Phòng chống HIV/AIDS

Bài học từ Thái Lan(*)

Bài học từ Thái Lan(*)

Nếu những năm trước, Thái Lan được xem là một điển hình trong công tác phòng chống HIV/AIDS khi quá thành công trong việc giảm số ca nhiễm mới/năm (từ 140 ngàn ca/năm vào năm 1997 xuống còn 14 ngàn ca/năm vào các năm sau) thì nay mối lo lắng về đại dịch AIDS dường như đã trở lại với người Thái. Năm 2006, số ca nhiễm mới đã đột ngột tăng lên 17 ngàn ca/năm khiến giới chức Thái Lan gần như bừng tỉnh sau giấc ngủ quên trên chiến thắng, nhiều người đã nhận thấy: không thể chủ quan, lơ là với đại dịch AIDS, trái lại phải thường xuyên tăng cường những nỗ lực, các hoạt động phòng chống AIDS, đặc biệt là truyền thông cho cộng đồng.

Hiểm họa từ sự chủ quan

Bài học từ Thái Lan(*) ảnh 1

BCS được quảng cáo khá ấn tượng tại nhà hàng Cabages & Condom (Bắp cải và BCS). Ảnh: N.L.

Thành công quá lớn trong việc giảm tỷ lệ ca nhiễm mới đã khiến người Thái quá tự tin và chủ quan – ông Patrick J Brenny, Giám đốc văn phòng UNAIDS tại Thái Lan nhận định.

Một thời gian khá dài, Thái Lan không hề có một chương trình nào phổ biến thông tin cho dân chúng biết về HIV, tài liệu giáo dục giới tính cho thanh niên học sinh trong các trường học dường như cũng bị bỏ ngỏ.

Có lẽ chính vì điều này mà nhiều thanh niên Thái khi được khảo sát ý kiến đã cho rằng: HIV là vấn đề của thế hệ đi trước nên chẳng cần quan tâm lo lắng. Mặt khác, nhiều nam thanh niên lại cho rằng: chỉ cần sử dụng bao cao su (BCS) khi quan hệ tình dục (QHTD) với gái mại dâm là đủ an toàn, còn với người yêu hay bạn tình thì việc này là không cần thiết.

Không ít đàn ông Thái đã quan hệ với vợ, bạn tình và cả những người mới gặp trong cùng một khoảng thời gian theo cách “tự do” này. Đây hẳn là một quan niệm sai lầm vì nếu 17 năm trước, HIV ở Thái Lan thường được khoanh vùng ở mối quan hệ giữa gái mại dâm và khách làng chơi thì nay đã có những thay đổi rất lớn.

Theo ông Patrick, có một thực tế đáng lo ngại là hiện nay, nhiều người đàn ông Thái lớn tuổi đang có xu hướng tìm đến với các cô gái trẻ và QHTD không cần BCS.

Ở Thái Lan hiện nay còn có cả một dịch vụ cung cấp “bồ nhí” hoạt động rất công khai. Không chỉ đàn ông Thái mà nhiều phụ nữ Thái cũng chủ động tìm kiếm bạn tình thay thế, sau khi đi lại vài tháng, hai bên cảm thấy chán nhau và lại đi tìm bạn tình mới.

Mối lo ngại không chỉ có thế vì nói một cách ví von như ông Patrick thì: Tất cả các gia vị sex đều có thể tìm kiếm ở Thái Lan. Ở Thái Lan có nhiều người giống như đàn ông nhưng không phải đàn ông; nhiều người không phải là “gay” nhưng vẫn quan hệ đồng giới; nhiều người đàn ông sau khi quan hệ đồng giới vẫn lấy vợ và một số vẫn tiếp tục quan hệ đồng giới sau khi lập gia đình.

Tất cả các vấn đề trên đều là những hành vi nguy cơ dẫn đến điều đáng lo ngại cho Thái Lan từ 3 - 4 năm nay: tỷ lệ các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở Thái Lan đã tăng đến trên 30%, tập trung chủ yếu ở đối tượng thanh niên; năm 2006, số ca nhiễm mới tại Thái Lan đã đột ngột tăng lên 17 ngàn ca/năm, trong số này 70% ca nhiễm là các nữ thanh niên; 50% ca nhiễm mới là lây từ vợ - chồng.

Theo ông Patrick: Tình hình nhiễm HIV/AIDS tại Thái Lan hiện nay giống như “bức tranh HIV/AIDS” ở châu Phi: Ngày càng có nhiều phụ nữ và nữ thanh niên bị nhiễm HIV vì chồng hay người yêu, bạn tình của họ vẫn QHTD không sử dụng BCS và mang HIV về nhà. Cứ thế, những người ở nhà dù là những người không có hành vi nguy cơ nhưng vẫn bị nhiễm HIV.

Nhìn thẳng vào sự thật

Trước nguy cơ đại dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại, Thái Lan đang phải huy động tổng lực sự can thiệp từ các lực lượng trong xã hội, đặc biệt là liên kết chặt chẽ bộ ba: Truyền thông – Chính phủ - các tổ chức phi chính phủ. Vai trò của thông tin truyền thông với HIV/AIDS đã được đưa vào chương trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2007 – 2010 với nỗ lực đẩy mạnh việc chia sẻ dữ liệu thông tin, tăng cường hành vi an toàn.

Theo Tiến sĩ Pachara Sirivongrangson – Bộ Y tế công cộng: Ước tính đến năm 2007, toàn Thái Lan đã có 1,1 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS trong đó 560 ngàn người đã chết vì AIDS và hiện còn 550 ngàn người hiện đang sống cùng HIV/AIDS. Tuy nhiên, theo ông Patrick, con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều khoảng 750 ngàn người.

Theo thống kê của Bộ Y tế công cộng Thái Lan từ năm 1984 – 2007, đường lây nhiễm HIV tại Thái Lan chủ yếu là lây qua đường tình dục (84%). Dù vậy, người Thái vẫn có những quan niệm rất khác về mại dâm, không xem đây là một tệ nạn xã hội phải xóa bỏ bằng mọi cách.

Bác sĩ Parphan Phanuphak – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AIDS, Hội Chữ thập đỏ Thái Lan rất thẳng thắn khi cho rằng: Cần có một cái nhìn thực tế hơn về vấn đề mại dâm. Liệu có thể xóa bỏ hoàn toàn không? Ở Thái Lan, mại dâm là bất hợp pháp nhưng nó vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi.

Phá đi khu này nó sẽ mọc lên những khu khác như phá đi khu patpong (khu đèn đỏ nổi tiếng của Bangkok với các hoạt động sex show, mại dâm - PV) thì sẽ mọc thêm một khu patpong biến thể khác như khu patpeng nào đó… Mà nếu như mại dâm trở nên kín đáo hơn thì càng khó tiếp cận để phòng chống HIV/AIDS. Vấn đề chính hiện nay là làm sao để QHTD của các đối tượng trở nên an toàn.

Bài học từ Thái Lan(*) ảnh 2

Mua BCS từ máy bán BCS tự động tại Thái Lan. Ảnh: T.D.

Hàng loạt các chương trình can thiệp truyền thông thay đổi hành vi đã và đang được thực hiện tích cực. Theo đó, ngoài các chương trình giáo dục về giới tính, kỹ năng sống được tổ chức tại các trường học; hình thành các trung tâm thông tin HIV/AIDS tại cộng đồng; xây dựng thử nghiệm các phòng khám thân thiện dành cho thanh niên…

Bộ Y tế công cộng Thái Lan còn tận dụng nhiều kênh tuyên truyền khác để thay đổi nhận thức, hành vi cho thanh niên đặc biệt là nhóm đối tượng khó tiếp cận như nhóm nam đồng giới.

Cụ thể là vào các dịp lễ đặc biệt như Valentine, một số mạng di động đã gửi tin nhắn tư vấn sức khỏe cho các thuê bao trong mạng của mình; nội dung tin nhắn đặc biệt tập trung vào vấn đề khuyến khích sử dụng BCS khi QHTD với thông điệp: Hãy đứng dậy và đừng xấu hổ khi mang BCS theo người.

Để chương trình hiệu quả hơn, giới chức Thái Lan đã rất khéo léo khi kêu gọi các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng lớn trong xã hội cùng tham gia. Nhiều diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng đã sẵn sang tham gia các chương trình này với việc cùng các giáo viên, học sinh… tranh tài thổi BCS.

Nhiều đơn vị kinh tế - vốn được xem là khá khó tính trong việc truyền thông những lĩnh vực nhạy cảm như thế cũng tham gia như việc một số ngân hàng ngoài việc tài trợ cho chương trình còn trực tiếp tham gia tuyên truyền như phát BCS cho khách hàng của mình. Nhiều nhà sư cũng đã tham gia tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Tháng 4-2007, Thái Lan cũng đã lập lại Tiểu ban quốc gia hành động phòng chống HIV/AIDS, chương trình “100% BCS” từng được thực hiện chủ yếu tại các nhà chứa sau một thời gian bỏ quên cũng đã được khôi phục và hướng đến toàn xã hội. Nhờ vậy, tại Thái Lan, mọi người có thể mua BCS ở khắp mọi nơi: trên xe taxi, siêu thị, tiệm vàng hay các máy bán BCS tự động được đặt khá kín đáo trong toilet của các nhà hàng, siêu thị (hiện cả Thái Lan có khoảng 5.000 máy)…

Tại một tỉnh nhỏ như Chiangrai – một tỉnh nằm ở cực Bắc Thái Lan thuộc khu “Tam giác vàng” Lào – Thái Lan – Myanmar, cũng đã có tới 334 máy bán BCS tự động. Với các chương trình tuyên truyền này, theo bà Pachara: BCS ở Thái Lan không còn là một vật phẩm nhạy cảm và đáng xấu hổ nữa.

Ngay tại Bangkok đã có một nhà hàng được đặt tên khá độc đáo: Cabbages & Condoms (Bắp cải và BCS), tên gọi này thể hiện sự mong muốn BCS sẽ trở nên gần gũi như món bắp cải trong bữa ăn hàng ngày của người Thái. Chọn một cách sống an toàn trước khi ngăn chặn được hiểm họa chính là cách phòng chống đại dịch HIV/AIDS tại Thái Lan hiện nay.


* Ghi nhận từ chuyến tham quan học tập các mô hình phòng chống HIV/AIDS tại Thái Lan do Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM và UNAIDS tổ chức từ ngày 11 đến ngày 16-11-2007. 

KIM LIÊN

Tin cùng chuyên mục