Thổn thức rừng đầu nguồn Đa Nhim

Sau chưa đầy một năm, đường mới Đà Lạt – Nha Trang thông tuyến kỹ thuật, tình hình phá rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã đến mức báo động. Đất tăng giá, rừng giảm diện tích…
Thổn thức rừng đầu nguồn Đa Nhim

Sau chưa đầy một năm, đường mới Đà Lạt – Nha Trang thông tuyến kỹ thuật, tình hình phá rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã đến mức báo động.

Đất tăng giá, rừng giảm diện tích…

Đạ Sar và Đa Nhim là 2 xã mà tình hình phá rừng hiện đang phức tạp nhất. Đây là khu vực cách TP Đà Lạt không xa, thời tiết rất phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khi con đường mới Đà Lạt – Nha Trang đi qua đây thông tuyến, thuận lợi cho việc lưu thông và vận chuyển nông sản, hàng hóa thì đất đai tại Đạ Sar và Đa Nhim càng trở nên có giá. Mà muốn có đất thì con đường ngắn nhất đối với người dân nơi đây không gì khác chính là chặt phá rừng.

Thổn thức rừng đầu nguồn Đa Nhim ảnh 1

…Thông bị “ken” cho chết đứng.

Trong vai người đi tìm mua đất trồng cà phê, chúng tôi được một người dân tộc tại chỗ tên là Hoen dẫn đi xem đất. Băng qua ngọn đồi cách trung tâm xã Đạ Sar khoảng 2km, Hoen chỉ vào khoảnh đất mới phát lởm chởm ven đồi thông, ra giá: “Tám sào, đúng giá 120 triệu đồng. Đợt này nếu mua được, tui chỉ tính giá “hữu nghị” 100 triệu đồng. Đất này tốt lắm, có thể trồng cà phê hoặc trồng rau như mấy người xung quanh. Vừa làm vừa mở rộng dần lên đồi, còn được hơn 1ha đấy!”.

Hoen cho biết, trước đây muốn lấy đất làm rẫy thì cứ vô tư vác dao rựa hoặc cưa vào rừng mà phát. Thời gian gần đây, Kiểm lâm đi tuần tra ráo riết nên phải sử dụng các “chiêu” tinh vi hơn: Một là chặt hạ vào ban đêm, cưa thành khúc đốt, đến sáng đào đất lấp dấu vết; hai là “ken” cho cây rồi lấn đất dần dần (“ken” là dùng dao tước vỏ quanh gốc thông rồi bôi muối hoặc hóa chất khiến cây vàng úa rồi chết từ từ).

Khi được hỏi về thủ tục giấy tờ, Hoen bảo: “Chỉ cần viết giấy sang tay rồi cứ làm vô tư, không ai hỏi đến đâu mà lo”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ ngày đường mới Đà Lạt – Nha Trang thông tuyến, giá đất tại địa bàn Đạ Sar và Đa Nhim lên cao chót vót. Đất nền mặt tiền trung tâm có giá 30 – 35 triệu đồng/m ngang (dài khoảng 40m); đất rẫy đã có cà phê giá từ 30 – 40 triệu đồng/sào, đất mới phát giá 10 – 15 triệu đồng/sào.

Những con số thổn thức

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, 9 tháng đầu năm nay toàn huyện xảy ra 136 vụ phá rừng với diện tích bị phá 26ha; trong đó riêng 2 xã Đạ Sar và Đa Nhim đã chiếm 100 vụ với 18ha rừng bị phá. Trong đó có những vụ phá rừng với quy mô lớn như vụ phá 2,5ha rừng, chặt hạ trên 750 cây thông hàng chục năm tuổi tại tiểu khu 97.

Tuy nhiên, trên thực tế thì diện tích rừng bị phá chắc chắn lớn hơn nhiều so với con số thống kê nói trên. Đi dọc theo tuyến đường mới qua 2 xã Đạ Sar và Đa Nhim, không khó để phát hiện những khoảnh rừng thông bị đốn hạ trơ gốc hoặc đốt cháy đen và thay vào đó là rẫy cà phê hoặc những bãi đất trống chờ bán.

Tiếp giáp với các rẫy cà phê xanh tốt là những cây thông vàng úa chết đứng vì bị “ken” và cứ như vậy, rừng thông bị cây cà phê lấn dần. Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cũng thừa nhận rằng, tình hình vi phạm Luật quản lý và bảo vệ rừng vẫn tiếp diễn phức tạp tại lâm phần do đơn vị quản lý, trong đó “nóng” nhất là tại các tiểu khu: 115, 116, 117, 118, 94, 95, 97… thuộc địa bàn 2 xã Đạ Sar, Đa Nhim.

Chính quyền bó tay?

Thổn thức rừng đầu nguồn Đa Nhim ảnh 2

Những gốc thông hàng chục năm tuổi bị chặt, đốt để lấy đất trồng cà phê.

Mặc dù đã xác định rõ tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim chủ yếu là do người dân tại chỗ phá để lấy đất làm rẫy và bán nhưng việc triển khai phòng chống của ngành chức năng thời gian qua vẫn chưa mang lại kết quả là bao.

Về phía chủ rừng, ông Nguyễn Mạnh Đáp (Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim) cho rằng: “Lực lượng của đơn vị quá mỏng, trang bị thiếu. Nhưng nguyên nhân chính là ở mức độ xử phạt vi phạm còn chưa nghiêm nên người dân “lờn mặt” không sợ”.

Cùng chung quan điểm này, bà Trịnh Thị Truyền (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương) băn khoăn: “Do đối tượng vi phạm đa số là người dân tộc thiểu số nên việc xử lý hết sức khó khăn. Hạt đã ra quyết định xử phạt hành chính hàng chục vụ nhưng việc thi hành dường như là con số không, cưỡng chế thi hành cũng không được vì người dân không có tài sản gì đáng giá. Những vụ nghiêm trọng lắm thì mới đề nghị xử lý hình sự…”.

Trước tình hình này, UBND huyện Lạc Dương đã thành lập Ban chỉ đạo việc giải tỏa diện tích rừng bị lấn chiếm. Ông Đỗ Quý Uy (Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương) cho biết: “Đây là địa bàn mà người dân tộc thiểu số chiếm đến 83% nên giải pháp trước tiên phải là tuyên truyền, vận động. Việc cưỡng chế chỉ là bất đắc dĩ…”.

Từ đầu năm 2007 đến nay, huyện đã tiến hành giải tỏa được hơn 10ha, trong đó xã Đạ Sar gần 7ha. Nhưng trên thực tế việc giải tỏa này còn nặng tính hình thức vì sau khi giải tỏa và trồng rừng, do công tác bảo vệ chưa sát sao nên người dân lại nhổ cây rừng để trồng cà phê. Một khó khăn nữa là đa số diện tích rừng bị phá đều đã được giao cho dân nhận khoán bảo vệ và rất nhiều trường hợp chủ rừng chính là người phá rừng!

Giải pháp cấp bách mà lãnh đạo huyện Lạc Dương đề ra là tổ chức lực lượng cưỡng chế có trọng tâm, trọng điểm, trước hết tập trung vào địa bàn nóng nhất là xã Đạ Sar. Đồng thời tìm các loại cây rừng nhưng sớm mang lại hiệu quả kinh tế (như keo lá tràm, keo tai tượng – có thể cho khai thác sau 3 – 5 năm) để vận động người dân trồng, bảo vệ và khai thác. 

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục