Lên Bắc Hà uống rượu ngô, đi chơi chợ

Lên Bắc Hà uống rượu ngô, đi chơi chợ
  • Ngất ngây Bản Phố

9 giờ sáng, dù đã bật đèn, con “ngựa sắt” của tôi cũng chỉ bò 10km/g trong màn sương dày đặc bao trùm dốc Trung Đô quanh co gấp khúc ở độ cao gần 1.000m trên đường lên cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai). Thêm gần 10km nữa mới vào đến trung tâm huyện. Sương tan dần. Ngô, ngút ngàn là ngô. Cái cây quen thuộc là vậy mà sao ở đây đẹp đến ngỡ ngàng. Những nương ngô trải dài một màu xanh căng tràn nhựa sống. Vạt đồi, khe núi... chỗ nào cũng bời bời ngô.

Lê Hoàng Hiệp, chàng kỹ sư lâm nghiệp có 5 năm làm công tác khuyến nông tự hào: “Thiên nhiên ưu đãi tuyệt vời chị ạ, ngô trồng trên núi đá vẫn xanh rờn. Nhưng riêng ngô và rượu ngô Bản Phố với thứ men lá riêng có của người Mông thì không có nơi nào sánh được đâu”.

Lên Bắc Hà uống rượu ngô, đi chơi chợ ảnh 1
Phụ nữ Mông mang rượu ngô xuống chợ.

Dựng xe máy ngay trên đường vào bản, chúng tôi rẽ vào ngôi nhà chình tường (kiểu nhà đặc trưng của người Mông) khói la đà trên mái. Sùng Xuân Thề, học sinh lớp 11 trường huyện đang canh lửa cho mẻ rượu ngô trên bếp, “Hơn 30kg ngô nấu được chừng 15 lít rượu, mang xuống chợ bán 8.000 đ/lít, bao nhiêu cũng hết” - Thề nói. Mẹ của Thề, chị Vàng Thị Cở xởi lởi mời khách nếm rượu mới. Mấy anh bạn đồng hành, nghệ sĩ nhiếp ảnh, cứ xuýt xoa và muốn nếm đi nếm lại, phần tôi chỉ nhấp môi cũng cảm thấy ngất ngây như ngấm men say.

Rời đám ruộng bậc thang, ông Hoàng Seo Sì, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phố, tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Ông bảo xã có 550 hộ, trong đó 99% là người Mông, nhà nào cũng trồng ngô và nấu rượu ngô, mỗi tuần một nhà nấu cũng đến 20 lít rượu. Nghề nấu rượu đã nhiều đời truyền lại. Điều lạ là vẫn ngô ấy, men ấy, chính người lành nghề trong bản mang đi nấu rượu ở nơi khác vẫn không thể giống rượu Bản Phố. Chẳng biết có phải do nguồn nước và khí hậu ở đây không, mà rượu ngô Bản Phố không thể lẫn với bất cứ loại rượu nào, say lâu, ngất ngây mà sảng khoái.

  • Háo hức chợ phiên

Năm 2005, Bắc Hà đón hơn 50.000 lượt du khách đến từ mọi miền đất nước và 28 quốc gia trên thế giới. Đã đến đây ai cũng háo hức đi chơi chợ. Mỗi tuần chỉ có một phiên vào chủ nhật, đông vui từ sáng tới chiều, với sự góp mặt của 14 dân tộc anh em, chợ Bắc Hà không chỉ phong phú về sản vật mà còn đậm nét văn hóa truyền thống. Dù ở những bản làng xa (có nơi cách chợ gần 50km), dân bản hẹn nhau đi chợ từ khi ông mặt trời mới đi ngủ, từ canh hai canh ba. Bởi, về chợ đâu chỉ để bán mua. Khoe con ngựa tốt, tấm áo mới may, muốn nghe âm thanh quen thuộc của tiếng khèn... người ta đều tìm đến chợ. Hồn nhiên như hoa cỏ, trước ống kính của du khách nước ngoài, tất cả chỉ nhoẻn miệng cười thân thiện, không chạy trốn, cũng chẳng đòi tiền như ở một số nơi khác. Trao cho tôi gói xôi bảy màu, chị Thào Thị Chứ “sành điệu” khi đòi xem hình tôi vừa chụp “xem mình có xinh không nào, mình biết cái máy này mà”.

Anh Phạm Khắc Xương, Tổng Biên tập báo Lào Cai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà nhận xét: “Một trong những nét hấp dẫn nhất của chợ Bắc Hà là sự phong phú và nguyên bản của trang phục truyền thống, đặc biệt là váy áo của phụ nữ Mông”. Cũng dễ hiểu, người Mông chiếm gần 50% dân số ở đây, nhiều sản phẩm rực rỡ từ thổ cẩm bày bán ở chợ đều được làm từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc này. Cách bán hàng của họ cũng rất độc đáo, chẳng cần biết đến cái cân, ớt hai ngàn một nắm, cà chua bốn ngàn hai bát, lợn gà tùy từng con mà nói giá...

Một đặc sản nữa chẳng thể không nhắc đến ở chợ phiên Bắc Hà, đó là mận tam hoa. Loại quả này khá nổi tiếng, một phần cũng do ông chủ tịch huyện thời trước đã chịu khó đưa vào tận TP Hồ Chí Minh để tiếp thị. Ai cũng khen, vừa ngọt vừa giòn, nhưng chẳng có cách gì bảo quản nên tiêu thụ vẫn quẩn quanh ở chợ. Giờ không còn ai mua nhà tậu xe từ mận như trước nữa, nhưng với nhiều gia đình ở Na Hồi, Tà Chải... cây mận vẫn là nguồn thu đáng kể. Cũng chính cây mận Tam Hoa đã làm nên vẻ đẹp vô cùng độc đáo cho thị trấn Bắc Hà. Mỗi độ xuân về, cả cao nguyên bừng sáng trong màu trắng tinh khôi. Cái tên “cao nguyên trắng” cũng ra đời từ đó.

  • Một thoáng tiếc nuối…

Lên Bắc Hà uống rượu ngô, đi chơi chợ ảnh 2
Chợ phiên Bắc Hà mỗi năm đón hàng chục ngàn du khách nước ngoài.

Chúng tôi chia tay Bắc Hà khi chợ phiên còn nhộn nhịp. Sự mất vệ sinh và nhếch nhác ở nhiều địa điểm bán hàng trong chợ đang làm giảm phần nào hứng thú dạo chơi, mua sắm và đặc biệt là thú vui ẩm thực của du khách. Lẽ nào không thể quan tâm hơn đến vệ sinh môi trường trong khi chờ chợ mới được xây dựng. Chẳng lẽ cứ đầy bùn đất mới ra dáng “chợ quê”? Khi về, anh bạn tôi hỉ hả vì mua được làn mận tam hoa tươi rói nguyên cành lá, quả nào cũng tròn căng, nhưng lúc bỏ ra, cho vào túi để mang về, thì nửa phía dưới toàn là quả sâu, quả ủng!

Xa Bắc Hà, tôi mang theo nhiều quà về xuôi, nhưng lại không có rượu ngô Bản Phố. Bởi chính Bí thư Sì đã nói rất thật: “Rượu ngô giờ không nấu bằng men làm từ hạt hồng mi nữa, men bán sẵn ở chợ 5 ngàn cả chõ, tha hồ nấu”. Còn cậu bé Thề cho tôi xem bông hoa khô cất kỹ trên nhà, bảo: “Hồng mi giờ hiếm lắm, khi nào thật đặc biệt mới nấu, còn thì nấu bằng men ở chợ”. Bí thư Sì cũng bảo: “Khi nào rượu Bản Phố có thương hiệu sẽ vận động dân trồng lại loại cây quý này”. Liệu bà con có nghe ông không nhỉ?!

Là huyện vùng cao có tới 20/21 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, phát triển du lịch bền vững được coi là cơ hội để Bắc Hà giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thế Dũng đã say sưa nói về những công trình, dự án làm cho Bắc Hà thêm hấp dẫn mà không mất đi nét nguyên sơ và khí hậu đặc biệt của miền đất này được coi là rất lý tưởng đối với du khách. Dự án dành hơn 100 tỷ đồng cho một hồ chứa nước giữa lòng thị trấn, cùng với khu chợ được xây dựng mới tạo thành khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Di tích kiến trúc nhà cổ Hoàng A Tưởng được trùng tu. Một nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã trồng thử nghiệm thành công nhiều loại hoa quý...

Bắc Hà đang đổi thay từng ngày. Bắc Hà giờ đây vẫn hút hồn du khách bởi nét đẹp hoang sơ có tự ngàn đời của cảnh vật và con người nơi đây. Mong sao những vạt ngô xanh ngát, ly rượu đậm tấm lòng người Mông, phiên chợ quê đâu chỉ bán mua... vẫn mãi còn níu lòng du khách. 

Nguyễn Thúy Hòa

Tin cùng chuyên mục