Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2007)

Vào bão dữ, vượt sóng to để cứu ngư dân gặp nạn

Tháng 12-2006, cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Cần Giờ (TPHCM). Trong tâm bão, có những người đã không ngại hiểm nguy, quên cả tính mạng của mình để cứu giúp người gặp nạn. Một trong số đó là trung úy Vũ Văn Chiêm, Trạm trưởng Trạm kiểm soát hành chính, Đồn biên phòng 562, Bộ đội Biên phòng TPHCM. Người vừa được Trung ương Đoàn TNCS HCM tuyên dương Gương mặt thanh niên tiêu biểu Việt Nam năm 2006.
Vào bão dữ, vượt sóng to để cứu ngư dân gặp nạn

Tháng 12-2006, cơn bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Cần Giờ (TPHCM). Trong tâm bão, có những người đã không ngại hiểm nguy, quên cả tính mạng của mình để cứu giúp người gặp nạn. Một trong số đó là trung úy Vũ Văn Chiêm, Trạm trưởng Trạm kiểm soát hành chính, Đồn biên phòng 562, Bộ đội Biên phòng TPHCM. Người vừa được Trung ương Đoàn TNCS HCM tuyên dương Gương mặt thanh niên tiêu biểu Việt Nam năm 2006.

  • Trước cơn bão...
Vào bão dữ, vượt sóng to để cứu ngư dân gặp nạn ảnh 1

Nụ cười rạng rỡ của Trung úy Vũ Văn Chiêm khi kể về những người dân được anh cứu sống. Ảnh: TH.TH.

Từ đầu tháng 12, khi nghe tin có bão trên biển và có thể vào đất liền bất cứ lúc nào, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM đã điện khẩn cấp ra các đồn biên phòng trú đóng ở huyện Cần Giờ chỉ đạo: “Cán bộ chiến sĩ trực chiến 100%, sẵn sàng tư thế đón bão”. Đến ngày 3-12, Đồn biên phòng 562 bắt đầu thông báo cho tàu thuyền trên biển neo đậu vào bờ, không được ra khơi. Ngày 4-12, lệnh di tản khẩn cấp được ban hành. Người dân Long Hòa ở sát biển được di chuyển sâu vào đất liền hoặc về trú bão ở đồn biên phòng. Tối 4-12, tình hình rất căng thẳng, một bộ phận ngư dân không chịu di tản vào chỗ trú ẩn. 8 giờ 30 tối, toàn đồn họp ban hành lệnh khẩn cấp giao cho Trạm kiểm soát hành chính tiếp tục ra vận động ngư dân.

9 giờ tối, trung úy Vũ Văn Chiêm chia người của trạm thành 3 tổ, một trực chiến, một tuyên truyền trên bộ, còn anh cùng 2 người khác xuống ca nô rà soát trên biển. Nhiều tàu thuyền đã neo đậu nhưng ngư dân không chịu lên bờ mà ở lại… nhậu. Có người nói: “Tôi lên thì đồ đạc dưới đây ai coi?”. Anh Chiêm giải thích: “Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh. Nếu không muốn về nhà, mọi người lên đồn biên phòng, chúng tôi sẽ sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở”. Rỉ rả mãi rồi ngư dân cũng chịu lên bờ. Anh dùng canô “ốp” từng người lên bờ an toàn.

1 giờ đêm, trước khi bão vào, trời đứng gió im phăng phắc, người dân lại càng bán tín bán nghi. Có một số ngư dân lén lấy tàu nhỏ chạy ra biển tranh thủ đánh cá. Còn anh em trong trạm, không ai ngủ được, mắt căng   hướng về phía biển lo lắng. Phần lớn anh em quê miền Trung, miền Bắc - những vùng ít nhiều đã từng hứng chịu bão lũ, nên hơn ai hết họ hiểu về trạng thái bất động của biển khơi: Biển sắp nổi cơn thịnh nộ.

Lúc đó, anh Chiêm đến gặp 5 chủ tàu lớn, mới đóng gần đây và thuyết phục họ trợ giúp khi có tình huống nguy cấp xảy ra. Có mấy ai muốn giữa lúc sóng to gió lớn lại đem sinh mạng và tài sản của mình ra thử thách trước bão đâu. Nhưng cảm cái “tâm” của anh chiến sĩ biên phòng mà cuối cùng họ đồng ý.

  • Cứu người trong tâm bão

Bão số 9 đổ bộ vào đất liền lúc 5 giờ 30 sáng 5-12 với những cơn sóng cao hàng chục mét, gió rú gào kinh người. 10 phút sau, một người dân đến báo có người nhà kẹt ngoài chỗ đóng đáy cách đất liền chừng 3 hải lý (khoảng 5km). Anh Chiêm liền khoác áo phao cùng với 2 chiến sĩ của trạm là anh Huân và Nam chạy đến một chiếc tàu chở 3 ngư dân đã đồng ý ra biển ứng cứu. Họ lên tàu, mang theo rất nhiều áo phao, dây thừng chuẩn bị cho chuyến vật lộn vào tâm bão.

Xuất phát được khoảng 1 hải lý, tàu đột ngột chết máy. Trên boong, sóng biển đánh nước vào ngập đến đầu gối, máy bơm nước lại hư, nếu không tát nước chắc chắn tàu sẽ chìm. Con tàu lớn là thế mà cứ quay mòng mòng giữa biển. Còn anh em thì mặt mày xám ngoét bảo nhau: “Không xong rồi”. Lúc đó, bộ đàm tắt ngóm, ai cũng cuống lên. Trước tình hình nguy cấp, anh Chiêm tỉnh táo động viên người lái tàu: “Cố lên, mình mà đắm thì bà con ngoài kia chết hết, đừng phụ lòng bà con”. Anh kéo hai ngư dân khác, vốn thạo về máy móc xuống hầm tìm cách sửa lại động cơ tàu. Còn hai anh Huân và Nam tìm đủ mọi thứ như nón, gáo tạt nước từ boong ra. Không phụ lòng người, động cơ của tàu đã nổ trở lại. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã chảy trên gò má sạm nắng, tím tái vì lạnh của những người trên tàu, có cả vị mặn chát của nước biển.

Đi thêm được gần 1 hải lý nữa, tàu lại chết máy. Lần này, mọi người đã có kinh nghiệm nên chưa đầy 5 phút, tàu lại lao về phía trước. Đến cửa biển Đồng Tranh, tàu tiếp cận một hàng đáy trước mặt. Dưới cơn mưa trút nước, họ nhìn thấy 12 người dân rét run đang bám chặt lấy hàng cột đáy. Nhìn thấy tàu, ba người thả tay rơi xuống biển bơi đến nhưng lại bị sóng đánh bạt ra xa. Anh Chiêm xót ruột, dùng tay làm loa kêu gọi mọi người bình tĩnh, từng người ôm can nhựa nhảy xuống biển để tàu vớt. Anh và mọi người buộc dây vào phao, quẳng xuống nhưng sóng to quá đánh trôi phao ngược trở lại. Cố gắng gần nửa tiếng đồng hồ, nhìn con nước, anh Chiêm quyết định tắt máy tàu cho trôi tự do về phía hàng đáy để tiếp cận nạn nhân. Sau đó, anh nhoài người ra thành tàu đỡ từng người lên. Ai cũng lạnh run, kiệt sức bởi bão và cả nỗi sợ hãi. Có người òa khóc nức nở, cứ ôm chặt lấy anh.

Đưa 12 nạn nhân về đến trạm, anh và đồng đội lại nhận tin cứu người. Lần này, cả 5 phương tiện cùng trực chỉ biển khơi. Ai cũng hy vọng sẽ tìm được người còn sống. Mấy ai biết được, từ sáng sớm, anh Chiêm và đồng đội của mình chưa ăn một miếng cơm lót dạ, tất cả đều hướng ra biển trong cơn bão dữ với tinh thần của người chiến sĩ.

Khi nghe tôi báo tin anh được tuyên dương là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2006, anh tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao lại ưu ái tôi như thế, còn rất nhiều người đã tham gia cứu nạn trên biển trong cơn bão số 9 mà. Tôi chỉ làm tròn trách nhiệm của một người lính trong lúc bà con mình gặp nạn mà thôi”. Một đồng nghiệp của anh đã kể cho tôi nghe mẩu chuyện cảm động của vợ chồng anh trước khi bão đến. Lúc ấy, anh tranh thủ gọi điện thoại về nhà tại quận Gò Vấp, TPHCM để hỏi thăm vợ, thăm con. Anh còn nói với mẹ vợ: “Mẹ ơi, có gì ráng lo cho vợ con của con, mẹ nhé”. Anh đã chuẩn bị sẵn cho mình tất cả để lao vào biển khơi cứu người như chính lời anh tâm sự: “Hạnh phúc nhất là được sống hết mình, sống vì mọi người”.

THẠCH THẢO

Tin cùng chuyên mục