Mùa săn “gà đồng”

Mùa săn “gà đồng”

Cuối tháng 7, mưa dầm trút xuống các tỉnh miền Tây, kèm theo đó nước từ thượng nguồn sông Mê Công cuộn chảy về sông Tiền, sông Hậu báo hiệu một mùa mưa lũ đã đến. Trong lúc mọi người đang lo toan chuyện gặt lúa chạy lũ, dời nhà lên gò cao, gia cố đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái… thì nhiều dân “Hai lúa” miền Tây tất bật vào mùa săn “gà đồng” - một cách gọi ví von chỉ loài ếch.

  • Thả mồi… câu ếch!     
Mùa săn “gà đồng” ảnh 1

Đặc sản ếch miệt đồng. Ảnh: H.P.L.

Từ thị xã Cao Lãnh phải mất gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được rạch Tân Phú, thuộc xã Tân Phước (Lai Vung, Đồng Tháp). Bà con địa phương quen gọi nơi đây là “Xóm câu ếch” bởi xứ này có những tay câu ếch thiện nghệ nhất vùng. Anh Nguyễn Tấn An (Hai An), một trong những tay bắt ếch chuyên nghiệp, gật đầu cái rụp khi nghe chúng tôi mở lời “tháp tùng” anh đi câu ếch.

Trên 20 tay câu ếch lục đục xuống xuồng (mỗi xuồng 2 người) rời Tân Phú chạy thẳng về hướng huyện Lấp Vò. Cánh đồng Lấp Vò rộng hàng chục ngàn hécta, ngút tầm mắt.

Hai An dừng xuồng ở đầu kênh Cái Bường, rồi chia quân ra thành từng nhóm nhỏ. Phương tiện dùng để bắt ếch rất đơn giản và gọn nhẹ gồm: thanh tre nhỏ dài khoảng 3 tấc làm cần câu, cá chạch cắt khúc nhỏ làm mồi và 1 bình ắc-quy làm đèn soi. Hầu hết các tay đi câu ếch đều sử dụng phương tiện giống nhau, tuy nhiên câu được nhiều hay ít ếch là tùy vào sự nhận biết địa hình, đồng ruộng, bờ mương… và còn tùy người đó có “sát ếch” hay không.

Chia nhóm xong, Hai An chọn đám lúa mới lên để cắm câu cặp theo mé ruộng. Trung bình khoảng 3m anh cắm 1 cây cần câu, cắm đến đâu móc mồi đến đó. Mồi cá chạch được trộn với tỏi, mỡ, dầu chuối… tạo mùi thơm dụ ếch. Trên 300 cần câu, anh An cắm hơn một giờ mới xong. Lúc này, cả nhóm tụ lại ở một cái trại “dã chiến” làm bằng những tấm ni-lông, dựng ngay đầu bờ kênh. Anh Năm Công, người lớn tuổi nhất trong nhóm, da ngăm đen, nói năng tiếng một, lấy ra chai rượu đế rồi kéo anh em ngồi lại nhâm nhi. Ly rượu- tách trà, uống dưới ánh trăng giữa cánh đồng mênh mông gió phảng phất thật lý thú làm sao.

Khoảng 22 giờ, cả nhóm bắt đầu chia nhau đi “thăm ếch”. Hai An cầm đèn pha đi trước, tôi mang giỏ theo sau. Cần câu thứ nhất, thứ hai… rồi đến thứ 10 chẳng dính con nào. Thấy tôi bồn chồn, Hai An phân bua: “Đến khu vực đất trũng phía trước chắc chắn sẽ dính nhiều ếch, tin tôi đi…”. Vừa nói xong, Hai An đột nhiên dừng lại, anh bước xuống mé lúa kéo lên con ếch to đang mắc lưỡi câu. Bỏ con ếch vào giỏ thì phát hiện một con khác tiếp tục mắc câu nằm bất động nơi mé lúa, rồi con thứ 3, thứ 4… mắc câu. Suốt một dãy liền trên 60 con ếch mắc câu nằm la liệt. Đối diện phía bên kia, trên 200 cần câu của Năm Công cũng bắt được khoảng 50 con ếch. Anh Nguyễn Văn Ý câu được gần 60 con; anh Nguyễn Quốc Trung, Phạm Minh Dương… đều thu hoạch đầy giỏ.

  • Sản vật miệt đồng

Về đến nhà đã gần 3 giờ sáng, Hai An, Năm Công, anh Ý… và những người khác đổ ếch ra thau để phân loại ếch nhỏ - ếch lớn rồi buộc lại mang ra chợ giao cho bạn hàng đặt trước. Với giá ếch lớn 27.000đ - 30.000đ/kg, ếch nhỏ từ 22.000đ- 24.000đ/kg. 60 con ếch của Hai An cân được 7 kg, bán được trên 190.000đ - mức thu nhập một ngày rất cao ở vùng nông thôn như Tân Phú. Hai An quả quyết: “Không nghề nào kiếm tiền nhiều và nhanh như câu ếch, chỉ cần một đêm trúng thì cả tuần sống khỏe ru. Nói thật, gia đình tôi chẳng có cục đất chọi chim. Hồi trước làm mướn khắp nơi nhưng vẫn thiếu đói, nợ nần tùm lum. Mấy năm gần đây, nhờ nghề câu ếch nên cuộc sống dễ thở hơn nhiều”.

Thông thường khoảng 18 giờ trở đi là ếch rời hang tìm thức ăn nên mắc câu nhiều. Nếu lúa chín thì cắm câu ở đường mương (đường khe lúa); lúa còn xanh thì cắm cặp mé; khi nước kém, chọn khu vực đồng trũng để cắm và lúc nước lên phải cắm nơi đồng gò mới dính được nhiều ếch… Đó là những bí quyết mà hầu hết dân cắm câu ếch chuyên nghiệp đều biết.

Anh Nguyễn Văn Ý thì tâm đắc: “Năm ngoái, phong trào nuôi ếch Thái Lan rộ lên khắp ĐBSCL nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì các nhà hàng, quán nhậu… quay lưng với ếch Thái bởi thịt bở, mềm, không ngọt bằng ếch đồng. Cuối cùng, ếch miệt đồng vẫn là đặc sản số 1, thịt ngon khỏi chê. Nhiều bạn hàng xa gần đến tận đây đặt mua ếch đồng với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường TPHCM và nhiều nơi khác. Ếch bây giờ là hàng hiếm, đâu sợ ế!”.

 

Theo anh Năm Công, hồi trước, khi đến mùa mưa, người ta thường đi bắt ếch bằng cách: soi ếch, móc ếch, dùng chĩa đâm ếch… Sau những trận mưa đầu mùa, ếch tụ lại chỗ ruộng trũng rất đông (còn gọi là hội ếch). Lúc này chỉ cần dùng đèn pha bật thật sáng là bắt rất dễ. Hay khi lũ về tràn đồng, ếch từ ruộng di tản vào các bờ vườn, nơi gò cao… đợi đêm thì ra ăn. Chỉ cần một chiếc xuồng nhỏ, người ngồi sau chống (bơi xuồng), người ngồi trước cầm đèn pha và chĩa đâm ếch. Riêng anh Ba Cậy, ở Tân Thành, được xem là tay móc ếch cự phách, hàng ngày đi đồng, hễ anh thấy nơi nào có dấu chân ếch thì coi như ếch khu đó… toi đời! Ba Cậy phát hiện hang ếch rất giỏi, anh không dùng chĩa đâm, cũng không soi đèn… mà dùng “móc” thọt vào hang để bắt ếch. Phần lớn ếch Ba Cậy bắt là ếch to, có con nặng hơn nửa ký.

Ba Cậy tiết lộ: “Mỗi khi đến thời kỳ động đực, ếch kêu bạn tình rất thảnh thót. Dùng một vài con ếch cho vào giỏ để làm mồi nhử những con ếch bên ngoài đến, thế là tha hồ… chộp!”. Ngoài ra, anh còn có cách bắt ếch rất độc đáo là dùng miệng nhái y hệt như tiếng ếch. Nghe tiếng kêu, ếch tưởng bạn tình gọi nhảy đến tìm liền bị mắc bẫy của Ba Cậy… Tuy nhiên, trong hầu hết cách bắt ếch trên thì câu ếch đang là phương pháp thịnh hành nhất, nhờ gọn nhẹ và hiệu quả cao.

Hơn 5 giờ sáng, nồi cháo ếch thơm phức được bày ra. Ếch đầu mùa ngon lạ thường với những đùi ếch to và rất ngọt. Đêm câu ếch kết thúc mà trong lòng tôi cứ nao nao, nhớ những cánh đồng mênh mông, nơi sản sinh ra nhiều đặc sản nuôi sống con người, càng yêu quý những người dân quê mộc mạc, hiếu khách, sống nặng nghĩa - nặng tình…

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục