Chuyện kỳ thú về làng gốm Chu Đậu

Một phát hiện bất ngờ
Chuyện kỳ thú về làng gốm Chu Đậu

Một phát hiện bất ngờ

Câu chuyện kỳ thú về làng gốm Chu Đậu bắt đầu như thế này: Vào năm 1980, ông Makoto Anabuki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, lúc đó là cán bộ ngoại giao Nhật Bản đi công cán tại Thổ Nhĩ Kỳ, thấy tại Bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istambul có một bình gốm hoa lam, trên có ghi dòng chữ: Thái Hòa bát niên (1450), Nam Sách Châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút… Ông đã viết thư cho ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng lúc đó, với hy vọng các nhà khảo cổ Việt Nam tìm giúp cho địa chỉ nơi sản xuất bình gốm kể trên.

Sau này ông Tăng Bá Hoành kể lại với mọi người: “Bức thư được chuyển đến chúng tôi và chỉ qua 13 chữ trên hiện vật đã giúp chúng tôi một thông tin quý báu, đồng thời thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm lò gốm có ở vùng Thanh Lâm... thuộc Nam Sách Châu như sử sách đã ghi. Sở dĩ chúng tôi nghĩ đến Thanh Lâm, vì trên các triền sông thuộc huyện Thanh Lâm xưa, thời Lê sơ thuộc Nam Sách Châu từng có những lò gốm tỏa khói, sản xuất những mặt hàng cao cấp từ thời Lê sơ thế kỷ 15 đến thời Mạc thế kỷ 16...

Chuyện kỳ thú về làng gốm Chu Đậu ảnh 1

Giám đốc Nguyễn Văn Lưu với những bình gốm xuất khẩu.

Nhưng cuộc tìm kiếm địa chỉ của bình gốm hoa lam có ghi 13 chữ kể trên không dễ dàng! Phải đến tháng 9 năm 1983, tỉnh Hải Hưng có một chương trình nghiên cứu các nghề truyền thống thì bất ngờ phát hiện ra Chu Đậu. Số là, cán bộ đến Chu Đậu, một thôn của xã Thái Tân, huyện Nam Sách, cách TP Hải Dương 16 km, diện tích chỉ có gần 60 ha và hơn 1.000 dân để nghiên cứu về nghề dệt chiếu.

Nhân dân ở đây cho biết dưới lòng đất có nhiều mẫu gốm lạ. Tại vườn nhà ông Vang, cán bộ nghiên cứu đã tìm thấy nhiều con kê đồ gốm hình vành khăn, hình đĩa ba chân, những chồng bát hoa lam, bình thắt cổ bồng màu xanh rêu, có quai...

Và phải gần ba năm sau Hải Hưng mới có điều kiện khai quật. Qua 5 lần khai quật trong 6 năm, các nhà khảo cổ học trong tỉnh đi đến kết luận: gốm Chu Đậu rất đa dạng, loại hình nào cũng có, chất lượng cao so với những lò cùng thời.

Về loại hình có chén, bát, bát nhỏ, bát chân cao, bát cỡ lớn, bát ba chân, đĩa, lọ, hộp sứ, bình tỳ bà có hình chim, bình hình cầu, bình thắt cổ bồng, bình có hổ phù ngậm hòn ngọc, bình vôi các loại, tước (còn có tên là bội tước tức cái chén lớn có chân cao dùng để uống nước, uống rượu...). Ngoài những loại hình trên còn có các loại ấm, âu, chậu, chóe, các loại con giống, lọ và lon sành...

Men sản phẩm được tráng hoặc trang trí bằng nhiều loại men, màu khác nhau, phổ biến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc, xanh lục, xanh màu rêu, vàng nhạt, vàng đậm. Một số được tráng tới hai màu men: trong trắng, ngoài nâu. Hoa văn là điều đáng nói nhất của gốm Chu Đậu.

Trên hoa văn thể hiện đậm đà màu sắc dân tộc, phản ánh một cách sinh động thiên nhiên và cuộc sống cư dân vùng châu thổ như: hình người đội nón, mặc áo dài, người chăn trâu... Một cánh đào hoa nụ với con chim nhỏ ngơ ngác trước xuân sang... Từng đàn chim ngói, chim cu sải cánh, từng đàn bồ nông, vịt trời bơi lội bồng bềnh, từng đàn cá tung tăng... Tất cả, tất cả được các nét bút thần kỳ thể hiện từ hiện thực đến siêu thực.

Nhiều loại sản phẩm được trang trí như bức tranh, tuy trải qua 4 - 5 thế kỷ mà đến nay vẫn còn như mới... Những công ty xí nghiệp sản xuất gốm sứ hiện đại ngày nay sẽ học tập được nhiều từ di sản gốm sứ Chu Đậu. Gốm Chu Đậu lưu lạc đi xứ người là do Chu Đậu cũng như các lò gốm khác ở Bắc bộ đều đặt ở bờ sông và theo đường thủy, gốm đi Phố Hiến để ra nước ngoài.

Sau này gốm Chu Đậu còn dự các cuộc bán đấu giá gốm cổ quốc tế. Chiếc bình gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại Bảo tàng Topkapi Saray Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, được bảo hiểm với giá 1 triệu USD - là chiếc bình gốm men trắng, hoa lam, hình củ tỏi, cao 54cm được trang trí hoa sen và cúc dây do nghệ nhân họ Bùi người Chu Đậu vẽ vào năm 1450! Ngoài ra, hiện nay còn nhiều hiện vật gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại 46 bảo tàng quốc gia trên thế giới. Và, tại Hải Dương hiện nay có 22.000 cổ vật Chu Đậu đang được lưu giữ...

Khôi phục nghề gốm Chu Đậu

Trải một thời gian dài bị thất truyền, nay nghề gốm ở Chu Đậu đã được khôi phục. Câu chuyện về sự khôi phục gốm Chu Đậu cũng lý thú như việc phát hiện nghề gốm từng có ở Chu Đậu trước đây 5 thế kỷ! Giám đốc Nguyễn Văn Lưu, một người đàn ông trạc 50 tuổi, nước da bánh mật, dáng chắc nịch, sau khi dẫn tôi đi một vòng thăm Xí nghiệp Gốm Chu Đậu tọa lạc trên mặt bằng 35.000m2 với một rừng gốm đủ các thể loại, màu sắc, kích cỡ... anh pha trà mời chúng tôi uống và bắt đầu kể: “Năm 2000, khi tôi đang ở TPHCM làm trưởng phòng gốm mỹ nghệ của Haprosimex thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có thương hiệu là Hapro thì Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin trục vớt một con tàu ở Cù lao Tràm đã sưu tầm được 40 vạn cổ vật, trong đó phần lớn là gốm Chu Đậu của quê hương Nam Sách chúng tôi...”.

Càng kể, Giám đốc gốm Chu Đậu Nguyễn Văn Lưu càng hào hứng: “Là người con của Nam Sách, các anh bảo chúng tôi không tự hào sao được. Thế là anh Nguyễn Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Hapro bèn nghĩ ra sáng kiến cử tôi về quê gây dựng lại nghề gốm Chu Đậu...”.

Tôi liếc nhìn cơ ngơi của gian trưng bày gốm của xí nghiệp với hàng ngàn mẫu mã, màu sắc, hình hài, đường nét hoa văn... Hiểu ý tôi, Giám đốc Lưu lại tiếp tục hào hứng: “...Ban đầu gian khó lắm các anh ạ, sau bao năm lưu lạc xa quê, làm đủ mọi nghề, kể cả khoác áo lính... Tôi một mình khoác ba lô về lại quê hương, mảnh đất nơi này lúc đó là sình lầy, hoang vu... nhưng được địa phương hưởng ứng...”.

Giám đốc Lưu vừa nói vừa khoát tay như diễn thuyết: “Ai không tự hào về quê hương, vì thế nên địa phương hỗ trợ hết mình... Bây giờ thì sáng giá rồi, gốm Chu Đậu có hơn chục triệu sản phẩm hàng năm, đã xuất đi hơn 50 nước trên thế giới, hàng làm không đủ bán!”.

Tôi ngắt lời Giám đốc Lưu và hỏi một câu… ngô nghê: “Anh có so sánh thế nào về gốm Chu Đậu của mình với các nơi, như gốm Minh Long ở Bình Dương trong miền Nam chẳng hạn?” Nguyễn Văn Lưu cười sảng khoái: “Minh Long là gốm dân dụng, để dùng trong sinh hoạt hàng ngày... gốm Chu Đậu của chúng tôi là để... ăn chơi!”.

Anh liền với tay lên một giá chất đầy bình gốm có nước men màu nâu đỏ giải thích: “Cái bình hoa có hình người da đỏ đội mũ lông chim này, khách hàng phương Tây mê lắm. Độc đáo nhất là màu nâu đỏ trên bình là do đất tự tiết men chứ không phải tráng men như ở Minh Long! Tôi hỏi vặn anh Lưu: “Sao kỳ vậy?” – “Đó mới là điều kỳ diệu, đất sét sông Lục Đầu quê hương tôi cả ngàn năm đã tạo ra được điều kỳ diệu đó. Không ở đâu có thứ đất sét tự tiết ra men như thế...”.

Tôi nghĩ ra... vì thế gốm Chu Đậu mới được Giám đốc Lưu gọi là “ăn chơi”, là đồ mỹ nghệ xuất khẩu, khách mua để... chơi! Vì thế mà các nhà nghiên cứu mới đúc kết quy trình sản xuất ra gốm Chu Đậu mang đầy tính tâm linh: đất tạo nên xương cốt, nước tạo ra hình hài, lửa tạo ra thần thái!

Trước khi rời Chu Đậu, tôi lại hỏi Giám đốc Lưu: “Từ lúc gặp đến giờ, anh toàn nói thuận lợi, vậy cái gì là cản trở, khó khăn hiện nay để các anh có thể làm ra hàng đủ bán, khách hàng không phải chờ đợi?”. Giám đốc Lưu không hề giấu giếm: “Chúng tôi có 300 cán bộ công nhân viên, nhưng đào tạo mãi chỉ ra được 20 em có khả năng vẽ hình lên sản phẩm gốm...”. Rồi anh nói như đinh đóng cột: “Hội họa thì phải có năng khiếu mà? Dạy mãi mà không có năng khiếu cũng không thành cây bút…”.

Triển vọng một làng nghề

…Gốm Chu Đậu ngày nay không sản xuất đồng loạt, dùng máy in hình vào các sản phẩm gốm mà hướng về nghệ thuật của tiền nhân. Mỗi hình vẽ, mỗi bức tranh trên gốm là một sự tích, một câu chuyện đậm chất thần thoại, dân gian xưa kia và còn phải sáng tạo ra cái mới. Hình đầu người da đỏ trên men nâu đỏ mà Giám đốc Lưu đưa chúng tôi coi là một ví dụ về sáng tạo.

Vì thế, đến Chu Đậu ngày nay du khách được khám phá các loại hình du lịch nghiên cứu khảo cổ học, du lịch làng nghề, nghệ thuật làm gốm của nền văn minh cổ xưa, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất gốm như tạo dáng, vẽ hình, viết chữ, ký tên, lên sản phẩm... Cùng đến Chu Đậu với tôi lần này có cặp vợ chồng một ông giáo đã về hưu mà chính Giám đốc Lưu xưa kia từng là học trò của ông.

Ông giáo này trở lại Chu Đậu để thăm công việc làm ăn của “giám đốc học trò” và còn để nhận lại một bình gốm mà năm trước ông đã viết tên mình và ứng khẩu rồi viết một câu lên đó: “Đến đây xin chúc mừng, Chu Đậu tiến không ngừng” khi bình gốm chưa đưa vào lò nung. Mọi người đều thú vị khi chiếc bình gốm được đưa ra, có “thư pháp” của du khách trên bình.

Dĩ nhiên là chiếc bình này sẽ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách của chủ nó! Tôi lại nhận ra tính chất “ăn chơi” của gốm Chu Đậu mà Giám đốc Lưu đã nói lúc mới gặp! Đến lượt tôi, cũng được chủ nhân mời viết và ký tên trên một bình gốm sắp đưa vào lò nung. Cầm cây bút lông viết trên bình đứng quả là khó hơn nhiều so với việc cầm cây bút bi viết trên giấy... Loay hoay mãi tôi không viết được. Cuối cùng một em nghệ nhân đã bảo tôi viết lên giấy rồi sẽ “truyền thần”, “photocopy” lại nét chữ của tôi lên bình.

Trước lúc chia tay Giám đốc Lưu còn “bật mí” cho tôi một tin mà theo anh là cực kỳ giá trị. Số là, trước đây người ta vẫn cho là con tàu đắm ở Cù lao Tràm được trục vớt với nhiều cổ vật, trong đó phần lớn là gốm Chu Đậu là tàu của Tây Ban Nha hoặc của Thái Lan.

Nhưng gần đây gia phả nghệ nhân Bùi Thị Hý - người ký tên trên bình gốm đang lưu giữ ở Bảo tàng Istambul - tìm được, ghi rõ bà có chồng là Đặng Sĩ chở tàu đi bán gốm và bị đắm, chết ở biển Đông! Sau này chính bà Hý đã chỉ huy tàu đi bán gốm trên biển. Anh Lưu quả quyết: “Tuy các nhà nghiên cứu chưa kết luận, nhưng tôi cho rằng con tàu được trục vớt ở Cù lao Tràm chính là tàu Việt Nam”.

Tôi thật không ngờ câu chuyện về cái làng gốm Chu Đậu bé nhỏ yên ả, nép mình bên con đê nơi làng quê châu thổ này lại có một chiều sâu thời gian và một bề rộng không gian đến thế. Nó sẽ là một làng gốm rất hoành tráng và cũng là một điểm du lịch độc đáo nay mai, vì quanh nó vẫn là làng quê yên ả của một vùng châu thổ trinh nguyên...

Lê Phú Khải

Tin cùng chuyên mục