Bài học từ một vùng chuyên canh

Cây vải thiều trong cơn choáng thị trường

Cây vải thiều trong cơn choáng thị trường

Những năm vải thiều được giá chúng tôi đã tới thôn Thúy Lâm - nơi có cây vải tổ. Lúc đó, khắp thôn nhộn nhịp tiếng vui đùa, gọi nhau hái vải. Trong sân ngoài đường tấp nập khách bán mua. Nhưng giờ đây, Thúy Lâm vắng lặng, chìm trong nợ nần.

Tất cả đều phải mua, hoặc nợ

Cuộc sống của người dân thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương từ xa xưa đã quen với hình thức canh tác tự cung tự cấp. Ngoài trồng lúa, người dân còn nuôi cá, thả gà, trồng rau. Mùa nào thức ấy, cái này bù cái kia. Mặc dù đây là thôn có cây vải tổ nhưng mỗi gia đình chỉ trồng dăm mười cây vải, đất còn lại vẫn để canh tác các loại cây khác phòng khi thất bát.

Cây vải thiều trong cơn choáng thị trường ảnh 1

Vườn vải của ông Phượng thôn Tiền Vĩ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương đã bị chủ của nó chặt bỏ. Ảnh: NGUYÊN ANH

Những năm 90, có chủ trương chuyển đổi cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh vải thiều triển khai đến tỉnh, huyện. Toàn bộ đất canh tác của xã Thanh Sơn chuyển sang trồng vải.

Giờ đây, trở lại Thúy Lâm, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là toàn bộ hệ sinh thái trong thôn xưa đã bị “hủy diệt” bởi cây vải thiều.

Ông Quý, trưởng thôn đưa chúng tôi đi xem vườn vải. Những cây vải tán lớn che kín ánh sáng ruộng vườn khiến cỏ cũng không mọc được. Lá khô rụng xuống bao phủ khắp đất đai trong thôn. Hoa vải rụng xuống ao, xuống kênh, nước đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, cá không sống nổi.

Ông Quý nói: “Chúng tôi ở nông thôn mà sống như người thành phố, tất cả đều phải mua. Từ ngọn rau đến con cá, từ thóc lúa đến lợn gà”. Tôi hỏi ông Quý: “Không trồng rau củ được, sao nhà lại không chăn nuôi?”. Ông Quý nói: “Chăn nuôi phải đi liền với trồng lúa. Có lúa thì mới có cám cho lợn, có thóc cho gà. Nếu bỏ tiền ra mua toàn bộ thức ăn để nuôi vài con lợn, chục con gà thì chúng tôi không có lãi được”.

Cả thôn chìm trong cây vải. 1.800 hộ với 3.800 khẩu trong thôn chờ vải đơm hoa kết quả trên cành để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng…

Con nợ chuyên canh

Ông Quý kể: “Tôi làm thôn, con tôi làm bên an ninh xã, đã có lương, mà năm ngoái còn phải vay 3 triệu đồng để đong gạo, mua cá mua mắm muối. Cuối năm vải mất mùa, thu được có mấy trăm bạc”.

Ông Hưng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Sơn cũng nói: “Thú thực , gia đình tôi cũng như vậy. Trước kia chúng tôi là một xã giàu so với các xã xung quanh, nhưng hiện nay thu nhập của chúng tôi bình quân chỉ 3,5 triệu đồng/khẩu/năm, thấp so với các xã xung quanh từ 1 – 1,5 triệu đồng. Lý do là 100% đất canh tác của chúng tôi đã chuyển đổi sang trồng vải thiều, diện tích 425 ha. Sau một thời gian ngắn vải được giá, từ năm 2000 đến nay, quả vải liên tục rớt giá. Hiện nay giá chỉ 3.000-4.000 đồng một cân, không bằng trồng lúa”. Ông Hưng cho biết: “Giá vải thấp quá, trong khi tiền công hái vải tới 45.000 đồng/tạ, người dân không bẻ vải, để thối rụng đầy vườn”.

Để duy trì cuộc sống, người dân rời quê đi làm việc nhiều nơi, cây vải thiếu người chăm sóc. “Hàng trăm người Thanh Sơn chúng tôi đã đi giúp việc gia đình ở nước ngoài”. Ông Hưng nói nhiều người từ chối làm cán bộ vì lương và phụ cấp thấp. Thậm chí: “Thôn Thúy Lâm có chi bộ ghép, bốn xóm mới có một bí thư chi bộ, mà ông Nhuận bí thư đã xin nghỉ để đi làm bảo vệ cho một công ty, mỗi tháng kiếm một triệu đồng để nuôi hai đứa con ăn học. Ông Mỵ phó chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ cũng xin nghỉ, hiện đi làm thuê ở Hải Phòng”.

Cầm cự với quả vải mất giá từ năm 2000 đến nay, người dân Thanh Sơn gần như kiệt quệ. Ông Hưng rất lo lắng cho biết: “Dân chúng tôi vay lẫn nhau không biết bao nhiêu, riêng đặt bút ký vay ngân hàng đã trên 7 tỷ đồng rồi!”.

Sống trên gai vải

Làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Hà chúng tôi được biết, những năm 1990 huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra vùng cây ăn quả với 6.774 ha trong đó vải thiều chiếm 5.000 ha (chi phí đầu tư chuyển đổi khoảng 7 triệu đồng/sào). Năm 2004 sản lượng vải thiều đạt cao nhất, 21.000 tấn, giá chỉ 3.000 đồng/kg. Năm 2005 sản lượng giảm xuống còn một nửa, 10.500 tấn, giá 5.000 đồng/kg. Năm 2006 do vải mất mùa, sản lượng chỉ 6.000 tấn, giá 7.000-8.000 đồng/kg, vẫn thấp thua so với những năm 1990. Nhiều nhà cũng chẳng có vải thiều để bán.

90% số hộ trong huyện trồng vải. Lãnh đạo huyện nói: “Chúng tôi làm đủ mọi cách để tăng năng suất cây vải. Hiện tại, chúng tôi thông báo tình hình diễn biến thời tiết gần như hàng ngày. Hội thảo, họp chỉ đạo liên tục. Nhưng, cái chúng tôi có thể làm đó là phòng chống sâu bệnh, chăm sóc cho vải ra quả, năng suất cao. Còn vấn đề giá cả thế nào, chúng tôi không thể biết trước được. Giá hoàn toàn do thị trường điều tiết”.

Người cán bộ huyện này cũng cho biết: “Nhiều người dân đang muốn chặt bỏ cây vải thiều để trồng cây khác. Chúng tôi vận động người dân cố giữ vùng chuyên canh. Vì xây dựng vùng chuyên canh này là chủ trương lớn, đồng thời cũng rất công phu. Không thể manh động phá bỏ một sớm một chiều”.

Bài học từ vùng chuyên canh: tiêu thụ ở đâu?

Những năm 1990 khi quả vải thiều được giá, hàng loạt địa phương đã chỉ đạo và đầu tư trồng trên diện tích rất lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, riêng tỉnh Hải Dương hiện đã có 14.000 ha vải tập trung ở hai huyện Thanh Hà và Chí Linh. Ông Đồng nói: “Năm 1997-2007, diện tích trồng vải tăng gấp ba lần. Trong khi đó, hoa quả từ trong miền Nam chuyển ra nhiều, lắm chủng loại, nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu lại khó khăn. Tỉnh Bắc Giang cũng trồng 30.000 ha vải thiều, gấp đôi diện tích của chúng tôi!”.

Hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang hiện có tới 45.000 ha vải. Đây là một kỳ tích chuyển đổi cây trồng có một không hai trong thời gian vừa qua ở miền Bắc. Nhưng một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nông nghiệp tại đây, đó là tiêu thụ sản phẩm ở đâu, cho ai, giá cả như thế nào khi hai tỉnh có trong tay một lượng vải thiều khổng lồ?

Câu hỏi này đã không được trả lời rõ ràng khi bắt tay quy hoạch, xây dựng vùng cây ăn quả chuyên canh nổi tiếng.

Khác với cà phê, cao su hay điều, vải thiều không có các đầu mối xuất khẩu, không có trợ giá, việc tiêu thụ sản phẩm mang tính tự phát.

Hiện giờ giá mỗi cân vải thiều chỉ bằng một cân lúa. Trong khi trồng lúa mỗi năm được hai vụ còn vải thiều thì chỉ một vụ! Mặt khác, cơ cấu cây trồng vật nuôi và cân bằng sinh thái đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ một cách nghiêm trọng. 

NGUYÊN ANH

Tin cùng chuyên mục