Chương trình Dòng thời gian 5

Những tấm lòng với Tây Nguyên

Hoàng Anh Gia Lai và Bitexco là 2 trong số những đơn vị mới tham gia chương trình Dòng thời gian do Báo SGGP tổ chức vào tháng 12 này. Nhưng họ lại là những tên gọi quen thuộc của hàng triệu người Việt trong những công việc thầm lặng vì cộng đồng.Hoàng Anh Gia Lai: Làm nên chuyện vì cộng đồng
Những tấm lòng với Tây Nguyên

Hoàng Anh Gia Lai và Bitexco là 2 trong số những đơn vị mới tham gia chương trình Dòng thời gian do Báo SGGP tổ chức vào tháng 12 này. Nhưng họ lại là những tên gọi quen thuộc của hàng triệu người Việt trong những công việc thầm lặng vì cộng đồng.

Hoàng Anh Gia Lai: Làm nên chuyện vì cộng đồng

Cơn bão lũ hoành hành khu vực miền Trung đang ảnh hưởng đến thời tiết Tây Nguyên và trong sân tập của học viện bóng đá Arsenal của Hoàng Anh Gia Lai cũng sũng nước.

Những tấm lòng với Tây Nguyên ảnh 1

Đại diện Bitexco tặng quà người dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

18 cầu thủ quốc tế tương lai, từ 10 đến 13 tuổi được tuyển chọn gắt gao bởi các huấn luyện viên nhà nghề đến từ CLB lừng danh Arsenal (Anh). 18 đứa trẻ “quê trớt” chân đất đá banh đầu làng được chọn ra từ 6.000 thiếu niên ham mê bóng đá trên cả nước đã chính thức bước vào sống và luyện tập với huấn luyện viên Greachew Guillaume, người Pháp và trợ lý HLV Dương Minh Đinh ở Học viện Arsenal Việt Nam (1 trong 4 học viện của Arsenal trên toàn thế giới) hơn 3 tháng qua. 30.000 USD/em/năm và cứ thế nhân lên 7 năm, chưa kể tiền trả cho các huấn luyện viên, để đào tạo một thế hệ vàng cho bóng đá Việt Nam, mai sau, bầu Đức đã vắt gan ruột mình để làm nên kỳ tích cho hai chữ Việt Nam trên các sân bóng quốc tế.

18 cầu thủ nhí đến từ 16 tỉnh khác nhau, và tỉnh Gia Lai chỉ có mỗi mình K’sor Út, 13 tuổi. “Sao Gia Lai được chọn chỉ một em?”, tôi hỏi thăm dò. Rất thẳng thắn, ông Đoàn Nguyên Đức nói: “Không chỉ trong kinh doanh, trong bóng đá mình cũng phải vượt qua cách nghĩ, cách làm nhỏ lẻ kiểu làng xã mới hội nhập với thế giới được. Thi tuyển loại trực tiếp công khai do huấn luyện viên của CLB Arsenal thực hiện mà, trẻ Gia Lai năng khiếu không bằng trẻ nơi khác thì phải chịu. Để bóng đá Việt Nam tương lai được ngang tầm với bóng đá thế giới, chúng ta phải nghiêm túc tuyển chọn đầu vào, ngay từ bây giờ”.

Không chỉ học kỹ thuật đá bóng mà các em được học văn hóa, chỉ tiêu thấp nhất là tốt nghiệp THPT và nói viết thành thạo tiếng Anh trong hai năm, bởi sau 2 năm huấn luyện ở Việt Nam, các “cầu thủ nhí” chân đất hôm nay sẽ tập huấn tại Anh 2 năm nữa. Chúng tôi tin, 7 năm sau chúng ta sẽ có một đội bóng đá “ra hồn”, bởi những điều anh Ba Đức (tên gọi thân mật của Đoàn Nguyên Đức) đề ra, thời gian qua, anh và các cộng sự đã làm được gần hết.

Ví như Ba Đức tuyên bố - tên gọi Hoàng Anh Gia Lai sẽ xuất hiện trên sân bóng của CLB Arsenal (Anh) nhiều người cười “gần chết” vì cho rằng bầu Đức tưởng tượng như nhà thơ. Ấy thế mà cả nước Việt Nam mừng đến ngỡ ngàng khi thấy bảng hiệu Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam xuất hiện “đỏ” cả sân Fly Emirates của CLB Arsenal (Anh) được trực tiếp truyền hình trên thế giới, mới đây thôi.

Trước đây, khi bầu Đức tuyên bố xây chung cư cao cấp ở Pleiku, nhiều người ở Pleiku đã cười mũi nói “ai điên mà mua căn hộ lơ lửng giữa trời gần tỷ bạc làm gì?”, chỉ một mình ông Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai khi ấy tin rằng “Ba Đức sẽ làm nên chuyện đấy”. Quả thật vậy, bây giờ Hoàng Anh Gia Lai không chỉ nổi danh về bóng đá mà hiện đang là ứng viên ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực địa ốc. Nhiều người cũng lại cười khi nghe Ba Đức tuyên bố thế.

Nhưng nhiều hơn số người cười ấy đã tin vào tuyên bố của Ba Đức bởi với hơn 25 dự án nhà ở cao cấp và cao ốc văn phòng cho thuê được xây dựng và bán gần hết không chỉ trải dài trên cả nước ta mà Hoàng Anh Gia Lai còn đánh dấu tên gọi Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan bằng hai bốc nhà văn phòng và căn hộ văn phòng cao cấp cho thuê to cao lừng lững mà người được giao đại diện cho công việc làm ăn của Hoàng Anh Gia Lai tại Thái Lan chẳng ai khác cầu thủ vàng của xứ Thái – Kiatisak.

Nói chuyện làm từ thiện ở Gia Lai, ai cũng biết đến anh Ba Đức, ông Ba Đức dù tính cách của ông có vẻ “bất cần đời” và hơi lạnh lẽo, nhưng ông lại là người đa cảm và tế nhị trong ứng xử. Tham gia công tác ổn định và phát triển cộng đồng song song với kinh doanh, theo Ba Đức đó là lời cảm ơn chân tình nhất của đội ngũ Công ty Hoàng Anh Gia Lai gửi đến khách hàng cả nước.

Bitexco: Ân tình với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Những chiếc xe tải chở hàng của Công ty Bitexco vẫn lầm lũi theo chân chúng tôi đến với người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Vũ Hoàng Nhật, cậu chuyên viên rất trẻ và rất thư sinh, đại diện cho Ban Giám đốc Công ty Bitexco chịu trách nhiệm chính số hàng cứu trợ trên đã thâm nhập nhanh chóng công việc vất vả như một tình nguyện viên thứ thiệt.

Với dân TPHCM, tên gọi Bitexco vẫn còn xa lạ, nhưng với bà con vùng lũ phía Bắc, Bắc Trung bộ, một số làng nghề dệt phía Bắc lại chẳng xa lạ gì “nhà tài trợ” Bitexco. Tham gia vào hoạt động từ thiện phía Nam bằng chuyến đi cứu trợ bà con dân tộc B’râu, thôn Dakmế, thuộc xã biên giới giáp Lào - Bờ Y, tỉnh Kon Tum - một dân tộc chỉ còn 387 người nằm trong danh sách các dân tộc cần bảo tồn của Chính phủ. Thôn Dakmế với những căn nhà vách phên trống trước hở sau nhưng có đến 86 cháu đi học.

Chị Y Ban, cán bộ Mặt trận thôn Dakmế là ủy viên, đại diện cho dân tộc Brâu của MTTQ Trung ương đã nói với tôi: “Mình muốn dân tộc Brâu không chỉ tồn tại mà còn được phát triển. Dân tộc mình chỉ còn 387 người thôi, mà người già đông lắm nên sức lao động của dân Brâu còn yếu… Mình mơ ước con cháu dân tộc B’râu có nhiều cháu học hết cấp 3 ở huyện nhưng cũng khó vì bà con mình còn nghèo quá mà nhà lại xa cái trường...”. Cả làng Dakmế chỉ có 6 em vừa học xong lớp 9 nhưng đang định nghỉ học lấy chồng vì “nhà xa quá, hết tiền lên huyện học rồi”, đó cũng là lý do khiến học sinh nữ dân tộc Brâu chỉ học hết lớp 5 là nghỉ học, lấy chồng, chiếm 98%.

Anh Cao Vân Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi vốn là Chủ tịch xã Bờ Y và anh Đặng Quang Hưng, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh đã đề nghị chúng tôi giúp học bổng đi học trung cấp giáo dục và y tế cho 4 cháu người dân tộc Brâu và Rơmăm (2 trong 6 dân tộc của danh sách bảo tồn của Chính phủ). Anh Vũ Quang Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bitexco và các đồng sự đang cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng bàn bạc thực hiện mơ ước của người B’râu, Rơmăm theo cách của người dưới xuôi.

Xã Ia kriêng - xã biên giới Việt – Campuchia của huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai lại “thể hiện” cái khó của Tây Nguyên mùa mưa với đoàn xe chúng tôi bằng những cú “đánh võng” trên con đường đất đỏ lầy lội, nhão bệt. 8 giờ sáng, ánh nắng hiếm hoi mới bắt đầu chiếu trên những vạt hoa dã quỳ vàng chóe. Theo hướng dẫn của đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Gia Lai và Bí thư Huyện ủy Đức Cơ Hồ Xuân Long, đoàn chúng tôi với một xe tải hàng hóa đến thăm và tặng quà cho cả làng phong của xã Ia Kriêng, gồm 52 người bị mắc bệnh phong với sức lao động không còn đến 40%.

Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Gia Lai nói giọng xót xa: “Mùa đông ở Tây Nguyên buốt giá lắm, nhiều bà con nghèo sẽ rất lạnh và đói. Ân tình mà Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đài Truyền hình TPHCM và Báo Công an TPHCM dành cho dân nghèo Gia Lai nhiều năm qua, nói bao lời cảm ơn cũng chẳng đủ...”. 

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục