Lớp dạy chữ Việt duy nhất ở Biển Hồ

Vượt hơn 200 cây số từ

Người thầy duy nhất
Vượt hơn 200 cây số từ

Phnom Penh, chúng tôi hướng về một ngôi làng có tên là Làng Việt trên Biển Hồ, thuộc xã Kongpuôngluông, huyện Ka-Kô, tỉnh Pursat,  Campuchia. Đến bến đò Kongpuôngluông, chúng tôi thuê chiếc ghe máy rẽ dòng kênh đen ngòm, mùi hôi tanh nồng nặc phả ra, để tìm đến người thầy và lớp học chữ Việt hiếm hoi trên đất Chùa Tháp… 

Người thầy duy nhất

Vượt hơn 200 cây số từ ảnh 1

Thầy Nguyễn Viết Đạt đang tâm sự về chuyện dạy và học ở Biển Hồ.

Năm 1983, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thay vì trở về nước như bao người chiến sĩ tình nguyện khác thì anh Nguyễn Viết Đạt, ở Cái Bè, Tiền Giang tiếp tục tình nguyện ở lại Biển Hồ Campuchia để dạy chữ Việt cho trẻ em người Việt ở đây. “Lũ trẻ ở đây lam lũ, cơ cực và không biết chữ tội nghiệp lắm. Nhiều đứa từ Việt Nam theo cha mẹ mới sang cư ngụ nhớ ông, bà muốn viết thư về thăm nhưng không biết chữ cũng đành chịu. Và ngay cả cha mẹ chúng khi chính quyền địa phương kêu viết tên cũng lắc đầu. Thậm chí cho đến giờ khi kêu họ viết tên nơi ăn, chốn ở họ cũng không biết viết. Thấy vậy nên tôi tình nguyện ở đây dạy học cho các em” – anh Đạt thổ lộ.

Lớp học đầu tiên được ra đời là một cái sàn nhà nổi trên mặt nước, trống huơ trống hoắc, mùa mưa về thì việc bữa học bữa nghỉ là chuyện thường ngày, vì nhà dột tứ bề, học sinh không thể ngồi học được. Phần vì tâm lý có học hay không thì cũng như nhau, không ích lợi gì. Quãng thời gian đầu, nếu anh không vững tâm thì đã bỏ về Việt Nam. Dần dần, khi lăn theo cuộc sống bươn chải của người dân Việt ở Biển Hồ mới thấu hiểu, thấy thương họ nhiều hơn. Trẻ con vui thì đến lớp, buồn thì ra biển giăng câu, thả lưới. Vì cái chữ không thể giúp các em hay gia đình bớt đói trong những tháng ngày cấm khai thác cá trên Biển Hồ.

Anh Nguyễn Viết Đạt hồi tưởng: “Ngày ấy tôi đã không ít lần quảy ba lô xuống xuồng bơi vào đất liền trở về Việt Nam, nhưng nghĩ đi nghĩ lại không đành lòng. Bởi vì trước mặt tôi là những đứa bé đen nhẻm, chiều chiều bơi xuồng ra khơi để lấy nước về xài. Rồi chúng nô đùa, chọc ghẹo nhau bằng tiếng Việt, một thứ tiếng mà người đi xa cố hương mới thấy yêu, thấy quý đến tột cùng. Tôi mường tượng, nếu đi rồi, thì liệu rằng năm mười năm nữa hàng ngàn người Việt được sinh ra từ thế hệ thứ ba, thứ tư ở đây còn mấy ai nói cái ngôn ngữ Việt thánh thót, trầm bổng như thế. Vậy là tôi lại quay xuồng trở lại và tiếp tục dạy chữ Việt cho đến tận bây giờ”.

Nguyên cớ nào đã níu kéo người thầy duy nhất ở đây bám với lớp? Khi hỏi như vậy, anh Đạt rơm rớm nước mắt: “Dù vừa dạy vừa phải chạy ăn từng bữa. Nếu bỏ dở nửa chừng thì các em sẽ tiếp tục mù chữ. Nhỡ mai này về lại quê hương Việt Nam thì không biết đường, biết sá đâu mà lần. Nghĩ vậy nên phải ráng bám lớp mà dạy cho các em. Có cái chữ lõm bõm ít ra cũng đọc được tên ấp, tên xã, tên huyện… nếu một mai có được chút ít tiền về lại Việt Nam”. Nghĩ vậy nên không chỉ mình anh đứng lớp, mà ngay cả người con trai lớn cũng được anh điều động làm “tài công” lái ghe, xuồng đi đến từng gia đình của Làng Biển để chở học sinh đến lớp.

Cái chữ ở Làng Biển

Vượt hơn 200 cây số từ ảnh 2

Học sinh lớp 3, 4, 5 của Làng Biển được học chung trong một lớp.

Lớp học hiện tại chỉ là một ngôi nhà nổi rộng chừng 20m2. Tôi băn khoăn: “Trời đã xế bóng, sao giờ này thầy vẫn chưa cho các em học”. Anh trả lời: “Đợi chút nữa, con trai lớn của tôi chở học sinh về rồi dạy luôn. Chứ dạy trước sợ dở dang giữa chừng thì đám học sinh đi học muộn không chịu, bỏ học về hết thì lấy ai mà dạy?”. Hơn nửa giờ đồng hồ sau, chiếc ghe máy đỗ xịch trước ngôi nhà nổi và gần 10 học sinh nữa vội vã bước vào lớp. Lớp học ở đây lạ lắm, buổi sáng thầy Đạt dạy lớp 1 và 2, còn buổi chiều thầy dạy cả lớp 3, 4 và 5 học chung nhau.

Thấy tôi lộ vẻ ngạc nhiên, thầy Đạt nói: “Giờ chỉ còn giải pháp này là tối ưu thôi. Nếu không dồn tập trung dạy kiểu này thì bọn trẻ sẽ về nhà hết, vì không có thời gian và không có nơi để tập trung học”. Chính vì đặc thù của lớp học có một không hai của Làng Biển, nên thầy Đạt phải vừa dạy tập đọc cho lớp 3 được mươi phút thì chuyển qua lớp 4 dạy toán, rồi sau đó lại chuyển sang lớp 5 dạy ngữ văn… Rồi khoa học tự nhiên, tập làm văn… cứ thế các em được luân phiên nghe một mình thầy Đạt giảng bài.

Ở một gốc lớp, cô bé có đôi mắt tròn xoe tên Nguyễn Thúy Hà ngồi nắn nót viết từng con chữ Việt tròn trịa, rồi mở ra khoe với tôi: “Đây là tên Việt Nam của con. Nhà con ở cách đây 10 phút chèo ghe, ba con nói nghỉ học đi để phụ mẹ làm cá khô thuê, mỗi ngày kiếm được vài chục Ria còn hơn là đi học. Nhưng mẹ con thì muốn cho con học đến lớp 5 để biết viết thư về thăm ông bà, tổ tiên ở Việt Nam, mà con cũng muốn như vậy” – bé Hà vừa viết, vừa nói với tôi.

Thầy Đạt cho biết, nhà của bé Hà có 6 người nhưng cả cha mẹ và 3 đứa con lớn đều không biết chữ. Cả gia đình Hà đều lớn lên từ Làng Biển này, Hà thuộc thế hệ thứ ba, của cư dân Việt trên Làng Biển. Sống hôm nay, lo miếng ăn bỏ bụng cho ngày mai thì việc dành dụm được ít tiền dư về Việt Nam như một giấc mơ xa vời.

Trên chiếc xuồng ba lá, tôi len lỏi trong những khu nhà nổi lụp xụp, thấy những gương mặt lam lũ, hốc hác vì nắng, gió của Biển Hồ đang vào độ mùa gió chướng, vì họ đang đối mặt với bao lo toan cho miếng ăn. Ông Lý Minh Đợi biết tôi là người của “cố hương” Việt Nam sang nên thổ lộ: “Đời cư dân Biển Hồ chẳng khác nào như con nước ròng, nước lớn. Hễ nước lên nhà lên, nước xuống nhà xuống và thân phận của hàng ngàn người Việt ở đây cũng chìm nổi, lênh đênh như những ngôi nhà này. Mấy tháng nay chính phủ Campuchia cấm khai thác cá, nhiều nhà đói hẳn, phải bán nhà ghe đi nơi khác làm ăn. Có người chịu không thấu trở về Việt Nam tá túc nhà người thân vài tháng cho qua cơn bĩ cực, đợi mùa mưa trở về trên Biển Hồ thì họ trở lại! Phận người Việt ở Làng Biển là vậy, dù có muốn khác hơn cũng không thể nào thay đổi được số phận đâu cậu ạ!”.

Tôi vờ hỏi đây có ai dạy tiếng Việt không thì ông Đợi trầm ngâm hồi lâu rồi buồn bã nói: “Có chứ, nhưng học để biết đọc, biết viết rồi thôi cậu à. Sở dĩ chỉ học đến từng đó coi như “đụng nóc” vì có muốn học thêm cũng không biết trường ở đâu mà học. Nhiều đứa trẻ được biết chữ Việt bập bẹ vài ba từ là khá lắm rồi. Phần lớn dân ở đây đều mù chữ. Và ngay chính tôi sắp bước sang tuổi thất thập cổ lai hy rồi cũng có cái chữ nào lận lưng đâu?   Đời cư dân biển là vậy, quanh năm chỉ biết có cá và chỉ có cá mới đổi gạo, đổi mọi thứ để sống!”.

Lớp học nổi trên Biển Hồ của học sinh Việt Nam do Đại sứ quán VN tài trợ xây dựng từ năm 1993. Hiện nay, lớp học có 145 học sinh học từ lớp 1 đến lớp 5 do một giáo viên duy nhất phụ trách là thầy Nguyễn Viết Đạt. Chỉ có một cơ sở nên các lớp phải học chung, buổi sáng dành cho lớp 1 và 2, lớp 3, 4 và 5 học vào buổi chiều. Học phí mỗi buổi học là 400 ria (kể cả chi phí đưa rước), tương đương 1.600 đồng VN và dạy theo chương trình sách giáo khoa VN. Vì vậy, học hết lớp 5, hầu hết học sinh VN không thể học tiếp vì không có trường Việt, học trường Campuchia thì không được do không biết chữ. Nhiều gia đình người Việt ở đây đã qua nhiều thế hệ nhưng không biết chữ và hệ quả là cuộc sống bao năm nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thấy tôi ái ngại vì chiếc ghe cũ nát nó có thể vỡ toang bất cứ lúc nào, anh Mai Hoàng Tâm quê ở Đồng Tháp trấn an: “Không sao đâu, anh cứ ngồi uống nước, nếu có rệu rã thì cũng phải hết mùa mưa năm nay”. Anh Tâm là trưởng ấp ở đây, nhưng gia đình anh là một trong những gia đình của xóm “nhà plastic”. “Nhà plastic” ở Biển Hồ là những căn nhà phần dưới đã bị mục nát, không có tiền mua tre nứa đóng lại hay sửa chữa, chủ nhà lấy ni lông bọc lại… để tiếp tục sống qua ngày… Vì vậy hai đứa con gái con anh đã quá tuổi nhưng vẫn không biết được chữ nào!

Đem những điều tai nghe mắt thấy tâm sự với ông Lê Đầy, Chủ tịch Hội Việt kiều tại Campuchia, ông cũng không giấu được băn khoăn: “Lớp học của thầy Đạt là của Đại sứ quán Việt Nam tạo dựng. Tập vở thì còn mua được, chứ sách thì các em lấy đâu ra tiền để mua? Làng Biển này có khoảng 7.000 người Việt đang sinh sống và chẳng khác nào một “ốc đảo” heo hút. Muốn ra bên ngoài đường đi đã khó, huống gì mua sách Việt. Mà có ai bán đâu mà mua? Có tiền cũng không thể mua được. Chính vì vậy tất cả từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ có vài cuốn sách, rồi thầy Đạt từng đêm chong đèn chép lại cho lũ học trò nheo nhóc ở đây học. Trẻ em có được chữ nào hay chữ đó. Tất cả đều trông chờ vào tấm lòng thầy Đạt!”.

… Hoàng hôn trở về trên Biển Hồ của đất nước Chùa Tháp trông rất đẹp, người thầy hơn 40 tuổi đầu chèo chiếc ghe tam bản nhỏ đưa tôi lên đất liền để trở về Việt Nam. Thầy Đạt không nói với tôi nhiều như những cuộc chia tay đầy bịn rịn khác, thầy chỉ gói gọn một câu: “Về bên ấy, mai mốt có dịp trở lại Biển Hồ nhớ mang cho tôi ít sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5 nhé!”. Điều nhắn gửi xem ra giản đơn như thế nhưng không biết tôi có làm được hay không, khi ngày trở lại vẫn còn xa vời vợi!

Nguyễn Yên Lam

Tin cùng chuyên mục