Giao thông Nhật Bản – Những ấn tượng...

Bài 2: Ý thức của người dân quyết định

Pháp luật là tối thượng
Bài 2: Ý thức của người dân quyết định

Dù đa dạng, hiện đại và tiện nghi đến mấy, song hệ thống giao thông các đô thị ở Nhật Bản vẫn buộc phải kế thừa cơ sở hạ tầng cũ, nên có rất nhiều tuyến đường nhỏ hẹp. Đường chẳng rộng hơn, lượng phương tiện lại tăng rất nhiều so với trước, để giải quyết nạn ùn tắc trên đường, chẳng có cách nào khác là phải trông chờ vào yếu tố con người. Chính từ “áp lực khách quan” này, mà Nhật Bản đã có nhiều cách thức hiệu quả để hình thành nên một nếp giao thông cho cả cộng đồng...

Pháp luật là tối thượng

Bài 2: Ý thức của người dân quyết định ảnh 1

Tuyên truyền về luật giao thông cho người già ở khu phố Kishoin (Kyoto).

Ở Nhật Bản có một quan niệm “điều anh nghĩ trong đầu - pháp luật không cần quan tâm, nhưng nếu hành động của anh vi phạm pháp luật, thì chắc chắn sẽ phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật”. Quan niệm “pháp luật là tối thượng” đó đã thấm rất sâu vào các hoạt động liên quan tới tổ chức giao thông.

Là người có kinh nghiệm hơn 30 năm về quy hoạch giao thông ở Nhật Bản, lại sang Việt Nam làm Cố vấn trưởng của Dự án phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông Hà Nội mấy năm nay, ông Michimasa Takagi có lần nói với chúng tôi “Cách đây 30 - 40 năm, tình hình giao thông ở Nhật Bản cũng hỗn độn không khác gì ở Hà Nội hay TPHCM của Việt Nam hiện nay. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, Nhật Bản đã tạo được một xã hội nền nếp, trong đó có vấn đề giao thông”.

Có dịp tìm hiểu tại nhiều tỉnh, TP của Nhật Bản, chúng tôi càng thấy nhận xét này của ông Takagi là chính xác. Thực trạng giao thông ở Hà Nội và TPHCM hiện nay từng được một chuyên gia giao thông ví von là “kiểu giao thông đàn kiến”. Có nghĩa là, mỗi phương tiện khi đi trên đường thường theo cách của con kiến: đụng phải vật cản phía trước, thì không cần biết phía trước là cái gì, ngay lập tức lách sang bên mà… đi tiếp! Đó là chưa kể tình trạng quay xe, cua quẹo tùy tiện, bấm còi, bật đèn tín hiệu vô tội vạ. Tất cả làm cho bức tranh ùn tắc giao thông đã hỗn độn lại càng hỗn độn thêm, nhất là khi thiếu bóng CSGT.

Nhưng ở Nhật Bản thì khác: dù đang rất vội vã, phải chạy rầm rập cho kịp có mặt ở cửa ga, nhưng khi thấy có người quay đi chuẩn bị bước lên tàu điện, thì chắc chắn những người khác sẽ tự dừng lại nhường bước. Khi thấy chiếc ô tô phía sau vừa bật đèn tín hiệu để vượt, chiếc xe phía trước tự giác giảm tốc độ rồi chạy lệch sang bên mà không cần phải đợi tiếng còi xin đường.

Luồng đường này đang ùn tắc dài hàng trăm mét ở ngã tư, nhưng dòng xe vẫn kiên nhẫn nhích từng chút một, chứ không lấn sang làn đường bên cạnh – nơi dòng xe vẫn lao vun vút. Thấy bóng người đi bộ định sang đường ở nơi có vạch sơn, dù không có đèn tín hiệu, mấy chiếc ô tô đang phóng nhanh vẫn vội giảm tốc độ rồi dừng lại đúng nơi quy định, chờ cho người sang đường hẳn, rồi mới đi tiếp.

Người Nhật đã làm thế nào để có được sự nhường nhịn tới mức nền nếp và rất tự giác như vậy? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Okiama, Phó Phòng quy hoạch giao thông thuộc Tòa thị chính TP Kyoto cho hay, từ năm 1971 Nhật Bản đã có luật về an toàn giao thông. Trong đó, có giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp ngành, chính quyền tỉnh, TP và huyện, xã phải chịu trách nhiệm về tình hình an toàn giao thông ở địa bàn mình. Vì thế, hầu như địa phương nào cũng xây dựng những kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông từng năm và trong 5 năm.

Trong đó, công tác giáo dục và duy trì thực thi pháp luật giao thông được chính quyền các cấp coi như một giải pháp cốt yếu. Tại TP Kyoto, chính quyền đã mời đại diện hơn 120 tổ chức hội, đoàn thể cùng bàn bạc và tham gia vào các hoạt động tuyên truyền thông qua hệ thống của các tổ chức này. TP cũng trích một lượng kinh phí thỏa đáng từ ngân sách để in các tờ bướm, tài liệu về luật giao thông; đồng thời phối hợp với các báo, đài phát thanh, truyền hình tổ chức các chương trình chuyên đề về giao thông.

“Qua thống kê, chúng tôi thấy số học sinh tiểu học rất hay bị tai nạn. Nguyên nhân chính là do các em thường đi xe đạp. Vì thế, từ năm 2006, TP tổ chức cho tất cả các học sinh 6 – 12 tuổi phải qua một khóa học về an toàn giao thông rồi mới cấp cho các em chứng chỉ đi xe đạp” - ông Okiama cho biết.

Kyoto có 26 trạm cảnh sát, thì mỗi trạm có một đội 2 - 3 người chuyên đi tới các trường học, xuống tận các khu dân cư để giới thiệu, tuyên truyền cho người dân nắm được quy định của luật giao thông. Theo chân các CSGT chúng tôi có dịp đến dự một buổi tuyên truyền về luật giao thông cho các cụ già ở khu phố Kishoin. Được chứng kiến các giáo cụ trực quan và cách giới thiệu sinh động, chúng tôi cảm nhận được rất rõ hiệu quả mà mỗi buổi tuyên truyền này mang lại.

Người Nhật chú trọng đặc biệt tới việc giáo dục pháp luật giao thông cho đối tượng học sinh, vì đây chính là người sẽ làm chủ hệ thống giao thông tương lai. Hình thức giáo dục cũng rất phong phú, đơn giản màø hiệu quả. Hôm thăm Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông Tokyo, chúng tôi bắt gặp một đoàn học sinh lớp 6 được cô giáo đưa đến để tìm hiểu về hoạt động và tác dụng của trung tâm này - với giải quyết vấn đề giao thông.

Cũng vẫn là cô giáo dẫn học trò - có lần chúng tôi thấy một cô giáo kiên quyết hướng dẫn học sinh đi lên cầu vượt, cho dù ở ngã tư đó có đèn tín hiệu và có sơn vạch cho người qua đường. “Cô giáo làm vậy là để học sinh tập thói quen đi lên cầu vượt cho bảo đảm an toàn, đồng thời không gây ùn tắc giao thông tại ngã tư” - anh bạn người Nhật cùng đi giải thích, khi thấy ánh mắt đầy thắc mắc của tôi.

Đến một lễ hội về an toàn giao thông ở huyện Tanba của Kyoto, chúng tôi thật sự khâm phục cách tổ chức rất đơn giản mà sâu sắc: tất cả các nội dung về an toàn giao thông được ẩn vào hình thức một ngày hội văn hóa, với vô số món ăn và quà tặng miễn phí hấp dẫn dành cho trẻ em.

Tuy công tác giáo dục pháp luật giao thông được làm khá kỹ lưỡng như vậy, song hàng năm, Nhật Bản vẫn phát động trên toàn quốc 2 chiến dịch về an toàn giao thông vào mùa xuân và mùa thu. Mỗi chiến dịch kéo dài trong 10 ngày, với sự tăng cường của lực lượng CSGT trên đường, mà mục tiêu chính là nhằm nhắc nhở người dân về ý thức tôn trọng pháp luật khi giao thông.

Không thể thiếu bóng “bồ câu trắng”

Để có một ý thức chung cho cả cộng đồng, đương nhiên phải đầu tư cho công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở thông tin và thuyết phục, pháp luật không thể đi sâu vào ý thức thành một nền nếp ổn định được. Chính vì vậy, công tác tuần tra, kiểm soát của CSGT nhằm duy trì trật tự giao thông trên đường là một việc không thể thiếu. Ngoài các ô tô chuyên dụng, lực lượng này được trang bị các xe máy 800cm3 để đi tuần và kiểm soát, xử phạt, chỉ dẫn giao thông... Vì các xe này đều sơn màu trắng, nên đội ngũ này được mệnh danh là “bồ câu trắng” trên đường.

Ở Saitama - một tỉnh có 7,05 triệu dân và nằm giáp ranh với thủ đô Tokyo, đội “bồ câu trắng” của Phòng CSGT tỉnh có tới 130 người. Nếu cộng với số CSGT ở các trạm cảnh sát huyện, thì có tới hơn 200 “bồ câu trắng” tất cả. Mỗi xe máy đều trang bị đầy đủ phương tiện thông tin, các công cụ hỗ trợ và xử lý.

Vì thế, khi gặp bất kỳ tình huống nào liên quan tới ùn tắc, tai nạn giao thông, vi phạm giao thông... lực lượng này đều nhanh chóng giải quyết. Ông Isobe Mamory – Đội trưởng đội tuần tra CSGT tỉnh Saitama cho biết, đội của ông thường đứng chốt ở các nút giao thông có mật độ đông người và phương tiện qua lại. “Những người vi phạm pháp luật thường không thích chúng tôi. Bởi lẽ, dù họ vi phạm bất cứ hành vi nào và ở đâu, đều bị chúng tôi xử lý rất nghiêm khắc” – ông hóm hỉnh nói.

- Nguyên tắc xử phạt vi phạm thế nào?

“Chúng tôi có 3 loại phiếu phạt. Mỗi loại phiếu phạt ứng với một số điểm “pháp luật” nhất định bị trừ trên bằng lái”. Ông Isobe giải thích - Phiếu phạt in màu đỏ dành cho các trường hợp vi phạm nặng (như không có bằng vẫn lái xe, say rượu vẫn lái xe, vi phạm nhiều lần về tốc độ...) với số điểm bị trừ 6 - 13 điểm kèm theo khoản tiền phạt 70.000 – 80.000 yên (tương đương 9,8 – 11,2 triệu đồng Việt Nam).

Phiếu phạt màu xanh dành cho các vi phạm nhẹ hơn, với số điểm bị trừ 1 - 3 điểm kèm khoản tiền phạt từ 12.000 – 18.000 yên. Phiếu phạt màu trắng là nhẹ nhất – không bị phạt tiền, chỉ bị trừ 1 điểm ở bằng lái. Khi người vi phạm bị trừ tới 6 điểm, thì sẽ bị treo bằng trong 1 tháng. Còn khi bị trừ tới 15 điểm, thì bằng lái sẽ bị tịch thu. Người bị tịch thu bằng lái xe phải chờ sau 5 năm mới được đi học để thi cấp bằng lại.

Phải nói sự nghiêm minh và tận tụy của các “bồ câu trắng” Nhật cũng rất đáng ghi nhận. Theo lời ông Isobe kể, thì để xử lý được các trường hợp lái xe say rượu, họ thường phải mai phục ở gần các khu vực nhà hàng, quán nhậu, bất kể ngày đêm, trời nắng hay mưa. Còn hôm ở Tokyo trên con phố cạnh ga Sinjuku, chúng tôi tận mắt chứng kiến một CSGT chạy bộ hơn 100m đuổi theo cho bằng được một chiếc ô tô đã cố vượt đèn đỏ.

Cùng với hệ thống camera giao thông giám sát, chính sự nghiêm minh và tận tụy ấy, đã khiến cho ý thức tôn trọng pháp luật giao thông của người dân dần ngấm sâu vào từng người. Nên dù có CSGT trên đường hay không, các phương tiện vẫn bảo đảm đi đúng quy định với một thái độ rất... nhường nhịn!

Long Hà

- Bài 1: Đủ đường cho phương tiện

Tin cùng chuyên mục