“Thiêu thân” áo trắng

“Thiêu thân” áo trắng

Ngày nay, các vũ trường, quán bar không còn là “mảnh đất chuyên trị” của các đại gia. Hằng đêm, dưới ánh đèn chập choạng, hòa trong những điệu  nhạc điên cuồng, nhiều bạn trẻ sinh viên đang cố chứng tỏ mình là “dân chơi chính  hiệu”. Mặc dù trong số đó, không phải ai cũng lắm tiền nhiều của, nhưng khi chọn lối sống hưởng thụ đầy cạm bẫy, họ đã tự biến mình  thành những con thiêu thân…

Xem giảng đường như… sàn diễn thời trang

“Thiêu thân” áo trắng ảnh 1

Ngày đầu vào lớp học, T. -  sinh viên một trường cao đẳng tại quận 5 (TPHCM) - tạo ấn tượng tốt với thầy cô và bạn bè bằng vẻ đẹp chân quê, dịu dàng của người con gái Tiền Giang. Nhưng chỉ một tháng sau, T. đã thật sự “lột xác” bằng cách cắt bỏ mái tóc dài đen óng của mình, thay vào đó là mái tóc “hai lai” cực ngắn, nhiều tầng khiến bạn bè cô phát hoảng. Không những thế, T. còn “mạnh dạn” diện những bộ trang phục mốt “quằn quại” vào lớp học gây phản cảm cho mọi người chung quanh.

Từ chỗ được bạn bè yêu mến, giờ đây T. bị cô lập hoàn toàn vì chẳng ai muốn mình bị đánh giá xấu khi có người bạn như T. Mặc dù bị hầu hết bạn bè xa lánh nhưng T. vẫn tỏ ra dửng dưng. Gặp tôi trong giờ giải lao tại căn tin trường, T. vô tư khoe chiếc áo trắng mới mua, hở cả rốn, mong manh như… sương mai buổi sớm, “nội y” bên trong thấy rõ mồn một. Khi tôi hỏi mặc thế này không sợ bị giáo viên khiển trách sao thì T. nhìn tôi cười, nhún vai: “Em có làm gì sai đâu, em vẫn mặc sơ mi đấy chứ! Người ta bán sao em mua vậy, lấy cớ gì bắt phạt em  được. Chỉ trừ khi người ta hết bán thì em sẽ hết mua”.

Những người coi giảng đường như sàn diễn thời trang như T. không phải là hiếm. Có mặt trong khuôn viên một trường đại học tại quận 5, tôi lân la bắt chuyện với H. - một người được mọi người công nhận là “mặc không đụng hàng”, vì đồ của H. nếu không “hàng hiệu” thì cũng “hàng độc”, chẳng ai dám mặc vào giảng đường bao giờ! H. tỏ ra khá hoạt bát, sành  điệu khi tiếp chuyện với người lạ một cách thoải mái.

Qua tiếp xúc, tôi được biết quê H. ở tận đất mũi Cà Mau, cha mẹ đều là nông dân chân chất, suốt ngày chỉ biết ruộng đồng, quanh quẩn nơi làng quê. H. nói: “Em mà cứ ở dưới (tức ở Cà Mau) thì đời coi như số không, vì không dính vào chồng con thì cũng thành gái già, rồi cũng chẳng biết đời là gì cả nếu như không lên thành phố này.” Với vẻ mặt  lạnh, H. chỉ vào bộ đồ mình mặc trên người nói tiếp: “Như bộ quần áo này, em phải lùng mấy shop mới có được, thế mà tụi nó (tức bạn của H.) nhìn em la oai oái. Mình bận như vầy mới đúng là người Sài Gòn, chứ mặc ba cái áo sơ mi này nọ nhìn quê muốn chết! Ra đường ai dám làm quen với mình nữa”. Trang phục của H. đang mặc quả thật rất mốt nhưng người đối diện thì được một phen “rửa mắt” miễn phí  vì cổ áo trái tim khoét sâu đến tận ngực!

Đến vũ trường nhiều hơn đến… thư viện!

Không chỉ dừng lại ở việc chưng diện quần áo, để chứng tỏ, nhiều bạn trẻ như T., H. còn lấy ánh đèn nơi vũ trường, bar thể hiện mình. Theo chân H. trong một lần hẹn, tôi được H. dẫn tới một vũ trường nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (Q 10). Có vẻ như là khách quen, H. đùa giỡn từ người giữ xe đến nhân viên phục vụ trong quán. Một vài gã trai ngồi đối diện không rời mắt khỏi H. kể từ khi cô mới bước vô, bởi “sức nóng” toát ra từ bộ trang  phục hở rốn, hở ngực mà H. đang mặc. Như một tay chơi đáng gờm, H. nâng từng ly bia Heineken lên uống một cách sành điệu. Khi men đã ngấm, cô tung hứng ra lắc theo điệu nhạc một cách điên cuồng trong tiếng cười hô hố của những gã trai có mặt tại đấy. Chốc chốc, H. lại lấy cả chai bia ra tu ừng ực như uống nước lạnh. Có lẽ không ai ngờ khi thấy một sinh viên chịu chơi như H.

Tại đây, không chỉ có H. mà tôi còn gặp cả T. và nhiều bạn trẻ khác nữa. Họ đến đây không ngoài mục đích hưởng thụ, tiêu tiền và thỏa sức ăn chơi trác táng. Nhìn những điếu thuốc lập lòe trên môi các bạn trẻ này, thật khó tránh được cảm giác xót xa cho họ. Bởi hầu hết họ còn quá trẻ, còn cả tương lai phía trước nhưng lại không có bản lĩnh chống lại sự cám dỗ nơi chốn phù hoa, phù phiếm này.

Chỉ cách đây không lâu, trong một lần đi bar về, do quá say, bạn trai T. đã không làm chủ được tốc độ tông vào xe tải khiến anh ta chết tại chỗ, còn T. thì chấn thương nặng, hôn mê gần 10 ngày. Những tưởng sau lần tai nạn đó T. sẽ tỉnh ngộ nhưng sau khi lành lặn, T. vẫn chứng nào tật nấy, còn ăn chơi hơn cả xưa. Bạn bè khuyên thì T. bào chữa cho hành động của mình: “Thần chết cho sống thì phải hết mình hưởng thụ chứ!”.

Tất nhiên, để có thời gian ăn chơi, các bạn trẻ này phải trả giá rất đắt, trong đó việc điểm số học tập kém là điều không tránh khỏi. Đáng tiếc, những người trẻ tuổi này coi việc học không là điều quan trọng. Đối với họ cuộc sống là một chuỗi xoay vòng giữa tiền và hưởng thụ.

Những người ngoài cuộc tự hỏi, liệu đến bao giờ họ mới chịu thắng lại khi bàn đạp cho tương lai đang bị họ vứt xa dần .

Khi tôi tỏ ra thắc mắc không hiểu tiền đâu mà những người như H., T. có thể tha hồ chưng diện như thế thì D. - sinh viên cùng trường H. cho biết: “Chuyện đó bình thường thôi chị ơi! Tụi nó có sắc, biết tận dụng của trời cho, toàn cặp với những anh chàng Attila, Dylan, SH chứ có bao giờ dính tới bọn sinh viên túi rỗng chúng em đâu mà lo đói, lo khát”. Lời nhận xét của D. có phần gay gắt nhưng đó là sự thật khi cuối buổi tan  trường, T. và H. đều có những chàng  “xế  xịn” chờ sẵn trước cổng. Không phải chỉ có T., H. mà một số sinh viên  tỉnh lẻ cũng đang cố vứt bỏ “gốc” của mình để trở thành người hiện đại ở đất Sài thành này. Họ chạy theo mốt này, mốt nọ nhưng lại quên một điều là cha mẹ ở quê đang còng lưng từng ngày bán mồ hôi nuôi con ăn học.

Lệ Quyên (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục