Xe lôi: sẽ chỉ còn là kỷ niệm...

100 năm và một tháng
Xe lôi: sẽ chỉ còn là kỷ niệm...

“Tôi nhận ra chị rồi. Cách đây mấy năm tôi có chở chị đi dạo vòng vòng TP Cần Thơ mà xe chạy được có một chút là phải núp mưa cả tiếng. Bữa đó trời mưa lớn quá!”. Anh tài xế xe lôi có vẻ mặt phong trần nhận ra khách quen và cười thật lớn. Rồi anh hạ thấp giọng nghe buồn buồn: “Còn chưa đầy một tháng nữa là tụi tui giải nghệ. Lệnh của nhà nước cấm xe tự chế lưu hành kể từ ngày 1-1-2008. Chị có muốn đi chuyến xe gần cuối?…”.

100 năm và một tháng

Xe lôi: sẽ chỉ còn là kỷ niệm... ảnh 1

Phút thư giãn của các bác tài xe lôi.
Ảnh: DOANH DOANH

Hai năm về trước, lần đầu tiên đặt chân đến Tây Đô, tôi đã nhờ anh chở đi dạo. Thật thích thú khi ngồi trên cái xe giống xích lô, mà lại được chiếc xe Honda 67 kéo đi. Xe lôi xem ra vững chãi hơn so với xe ôm Sài Gòn và du khách không có cảm giác áy náy vì bác tài chẳng cần phải còng lưng đạp. Do bị cấm chạy ở nhiều con đường nội ô, quốc lộ nên xe phải chạy vào những con hẻm nhỏ để đến bến Ninh Kiều. Chạy được chừng 10 phút, trời đổ mưa ngày càng lớn. Xe dừng lại. Nép dưới hàng hiên, anh xe lôi trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ kể cho khách nghe chuyện cơn lốc đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân; chuyện về những cô thôn nữ bị gả bán cho ngoại kiều chẳng biết tương lai ra sao…

Tôi về lại Sài Gòn, hành trang là những mẩu chuyện anh cung cấp mà mỗi khi nhớ đến, đều khiến tôi  áy náy vì vô tình không hỏi tên người chở. Khi gặp lại anh hai năm sau, trong lúc tôi còn đang ngờ ngợ thì anh đã nhận ra tôi. Anh lại cười, giọng cười hào sảng của người miền Tây chất phác: “Tôi tên Âu Tùng Anh, mới có 3 năm trong nghề thôi. Trước kia tôi làm thợ máy nhưng khi chủ sập tiệm, tôi chuyển qua chạy xe lôi. Mấy tháng nay, tụi tôi rầu thúi ruột vì nghe nói đến đầu năm 2008 xe lôi bị giải tán”, anh tâm sự: “Tôi có nghề thợ máy nên cũng còn xoay chuyển tình hình được, chứ còn những người khác không bằng cấp, không chuyên môn, giờ như đang ngồi trên lửa”.

Cái nghề dãi nắng dầm mưa đưa rước khách chỉ cần sức khỏe và “bộ đồ nghề” (chiếc xe) nên dễ dàng trở thành nghề có tính cha truyền, con nối. Anh La Quỳnh Nhơn chỉ chiếc xe lôi láng coóng mà anh gắn bó hơn 15 năm và nói: “Chiếc này tôi thừa kế từ “ông già”. Ổng “cưng” nó lắm nên khi truyền xe lại cho tôi, tôi cũng ráng “o bế” nó, nên nhìn lúc nào cũng mới để ba tôi không buồn”. Trong lúc trò chuyện, anh lấy khăn ra lau lại yên xe, thành xe: “Nghề không phụ mình đâu, chỉ cần siêng năng thì cũng kiếm được cơm ngày ba bữa”. Anh Nhơn khoe: “Mỗi ngày tôi chạy trung bình cũng được 60.000 đồng, sau khi đã trừ tiền xăng nhớt, ăn uống, đủ nuôi 1 vợ 2 con. Thời xe được chạy thả giàn ở tất cả nẻo đường Cần Thơ độ 5 năm trước, tiền kiếm được cũng hơn 100.000 đồng/ngày. Nửa cuộc đời trên yên xe của ba tôi coi vậy mà  đã nuôi được đàn con 11 đứa. Chỉ có tôi không học hành đến nơi đến chốn nhưng mấy người anh em của tui cũng là dân kỹ sư đàng hoàng như ai”.

Gương mặt để râu lâu ngày chưa cạo khiến anh Nhơn nhìn già hơn hơn so với tuổi 38 trong khai sinh. “Giờ tôi phải chạy “nước rút” trước khi lệnh cấm xe lôi có hiệu lực”, anh phân trần. Những nếp nhăn ở trán, khóe miệng, trên gương mặt rám nắng sẽ càng thêm sâu  khi bánh xe lôi dừng hẳn mà anh vẫn chưa xác định rõ ràng sẽ làm gì để nuôi vợ, nuôi con. Chiếc Honda 67 quá cũ của anh khó mà cạnh tranh với những dòng xe máy Tàu khác, nếu anh chuyển sang chạy Honda ôm.

Năm mới thường là khởi đầu của những điều tốt đẹp nhưng đối với hơn một ngàn tài xế xe lôi ở Cần Thơ, họ đang muốn thời gian trôi thật chậm.

