Ghi nhanh

Dằng dặc nỗi đau thương

Dằng dặc nỗi đau thương

9 giờ sáng 26-9, không khí đau thương bao phủ TP Cần Thơ. Còi xe cấp cứu rú vang suốt từ sáng đến tối. Hàng dài người xếp hàng chờ hiến máu trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ…

Nỗi đau mất chồng, mất cha...

Dằng dặc nỗi đau thương ảnh 1

Kiểm tra tử thi ở Bệnh viện 121.

Chiều 26-9, dòng người từ Cần Thơ và Vĩnh Long đổ dồn về Bệnh viện 121 (Quân khu 9), nơi tiếp nhận xác nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ xảy ra vào buổi sáng cùng ngày. Nhà tang lễ Bệnh viện 121 chật kín người, bao trùm một màu tang tóc, đau thương; người nào cũng buồn, cũng khóc. Cứ vài phút là xe cấp cứu chở xác chết đưa lại nhà tang lễ...

Chị Huỳnh Thị Thủy, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Minh (Vĩnh Long), ngất xỉu liên tục khi anh Đặng Văn Bảy (chồng chị) vừa chết vì bị sập cầu: “Tôi sống vì chồng và con, nay anh ấy chết rồi bỏ lại mẹ cút con côi làm sao tôi sống được”. Chị Ngô Thị Tốt, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh bùi ngùi: “Trước đây, anh Tùng chồng tôi, thường đi làm thuê như đào đất, gặt lúa… tuy cực khổ nhưng cũng đủ tiền nuôi vợ con. Khoảng 4 tháng qua, anh xin vào làm công nhân ở cầu Cần Thơ, mới lãnh lương vài đợt thì xảy ra cớ sự. Anh chết rồi để lại 3 đứa con làm sao tôi sống nổi”.

Thương tâm nối tiếp thương tâm. 4 giờ chiều rồi 5 giờ chiều… mãi đến 7 giờ tối 26-9, mà Nhà tang lễ Bệnh viện 121 vẫn trầm uất một màu tang. Người nhà nạn nhân ai cũng ủ rũ, đau lòng. Có những gia đình tới 2 - 3 người bị nạn. Bà Trần Thị Tuyết Nga, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) cùng 5 đứa con khóc sướt mướt trước Nhà tang lễ chờ nhận xác chồng và em. Chị Nguyễn Hoài Phương, ấp Đông Thuận, xã Đông Bình (Bình Minh, Vĩnh Long) xỉu lên xỉu xuống khi vừa nhìn thấy xác chồng. Tội nghiệp bé Nguyễn Thị Cẩm Thi, 8 tuổi (con chị Phương và anh Nguyễn Văn Thông) khi hay tin cha chết đã òa khóc, kêu la thảm thiết, đòi chết thay để cho cha được sống. “Mẹ ơi, thà để con chết để cha sống - cha đi làm có tiền nuôi mẹ, nuôi em…”. Ai nghe cũng đứt từng đoạn ruột.

Dằng dặc nỗi đau thương ảnh 2

Bệnh viện Tây Đô, Cần Thơ cấp cứu nạn nhân.

Hoàn cảnh chị Út Miễn, xã Mỹ Hòa, cũng rất thương tâm. Chồng vừa mổ ở đầu và chân vì chấn thương rất nặng nhưng chị không thể chăm sóc mà phải vội vàng về quê để lo “an táng” 2 đứa con trai? Cả nhà 3 người đi làm công nhân cầu Cần Thơ thì 2 con thiệt mạng - chồng mê man bất tỉnh chưa biết tính mạng ra sao. Chị Miễn đau xót: “Thằng Mãi, thằng Điền đều mới lớn. Tội nghiệp thằng Điền mới 17 tuổi chưa đủ tuổi làm công nhân. Nhưng thấy nhà nghèo nên nó “làm giấy tờ giả”, lấy tên thằng anh xin vào làm ở đội khác để kiếm tiền giúp tôi sửa lại căn nhà. Tâm nguyện chưa thành thì 2 anh em nó đều bỏ tui mà đi…”. Một hoàn cảnh thương tâm khác là anh Nguyễn Văn Lực, 22 tuổi, xã Mỹ Hòa, vừa mới cưới vợ đúng 22 ngày thì thiệt mạng. Theo chị Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Nội vụ - LĐTB-XH huyện Bình Minh: “Đa số người chết trong vụ sập cầu là dân Bình Minh. Hầu hết đều nghèo, nhiều trường hợp chồng chết bỏ lại vợ con đùm đề chưa biết làm gì để sống”.

Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, ông Lưu Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Minh, nói: “Chưa bao giờ huyện Bình Minh chịu cảnh tang tóc lớn như lần này. Ngay chiều 26-9, chúng tôi tiếp nhận toàn bộ số nạn nhân thiệt mạng đưa về quê, sau đó để cho gia đình nhận xác về an táng”. Tính đến 6 giờ chiều 26-9, riêng Bình Minh đã có trên 30 người thiệt mạng, chưa kể người còn kẹt dưới đống đổ nát không biết sống chết ra sao; và nhiều người đang điều trị tại các bệnh viện bị thương rất nặng, có nguy hại tính mạng…

Sự sống trong đống đổ nát

Tháp tùng với hàng chục sinh viên Đại học Y Dược Cần Thơ, chúng tôi nhanh chân “phóng” lên chiếc xe bít bùng, mang thuốc men, băng ca… xuống tàu cao tốc. Cảnh hoang tàn đổ nát hiện ra. Hai mảng bê tông đổ sập xuống thành hình chữ V còn hai trụ cầu trơ lại. Hàng ngàn người đang hối hả cứu trợ. Một bệnh viện dã chiến được lập ngay cạnh đống đổ nát. Chiếc cần cẩu đưa 4 - 5 công nhân lên xuống. Chốc chốc lại lôi trong đống đổ nát ra một người, máu me đầy mình. Các y bác sĩ liền sơ cứu, tiếp khí, lau máu trên khuôn mặt. Anh từ từ mở mắt nhìn. Một người la lên “sống rồi”! Anh từ từ chớp mắt nhìn mọi người trong nỗi kinh hãi còn đeo bám. Lập tức anh được chuyển xuống ca nô, đưa về bệnh viện.

10 phút sau, một người khác cũng được bế ra từ đống đổ nát. Mặt tái xanh, người đầy vết bầm. Các bác sĩ hô hấp, bình tiếp khí được lắp vào. “Còn thở, còn thở” ai đó lên tiếng. 10 phút sau, “không xong rồi, đồng tử có vấn đề”. 5 phút lặng người trôi qua. Thêm một công nhân đã “nhắm mắt!”. Anh được chuyển lên băng-ca cấp tốc, tôi không kịp nhìn tấm bảng tên còn đeo treo ngực. Người bác sĩ nãy giờ đang giành giựt sự sống cho công nhân bị nạn, là bác sĩ Hải ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. 8 giờ anh đã nhận được hung tin “sập cầu”. “Ông đừng hỏi tôi gì nhé” – bác sĩ Hải buồn vời vợi nói với tôi. Chẳng ai nói gì với nhau được nhiều. Cũng đừng mong phỏng vấn ai trong lúc này. Những bước chân hối hả. Chiếc cần cẩu cứ tiếp tục móc một chuồng cu, chở 4 - 5 người công nhân lên trên cao 30 - 40m để tìm những công nhân còn mắc kẹt trong đống đổ nát. 10 phút lại hạ xuống.

Một chuyên gia nước ngoài mệt rã người, nói chuyện qua điện thoại, không kiềm chế được khi một phóng viên chụp ảnh đã lao tới vồ lấy máy nói mấy câu hình như tiếng Pháp. Người chuyên gia này chắc đang “khủng hoảng nặng”. Ít phút sau, ông ôm theo một bình nước cùng công nhân và các bác sĩ bước vào chuồng cu và được cẩu lên máy đổ để tìm kiếm. Người ta mang theo cả bình khí đá, dụng cụ cắt sắt để tháo gỡ công nhân còn “dính” trong đống đổ nát. Người đàn bà thất thần nhìn theo chiếc chuồng cu. “Trời ơi, Nhân ơi” bà tiếp tục kêu la trong nước mắt đầm đìa. Chắc rằng sẽ có nhiều gia đình sẽ chìm trong đau khổ. Lại một người được khiêng ra từ đống đổ nát. “Chết rồi” – một người khiêng chiếc băng ca nói. Họ khiêng anh lên xe, lặng lẽ bò lù lù ra phía bờ sông. Mọi người nín lặng.
 

NHÓM PV 

37 công nhân tử nạn

Đến 22 giờ 30 tối qua, công tác khám nghiệm, nhận dạng tử thi cho thấy có 35/37 tử thi được người nhà nhận về lo mai táng. Trong số 37 nạn nhân xấu số tính đến giờ phút này, theo Bí thư Huyện ủy Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) Bùi Minh Quang thì có đến 31 nạn nhân là người thuộc huyện Bình Minh. Dưới đây là danh sách người thiệt mạng:
 

1.Lê Hiến Chương 1982
2.Nguyễn Văn Tùng 1963
3.Lê Trạch Hòa 1988
4.Đỗ Đình Hưởng 1981
5.Đặng Văn Bảy 1973
6.Cù Văn Sơn 1971
7.Trương Văn Viễn 1974
8.Nguyễn Tấn Hồng 1973
9.Nguyễn Văn Thông 1971
10.Nguyễn Văn Trung 1970
11.Trần Ngọc Toản 1979
12.Lưu Tấn Mãi 1988
13.Nguyễn Văn Nhỏ 1974
14.Bùi Văn Bon 1965
15.Lê Văn Biên 1965
16.Nguyễn Văn Xớt 1961
17.Nguyễn Văn Tâm 1979
18.Trần Văn Hiền 1973
19.Lê Minh Tấn 1985
20.Trần Văn Phúc 1977
21.Nguyễn Văn Bình 1984
22.Nguyễn Văn Tào 1960
23.Lê Văn Tươi 1962
24.Nguyễn Quý Vinh 1962
25.Huỳnh Văn Luật
26.Lê Văn Lai
27.Nguyễn Hoàng Em 1977
28.Lưu Tuấn Mãi 1988
29.Nguyễn Văn Bé 1952
30.Lưu Hoàng Phúc 1984
31.Phạm Thanh Hùng 1973
32.Bùi Tấn Lộc 1976
33.Nguyễn Văn Tạo 1972
34.Nguyễn Văn Chính
35.Lê Hoàng Anh 1970
36.Nguyễn Văn Tân 1983
37.Trương Văn Chọt 1973

Những vụ sập cầu chấn động thế giới

Ngày 26-9, hàng loạt hãng thông tấn nước ngoài đưa tin vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ, tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về an toàn thi công trong xây dựng hệ thống cầu trên thế giới. Nhân dịp này, SGGP xin điểm lại một số vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến cầu đường trên thế giới thời gian qua.

* Tại Trung Quốc, vào ngày 13-8, một cây cầu đang xây - nối liền giao thông giữa sông Kiến Thác và huyện Phong Hoàng, tỉnh Hồ Nam - đã sập, làm 64 người thiệt mạng, 46 người bị thương. Điều tra cho biết, công trình đã bị rút thép lúc đang thi công và từ 1 chiếc cầu kiên cố trên bản vẽ đã biến thành chiếc cầu rỗng khi sắp hoàn thành. Năm 1991, cũng tại Trung Quốc, vụ sập cầu Cầu Vồng làm 59 người thiệt mạng cho thấy, nguyên nhân sự cố là do thép được sử dụng làm cầu, kém chất lượng.

* Đầu tháng 8-2007, chiếc cầu 35W dài 570m, hạ tầng giao thông huyết mạch của Minneapolis, bang Minesota, Mỹ, được xây dựng từ năm 1967, bất ngờ đổ sụp. Tai nạn khiến hơn 50 chiếc xe đang lưu thông trên cầu cùng hàng tấn sắt thép đổ nhào xuống sông từ độ cao 20m, làm 13 người thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương…

* Năm 1981, ở Mỹ, cầu treo dành cho người đi bộ tại khách sạn Hyatt Regency, TP Kansas đã sập, làm 114 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Nguyên nhân gây tai nạn là do công trình đã xuống cấp mà chưa được bảo trì... Cũng ở Mỹ, năm 1967, cây cầu Bạc 39 tuổi, nối thị trấn Point Pleasant ở West Virgima và Kanauga, bang Ohio, đã sập trong giờ cao điểm, làm 46 người chết.

* Trong vòng 4 năm qua, Ấn Độ đã hứng chịu 3 vụ sập cầu thảm khốc làm gần 100 người chết: Đầu tháng 9-2007, một phần của hệ thống cầu vượt đường bộ đang xây dựng tại TP Hyderabab đổ sụp, làm ít nhất 15 người thiệt mạng; cây cầu bê tông cũ nát sập xuống sông Daman Ganga, thuộc TP nghỉ mát Daman, làm 25 người thiệt mạng; cây cầu 150 năm tuổi tại bang Bihar sập xuống khi đoàn tàu tốc hành Jamalpur-Howrah đi qua, làm 33 người thiệt mạng.

PHƯƠNG NAM (Tổng hợp)

Thông tin liên quan:

- Sập cầu Cần Thơ đang xây, hơn 200 người chết và bị thương

- Chiều tang thương ở Bệnh viện 121

- Sự sống trong đống đổ nát

- Sập cầu Cần Thơ, khoảng 250 công nhân bị nạn

Tin cùng chuyên mục