Tầm nã mãng xà mùa nước lũ

Ruồng bố hung thần miền Tây…
Tầm nã mãng xà mùa nước lũ

Theo đà bão lũ tại miền Trung, mực nước ở 2 con sông Tiền, sông Hậu cũng dâng cao. Những lúc như thế này, dân săn rắn rất kết, vì loài bò sát máu lạnh ấy sẽ tập trung lánh nạn ở những gò cao nên dễ tóm gọn. Nơi cuối đất Cà Mau, giữa mênh mông lau sậy, nhóm thợ săn mãng xà kiên trì tầm nã cho bằng được con rắn hổ đất nặng trên 1kg vừa xổng khỏi hang…

Ruồng bố hung thần miền Tây…

Tầm nã mãng xà mùa nước lũ ảnh 1

Chiến lợi phẩm của nhóm thợ săn.

Nhóm thợ săn gồm 4 người, ai nấy tay nghề đều thuộc loại điêu luyện. Sau cú gật đầu đồng ý, Bảy Ngựa, “đội trưởng” nhóm thợ săn cảnh báo: “Ông là dân lơ tơ mơ, lạng quạng con hổ chúa nó phập thì toi mạng. Năm nào cũng có người “ra đi” vì con mãng xà vương này. Gặp “mấy ổng” đừng hoảng mà bỏ chạy là tử nạn ngay”.

Khi mặt trời nhô cao, chúng tôi xông thẳng vào đám lau sậy ngút ngàn, xuyên qua những cánh rừng tràm ở xã Nguyễn Phích thuộc huyện U Minh, nơi được xem là đại bản doanh của loài rắn, bắt đầu cuộc hành trình tầm nã mãng xà. Đang đi, Bảy Ngựa bỗng khịt khịt mũi rồi bất ngờ lao tới một gò đất, thọc tay vào lùm cỏ râïm rạp và lôi ra môït con rắn béo tròn dài hơn nửa mét đen sì sì. Thấy thằng em rùng mình vì sợ, Bảy cười trấn an: “Giống này lành lắm, ít khi cắn ai bao giờ. Nó có mùi hành nên người ta gọi nó là rắn hổ hành. Tui mà ngửi được mùi này rồi, đố con nào thoát được”.

Nhóm thợ săn lại tiếp tục cuộc hành trình. Đi sâu vào rừng, đến một khu vực trũng nước với nhiều lau sậy, mô đất nhô cao và có nhiều ếch nhái vốn là nơi lý tưởng để loài rắn tề tựu, nhóm thợ săn tản ra. Góc này, Chín Hạp kiên nhẫn xâm cây sắt xuống đất để dò hang. Nơi kia, Mười Thẹo lần từng vạt lau sậy tìm hang. Hang rắn thường là hang chuột. Sau khi chui vào hang nuốt chửng con chuột, nó nghiễm nhiên trở thành chủ sở hữu cái hang. Theo các thợ săn, hang nào có rắn ở thì đất quanh miệng hang rất láng vì rắn thường trườn qua.

Xác định trong hang có con mồi, các thợ săn vội lấy cỏ bít những lỗ hang còn lại, rồi dùng xẻng đào tử huyệt. Ngay khi con rắn hổ ngựa phóng ra khỏi hang, nhanh như cắt, cái đầu hình tam giác của nó bị Mười Thẹo đè xuống đất. “Giống này phóng rất mau nên người ta mới gọi là hổ ngựa. Nếu gặp loài này, tốt hơn hết là mau chân leo lên cây cao để lánh nạn” - vừa bẻ răng con vật, Mười Thẹo vừa giảng giải.

Một ngày theo chân nhóm thợ săn mãng xà, tôi mục kích nhiều màn bắt rắn điêu luyện. Ấn tượng nhất là cảnh nhóm thợ săn chinh phục con rắn hổ chúa nặng hơn 2kg, mà chỉ cần một cú táp của nó là kẻ không may ẵm chắc cái chết đau đớn giữa rừng sâu. Cầm que sắt đưa qua đưa lại để làm cho “lãnh chúa” phân tâm, nhanh như cắt, Bảy Ngựa phóng tay thộp cổ, bẻ răng con vật rồi cho vào bao ngay… Bất lực và bực tức, con rắn thở phì phì liên hồi…

Sinh nghề tử nghiệp

Tầm nã mãng xà mùa nước lũ ảnh 2

Lái rắn đang gom hàng dưới chân cầu Gành Hào.

Như hàng chục nhóm thợ săn rắn khác, nhóm thợ săn của Bảy Ngựa đều xuất thân con nhà nông chính tông. Chín Hạp kể, cách đây 6 năm, mỗi khi hứng chí, tụi này hú nhau cầm xẻng ra ruộng kiếm vài con rắn về hầm sả nhậu chơi. Thấy nhiều thương lái thâu vào với giá cao, vậy là tụi này nhào vô. Thế nên hễ đến mùa nước nổi, “đại ca” Bảy Ngựa lại quy tập đàn em trổ nghề thợ săn để kiếm thêm thu nhập.

Chuyến đi săn rắn lần này, nhóm thợ săn trúng đậm. Con hổ chúa được thương lái ở chợ Cà Mau vào thu mua tận nhà với giá 400.000 đồng/kg. 2 con hổ ngựa nặng trên 2kg được gom với giá 80.000 đồng/kg. Con hổ hành bán được 90.000 đồng… 3 kg rắn nước được bán với giá 40.000 đồng/kg… Được hơn 1,2 triệu đồng chia đều cho 4 thợ săn, vậy là mỗi người đút túi hơn 300.000 đồng. Nghề săn rắn không đòi hỏi vốn liếng, tay nghề, chỉ cần lỳ một chút, gan một chút là đã nhập làng. Thế nên ngày càng có nhiều nông dân ở U Minh trở thành thợ săn là vậy.

Nhưng đâu phải chuyến đi săn nào cũng vớ bẩm. Chín Hạp trầm tư: “Mấy năm trước, mỗi ngày tui đút túi bạc triệu gọn hơ. Nay do nhiều người bắt quá nên rắn tiệt nòi. Tuần rồi, tụi tui chỉ tóm được vài ba con bé tẻo teo. Chắc biết anh em vất vả quá nên “thần rắn” thương tình…”.

Lúc ngồi nhâm nhi, Mười Thẹo nói chuyện sinh nghề tử nghiệp: “Đi săn mà gặp rắn hổ chúa, hổ đất, hổ mây là trúng lớn nhưng cũng dễ toi mạng lắm… Nọc của nó có thể giết chết một người khỏe mạnh trong vòng vài phút”.

Bảy Ngựa rùn mình: “Loài hổ mây có những cú quăng mình rất xa và luôn tấn công phủ đầu. Mỗi mùa săn đều có người giã từ cuộc chơi do bị nó đớp. Người được cấp cứu kịp thì phải tháo khớp xương tay, chân và phải chịu tật suốt đời. Còn không thì có nước nhắn gửi vợ con lại cho anh em rồi nhắm mắt”. Bảy hạ giọng: “Mùa trước, thằng Tư Mánh ở xã bên tóm được con hổ chúa nặng gần 2 kg. Thay vì bẻ răng đề phòng tai nạn, thằng này ỷ y bỏ vào bao và rút tay ra không kịp… Con rắn bán được bạc triệu vẫn không đủ tiền làm ma chay cho nó”.

Bấp bênh, nguy hiểm vậy sao không chuyển nghề? Bảy Ngựa giọng buồn buồn: “Ruộng đồng thất bát, đất đai hổng còn nhiều, không săn rắn thì tụi này biết sống và nuôi vợ con bằng gì đây? Vả lại, nếu mình không săn thì cũng có thằng khác bụp”.

Nước mắt mãng xà!

Nhóm thợ săn rắn đã từng có ý định bỏ nghề vì “rắn bây giờ hiếm quá”. Không biết cái ý định “giã từ vũ khí” của nhóm có chắc ăn không, chứ đến khi nông nhàn chẳng biết làm gì, ngứa nghề, họ lại tiếp tục vào rừng, ra đồng săn rắn. Loài rắn tiệt nòi cũng đồng nghĩa với ruộng đồng xác xơ. Rắn khóc, người khóc, môi trường sinh thái khóc, nhưng lũ chuột và sâu bọ thì cười, bởi lẽ thiên địch của chúng đã không đủ sức trấn áp chúng.

Mốt nhậu thịt rắn, uống rượu tiết rắn, dùng rắn ngâm thuốc để “sung như mãng xà vương” của cánh đàn ông chính là động lực thúc đẩy chủng loại và số lượng các loại rắn ngày càng tiến tới bến bờ thảm hại.

Sau khi thu gom số lượng rắn tương đối lớn từ những nhóm thợ săn rắn như nhóm của Bảy Ngựa, các lái rắn sẽ tiến hành vận chuyển “hàng” đi khắp mọi miền theo đơn đăït hàng từ trước của các chủ quán, nhà hàng đặc sản. Một lái rắn tên Hùng ở dưới chân cầu Gành Hào (chợ Cà Mau) cho biết: “Gom cỡ khoảng năm mươi ký là tui gửi xe đò giao cho mối lái ở TPHCM liền. Bây giờ bị bắt nhiều, rắn hiếm rồi, chứ hồi đó có ngày tui thâu vô gần 200kg rắn. Mà toàn là rắn độc, rắn lớn chứ không be bé, xoàng xoàng như bây giờ đâu”.

Ngoài chợ Cà Mau, có thể kể tên một số điểm chuyên mua bán rắn nổi tiếng ở miền Tây như chợ Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), chợ Tiền Giang, chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tại những nơi này, rắn được người ta trưng lồng, bày bán công khai với vô số chủng loại, từ rắn lãi đến hổ mây, hổ sậy, hổ mang chúa...

Qua trò chuyện với nhiều lái rắn, được biết ngoài dân nhậu, ngay cả những người bị bệnh nan y cũng góp phần đưa rắn vào danh sách đỏ. Từ khi thông tin rắn hổ đất, rắn lục trị được bệnh ung thư lan truyền thì hai loài này và thịt rắn nói chung rất hút hàng. Người này đồn thổi, người kia thêu dệt, không biết thực hư của hai bài thuốc này ra sao chứ rắn lên đời, giá cả đỏng đảnh thì ai cũng biết.

Không nói chắc ai cũng hiểu những hệ lụy gì sẽ xảy ra một khi loài rắn không còn hiện hữu trên đồng ruộng. Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều thông tin về một số quốc gia, gần đây là chính phủ Malaysia đã phải tiến hành thả rắn ra đồng ruộng để diệt chuột và kêu gọi người dân nếu thấy rắn thì không nên bắt, không nên đập chết. Ở nước ta, với tình trạng săn bắt, tiêu thụ bừa bãi như hiện nay thì e rằng, trong tương lai gần, lối mòn giẫm phải là chuyện không tránh khỏi.

Thành Nguyễn

Tin cùng chuyên mục