Nhiều hộ nuôi cá sấu chưa an toàn

Trong thời gian qua, TPHCM cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, nghề nuôi cá sấu phát triển khá mạnh, nguy cơ cá sấu sổng chuồng trong mùa lũ đe dọa tính mạng người dân như vụ hàng trăm con cá sấu của trại Yang Bay là rất lớn. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, việc xây dựng chuồng trại của nhiều hộ chăn nuôi tại TPHCM vẫn không đảm bảo an toàn.
Nhiều hộ nuôi cá sấu chưa an toàn

Trong thời gian qua, TPHCM cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, nghề nuôi cá sấu phát triển khá mạnh, nguy cơ cá sấu sổng chuồng trong mùa lũ đe dọa tính mạng người dân như vụ hàng trăm con cá sấu của trại Yang Bay là rất lớn. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, việc xây dựng chuồng trại của nhiều hộ chăn nuôi tại TPHCM vẫn không đảm bảo an toàn.

TPHCM: Chỉ 4 trại đạt chuẩn

TPHCM hiện có gần 63 tổ chức, cá nhân nuôi 129.000 con cá sấu, trong đó, 4 doanh nghiệp gồm Tồn Phát ở Củ Chi; trại cá sấu thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Suối Tiên ở quận 9; trại cá sấu Forimex thuộc Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn ở huyện Bình Chánh và quận Thủ Đức; Công ty TNHH cá sấu Hoa Cà ở quận 12 được tổ chức quốc tế CITES (cơ quan triển khai công ước về thương mại quốc tế đối với các loài động, thực vật hoang dã dạng nguy cấp) công nhận đảm bảo các yêu cầu về chuồng trại, con giống… Hiện bốn nơi này đang nuôi khoảng 116.000 con cá sấu; số còn lại do các hộ dân nuôi nhỏ lẻ.

Nhiều hộ nuôi cá sấu chưa an toàn ảnh 1

Chuồng trại nuôi cá sấu xập xệ của hộ ông Bùi Văn Đa, Bình Chánh, TPHCM.

Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như ghi nhận của người viết bài mới đây, tại các doanh nghiệp trên và một số ít hộ nuôi nhỏ lẻ tuân thủ đúng các quy định của Bộ NN-PTNT và UBND TPHCM về các điều kiện an toàn chuồng trại.

Khu vực trại nuôi cá sấu của những nơi này tường rào đều được xây bằng bê tông cốt thép hoặc rào chắn bằng lưới B40, cao cao khoảng 3m. Ở những khu vực đất yếu, nền móng đều được xây âm xuống đất khoảng 0,5-1m, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và khá an toàn.

Công ty TNHH chăn nuôi và kinh doanh cá sấu Tồn Phát – doanh nghiệp chuyên nuôi và kinh doanh cá sấu thuộc hàng lớn nhất TP, với diện tích 4ha ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, Huyện Củ Chi đã được tổ chức CITES công nhận và cấp Quota xuất khẩu cá sấu. Mới đây, Chủ tịch tổ chức CITES và đại diện của 14 quốc gia đến thẩm định chuồng trại và khả năng nuôi cá sấu của công ty đều đạt chuẩn quốc tế. Các trại còn lại cũng tương tự.

Trại cá sấu thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Suối Tiên đều có bảng báo khuyến cáo mọi người không được đến gần nơi nuôi cá sấu, hàng rào sắt kiên cố xung quanh cách chuồng nuôi 2m.

Nguy cơ sổng chuồng từ hộ nuôi nhỏ lẻ

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trong thời gian qua, có ít nhất 4 con cá sấu lớn sổng chuồng ra kênh, rạch ở huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và quận 12, 2, 9… và tất cả đều xuất phát từ các hộ nuôi nhỏ lẻ. Hiện ở khu vực này có rất nhiều hộ dân nuôi cá sấu nhỏ lẻ.

Cơ sở nuôi cá sấu của ông Bùi Văn Đa, số C9/14, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nằm giữa khu dân cư tiếp bao quanh bởi con rạch rộng khoảng 8m. Triều cường là nước mấp mé những chuồng trại nằm sát bờ rạch. Chia làm 4 khu khu vực nuôi khác nhau, hai chuồng sát bờ nuôi cá sấu thương phẩm, hai chuồng nuôi cá sấu đẻ nằm giáp với khu dân cư, tuy nhiên không có chuồng nào đạt chuẩn an toàn theo quy định của Bộ NN-PTNT và UBND TPHCM.

Cụ thể, tường rào tại đây được dùng bằng những miếng bê tông ghép lại, nhiều nơi đã mục nát. Nhiều nơi trong khu chuồng trại đất rất yếu, nền chuồng không đổ bê tông nên cá sấu dễ đào thoát ra ngoài. Điều đáng nói, một nửa chuồng nuôi cá sấu thương phẩm nghiêng hẳn ra rạch. Nền lót bằng gạch tàu, nhiều nơi đất đã sụt lún và rạn nứt, mật độ cá sấu quá nhiều so với diện tích chuồng. Thậm chí hàng rào có nơi lưới thấp hơn 0,5m, lưới sắt thì mục gỉ...

Các hộ nuôi cá sấu khác ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, chuồng trại cũng trong tình trạng tương tự.

Trong đợt kiểm tra vừa qua, chứng kiến tình hình chuồng trại một số hộ dân nuôi cá sấu tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM bức xúc cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra tất cả những hộ nuôi nhỏ lẻ, nếu phát hiện không đảm bảo an toàn hoặc không có giấy phép, chi cục sẽ đình chỉ nuôi ngay lập tức. Những hộ có chuồng nằm sát bờ sông phải di dời đến nơi an toàn. Các nơi chuồng bị xuống cấp cần phải nhanh chóng khắc phục.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số hộ nuôi gia đình chưa đủ điều kiện về chuồng trại, nuôi nhốt còn sơ sài, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ… Đáng lo ngại hơn là hiện nay có rất nhiều hộ nuôi tự phát, lén lút, không đăng ký với các cơ quan chức năng khiến cơ quan chức năng rất khó quản lý. TPHCM với hàng ngàn con hẻm nhỏ, với hàng trăm tuyến kênh rạch và tình trạng ngập úng diễn biến phức tạp như hiện nay, việc cá sấu sổng chuồng khó mà phát hiện và săn lùng cũng không phải là dễ.

ĐBSCL: Rất nguy hiểm khi có lũ hoặc triều cường

ĐBSCL hiện có hơn 150.000 con cá sấu đang được nuôi nhốt trong các hộ dân, khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên gần một năm qua giá cá sấu thương phẩm sụt giảm, tiêu thụ chậm, nhiều hộ nuôi bị thua lỗ nên ít chú trọng đầu tư gia cố chuồng trại đảm bảo an toàn. Do vậy, không thể loại trừ nguy cơ cá sấu sổng chuồng do lũ hoặc triều cường.

Tại Cà Mau hiện có hơn 10.000 con cá sấu được nuôi tại 500 hộ dân. Cách đây 1 tháng, người dân ở khu vực cầu kinh số 1, phường 9, TP Cà Mau một phen hú vía vì một con cá sấu 30kg (của ông Xuyên ở phường 7) thoát ra sông trên đường vận chuyển. Mấy ngày sau, người dân mới bắt được con cá sấu này trở lại chuồng.

Trước đó, tại xã Lương Thế Trân huyện Cái Nước cũng có một con cá sấu trưởng thành thoát ra môi trường bị bắt lại. Ông Nguyễn Việt Dũng-Phòng Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: Kiểm lâm đang chuẩn bị kiểm tra toàn bộ các cơ sở nuôi cá sấu trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế tối đa nguy cơ cá sấu sổng chuồng do triều cường, ngoài việc gia cố chuồng trại, tường rào, bắt buộc các cơ sở phải giăng lưới B 40 bao kín mặt khu vực nuôi cá sấu.

Tỉnh Bạc Liêu có khoảng 40.000 con cá sấu được nuôi chủ yếu tại TX Bạc Liêu và các huyện Giá Rai, Phước Long và Vĩnh Lợi. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, hiện còn tồn hơn 10.000 con cá sấu chưa tiêu thụ được. Nguyên nhân do giá thấp, người nuôi không có lãi. Hầu hết cả các trang trại nuôi cá sấu tại địa phương này không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài một số trang trại được khoanh nuôi với quy mô lớn, độ an toàn cao như cơ sở nuôi cá sấu Thảo, cơ sở Đáng… còn lại hầu hết nuôi quy mô nhỏ, từ 20 -100 con.

Người dân tận dụng đất của mình để khoanh nuôi. Đáng chú ý là trong địa bàn TX Bạc Liêu có nhiều hộ nuôi xả nước thải ra môi trường gây bức xúc của người dân xung quanh. Hiện tại, mức độ an toàn tại các trại nuôi cá sấu chưa được kiểm tra toàn diện. Vì chuồng trại không an toàn nên Bạc Liêu thường xuyên xảy ra nạn trộm cá sấu.

Tháng 6-2006 tại huyện Phước Long, kẻ trộm đã vào nhà ông Nguyễn Văn Đáng trộm cá sấu con. Khi phát hiện, kẻ trộm bỏ lại hai bao cá sấu 40 con. Chủ trang trại cũng không thể biết được bị mất bao nhiêu con. Đầu năm 2007, tại huyện Hòa Bình, một người nuôi cá sấu bị mất trộm trộm 40 con (loại 7kg/con). Chưa ai biết được kẻ trộm có mang hết số cá sấu trộm được đi tiêu thụ hay không hay làm rơi vãi dọc đường. Tình trạng này làm cho người dân rất lo lắng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các cơ quan chức năng ở ĐBSCL cần có biện pháp siết chặt mức độ an toàn của các cơ sở nuôi cá sấu…  

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục