Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi - cậu tôi

Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi - cậu tôi

Phong thái lịch lãm, uyên bác của nhà khoa học lớn, hay sự phong tiên đạo cốt thường có ở các thầy thuốc đông y bậc trưởng thượng, đều không thể hiện ở bề ngoài của ông. Nhiều khi thấy ông giản dị đến mức khắc khổ, là cháu ruột, tôi phải lên tiếng:

– Sao cậu không quan tâm đến hình thức?

Ông hỏi lại:

– Cháu hiểu thế nào là hình thức?

Có lần thấy ông một mình với bữa cơm trưa, tại nhà của ông, cũng là nơi xem mạch, cấp thuốc, trong con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh - chỉ có dưa chua, hai miếng tỏi sống và khúc cá kho nhỏ, tôi nói:

– Sao cậu ăn khổ thế?

Ông hỏi lại:

– Cháu hiểu thế nào là sướng, khổ?

Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi - cậu tôi ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi (bìa phải) và lương y Nguyễn Đức Nghĩa.

Ông ít đối đáp, giải thích, mà hay hỏi lại. Và tôi dần hiểu, với con người luôn tự chủ bằng quan niệm sống của chính mình như ông thì những sướng khổ, đúng sai, đẹp xấu, lợi hại, thực ảo, mà người đời thường quan tâm, tranh cãi hoặc tranh giành đều nằm ngoài biên giới cảm xúc và tư duy.

Người biết sống trên mọi quan niệm thông thường của người đời, không biết có hạnh phúc? Nhưng tôi biết chắc, ông ít nặng lòng về những chuyện bon chen, thứ bệnh mà phần lớn trí thức Việt Nam hay mắc phải. Ở Việt Nam, ai quan tâm đến ngành dược học đều biết và kính trọng Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, năm nay đã 88 tuổi, cây đại thụ của ngành đông y dược Việt Nam.

Cả đời Đỗ Tất Lợi là cuộc tìm tòi say mê, miệt mài không mệt mỏi về cây thuốc. Ông nhập vào thế giới cây thuốc như người ta nhập đạo. Ở tuổi bảy mấy, tám mươi, sức đã yếu rồi, nhưng hễ nghe ai kể, hay đọc một nguồn tin về cây thuốc, bài thuốc lạ trong dân gian, ông vẫn tận tụy ghi chép, lặn lội lần tìm đến tận gốc, dù nơi ấy ở thâm sơn cùng cốc Tây Nguyên hay Tây Bắc, dù đó chỉ là bà lang già chuyên bán thuốc lá người Ê-đê hay người Mông vô danh.

Vợ con, học trò khuyên can cách nào ông cũng khăng khăng đi bằng được. Cảm thấy mình còn bỏ sót một cây thuốc, vị thuốc nào trong kho tàng cây thuốc và vị thuốc Việt Nam là ông mất ăn, mất ngủ, thậm chí phát bệnh.

Đỗ Tất Lợi là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên tìm về đông y bằng ánh sáng hóa dược tây y, với những giai đoạn đầu mày mò, cực nhọc, gần như hai bàn tay trắng. Năm mươi năm về trước, hai từ “đông y” bắt đầu được cổ vũ, chủ yếu dùng để ngụy trang cho sự nghèo túng, bế tắc của nền kinh tế và y học bao cấp, chứ ai làm đông y thời ấy vẫn bị coi là “lang băm”, “dở người”, thậm chí phản khoa học (có người còn bị bỏ tù).

– Cậu cứ mày mò cực nhọc thế này, dù thành công, cũng có ai công nhận công sức của cậu?

Ông hỏi lại:

– Cứ phải có ai công nhận, mới có giá trị hay sao?

– Cậu vẫn nhận các huy chương khoa học, các giải thưởng và học hàm, học vị Nhà nước?

– Nhưng ta không làm khoa học vì những thứ đó. Ta làm khoa học vì khoa học và vì người bệnh.

– Vì cả cậu nữa chứ?

– Ờ… Làm gì có ai sống không vì mình, nhưng cái mình của ta là nhà mình, tức là gia tộc Mai Lĩnh. Nếu không là con cháu nhà Mai Lĩnh, có khi ta đã an tâm là một người khác, một thợ cày chẳng hạn.

Gia tộc Mai Lĩnh thực ra là gia tộc thế hệ mới, một nhánh của dòng họ Đỗ ở Đông Anh, Hà Nội, lên lập ấp ở Phúc Yên, những năm đầu thế kỷ XX. Ông nội cậu tôi, tức ông Đỗ Văn Phong, một thầy lang, tham gia vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, bị thực dân Pháp đày chung thân khổ sai ra đảo Guam, tổ chức vượt ngục, đội tên một người Hoa, về sống ở Bạc Liêu.

Từ đây, dần dà, ông cùng các con, bảy người, chủ trương lập ấp Mai Lĩnh (ở Phúc Yên, Hải Phòng, Gia Định), sáng lập ra Nhà xuất bản Mai Lĩnh có chi nhánh ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, một trong những nhà xuất bản sách đầu tiên của Việt Nam, từng in sách của các tác gia Việt Nam cùng thời như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Phạm Cao Củng v.v…

Đấy là lý do vì sao, từ năm 1926, anh em rồi con cháu gia tộc Mai Lĩnh đã sớm rải khắp hai miền Nam-Bắc. Những năm 1934 trở đi, các nhà bên ngoại tôi, nếu không bận lập ấp, đều làm xuất bản và làm báo, chỉ duy nhất cậu tôi, Đỗ Tất Lợi, theo ngành dược. Hỏi ông:

– Vì sao?

Ông ầm ừ:

– Có lẽ ta theo “gien” ông nội.

Thực tế, sự lý giải về “gien” của ông không đơn giản như thế. Ngày nay, hai tiếng thầy lang được thay bằng “thầy thuốc đông y”, “bác sĩ đông y”, cùng vinh danh “lương y như từ mẫu” như các bác sĩ tây y, và cùng được đề cao lên tận mây xanh, chứ những năm cuối 30, đầu 40, thế kỷ trước, đất nước tăm tối trong nền kinh tế làng xã, nghèo nàn lạc hậu, mấy ông thầy lang chỉ đếm đầu ngón tay trên mỗi vùng, thuộc tầng lớp lặng lẽ nhất dưới đáy xã hội, vì quan lại không phải quan lại để có oai, quyền; sĩ phu không hẳn sĩ phu để nhờ tiếng mà được trọng dụng, vị nể; kinh tế không bao giờ đủ mạnh (đa số đều nghèo) để có lực, khiến thiên hạ phải lụy. Phạm vi uy tín xã hội của các thầy lang có chữ hồi đó, ngoài người bệnh, thường chỉ là mấy ông đồ Nho trong vùng. Giới Tây học mới hình thành khoảng một, hai chục năm, không coi thầy lang là cái đinh gỉ gì.

Chuyện ông Lợi học y dược của trường Tây (Đại học Y dược Đông Dương, khóa đầu tiên) được các ông trong gia tộc kể lại: Khi biết tin ông Đỗ Văn Phong vượt ngục về sống ở Bạc Liêu, ông thứ hai (ông ngoại tôi) và ông thứ ba từ Phúc Yên lặn lội vào gặp cha, mới biết ông Phong và nhóm vượt ngục, mất gần hai năm để từ Guam, vào... Ấn Độ, về nước bằng đường bộ Ấn Độ qua Thái Lan, sang Hồng Công, Quảng Châu, vào Lạng Sơn, theo đường thủy vào Sài Gòn, rồi mới mai danh ẩn tích ở Bạc Liêu...

Từ đó, các ấp Mai Lĩnh, nhà xuất bản và các báo của anh em nhà Mai Lĩnh ra đời, tất cả con cháu đều từ Nho học chuyển sang Tây học. Ông Lợi vốn nổi tiếng học giỏi, chọn thi vào Trường Đại học Y dược Đông Dương, chỉ vì tính ngang: muốn chọn trường sang nhất, khó nhất, để chứng tỏ sự vượt trội, chứ lúc đó, cả chí khí yêu nước, yêu dân, gien ông nội, lẫn lý tưởng lãng mạn chưa có mấy ở anh học trò vẫn thuộc dạng “dài lưng tốn vải”, bằng chứng là sau khi ông Lợi ra trường, hiệu thuốc Đỗ Tất Lợi nổi tiếng trong các hồi ký “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” về Hà Nội năm đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, là một hiệu thuốc tây, chưa hề có vị cam thảo, táo tàu hay hà thủ ô nào.

Chọn học ngành dược từ tính ngang, còn theo dòng đông y, vô tình kế tục truyền thống ông nội, lại như một định mệnh: Năm 1946, vừa lên chiến khu Việt Bắc, đang súng lục, lựu đạn đầy người, ông được giao luôn nhiệm vụ thành lập bộ phận nghiên cứu và bào chế thuốc để khắc phục tình trạng thiếu thuốc... tây. Từ tình huống “lịch sử” này, ông trở thành người góp phần khai sinh ra nền công nghệ đông dược Việt Nam.

Đỗ Tất Lợi thuộc hàng ngũ những trí thức hàng đầu Hà Nội, sớm theo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ lên chiến khu tham gia kháng chiến, song nổi tiếng là ngang nên cả đường công danh lẫn học vị của ông suốt đời trắc trở. Chẳng hiểu lý do gì, trong khi những trí thức khác, cùng theo Cụ Hồ, lần lượt gia nhập Đảng Cộng sản và lần lượt công thành, danh toại, ông lại lặng lẽ là người của Đảng Xã hội.

Năm 1962, tôi đang học lớp 10 ở Hà Nội, do gia đình tôi gặp đại nạn, cậu mợ Lợi đón tôi và thằng em xuống nhà cậu mợ ở Hàng Chuối. Năm đó, chế độ tem phiếu túng thiếu, nhà cậu mợ, lương hai vợ chồng nuôi 5 đứa con nhỏ, giờ thêm hai anh em tôi, khó khăn kinh tế càng tăng thêm. Giờ dính vào những gia đình gặp đại nạn, phải đương đầu với những kỳ thị còn kinh khủng hơn chuyện cơm áo gạo tiền hàng trăm lần, cậu vẫn ngang nhiên đón hai anh em tôi về. Với hai thằng cháu bơ vơ, ông không bao giờ có lời nào trực diện vào đời sống hay tình cảnh, chỉ thỉnh thoảng buông ra những câu rất vu vơ như ông tự nói về mình:

– Phải luôn biết chứng minh mình bằng công việc.

Hay:

– Khi đã yêu công việc, mọi chuyện khác sẽ nhẹ đi.

Còn đang đi học, tôi hiểu những lời đó không xa hơn những bài giảng đạo đức ở trường. Chỉ khi bước vào đời, năm 17 tuổi, sống bằng mồ hôi lao động thợ thuyền, rồi mười năm sau, bất ngờ đi vào đường văn chương, tôi mới thấu hết và biết ơn những lời khuyên của ông: “Phải luôn biết chứng minh mình bằng công việc”, “Khi đã yêu công việc, mọi chuyện khác đều sẽ nhẹ đi “.

Chỉ với bộ “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đồ sộ, xuất bản năm 1965, Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đã xứng đáng là nhà khoa học hàng đầu của ngành dược học Việt Nam, nhưng từ đó đến nay, ông vẫn yêu công việc, vẫn cần mẫn chứng minh mình bằng công việc... Mọi chuyện đời đều nhẹ tênh hai bên bờ dòng sông công việc... Mỗi lần tái bản, bộ sách lại dày thêm vài trăm trang ngập tràn tâm huyết.

Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi có gần bốn chục năm giảng dạy tại Trường Đại học Y dược Hà Nội. Ông cũng có ngần ấy năm cắt thuốc chữa bệnh cho đủ loại bệnh nhân khắp trong nước và ngoài nước. Kiến thức và kinh nghiệm trong nghề đông y dược của ông là kho báu vô giá và vô tận... Sáu con ông, bốn trai, hai gái, có người là bác sĩ, có người là nhà toán học, bỏ sang nghề đông y, nhưng ông lại chọn anh học trò lạ hoắc người Bình Định, đến với ông tại thành phố Hồ Chí Minh: Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, để truyền nghề. Nghĩa đã là trợ lý của ông tại phòng xem mạch và cấp thuốc đông y Tuệ Lãn (bí danh của ông Lợi thời ở chiến khu Việt Bắc) từ 21 năm nay. Tôi hỏi tại sao?

Ông bảo:

– Nghề thuốc, không chỉ có tài, có tâm mà còn phải hợp. Chữ hợp này là nhân sinh, nhân duyên, không nói tại sao được.

Còn lương y Nguyễn Đức Nghĩa nói:

– Tôi đọc sách của thầy, nghe tiếng và khâm phục thầy từ lâu. Ngay lần đầu gặp thầy, tôi đã như bị bỏ bùa mê, tôi xin theo ngay và thầy cũng nhận ngay. Tôi cũng không hiểu tại sao nhiều người khác giỏi hơn và đã nổi tiếng, xin theo thầy mà thầy không nhận.

Chuyện đời có nhiều điều đơn giản tưởng dễ hiểu mà hiểu không dễ. Cậu tôi suốt đời phấn đấu vì dòng tộc Mai Lĩnh, nhưng những kết quả kèm theo bí quyết trong sự nghiệp khoa học, mang đến sự rạng danh cho nhà Mai Lĩnh đến muôn đời, lại được ông truyền cho một người ngoài dòng họ xa tít tận phương Nam, chỉ bởi một chữ “hợp” nhân sinh.

Đấy mới chính là tính cách lớn của Đỗ Tất Lợi: Không nô dịch cho mọi lối mòn. Và đấy cũng là chân dung Con Người khoa học viết hoa của ông: Làm khoa học vì mọi người, mọi nhà chứ không vì một người hay một nhà. Tôi vô cùng tự hào về cậu tôi. 

NGUYỄN MẠNH TUẤN

Tin cùng chuyên mục