Những “lò vẽ” tại gia

Những “lò vẽ” tại gia

Sáng mùng 1 Tết, nhiều người thấy lạ lẫm khi một nhóm thanh niên trai gái ra dấu í ới trò chuyện trước cửa “Họa thất Tâm-Sơn”, tại cư xá Phan Đăng Lưu. Họ là những họa sĩ khuyếm khuyết đang “xông đất” đầu năm nhà thầy cô. Không khí xuân thật đẹp trong cái “lò vẽ” ấm áp, chan hòa tình người và cả tình nghệ sĩ…

Tìm nơi luyện bút, luyện màu

Không kể những hoạt động đào tạo bộ môn vẽ mang tính chính quy ở các trường mỹ thuật, văn hóa, kiến trúc, gần đây các nhà văn hóa, các trung tâm văn hóa, Hội Mỹ thuật TPHCM đã tổ chức nhiều lớp học vẽ cho thanh niên, thiếu nhi khá tốt.

Những “lò vẽ” tại gia ảnh 1

Nhóm Hương Cỏ đang thực hiện tác phẩm tại lớp vẽ 57 Phạm Ngọc Thạch, quận 3. Ảnh: AN DUNG

Một trong những lớp vẽ tại gia xuất hiện khá sớm ở thành phố từ những năm 80, 90 là “Họa thất Tâm-Sơn” số 5P cư xá Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh của hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Long Sơn.

Được đào tạo từ chiếc nôi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định-Sài Gòn rồi sáng tác tranh lụa và được giữ làm giảng viên dạy vẽ tại trường, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm từ lâu đã được giới mỹ thuật đánh giá là một người có bút pháp nghệ thuật đầy sáng tạo trong việc cách tân tranh lụa.

Chính điều đó đã giúp bà tạo dựng được một phong cách riêng cho dòng tranh lụa, bắt nguồn từ một bậc thầy danh tiếng là họa sĩ Lê Văn Đệ.

- “Lò vẽ” của cô Tâm ra đời từ duyên do nào? Nụ cười cởi mở, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trò chuyện: “Không nhớ chính xác thời gian nhưng sau mấy lần triển lãm tranh cá nhân, nhiều người yêu thích, đã tìm hiểu tranh lụa của tôi và họ tỏ ý muốn “tầm sư học đạo”.

Người theo lớp học có khi là sinh viên, bác sĩ, kiến trúc sư, bộ đội phục viên, các chị, các em đi làm ở cơ quan không có thời gian, điều kiện học trường lớp chính thức. Lớp vẽ của chúng tôi rất vui, thầy trò như bạn bè đồng hội đồng thuyền. Học xong phần lý thuyết, chúng tôi tập hợp thành từng nhóm rũ nhau đi vẽ khắp ba miền quê hương Nam, Trung, Bắc.”

“Lò vẽ” được xếp hạng thành công thứ hai về truyền nghề tại gia là lớp đào tạo nhóm Hương Cỏ. Nhóm này chủ yếu học ở số 57 Phạm Ngọc Thạch, quận 3.

Lớp vẽ do hai họa sĩ Phan Mai Trực (Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM) và họa sĩ Lê Quang Luân (Hội Mỹ thuật TPHCM) hướng dẫn.

Thành lập nhóm và trình làng những tác phẩm đầu tay khoảng đầu năm 2000, cho đến bây giờ, qua các cuộc triển lãm riêng, chung, các thành viên nhóm Hương Cỏ đã không phụ lòng các “sư phụ” truyền nghề.

Họa sĩ Phan Mai Trực kể: “Lớp ra đời từ mục đích ban đầu là thư giãn cuộc sống hằng ngày bằng “liệu pháp hội họa”. Các chị phần lớn là những người đã nghỉ hưu ở nhiều ngành nghề khác nhau như dược sĩ, bác sĩ, nghệ sĩ, nhà kinh tế... Họ họp nhau lại để “luyện bút, luyện màu”.


Sự thành công của các chị được thể hiện qua những bức vẽ tạo được cái hồn riêng, nét tài hoa riêng của người vẽ... Khi cây cọ là cầu nối, con người bước vào sân chơi mỹ thuật và chắc chắn họ đã tự khám phá được một thế giới nghệ thuật mới của mình.”

Từ tranh bước ra đời

Họa sĩ Võ Ngọc Phượng, một trong những học viên kỳ cựu và xuất sắc của “Họa thất Sơn- Tâm” cho biết từ ban đầu là người học kiến trúc lại mê tranh lụa, chị đã “sa đà” vào dòng tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm.

Câu chuyện truyền nghề của thầy Sơn và cô Tâm là vận dụng từ hội họa phương Tây kết hợp tinh hoa bút pháp hội họa phương Đông cũng khá thú vị.

Phương pháp vẽ tranh lụa Việt Nam ở đây (và vận dụng cả tranh sơn dầu sau này) là phải tinh luyện nét vẽ chính xác, nhanh, đầy nội lực nhưng đủ sắc độ đậm nhạt nghệ thuật như bút pháp tranh thủy mặc Trung Quốc.

Những “lò vẽ” tại gia ảnh 2

Họa sĩ nguyễn Thị Tâm (giữa, hàng ngồi) đang hướng dẫn nhóm trẻ em khuyết tật vẽ tranh phong cảnh tại Hội An. Ảnh: NHƯ KHÔI

Nhưng, vẽ tranh không chỉ đơn thuần giúp cho người ta thư giãn, giảm stress. Mỹ thuật đang đi vào cuộc sống với ý nghĩa khá thực tiễn, hữu ích.

Nhiều họa sĩ thành danh từ lò đào tạo của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm như Nguyễn Diệu Thúy, Nguyễn Phi Long, Trần Quốc Định, Võ Ngọc Phượng, Trương Tuấn Kiệt, Nhã Uyển, Ngọc Diệp, Ngọc Mai, Quốc Bảo... thỉnh thoảng tìm cách bán tranh, gây quỹ giúp nạn nhân bị bão lụt, giúp nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam hoặc góp phần hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học vùng sâu, vùng xa.

Nhóm Hương Cỏ cũng nhiệt thành qua những cuộc triển lãm gây quỹ từ thiện, bán tranh tranh gây quỹ giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, Quỹ Giải phẫu quốc tế Nụ cười trẻ thơ…

Dù tiền bán tranh được nhiều hay ít, các họa sĩ Lê Thị Thoa, Trà Giang, Hà Huỳnh Mỹ, Kim Chi, Minh Trâm, Hòa Bình, Diệu Trinh, Như Hòa, Ngọc Sương, Dương Tuyết, Minh Nguyệt, Thu Hồng... cũng cảm thấy rất vui khi tìm thấy từ câu chuyện học vẽ tại gia, “những đứa con tinh thần” của họ đã có ích cho cuộc sống.

Điều này còn có ý nghĩa sâu sắc hơn đối với các em khuyết tật câm điếc (thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật của TP) được đào tạo tại lò vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm.

Thành quả từ những năm tháng học vẽ là cuộc triển lãm tranh lụa của các em tại công viên 23-9 vừa qua, (tranh bán được gần 60 triệu đồng).

Họa sĩ Nguyễn Như Khôi, người thầy tình nguyện hướng dẫn và đồng hành thường xuyên qua những chuyến đi thực tế sáng tác ngoài trời cùng các em, nhận xét: “Chúng tôi rất mừng cho các em vì tranh được khách mua chính là nhờ chất lượng của tác phẩm chứ không đơn thuần là lòng thương cảm”. Niềm vui này còn được một vị phụ huynh bày tỏ “từ tranh, con em của chúng tôi đã có cơ hội bước ra đời”.

Những lớp vẽ tại gia và những hoạt động khá sôi nổi của họ đã cho thấy khi đời sống phát triển, nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật của người dân ngày càng được nâng lên về khía cạnh văn hóa và xã hội... 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục