Tháng 3 dâng hương ở Ngã ba Đồng Lộc

Tổ Anh hùng liệt sĩ gồm
Tháng 3 dâng hương ở Ngã ba Đồng Lộc

"Hai bảy năm trôi qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào” - đó là câu thơ viết về 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng năm 1995. Tháng 3, tháng thanh niên và là tháng có ngày 8-3 dành riêng cho nữ giới.

Tháng 3 dâng hương ở Ngã ba Đồng Lộc ảnh 1

Hai cây bồ kết xanh tươi phía sau mộ 10 cô gái.

Ngã ba Đồng Lộc năm xưa nằm trên trục đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Mười cô gái ấy đều là người con của Hà Tĩnh, thuộc 7 xã, 1 thị trấn của 3 huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn và thị xã Hà Tĩnh. Tất cả nằm lại không phải trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Nhưng tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này, họ chung chiến hào khốc liệt trong những thời khắc lấp hố bom của Mỹ dội xuống để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến miền Nam. Để rồi, họ cùng nằm lại trong lòng đất đớn đau vào một buổi chiều nghiệt ngã, lúc 16 giờ, ngày 21-7-1968.

Và trở thành bất hủ, chung một danh xưng: Mười cô gái Đồng Lộc. Hôm nay, sau 39 năm, nếu còn sống, có lẽ họ đã trở thành những bà, những mẹ cao niên, thế nhưng mãi mãi các cô vẫn “không thêm một tuổi nào”. Các cô vĩnh viễn ra đi để lưu danh mãi mãi của thì con gái mười chín đôi mươi. Người nhiều tuổi nhất là Hồ Thị Phúc, Nguyễn Thị Nhỏ và Võ Thị Tần, 24 tuổi; người ít tuổi nhất là Võ Thị Hà, 17 tuổi.

Tôi đã từng thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở nghĩa trang Điện Biên, nơi có những anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện...Tôi cũng đã từng đến viếng thăm hơn 10 ngàn liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, một trong những nghĩa trang liệt sĩ có số lượng hài cốt lớn nhất thế giới... Nghĩa trang ấy là mảnh đất chở che phần cốt nhục của những người con hy sinh vì Tổ quốc thân yêu, nhưng nghĩa trang Đồng Lộc thật khác.

Nơi này chỉ có 10 liệt sĩ và tất cả đều là những người con gái trẻ, chưa một lần yêu. Thương đau lắm! Thiêng lắm! Nơi này còn lưu một chứng tích mà mỗi người dù ở đất nước nào, khi đến đây đều chùng chân, bước ngập ngừng, cúi đầu lặng lẽ - đó là một hố bom. Hố bom ấy chính là chứng tích tội ác của kẻ xâm lược.

Tĩnh tâm tưởng niệm, hình như đâu đó làn khói thuốc nổ của 39 năm trước còn váng vất quanh mấy ngọn cỏ dại mọc dưới lòng hố sâu kia. Thân xác trinh nguyên của các cô đã tan vào đất nhưng anh linh thì như còn quanh quất trong sợi khói lam chiều…

Hàng vạn người đến đây đều trỗi lên trong ký ức những năm tháng khốc liệt. Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, trung bình 1 km đường trên đất Hà Tĩnh bị đánh bom 20 lần với 100 quả bom.

Riêng Ngã ba Đồng Lộc, năm 1968 có 1.863 lần bị ném bom với 42.990 quả, trung bình mỗi tháng bị đánh 25 ngày, mỗi mét vuông đất ở đây phải chịu 3 quả bom lớn. Đặc biệt là ngày 15-7-1968, trước khi 10 cô hy sinh 6 ngày, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh 103 lần với 800 quả bom.

“Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi/Những năm tháng chiến tranh ác liệt/Nghìn vạn chuyến xe đi/Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc” (Huy Cận - Ngã ba Đồng Lộc, 1971).

Bây giờ, trước 10 phần mộ các cô là những cây hương màu đỏ thắm, sợi khói trôi mông lung, hư ảo. Hình như người phục vụ cũng không muốn cất bớt đi những cây hương đã cháy hết trong ngày nên chân hương tựa vào nhau ngày một to, nối lên rất cao, như cây cối mỗi ngày một sinh sôi. Lòng thành kính dâng đầy.

Tháng 3 dâng hương ở Ngã ba Đồng Lộc ảnh 2

Tượng đài Chiến thắng tại ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: MAI HẢI

Tháng 3 Dương lịch, tháng có Nguyên tiêu. Cha ông thường nhắc nhở cháu con “cả thảy có rằm tháng giêng” để dù đi đâu, làm gì cũng “một lòng bất vong bản”.

Rằm tháng giêng, họ hàng tứ phương, tám hướng lần về từ đường đại tộc đứng trước linh vị dâng hương bái tiên tổ. Và thật nhiều người tìm đến cửa chùa, nguyện cầu an phúc.

Hiểu thế mới cắt nghĩa được vì sao rất đông khách thập phương đến viếng mộ 10 cô gái Đồng Lộc những ngày này. Các cô đã hiển linh trong tâm linh của mỗi người. Và đây cũng là nghĩa cử đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Sách xưa dạy không quét phần mộ màu trắng, chỉ quét màu xám nhưng ở đây 10 phần mộ toát một màu trắng tinh khôi. Màu của trinh trắng và màu của tang tóc ở ngã ba này như cứa vào hồn những người viếng niệm.

Mỗi ngôi mộ, ngoài bình hoa cúc màu trắng của Ban quản lý di tích đặt bên lư hương, trên phần mộ có hai loại hoa của khách viếng đặt lên rất nhiều, là hoa cúc trắng và hoa hồng đỏ. Đó là “tâm hoa”, là thông điệp từ trái tim của những người đang sống viếng hương hồn các cô. Hoa cúc trắng muốt, tượng trưng cho cuộc đời trinh trắng. Hoa hồng đỏ, hoa của tình yêu. Hình như màu trắng và màu đỏ của hoa đang hòa quyện vào nhau trên những phần mộ.

Mộ của các cô còn được người đến viếng đặt lên những đồ vật nhỏ để các cô dùng: chiếc gương soi, lọ dầu gió, chiếc lược chải tóc... và đặc biệt là những chùm quả bồ kết. Trong cuộc chiến, dù phải giành giật từng mét đường lành lặn, dù bom nổ chát chúa, khói và đất đá mịt mù, các nữ thanh niên xung phong vẫn không quên làm đẹp để tôn vinh giá trị người phụ nữ của một dân tộc yêu hòa bình.

Mộ của các cô trong những năm qua đã di chuyển đến 3 lần và hơn 10 năm nay mới chuyển về tại ngã ba này - bên đồi Trọ Voi, xã Đồng Lộc. Còn những quả bồ kết được đặt lên mộ có lẽ bắt đầu từ sau khi nhà thơ Vương Trọng viết bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc”, ngày 5-7-1995:

– Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều
Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...

Tổ Anh hùng liệt sĩ gồm: Võ Thị Tần (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, sinh năm 1944); Nguyễn Thị Xuân (xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, sinh năm 1948); Nguyễn Thị Nhỏ (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, sinh năm 1944); Hồ Thị Phúc (xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, sinh năm 1944); Trần Thị Hường (thị xã Hà Tĩnh, sinh năm 1949); Võ Thị Hà (thị trấn Đức Thọ, sinh năm 1951); Võ Thị Hợi (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, sinh năm 1948); Trần Thị Rạng (xã Đức Vịnh, huyện Đức Thọ, sinh năm 1950); Dương Thị Xuân (xã Đức Tân, huyện Đức Thọ, sinh năm 1947); Hà Thị Xanh (xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, sinh năm 1949).

Bài thơ đã làm xao động bạn đọc cả nước. Riêng anh Nguyễn Tiến Tuẫn - một trong ba anh hùng ở Đồng Lộc thì bâng khuâng mãi không nguôi. Năm 1998, anh quyết định lên huyện Hương Sơn cách đấy hơn 20 cây số, tìm hai cây bồ kết con mang về trồng bên mộ của 10 đồng đội. Bây giờ, giữa những ngày trời thu xanh trong hoa bồ kết nở, hương lâng lâng bay quanh vùng.

Và ngày 14-8-2002, một bia đá cao 80cm, rộng 40cm, khắc bài thơ của Vương Trọng, gồm 4 khổ, 24 câu, đặt cạnh 2 cây bồ kết. Thơ được khắc trên bia đá và đặt tại nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc.

Ngoài 10 ngôi mộ và bát hương lớn, hố bom, bia đá và nhiều phần đất khác của sườn đồi Trọ Voi thường xuyên có những nén hương của khách viếng cắm xuống, mặc dù không có lư hương. Từng tấc đất nơi đây, đâu đâu như cũng trộn máu thịt quê hương...

Hà Tĩnh - Đà Lạt, tháng 3-2007
MINH ĐẠO

Tin cùng chuyên mục