ để sống, có đủ ánh nắng mặt trời để nảy lộc mới.

Rừng Khe Xa Lau bây giờ rộng bao nhiêu? Tôi ướm hỏi Hồ Mơ.
- Mình đi bộ từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn thì về đến nhà!
- Cây rừng lớn nhất bằng mấy?
- Hai người ôm. Hàng trăm cây cao lớn phải hai người ôm!
Hơn hai chục năm “làm lại rừng”, Hồ Mơ không nhớ rõ bao nhiêu lần tháo gỡ bẫy thú rừng của những người đi săn trộm và đuổi bọn lâm tặc. Ông là người tiên phong ở xã A Dơi trong phong trào vận động bà con cùng tham gia trồng và bảo vệ rừng. Nghe đâu, trong lần đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri xã A Dơi mới đây, lãnh đạo xã đã dẫn đoàn đi thăm thung lũng Khe Xa Lau và giới thiệu: “Hồ Mơ là “cha đẻ” của rừng đại ngàn miền Tây Quảng Trị!”.

LÊ MINH THẮNG

Tin cùng chuyên mục