Gió lộng Cửa Việt

Gió lộng Cửa Việt

Vùng cửa biển này được ví như người con gái trong độ tuổi dậy thì đang rực rỡ xinh đẹp trong niềm hạnh phúc. Quảng Trị khởi công xây dựng cầu Cửa Việt có vốn gần 300 tỷ đồng, nối hai bờ Nam - Bắc của vùng đất mặt trời mọc sớm.

Như con gái dậy thì… 

Ngày 21-12, một sự kiện lớn diễn ra ở khu kinh tế Cửa Việt: Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng cầu Cửa Việt, nối hai bờ Nam – Bắc (huyện Triệu Phong và Gio Linh) của vùng đất biển anh hùng sau hàng trăm năm chờ đợi. Bà Lê Thị Phương Hoa, Bí thư Huyện ủy Gio Linh, nói vui: “Đến Quảng Trị mà chưa về thăm Cửa Việt thì xem như niềm vui chưa trọn vẹn. Cửa Việt bây giờ rất hấp dẫn...”. Riêng tôi thì nghiệm ra một điều: từ ngàn xưa đến nay, Cửa Việt luôn chiếm được sự quan tâm đặc biệt của các nhà kinh tế, chính trị...

Gió lộng Cửa Việt ảnh 1

Phút phát lệnh khởi công cầu Cửa Việt - mơ ước ngàn đời của người dân đôi bờ đã thành hiện thực.

Những ngày cuối năm, cảng Cửa Việt tấp nập tàu thuyền ra vào bốc hàng vượt đại dương. Nguồn hàng lâm đặc sản từ Lào và Thái Lan theo hành lang kinh tế Đông – Tây - quốc lộ 9 ào ào về cảng. Hạnh, một thủy thủ tự hào: “Những năm trước cảng Cửa Việt nhỏ nên tàu ra vào khó khăn. Nay cảng được khơi thông, nạo vét luồng lạch, tàu lớn trọng tải hàng ngàn tấn dễ dàng ra vào cặp hàng. Đứng ở cảng Cửa Việt, gió đại dương hào phóng thổi vào lồng lộng, tung lên trời những niềm vui của bao người dân vùng cát.

Những đợi chờ đã dồn nén từ nhiều đời qua của người dân giờ thăng hoa. Thị trấn cửa biển này được ví như người con gái trong độ tuổi dậy thì đang vỡ òa niềm hạnh phúc”.

Hơn 5 năm trước, ông Trần Đình Mãn, Chủ tịch UBND xã Gio Việt, huyện Gio Linh (bờ Bắc), trăn trở: “Biển Gio Hải rất tiềm năng nhưng biết khi nào trở thành một khu du lịch lý tưởng. Biết bao giờ dân mình hái ra tiền từ du lịch- dịch vụ để người dân giàu có hẳn lên?”. Người dân vùng biển Gio Việt những năm ấy suốt ngày gánh cá nặng vai, chạy bộ hàng chục kilômét mới đến được phố thị để buôn bán, trao đổi sản phẩm.

Từ Gio Việt nhìn lên Đông Hà, nhìn ra Gio Linh trông gần mà lại quá xa với đôi chân của con người. Không ai có thể cảm nhận được sự cách trở ấy gian khổ như thế nào bằng chính người dân vùng biển này. Bây giờ, quốc lộ 9 kéo dài đã về đến bờ biển Cửa Việt. Từ Cửa Việt chỉ mất gần nửa tiếng đồng hồ đi Honda đã lên đến thị xã Đông Hà.

Lãng mạn với thành phố biển tương lai 

Trở lại Cửa Việt, tôi thật sự choáng ngợp trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng cửa biển này. Nhà cửa kiên cố mọc san sát, nhiều nhà cao tầng xuất hiện, làm cho bức tranh kiến trúc vùng cửa biển có những chấm phá, mang dáng dấp của một thành phố biển tương lai. Có lẽ, đón nhận sự kiện “thay da đổi thịt” này, hồ hởi hơn ai hết là những người dân ở Cửa Việt. Lão ngư Nguyễn Thái mừng ra mặt khi nghe tin làng quê sắp trở thành phố xá. Ông nói, suốt đời với sóng gió biển khơi theo nghề đánh cá, mấy khi rảnh rỗi lên bờ.

Bây giờ, thị trấn Cửa Việt đã được thành lập, cuộc sống của con người chắc chắn phải đổi thay. Nhất định ông sẽ gác lưới, về mở nhà hàng đặc sản biển cho thật xịn. Ông ngậm ngùi nhìn chiếc thuyền và mái chèo đã nuôi sống gia đình qua bao bận đắng cay của cuộc đời. Nhưng phải thay đổi cách làm ăn, mái chèo nhỏ cùng con thuyền nan ấy không còn phù hợp để ra biển lớn nữa. “Phố xá mọc lên, mình phải biết đón lấy thời cơ ngàn vàng...”, chi tiết ấy được ông rạo rực nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt câu chuyện.

Tôi không phải là một người quá lạc quan với “bức tranh du lịch Cửa Việt”, song vẫn dự cảm được rằng, không gì có thể ngăn cản nổi sức phát triển của một vùng quê hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như Cửa Việt. Cửa Việt rất gần thành phố Đông Hà tương lai, nằm trong tam giác du lịch Cửa Việt - Cồn Cỏ - Cửa Tùng. Cửa Việt đã được định hình thành hai bờ Bắc và Nam, bờ Bắc phát triển mạnh du lịch, bờ Nam là các nhà máy chế biến thủy hải sản.

Gió lộng Cửa Việt ảnh 2

Mùa cá ở cảng Cửa Việt. Ảnh: L.KH.

Hai bờ Nam - Bắc của Cửa Việt sắp được nối với nhau bằng một chiếc cầu, có tổng kinh phí đầu tư gần 300 tỷ đồng. Ngày khởi công cầu Cửa Việt, ông Lê Hữu Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, khi chiếc cầu dài hơn 800m hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến đường ven biển Quảng Trị được liên hoàn, tạo ra một vùng kinh tế động lực cho cả khu vực, như một đòn bẩy thúc đẩy Quảng Trị phát triển mạnh hơn.

Giám đốc Ban quản lý các dự án du lịch tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Huy, phác thảo một “chân dung Cửa Việt” để thuyết phục các nhà kinh tế móc túi tiền đầu tư xây dựng vào Cửa Việt. Với tốc độ phát triển như hiện tại, sau 5 năm nữa, Cửa Việt sẽ trở thành một thị xã bên cửa biển. Cửa Lò (Nghệ An) cũng từ một xã nghèo mà đi lên thị xã thông qua con đường phát triển kinh tế du lịch. Tại sao hôm nay Cửa Việt đã là thị trấn rồi mà ta không dám kỳ vọng. Kỳ vọng để có một niềm tin vào Cửa Việt. Sau một năm khởi động, đã có 15 dự án du lịch đầu tư vào Cửa Việt, chủ yếu là các dự án nhà nghỉ, khách sạn…

Một vị trí đặc biệt  

Từ ngày cầu Hữu Nghị II được khánh thành, thông xe, du khách Thái Lan vào Quảng Trị ngày càng đông. Đầu năm 2007 đến nay, lượng du khách nhập cảnh vào cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đông bằng 5 năm (1990 - 1995), chủ yếu là khách Thái và Lào, rất nhiều người trong số này đã tìm đến điểm du lịch nghỉ dưỡng ở Cửa Việt, tạo nhiều nguồn thu nhập cho người dân địa phương từ việc cung cấp các dịch vụ du lịch.

Có một lợi thế cho Cửa Việt mà các nơi khác không có được, người dân của 17 tỉnh vùng Đông - Bắc Thái Lan muốn về vùng biển phía Nam nghỉ dưỡng phải đi xa đến 1.000km, trong khi đó, nếu họ về biển Cửa Việt theo đường xuyên Á chỉ mất 300km. Cùng với du khách Thái Lan, còn có du khách Lào cũng rất muốn về nghỉ dưỡng tại biển Cửa Việt. Thử làm một phép tính cơ học, nếu ta thu hút được du khách Thái, Lào về nghỉ dưỡng ở biển Cửa Việt, thì mỗi năm ta thu được một số lãi rất lớn từ du lịch để đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Các nhà kinh tế học đã chứng minh cái hấp dẫn của ngành “công nghiệp không khói” để ta càng tự tin hơn về tiềm năng du lịch biển Cửa Việt.

Nhớ lại ngày xưa, vào cuối thế kỷ 11, khi mở rộng lãnh thổ Đại Việt đến cửa Việt Yên, hiểu được tầm quan trọng của vùng cửa biển này, lập tức nhà Lý đổi tên cửa Việt Yên thành Cửa Việt. Kể từ đó, nhà Lý đã sử dụng cửa biển này để phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mình. Đến thế kỷ 16-17, tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào tấp nập ở cảng Cửa Việt, rồi lên thương cảng ở Mái Xá, tạo ra một khu buôn bán sầm uất cho người Việt. Kể lại chuyện cũ để thấy, Cửa Việt luôn có một vị trí đặc biệt hấp dẫn trong con mắt của các nhà lãnh đạo từ ngàn xưa cho đến nay. 

LAM KHANH

Tin cùng chuyên mục