Xóm nghèo Dạ Lữ Viện…

Chính quyền phường Cầu Kho, Q1, TPHCM nói gì?
Xóm nghèo Dạ Lữ Viện…

 (SGGP 12G).- Khu nhà tập thể Dạ Lữ Viện (tại số 42/6 và 42/10 Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM) là nơi cư ngụ của người nghèo tứ xứ, sống chen chúc, tạm bợ trong những căn phòng rách nát. Nhiều người vật lộn với đủ thứ nghề để kiếm sống và không ít bà mẹ già tiều tụy vì con…
1. Chị Nguyễn Thị Bời (42/6 Nguyễn Văn Cừ) là đối tượng tội phạm hình sự hoàn lương từ năm 2001. Từ đó đến nay, chị sống bằng nghề… cạo gió. 60 tuổi, thân thể chị Bời ngày càng tiều tụy bởi chứng hen và xỉu. Mỗi khi Sài Gòn chợt lạnh, chợt nổi dông, cơn đau lại nhức nhối, hành hạ chị. Nhiều lúc nằm gục một chỗ quằn quại đau, chị tủi đến ứa nước mắt. Chị Bời kể: “Mỗi lần đi đường xa hoặc làm lụng mệt, không thở được là lại lên cơn hen, toàn thân co giật, người chỉ muốn ngất đi. Ốm đau, bệnh tật mà bên cạnh chẳng người thân thích. Tôi có một thằng con trai nhưng nó đã bỏ tôi đi làm phụ hồ ở xa”.

Xóm nghèo Dạ Lữ Viện… ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Nguyệt bên quầy ốc

Cứ hễ nguôi cơn đau thì chị Bời lại lật đật chạy đi cạo gió kiếm tiền. Mỗi lần cạo gió, đấm bóp cho bệnh nhân, chị nhận được 5.000đ tiền công. Ai nghèo quá, không có tiền thì chị làm phước, chỉ xin nắm cơm nguội về chan nước mắm, ăn qua ngày. Ngày qua ngày, ráng lắm, chị Bời mới sống được bằng cái nghề này. Mỗi lần đi… làm xa, trừ chi phí xe cộ, chị còn lại 10.000đ - đủ hai bữa cơm rau đạm bạc.

Chị nói mà nước mắt lăn dài: “Tội lắm cô ơi, bệnh suốt mà nằm co ro một xó, không cha mẹ, con cái, họ hàng thân thích. Nhiều đêm tủi thân, chỉ muốn chết quách cho xong. Nhưng nghĩ đến thằng con trai đang cù bất cù bơ, tôi đành cắn răng sống. Nhờ trời, có người hàng xóm tốt bụng cho mấy ký gạo. Tôi ráng nấu nồi cơm nóng, rồi chan nước mắm, ăn bậy bạ cho xong. Nếu như trước kia, không vì ham tiền, ngoan cố thì tôi đã không phải thế này…”.

2. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (42/10 Nguyễn Văn Cừ) có người con gái bị phạt tù vì buôn bán ma túy, phải nuôi 3 đứa cháu và 3 đứa chắt. Bà Nguyệt đã kề cái tuổi 80 mà hàng ngày vẫn thức dậy từ 4g sáng để luộc ốc bán. Bà bộc bạch rằng, đã hơn 50 năm rồi, cuộc đời bà gắn liền với con ốc. Đến bây giờ, khi chợ Nancy bị giải tỏa, bà và quầy ốc của mình lại lui vào trong con hẻm nhỏ chật chội. Bà bám vào cái sạp ốc ấy để sống qua ngày.

Đôi tay run run khều những con ốc trên chiếc chảo nóng, khóe mắt bà tèm nhem vì khói bụi, mái tóc bạc phơ, cái lưng khom, gầy yếu… Tôi chợt nghĩ, có lẽ chỉ cần một cơn gió mạnh cũng đủ cuốn bà đi. Vậy mà ít ai ngờ đã mấy chục năm, bà nuôi 6 đứa con và một đàn cháu. Giọng bà run run: “Chồng chết từ năm tôi mới 27 tuổi nên tôi phải kiếm sống nuôi con một mình. Rồi 3 đứa con trai lần lượt chết, một đứa con gái đi tù, bỏ lại cho tôi một đàn cháu, chắt. Tiền bán ốc mỗi ngày được 50.000đ, trừ chi phí thì tiền lời chẳng còn bao, mà vẫn phải thức khuya dậy sớm. Cả đời tôi, chắc không thể thoát được cái nợ đời, nợ kiếp với con ốc này đâu!”. Nói xong, bà đưa tay chùi mắt.

Chính quyền phường Cầu Kho, Q1, TPHCM nói gì?

Phóng viên đã liên hệ với Chủ tịch UBND phường Cầu Kho để đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương đã làm gì để hỗ trợ những người dân nghèo tại khu tập thể Dạ Lữ Viện? Câu trả lời chỉ là… sự im lặng! Phóng viên hỏi nhiều lần thì Chủ tịch UBND phường Cầu Kho nói: “Đợi tôi tổng hợp số liệu xong thì tôi báo”. Đợi mãi vẫn không thấy “a lô”, chúng tôi xuống tận UBND phường thì Chủ tịch phường lại… ủy quyền cho vị Phó Chủ tịch UBND phụ trách đô thị trả lời. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch đô thị nói: “Cho tôi thời gian để tôi trả lời bằng… văn bản”. PV đợi mãi mà không thấy văn bản nào bèn gọi điện liên hệ thì nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo phường bận họp lu bu”! Sau nhiều lần chạy lòng vòng, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời của chính quyền địa phương về biện pháp chăm lo cho những người dân nghèo ở Dạ Lữ Viện.

3. Cái nghèo vẫn đeo đẳng những kiếp người tội nghiệp ấy. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng họ giống nhau ở một điểm: Ai cũng phải làm lụng đủ thứ nghề để mưu sinh, cả những đứa trẻ đang tuổi ăn học cũng phải tạm gác giấc mơ tới giảng đường. Gia đình chị Cao Ngọc Mai là một ví dụ.

Gần 10 năm nay, chị Mai sống bằng nghề giặt đồ mướn, chồng chị làm phụ hồ. Một ngày muốn kiếm được 60.000-70.000đ, chị Mai phải giặt đến 4 thau quần áo to, vò nhừ cả tay, nhiều hôm toàn thân đau nhức, tay chân sưng tấy vì cả ngày ngâm vào nước lạnh. Giặt xong, chị lật đật trèo lên mái nhà phơi đồ.

Trời Sài Gòn sớm nắng, chiều mưa, mỗi ngày, ông trời mà mưa vài lần thì chị leo lên, leo xuống muốn té xỉu. Bữa nào trời mưa miết thì hết leo luôn; vợ chồng và 3 đứa con đành nhịn đói vì bữa đó đồ của khách không khô. Chị Mai tâm sự: “Đứa con gái lớn bị thiếu máu, rối loạn tiền đình nên bao nhiêu tiền vợ chồng tằn tiện dốc hết vào thuốc thang cho nó; nghèo lại bệnh, nó nghỉ học luôn, đứa con thứ hai cũng phải nghỉ học”.

Chị Mai nhẩm tính: “8 hộ dân với gần 30 nhân khẩu ở đây phải dùng chung một nhà tắm, muốn đi vệ sinh phải chạy qua khu tập thể số 42/6 Nguyễn Văn Cừ… xài nhờ. Mỗi tháng người lớn mất 10.000đ, trẻ nhỏ mất 5.000đ vệ sinh phí. Hôm nào “mắc” quá, chạy ra chợ Nancy là mỗi tháng mất tiêu 30.000đ rồi. Cả nhà tôi, riêng tiền vệ sinh cũng tốn 50.000đ, rồi tiền ăn, tiền điện nước, tiền thuốc cho đứa lớn... Tui chỉ còn biết cắm đầu giặt như cái máy để kiếm tiền nuôi con”.

Thấy tôi nhìn căn phòng chật chội tỏ vẻ ái ngại, chị phân bua: “Ăn tiêu nhiều chứ ngủ bao nhiêu, nằm “gói ghém”, mẹ con cũng… duỗi được cái chân”. Tôi thấy ánh mắt chị chợt buồn. Chị và các hộ dân ở đây vừa nhận được quyết định giải tỏa, căn phòng chưa đầy 4m2 với số tiền bồi thường 61 triệu đồng, không biết vợ chồng và các con chị sẽ đi về đâu?

Rời khu tập thể Dạ Lữ Viện, tôi ám ảnh bởi cái mùi ẩm mốc của khu nhà vệ sinh tập thể, trộn lẫn cái mùi khét lẹt của khói bếp, đồ ăn, quần áo bẩn… Ngoài đầu ngõ, những đứa trẻ mặt lem luốc, buồn thiu.

HOÀNG HOA

Tin cùng chuyên mục