Tình người trên đất A Dơi

Tình người trên đất A Dơi

Cựu chiến binh Hồ Lua, người dân tộc Vân Kiều đã viết nên câu chuyện cổ tích về lòng nhân ái trong căn nhà nhỏ dưới chân núi Nhối, bản A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). 35 năm qua, ông Lua đã cưu mang, đùm bọc không ít những hoàn cảnh bất hạnh, giúp họ có được mái ấm gia đình. Ông còn là cha nuôi của hàng chục trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Căn nhà nhỏ của ông luôn ấm áp, đầy ắp những tiếng cười…

Mái ấm cho người bất hạnh

Tình người trên đất A Dơi ảnh 1

Những đứa trẻ trong đại gia đình Hồ Lua đang xem ti vi

Bản A Dơi Đớ, một buổi sớm mùa xuân, tôi hỏi thăm nhà ông Hồ Lua. Người đàn bà ngồi bên khung cửa sổ, tóc muối tiêu trả lời: “Bố Lua làm cỏ cho lúa, cần gặp thì mẹ gọi về”. Từ ngoài ruộng, ông Lua nghe tiếng gọi của vợ nên vội vã trở về. Rót ấm nước, ông Lua bảo tôi: “Việc tôi làm có gì đáng đâu mà nhà báo lặn lội đến đây”.

Ông Lua kể lại, năm 1997, ông lập trang trại, với mục tiêu thoát khỏi đói nghèo và có cơ sở thực tế để hướng dẫn cho nhiều người khác cùng làm. Ban đầu, ông Hồ Lua trồng 2ha cây cà phê, 500 gốc tiêu, đào 2 cái ao nuôi cá. Thế nhưng, vận may không đến, cơn lũ lịch sử năm 1999 ở miền Trung đã cuốn trôi toàn bộ vốn liếng của ông. Của cải mất đi nhưng ý chí vượt khó của ông Hồ Lua thì vẫn bền bỉ, miệt mài như dòng suối La La chảy giữa núi rừng Trường Sơn.

Ông bắt tay làm lại từ đầu, và đất trời đã cho ông hương thơm quả ngọt. Dẫn tôi đi quanh một vòng thăm ao cá, rừng cây bời lời, vườn tiêu đang thu hoạch, ông Lua thủng thẳng kể, 4 năm nay, trang trại cho ông thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm từ tiền bán cá, dê, heo, bò, gà, cà phê, hạt tiêu, vỏ cây bời lời. Nhờ đó, ông xây dựng được một căn nhà sàn khang trang, mua sắm nhiều vật dụng gia đình có giá trị như xe máy, tủ lạnh. Ông còn dành dụm tiền mua hai máy xay xát lúa, một máy bơm nước, phục vụ miễn phí cho bà con.

Có một điều ít ai biết tới là ròng rã 35 năm nay, ông Hồ Lua dang rộng vòng tay nhân ái, sẻ chia, cưu mang giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh. Ông Lua nhận nuôi tất cả những đứa trẻ mồ côi trong bản như Hồ Linh, Hồ Phơ, Hồ Lai, Hồ Thị Cô Rai... Đến tuổi trưởng thành, ông xây dựng cho mỗi người một căn nhà. Lúc lập gia đình, ông tổ chức đám cưới cho từng người, giúp vốn liếng và chỉ dạy cách làm ăn. Cách đây 35 năm, sau cái ngày cha mẹ của Hồ Linh bị cọp ăn thịt, ba mẹ của Hồ Phơ, Hồ Lai bị bom Mỹ giết hại, những đứa trẻ bất hạnh ấy được ông cưu mang đến giờ.

Hiện giờ, trong ngôi nhà ấm áp tình người ấy còn chăm sóc, đùm bọc các em Vỗ Bừm, Dã Bừm, Hồ Thị Mít… là con của các gia đình khó khăn. Hồ Lua còn giúp đỡ hàng chục gia đình khó khăn khác xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế. Riêng năm 2007, ông hỗ trợ 16 triệu đồng làm nhà cho Hồ Phờ, Hồ Lại ở bản A Dơi Đớ; giúp vốn, lúa, giống tiêu, giống cây bời lời,... cho Pả Oai, Ăm Khanh, Pả Làng, Côn Ngươm,… làm trang trại.

Ngọn lửa giữa đại ngàn

Năm 1968, chàng trai Hồ Lua, 26 tuổi,  tham gia kháng chiến, vừa cầm súng chiến đấu, vừa vận chuyển lương thực và làm cơ sở cho cách mạng. Những năm 1968 - 1974, tại chiến trường Quảng Trị, ông và đồng đội đánh đuổi địch ra khỏi các căn cứ núi Nhối, Rọi, Kroi.... ở vùng biên giới xã A Dơi. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hồ Lua làm cán bộ y tế, trưởng công an, bí thư chi bộ, chủ tịch mặt trận.... rồi Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơi.

Suốt 35 năm làm cán bộ xã, ông không chỉ chăm lo cuộc sống cho dân bản, mà còn hướng dẫn cho họ điều hay lẽ phải, hợp sức cùng nhau giữ quê hương yên bình. Những năm 1980 - 1987, ở xã A Dơi thường xuyên xảy ra các hoạt động phạm pháp, một số người nghe theo kẻ xấu, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, xâm nhập lãnh thổ, buôn bán hàng quốc cấm, chặt phá rừng..., cán bộ Hồ Lua cùng chính quyền địa phương đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc.

Liên tiếp nhiều năm liền, ông được Công an huyện Hướng Hóa, Công an tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen Vì an ninh tổ quốc; được Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng tặng kỷ niệm chương Vì chủ quyền an ninh biên giới... Già làng Pả Oai cho hay, Hồ Lua là cán bộ tốt, nhiệt tình, có uy tín đối với dân bản. Cũng nhờ cán bộ Hồ Lua, bà con ở bản chí thú làm ăn, ít uống rượu và không nghe lời bọn xấu.

Chúng tôi chia tay đại gia đình Hồ Lua khi các thành viên quây quần chuẩn bị bữa cơm chiều. Với bà con dân bản ở A Dơi, ngôi nhà ấy nhỏ bé nhưng vững chãi, che chở cho cả bản làng.

PHAN LÊ – HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục