Gian nan cái chữ ven đầm

Gian nan cái chữ ven đầm

Bóng chiều xuống thật nhanh. Nước đầm Cù Mông trong xanh, chớp mắt đã nhuộm màu hoàng hôn. Trên chiếc ghe nhỏ, vài đứa trẻ trạc tuổi 12-15 đắm nhìn theo dòng nước xa xa, rồi nói với nhau: Hôm nay, chỉ cần kiếm được vài con tôm, con mú giống là “vô mánh”. Dứt lời, bọn trẻ nhảy ùm xuống nước, quên mất lời dặn dò: “Phải ôn lại bài học cũ và chuẩn bị bài mới khi đến lớp” của thầy cô giáo…

  • Thợ “đụng” tuổi 15!

Vừa bước vào lớp, thầy giáo Nguyễn Văn Thiệu, Trường THCS Triệu Thị Trinh, xã Xuân Bình, huyện Sông Cầu (Phú Yên) đảo mắt khắp lớp học. Ở phía góc bàn gần cuối lớp, chỗ ngồi thường ngày của em Trần Văn Thọ bị trống. Không giấu được sự lo lắng, thầy ngao ngán thốt: “Hôm nay lại thêm một đứa bỏ học nữa rồi!”.

Gian nan cái chữ ven đầm ảnh 1

Những giờ học ở Trường THCS Triệu Thị Trinh đang thưa dần học sinh.

Ngay lập tức thầy báo cáo với giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường, tìm hiểu nguyên nhân và được biết lý do bỏ học của em Thọ là đi lặn bắt tôm, cá! Đây cũng là lý do chính khiến cho gần 60 học sinh khác bỏ học giữa chừng, chiếm tỷ lệ gần 7% trong số học sinh đang theo học tại trường. Trong đó, tập trung chủ yếu là con em ở ven đầm thuộc 2 thôn Thọ Lộc, Diêm Trường. Thầy Đỗ Nhuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là con số bỏ học giữa chừng rất đột biến mà chúng tôi gặp phải từ trước đến giờ”.

Trong căn nhà khá rộng, ông Trần Văn Nông - phụ huynh của em Thọ, phải lay gọi mãi mới đánh thức được cậu con trai học lớp 7 của mình. Bằng cái ngáp dài, chân bước cao bước thấp, cậu bé rề rà đi rửa mặt cho tỉnh táo. Cử chỉ của Thọ cho chúng tôi biết, đêm qua em không được ngủ. “Nó lặn bắt tôm, ghẹ suốt đêm. Về đến nhà là vùi đầu vào ngủ nên không còn sức đến trường” ông Nông giải bày. Mỗi đêm lặn như thế em kiếm được bao nhiêu?

Nghe hỏi, Thọ lẩm nhẩm rồi khẽ nói: “Khoảng 100 đến 150 ngàn đồng”. Một khoản thu nhập quả không nhỏ đối với lứa tuổi 12 – 15. Thấy cái lợi kiếm được “tiền tươi” mỗi ngày nên các em cứ rỉ tai rồi rủ nhau bỏ học đi lặn, đi soi, đi lưới gõ, đụng gì làm nấy miễn là kiếm được tiền. Cái biệt hiệu “thợ đụng” tuổi học trò mà người làng ven đầm gọi các em là vì thế.

Bao đời nay, làng ven đầm gồm 2 thôn Thọ Lộc, Diêm Trường luôn bám đầm Cù Mông (nối 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định) làm kế sinh nhai. Công việc kiếm ăn dưới đáy đầm, với họ đã thành nghiệp. Ngày trước, nghề đi lặn, đi soi gặp gì bắt nấy và “chiến lợi phẩm” rất phong phú, nhưng giá cả hải sản hồi ấy không cao. Bây giờ, mỗi đêm chỉ cần “săn” được vài con ghẹ, cá mú giống bé xíu là kiếm được bạc trăm. Do đó, việc mưu sinh dưới đáy đầm, hiện không chỉ thu hút người lớn mà còn cả lứa tuổi đang học phổ thông.

Do tính chất công việc diễn ra ban đêm nên không ít bậc cha mẹ tưởng sẽ không ảnh hưởng gì đến chuyện học của con em mình. Họ đâu biết rằng, sau một đêm đánh vật với sông nước, ban ngày bọn trẻ đến lớp chỉ biết ngáp dài, không tiếp thu được bài giảng. Mà đã không tiếp thu được bài thì kéo theo chán học, rồi nghỉ học là một tất yếu.

  • Thầy tìm trò - trò chạy!

Nhà ông Nông có 8 đứa con thì đã có 7 đứa chưa học hết lớp 9. Thọ là đứa nhỏ nhất nhưng mới đến lớp 7 cũng trốn ở nhà đi lặn kiếm tiền. Thầy Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và cả Trưởng thôn Diêm Trường Nguyễn Văn Thìn phải đi lại nhiều lần, phân tích “hết nước hết cái”, cậu học trò này mới quay về lớp mấy bữa nay. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi trong số những em bỏ học trở lại lớp.

Trẻ ven đầm bỏ học không phải vì kinh tế gia đình khó khăn mà phần lớn là do việc kiếm tiền ở đây tương đối dễ. Trẻ 12 tuổi đã có thể theo cha đi lặn, thả lưới. Hành trang chỉ là chiếc ghe nhỏ, hàng ngày cả gia đình có thể lang thang khắp mặt đầm. Nếu thợ lặn chuyên nghiệp có bình oxy, đồ lặn thì với dân làng đầm này chỉ “nhất y” cái quần cụt mà đối diện với thuỷ thần. Bởi khi đắm mình dưới đáy đầm, đâu đâu cũng mịt mùng là nước. Nếu gặp may mắn, thành quả lao động của một đêm lặn có thể hơn cả tháng lương công chức!

Thu nhập khá, trẻ em bước vào lứa tuổi học cấp 2 – 3 lần lượt bỏ ngang chuyện học. Cha mẹ thấy con nghỉ học nhưng kiếm được tiền nên “lơ” mặc cho lũ nhỏ muốn làm gì thì làm. Chỉ đến khi chính quyền, thầy cô giáo tìm đến nhà thì mới gãi đầu gãi tai: “Ồ… thầy! Tụi nó không muốn đến trường, lũ tui biết làm sao bây giờ?”.

Đây là câu nói thường trực của nhiều phụ huynh mà những người làm công tác vận động học sinh trở lại lớp luôn gặp phải. Có lẽ chưa ở đâu sự thuyết phục các em học hành lại khó khăn như ở nơi này. Ở trường, nếu nhắc nhở nhiều, hoặc gắt gỏng khi các em mắc lỗi, học sinh lập tức rời lớp ngay. Giáo viên lại phải đến từng nhà để năn nỉ, nhưng khổ một nỗi, ban ngày các em ngủ, còn ban đêm thì đi lặn, đi lưới…

Có những câu chuyện dở khóc, dở cười được nhiều người nhắc đến. Đó là, Hiệu trưởng Đỗ Nhuận và Phó chủ tịch xã Xuân Bình Trần Thanh Phong đến nhà ông Mai Văn Hổ để vận động 2 đứa con gia đình này trở lại lớp. Đợi cả buổi mà chẳng gặp được học trò, thầy Nhuận và ông Phong rất sốt ruột. Nghe tiếng chân lạch cạch của 2 đứa đi về ngoài ngõ, thầy Nhuận hồ hởi ra đón. Vậy mà, khi vừa nhìn thấy bóng dáng thầy, 2 đứa trẻ chỉ kịp thốt “Ồ… thầy!” rồi “dông” mất!”. Hai lãnh đạo nhà trường và chính quyền địa phương ngậm ngùi, lặng lẽ ra về. Liệu có mấy người hiểu tâm trạng của họ trong khoảnh khắc ấy?

  • Nỗi lo tụt “chuẩn”

Làng ven đầm có 627 hộ dân. Bình quân mỗi hộ có đến 4 – 5 người trong độ tuổi đến trường. Vậy mà, tìm được người tốt nghiệp đại học khó như “mò kim đáy biển”. Số trẻ đang theo học cấp 2 ở đây chưa đến 230 em, trong đó, có gần 20% đã bỏ học giữa chừng.

Năm 2003, Xuân Bình là một trong những xã đầu tiên của huyện Sông Cầu đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Có được kết quả này, theo thầy Nhuận là nhờ tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng không đáng kể. Sở dĩ năm học này, tỷ lệ học sinh bỏ học có sự đột biến và tăng mạnh ở làng ven đầm, ngoài lý do ham cái lợi trước mắt, còn một nguyên nhân khác làm hạn chế các em yên tâm bám trường, bám lớp là do điều kiện đi lại không thuận lợi.

Lâu nay, học sinh 2 thôn Thọ Lộc, Diêm Trường được vào học cấp 2 ở trường cấp 2 – 3 Phan Chu Trinh (xã Xuân Lộc) sát bên cạnh. Từ năm học 2004 – 2005, do trường Phan Chu Trinh quá tải, không còn đủ phòng học cho cấp 2 nên con em làng này phải về học tập trung tại trường THCS Triệu Thị Trinh ở trung tâm xã. Vậy là con đường đến trường của bọn trẻ từ vài trăm mét kéo dài lên đến 6 – 8 cây số.

Các buổi đến trường trở nên thưa dần với các em. Trưởng thôn Diêm Trường Nguyễn Văn Thìn cho biết: “ Sở dĩ bọn trẻ gần đây nghỉ học nhiều ngoài ham cái lợi về tiền bạc, một phần là do đi học xa, cha mẹ không kiểm soát nổi. Tôi có đứa con đang theo học lớp 7, hàng ngày phải vượt 7 – 8 cây số để đến trường nên nó cứ đòi nghỉ. Tôi là trưởng thôn mà nếu cho con nghỉ thì nói ai nghe, nên đành phải chịu khó đưa đón để tiếp sức, chứ không nó cũng ao rồi”.

Với tỷ lệ học sinh bỏ học dày như hiện nay, nguy cơ tụt “chuẩn” đang từng ngày đe doạ phát triển giáo dục của cả xã. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và trường đã mở chiến dịch kêu gọi học sinh trở lại lớp. Thế nhưng, cho đến nay trong số học sinh bỏ học, mới chỉ có 2 em hưởng ứng. Năm học sắp kết thúc, lớp phổ cập cho các đối tượng nghỉ học giữa chừng vẫn chưa khởi động được, trong khi, học sinh bỏ học tăng dần.

Hiện trường và chính quyền xã đang xây dựng kế hoạch mở lớp học phổ cập tại gia và theo cụm dân cư. Cách làm này có thể thu hút được các đối tượng ra lớp, song chỉ là tạm thời, mang tính chắp vá. Rõ ràng, để hạn chế tình trạng phổ cập chồng phổ cập và nguy cơ tụt “chuẩn”, vấn đề cốt yếu là cần phải duy trì các chỉ số của bậc học phổ thông.

Nếu hiệu quả chu kỳ đào tạo cũng như tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp thì không biết đến bao giờ mới chấm dứt việc mở lớp phổ cập cũng như quá trình nỗ lực đưa cái chữ về vùng ven đầm sẽ bị phá sản! Trình độ dân trí thấp, vùng ven đầm sẽ khó thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn “đói” kiến thức. Và cuộc chiến chống “giặc dốt” sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác nữa phải chống trong cuộc sống vốn luôn nhiều nỗi lo… 

MẠNH THÚY

Tin cùng chuyên mục