Xe vua, thời vang  bóng sắp xa

Xuất hiện cách đây gần 100 năm, những chiếc xe lôi (mà tiền thân là xe kéo thời Pháp thuộc) ngược xuôi trên các ngả đường của miền Tây trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Dù có nhiều sự chọn lựa hình thức vận tải công cộng nhưng người dân vẫn chuộng xe lôi, bởi lẽ xe có thể chở khách đến tận hang cùng ngõ hẻm với giá cả phải chăng. Không ít bác tài xe lôi chọn nghề  ở “bước đường cùng” nhưng rồi “nghề” trở thành “nghiệp”, gắn bó tự lúc nào không hay, không biết. Nghề cực nhọc phơi gió, phơi sương nhưng đậm đà tình nghĩa.

Ông Tô Ngọc Phố, đậu ở trước KS Cửu Long, nói: “Các bến thường mang tính tự phát, anh em trong xóm rủ nhau đậu cùng chỗ cho vui. Tụi tui không tranh giành khách với nhau, mà luân phiên chở khách theo thứ tự rõ ràng”.  Anh Âu Thanh Tùng cho biết thêm: “Xe lôi chở người cấp cứu miễn phí hoài. Nhiều khi taxi chê không chở nhưng tụi tui thấy có người bị nạn là cứ xốc lên xe”. Trong vụ sập cầu Cần Thơ vừa qua, dù xe lôi đã bị cấm chạy trong nội ô nhưng ông Hai Minh hành nghề ở bến Ninh Kiều vẫn liều lấy xe chở hàng chục nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Nhờ nghĩa cử của ông mà nhiều nạn nhân được điều trị kịp thời. Người đàn ông nhỏ nhắn khoác tay không dám nhận biệt danh mới “ông Hai nghĩa hiệp” mà mọi người đặt cho, bởi lẽ: “Thấy người hoạn nạn thì ai cũng sẽ làm như tôi thôi!”.

Cần Thơ là địa phương cuối cùng ở miền Tây còn xe lôi, dù xe bị hạn chế chạy ở nhiều tuyến đường nội ô và quốc lộ. Lãnh đạo TP mấy lần đưa ra kế hoạch cấm hẳn xe lôi nhưng không thành. Số xe lôi ở Cần Thơ giảm nhiều so trước (năm 2004, Cần Thơ có hơn 2.000 xe chính thức) nhưng tình yêu của người dân xứ gạo trắng nước trong dành cho chiếc xe cổ, mà họ gọi là “xe vua” vẫn không giảm. Tuy nhiên, với NĐ 32 của CP,  xe lôi sắp chính thức bị “khai tử”. Ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông Công chính Cần Thơ, cho biết: “Trong kỳ họp với HĐND TP lần này,  UBND TP sẽ đề xuất mức trợ cấp cho người chạy xe lôi 300.000 đồng/tháng và nhận trong 5 tháng. Ngoài ra TP còn có một số chính sách lâu dài giúp người chạy xe lôi chuyển ngành nghề như hỗ trợ học nghề…”.

Nếu được thông qua, thì chỉ có 500 xe lôi có đăng ký hoạt động chính thực được hưởng chế độ này, còn khoảng 600 xe lôi chui phải tự xoay xở. Đa số người chạy xe lôi là lao động chính của gia đình nhưng trình độ văn hóa thấp nên gặp khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề. Họ muốn chuyển sang chạy “Honda ôm” cũng không đơn giản vì phải đầu tư xe mới, gặp cạnh tranh nhiều, thu nhập sẽ thấp hơn trước. Nếu đi làm mướn thì không phải ai cũng có đủ sức khỏe. Không hiểu vì sao một chính sách quan trọng ảnh hưởng đến hàng ngàn gia đình lại trình “sát nút” đến vậy? Một  chuyên viên  ở Sở Giao thông Công chính Cần Thơ thừa nhận, Cần Thơ không có lộ trình bài bản như An Giang.  Năm 2004, An Giang bắt đầu thực hiện cấm xe lôi, xe ba gác và tỉnh có đề án hỗ trợ cụ thể  chủ phương tiện này chuyển đổi ngành nghề, mua lại thùng xe lôi với giá 2 triệu đồng/cái.

Theo Nghị quyết 32/2007/CP của Chính phủ, từ 1-1-2008 đình chỉ lưu hành ô tô đã hết hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh; trường hợp vi phạm sẽ bị thu xử lý bán phế liệu, sung công quỹ...

Xe lôi vắng bóng, nỗi buồn không chỉ của cánh tài xế mà còn của người dân, của du khách. “Tiếc chứ, nhưng chúng tôi phải chấp hành luật thôi. Riêng tôi sẽ giữ xe lại 3 tháng coi tình hình thế nào mới quyết định có thanh lý cái xe hay không”, anh La Quỳnh Nhơn nói, với hy vọng xe lôi dù “cáo chung” nhưng sẽ được đưa vào phục vụ du lịch, bởi nếu được quản lý và khai thác tốt, xe lôi – nét đặc trưng rất miền Tây sẽ giúp ngành công nghiệp không khói  “thêm điểm” trong mắt du khách.

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục