Phòng cháy chữa cháy trên sông tại TPHCM

1 tàu cho 1.700 km

1 tàu cho 1.700 km

Mặc dù nước là chất chữa cháy hữu hiệu nhưng không vì thế mà công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên sông nước trở nên đơn giản. Bởi ngoài nước, để chữa cháy hiệu quả còn đòi hỏi phải có sự đồng bộ của nhân lực cũng như phương tiện chữa cháy. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, Phòng Cảnh sát PCCC trên sông (Sở CS PCCC TPHCM) - lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trên sông nước duy nhất của TPHCM và cả nước - vẫn đang phải “sống chung” với cảnh vừa thiếu phương tiện, vừa mỏng lực lượng.

Quân số mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu 

1 tàu cho 1.700 km ảnh 1

Vừa dừng chân xuống bên đường tại địa chỉ 25Bis Tôn Thất Thuyết (quận 4), mùi nước mắm, phân urê đã sặc sụa. Sông Sài Gòn dập dềnh sóng và gió. Gió xua mùi nước mắm, phân bón bay đi nhưng cũng làm cho cái mùi ai ai, khăm khẳm khó chịu ấy… lan tỏa khắp chốn.

Dẫn tôi đi qua các dãy nhà cấp 4 với các phòng tập luyện, nơi ăn ở của CB-CS, Trung tá Lê Văn Thọ, Trưởng phòng Phòng CS PCCC trên sông xoa xoa bàn tay ngượng ngập: “Đây, nguyên là kho phân đạm, urê và đựng nước mắm. Kể từ khi thành lập, chúng tôi phải thuê (17,4 triệu đồng/tháng) chốn này làm “đại bản doanh”. Hơn một năm rồi (Sở CS PCCC TP thành lập ngày 4-10-2006), bao nhiêu lần nói xây và chuyển trụ sở nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Người ta nói “an cư lạc nghiệp”, còn CB-CS ở đây thì thấp thỏm, háo hức… chờ”. Đến nước này thì tôi cũng “té ngửa”, bởi không ngờ trong những căn phòng ẩm thấp, nền nhấp nhô sậm sật lại là chỗ ăn ở sinh hoạt và tập luyện của hơn 50 CB-CS Phòng Cảnh sát PCCC trên sông.

Trong khi biên chế cho phép của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trên sông của TPHCM là hơn 200 CB-CS thì hiện tại, phòng mới chỉ có 50 CB-CS, trong đó có tới 30 chiến sĩ là lính nghĩa vụ. Quân số ít ỏi, lại quản lý đa phần “đối tượng” di động (các phương tiện vận tải đường sông – PV) nên việc kiểm tra, quản lý càng khó khăn. CB-CS chỉ biết cười trừ, ráng động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ vì sự an toàn của mọi người. Khó khăn nhiều lắm nhưng tất cả các CB-CS đều tự tin, hào hứng cho biết, từ khi thành lập phòng đến giờ, các “đối tượng” thuộc phòng quản lý đã không xảy ra 1 vụ cháy nổ nào. Năm 2007, phòng đã kiểm tra 248 lượt cơ sở, phát hiện 95 vi phạm và xử phạt 125 triệu đồng (nhiều hơn 36 lần so năm 2006).

1 tàu, 1 canô và 1.700km sông nước 

Trong “đại bản doanh” ấy, một tấm bảng rộng mô tả danh sách “địa bàn cai quản” của phòng: hơn 1.700km đường thủy nội địa và 25 km bờ biển (Cần Giờ); 168 bến cảng sông, 30 cảng biển và 156 công trình khác là các tàu chở khách, tàu chở xăng dầu, tàu cánh ngầm… Theo đánh giá, đây là những “điểm nóng” - đông người qua lại (bến phà, tàu chở khách) hoặc có nguy cơ cháy nổ cao (tàu chở xăng, dầu). Ngoài việc phải đảm bảo an toàn PCCC cho các đối tượng trong khu vực mình quản lý, lực lượng chữa cháy trên sông còn hỗ trợ tiếp nước và chữa cháy cho các khu dân cư ven sông (thuộc địa phận quản lý của các trung tâm PCCC trên cạn). Đồng thời, tương trợ cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ và mỗi khi xảy ra sự cố.

Thế nhưng, quy mô và số lượng đối tượng quản lý lại tỷ lệ nghịch với “gia tài” của các chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp trên sông. Trong khi nhu cầu cho công tác PCCC trên sông hiện tại cần ít nhất 10 tàu chữa cháy bố trí trên 4 nhánh sông chính của TP (Nhà Bè, Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Điền), thì ngoài 3 chiếc máy bơm, phương tiện tác chiến của cả phòng hiện tại chỉ là 1 chiếc canô 85 CV chạy với vận tốc 25km/giờ và phương tiện có giá nhất là chiếc tàu 470CV với vận tốc 30km/giờ. Vuốt vuốt thân chiếc tàu đã hơn 10 năm tuổi, Trung tá Lê Văn Thọ chia sẻ: “Tàu chỉ có trọng tải hơn 200 tấn. So với các tàu, phà có trọng tải hàng ngàn tấn thì con tàu này chỉ là… muỗi! Ví dụ như con (chiếc tàu) Petrolimex 09 - là đối tượng mà phòng quản lý về an toàn PCCC - có trọng tải 41.000 tấn, cao hơn 17m, dài 168m và rộng 23m thì khi đứng cạnh thôi, tàu của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cũng đã bị “nuốt chửng” rồi. Nhưng đây là con cưng của cả phòng, gần như tất cả hoạt động đều trông vào “nó” đấy!”.

Gần nước không hẳn là lợi thế 

1 tàu cho 1.700 km ảnh 2

Lực lượng Cảnh sát PCCC trên sông diễn tập phương án PCCC tại tàu Bến Nghé (tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn) ngày 20-12-2007. Ảnh: Đ.L

Phương tiện thiếu thốn và chưa đáp ứng được cho nhu cầu chữa cháy là nỗi lo còn canh cánh hơn sự thiệt thòi về chỗ ở của CB-CS Phòng CS PCCC trên sông. Bởi nhiều lúc CB-CS phải rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì phương tiện chữa cháy quá nghèo nàn. Trong khi nhiều tàu chở hàng, chở xăng dầu cao mấy chục mét thì tàu chữa cháy của phòng cao có hơn 3m, với vòi nước chữa cháy phun được trong khoảng 20m và chỉ có sức chứa 200 lít form (chất chữa cháy dưới dạng bọt). Trung tá Lê Văn Thọ lắc lắc đầu: “Phương tiện đã quá lỗi thời, không đáp ứng và không phù hợp với điều kiện hiện tại”. Theo Trung tá Thọ thì đối tượng “nóng” nhất mà phòng quản lý là các tàu chở xăng dầu, mà muốn chữa cháy xăng dầu chỉ có cách dùng form nhưng với trữ lượng form có thể “mang theo” trên tàu như trên thì… không thấm tháp gì nếu xảy ra cháy lớn. Như vậy, dù gần sông, sát nước nhưng trong nhiều trường hợp, công tác chữa cháy phải “bó tay”.

Theo đánh giá, nếu trên sông nước xảy ra một đám cháy thì thiệt hại thường gấp 10 lần so với cùng đám cháy xảy ra trên cạn. Bởi, ngoài điều kiện về tự nhiên (thoáng đãng, gió lớn…) thì vấn đề ở đây còn là sự phối hợp, tương trợ giữa các đơn vị. Nếu xảy ra cháy ở trên bờ, các đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp của sở có thể tương trợ, phối hợp với nhau một cách dễ dàng nhưng dưới sông, do là lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp duy nhất nên các chiến sĩ của phòng cũng chỉ biết… độc lập tác chiến.

Một khó khăn khác là công tác chữa cháy dưới sông chịu ảnh hưởng rất nhiều của thủy triều. Nhiều chiếc cầu bắc qua các con kênh của TP như Thị Nghè, Nhiêu Lộc, Lò Gốm, Kinh Tẻ, Bông Sao… có tĩnh không là 1,5m hoặc dưới 2m, trong khi chiếc tàu của phòng cao hơn 3m nên không thể “chui” lọt cầu mỗi khi nước lớn. Còn, khi thủy triều rút, các con kênh trơ đáy thì tàu lọt qua được dưới cầu nhưng lại mắc cạn. Ví như kênh Bông Sao, nhiều lúc mực nước chỉ còn 0,5m trong khi đó để tàu “bơi” được thì ít nhất mực nước cũng phải là 0,8m. Trong trường hợp này, canô có thể chạy thoải mái nhưng 1 chiếc canô chỉ tải được 1 chiếc máy bơm, 4 chiến sĩ và thêm chút xăng dự trữ là… hết. “Ven các con kênh có nhiều khu dân cư, nhất là các khu dân cư tạm bợ, nguy cơ cháy nổ rất cao. Mặc dù đây không phải là đối tượng quản lý của phòng nhưng khi xảy ra cháy, chúng tôi phải hỗ trợ các trung tâm bạn. Nhưng với điều kiện như vầy, chúng tôi không dám hứa chắc” – Trưởng phòng CS PCCC trên sông trầm tư.

Được biết, để khắc phục phần nào khó khăn, phòng đã phối hợp với các công ty có chức năng cứu hộ cứu nạn thường được trang bị phương tiện PCCC hiện đại như Tân Cảng (tàu của Công ty Tân Cảng chứa được 3.000 lít form), Đại Minh, Laizac tàu biển Sài Gòn… Qua các lần phối hợp chữa cháy trong các vụ tàu 05 của Trường Trung học Hàng Hải cháy tại Nhơn Trạch (Đồng Nai); vụ cháy tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Vĩnh Bình (quận 7) ngày 3-3-2006 hay vụ cứu hộ tàu Hoàng Đạt…, sự kết hợp ăn ý giữa các chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp (thiếu phương tiện) với điều kiện hiện đại của các đơn vị không chuyên đã phát huy hiệu quả. Điều đó cho thấy, nếu lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trên sông có được sự đầu tư tương xứng với nhiệm vụ họ mang trên vai, lực lượng này sẽ còn phát huy hơn nữa chuyên môn nghiệp vụ của mình. Vấn đề còn lại là, bao giờ điều đó xảy ra? 

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục