Hàng bông vượt biên giới

Hàng bông vượt biên giới

Rằm tháng tám Âm lịch, nhiều vùng của tỉnh An Giang đang vào mùa nước nổi, nhưng miệt cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới) và vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên) tỉnh An Giang trời vẫn xanh trong, đôi lúc có mưa rào. Bà con nông dân ở hai nơi trên đang tất bật với rau màu để đủ hàng hóa cung ứng cho các bạn hàng quen ở trong và ngoài nước.

“Trồng rẫy phải tính luôn việc bán được hàng hóa”

Hàng bông vượt biên giới ảnh 1

Bạn hàng Campuchia ăn hàng bông của An Giang.

Đó là câu nói của ông Nguyễn Hữu Khánh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang), mỗi lần về thăm và làm việc với các nông dân ở xã Kiến An (huyện Chợ Mới) trước đây.

Đi thăm các vườn rau, màu của nông dân Bí thư tỉnh ủy thường động viên và nhắc nhở: “Trồng rau màu không chỉ để đủ ăn mà bà con phải tính toán làm sao bán được thì mới khá lên được”, ông Nguyễn Văn Sự một nông dân “thứ thiệt” ở ấp Hòa Thượng, xã Kiến An của cù lao Ông Chưởng kể lại thế.

Muốn bán được thì hàng hóa phải có chất lượng cao chứ trồng kiểu “nay được mai thất” thì ai mà mua, nghĩ vậy nên ông Tư Sự quyết tìm học cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Nhìn miếng vườn xanh tươi với những loại rau ăn lá và rau ăn củ của ông Sự mấy ai biết được ông Tư này đã vất vả thế nào, những ngày đầu “làm ăn” của ông. 10 năm trước, khi các thầy cô ở Đại học Cần Thơ đến Kiến An, triển khai thí điểm cách dùng “màn bạc” để trồng rau màu, ai nấy bán tín bán nghi thậm chí có người còn thấy “mắc cười” khi nhìn những tấm màn “mặt bạc mặt đen” giăng lên như trong mấy tiệm chụp hình treo ở những vườn rau, chỉ có mình ông Sự tin và đồng ý “mần” trước.

“Màn bạc” - nói cách khác đó là các màn phủ công nghiệp để che nắng cây rau theo yêu cầu được các nhà khoa học cho ứng dụng, kế đó là việc sửa đổi thời vụ truyền đạt kỹ thuật trồng xen canh và luân canh trên vườn rau mẫu nhà ông Sự. Rẫy đối chứng nghiệm thu với kết quả khả quan được lập tức phổ biến rộng rãi trên toàn cù lao. Mô hình vườn rau ông Sự được nhân rộng. Thế là ông Sự nổi tiếng là nông dân sản xuất giỏi.

Sự thành công của rẫy nhà ông Sự là điều ai cũng nhìn thấy và thế là bà con cùng làm theo cách ông Sự đã làm. Diện tích chuyên canh trồng rau màu ở Kiến An hiện đã đạt 629 ha và có hơn 50% số hộ trồng rau, màu. Mỗi ngày xã Kiến An đưa ra thị trường hơn 70 tấn rau củ các loại.

Thời điểm mùa nước nổi, có ngày sản lượng rau màu cung ứng cho thị trường lên đến hàng 100 tấn. Bình quân thu nhập của bà con nông dân xã Kiến An đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết 5 – 6 năm trước, chỉ biết tiêu thụ lẩn quẩn ở đồng bằng, ít có lên Sài Gòn, vì sợ đụng hàng bông của Đà Lạt.

Người đàn ông buôn rau

Hàng bông vượt biên giới ảnh 2

Hàng bông của An Giang qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên – Phnom Din.

Sau trận lũ lụt 2000, cô Trần Thị Ba và thầy Trần Văn Hai ở Đại học Cần Thơ đến rủ ông Sự đi làm “chuyên gia” để hướng dẫn nông dân đầu nguồn huyện An Phú “sử dụng màn bạc” trồng rau màu chất lượng cao. Chuyến đi ấy của ông Sự đã mở ra một hướng đi mới cho hàng bông của An Giang.

Ông Sự được quen biết với các “cao thủ trồng rau, củ” của An Giang: Tư Thắng, Út Xiệt (Đồng Ky), Liệt, Đậm (Khánh Bình), anh Thoại (Khánh An). Ông Sự nói với các bạn nhà nông: “Tại sao ở đây, không ai thử đưa hàng bông bán qua Campuchia, biết đâu họ ăn mạnh thì sao?”.

Chính ông Tư Sự là người “cầm quân” mang những chuyến xe rau, củ đầu tiên sang tỉnh Kan Dal (Campuchia) bán thăm dò. Chuyến hàng đầu tiên bán sạch bách. Sau đó, bà Sơn, cô Ý, cô Vàng, chị Sữa là những chủ vựa, đầu mối lớn ở cửa khẩu Khánh Bình – Chray Thum đã tham gia làm trạm trung chuyển hàng bông đi từ An Giang sang Campuchia cho ông Sự.

Hồi đó, một tay ông Tư Sự vừa thu gom, vừa đưa hàng lên tận Chray Thum. Tiền bạc tuy eo hẹp nhưng ông buôn bán rất sòng phẳng nên bạn hàng rất thích buôn bán với ông. Không bao lâu, hàng bông của ông Sự nổi tiếng hơn và những chuyến đò đưa hàng bông An Giang sang Campuchia ngày một nhiều hơn. Đêm đến, trên bến sông Vàm Nao, có 15 – 16 chiếc tắc ráng chờ sẵn, đưa đi giao hàng và quay về trong đêm.

Buôn bán thời hiện đại mà nên chỉ cần các chủ vựa trên Khánh Bình “a lô” là có xe tải qua phà Năng Gù, sang Thuận Giang chở hàng về. Bây giờ, Kiến An có 24 hộ nổi lên làm thương lái, cung ứng hàng bông sang Campuchia từ 40 đến 50 tấn/ngày. Những dịp lễ hội của xứ Chùa Tháp như lễ Cúng ông bà hay lễ Dâng y cũng là dịp nông dân ở cù lao Ông Chưởng và vùng Bảy Núi trúng mùa. Cũng nhờ biết cách làm ăn mà những hộ nghèo ngày xưa tham gia vào “đường dây” trồng và xuất khẩu rau màu của ông Sự đã có 80% số hộ thoát nghèo.

Không chỉ miệt cù lao Ông Chưởng, vùng Bảy Núi thoát nghèo nhờ hàng bông mà xã Bình Thạnh hiện cũng đang có nhiều hộ thoát nghèo nhờ tham gia vào tuyến buôn bán hàng bông của ông Sự với các loại rau ăn lá (rau thơm các loại) và rau ăn củ (cà rốt, cải trắng, khoai cau), rau ăn quả (đậu que, đậu rồng... Mùa mưa già, nông dân Khmer và người Kinh ở Thalot trồng rau màu hàng trăm hécta vẫn tươi rói. Đây là khu vực rộng và trù phú nhất vùng Bảy Núi. Ở đây, mỗi ngày đưa về chợ Tri Tôn ít nhất 30 tấn hàng bông, nào là các loại đậu, dưa leo, bí đao, ớt, củ cải, khoai cao…

Khi đường sá lưu thông, nhiều người vô vựa chuyển hàng đi luôn về Hà Tiên, lên cửa khẩu quốc tế Xà Xía và sang Campuchia. Cù lao Ông Chưởng và vùng Bảy Núi được xem là 2 khu vực có lợi thế trồng rau, màu mùa nước nổi quy mô lớn nhất ở An Giang. Nhiều hộ nông dân nghèo trồng bông ở hai huyện trên đang được xóa đói giảm nghèo bằng chính sản phẩm hàng hóa trên mảnh đất quê nhà. Ông Tư Sự không chỉ yên lòng với những chuyến đò mang hàng bông quê ông đi xa mà ông đang chờ ngày những cây rau quê ông “chễm chệ” trên những quầy hàng của các siêu thị sang trọng gắn với tên vùng An Giang quê ông. 

PHAN TRỌNG ÂN

Tin cùng chuyên mục