“Ốc đảo” giữa đại ngàn

“Ốc đảo” giữa đại ngàn

Xã Kon Pne cách thị trấn Kanak của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) khoảng 120km về phía Tây Bắc. Kon Pne hoang sơ, lọt thỏm giữa rừng sâu nên người dân địa phương gọi Kon Pne là “ốc đảo” giữa đại ngàn...

  • Tìm về chốn xưa

Tôi cùng 3 anh bạn đồng nghiệp rủ nhau đi về “ốc đảo” Kon Pne. Đến đoạn đường đầu thị trấn Kbang, chúng tôi gặp anh Phan Tứ - Chủ nhiệm chính trị cơ quan quân sự huyện, nghe chúng tôi nói ý định muốn vào tham quan “ốc đảo” anh thông báo ngay: “Đường vào “ốc đảo” đã làm xong rồi, nhưng do đợt mưa vừa rồi quá to nên có mấy đoạn bị sạt lở, đi xe vào nguy hiểm lắm, thôi cuốc bộ vậy, người dân ở đây họ đi bằng hai chân cả năm, cả đời có sao đâu?

Chúng ta đi bộ để mà biết, biết để mà viết cho thật, cho hay…”. Sau hai mươi phút qua khỏi con dốc trơn nhẫy, chi chít những vết chân trâu là bập ngay vào rừng già. Ở thành phố Pleiku những ngày này trời nắng nóng, thế mà bầu trời ở đây thì vẫn sũng nước. Những đám mây xám kéo lê thê trên nền trời thấp. Không gian cứ âm âm một cái màu phân vân sáng tối. Cũng không rõ mưa thật hay sương rớt, cứ miên man một thứ âm thanh rỉ rắc, đơn điệu và ướt át sau mỗi bước đi...

“Ốc đảo” giữa đại ngàn ảnh 1
Bộ đội giúp dân Kon Pne làm thủy lợi

Bước chân người lính, tôi đã luồn rừng nhiều xứ thế mà vào đây tôi cũng phải mê mẩn sự giàu có của xứ rừng Kon Pne này. Những cây trắc hàng trăm năm tuổi thẳng đuột, ngọn chấm trời, ken dày tưởng chen người không lọt.

Những khoảnh thông nàng thân trắng mốc thếch chi chít, tưởng như không phải trời sinh ra chúng mà ai đó đã lựa xếp nên mọc theo thứ tự, theo ô thửa rất đẹp... Mãi bước chúng tôi không biết mình đã đi được bao nhiêu cây số, chỉ thấy hai bắp chân đã bắt đầu cứng lại mà chẳng thấy có dấu hiệu nào là “dấu chấm hết” của rừng già...

Quá trưa, sau khi nhai tạm ổ bánh mì, chúng tôi tiếp tục vượt qua ngọn Kon H’lăng dễ phải cao đến 2.000m. Lối mòn đi vừa lọt một người luồn lách giữa những thân đại thụ già khấc, trầm mặc. Lên dốc đã khó, xuống dốc lại càng khó hơn. Có những đoạn chúng tôi phải ngồi xổm tụt từng nấc một. Rồi “ốc đảo” Kon Pne hiện dần trước mắt. Hóa ra nó nằm trong một thung lũng khá rộng. Trời tối, chúng tôi vào trú tạm một nhà sàn của dân ở đầu bản, được bà con cho ăn cơm nương, cá nướng và cả được uống rượu, rồi cùng ôm nhau ngủ xung quanh đống lửa. 

  • Con đường mang một chữ “Tâm”

Tiếp chúng tôi ở trụ sở UBND xã, Bí thư Đinh H’Má cho biết: “Ốc đảo” Kon Pne hiện có hơn 300 hộ, 1.500 khẩu, thuần là người Ba Na. So với 10 năm trước, dân số đã tăng được trên 70 hộ, 300 khẩu. So sánh để mà mừng, bởi từ 1975 cho đến năm 1996 dân số xã hầu như không tăng. Hồi đó con nít, người già bệnh nhiều quá - nhất là sốt rét, dịch hạch, đau bụng...

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nhiều công trình phúc lợi nhưng cái tốt, cái mới vì “vướng” rừng nên không vào được bản, thành ra nơi đây vẫn cứ là “ốc đảo”. Đất đai màu mỡ, rộng thênh thang, thế mà vẫn còn hơn một nửa số hộ đói nghèo. Nuôi bò, trồng lúa cũng có cán bộ vào hướng dẫn nhưng người ở đây cứ thích làm theo cách cũ. Gần phân nửa dân “ốc đảo” này còn mù chữ. Người học cao nhất bây giờ mới lớp 7 thôi. Chữ ít thế nói họ khó nghe lắm...

Bí thư Đinh H’Má nói một hơi, giọng có lúc đượm buồn, có lúc hơi bực bội. Chúng tôi hiểu tâm trạng lúc này của ông. Muốn đỡ không khí nặng nề, chúng tôi lảng sang chuyện hôm qua đi đường cực khổ thế nào... Nghe xong ông cười lên một tiếng to: “Thế là các anh không biết đi rồi. Sao không theo đường bộ đội Cụ Hồ làm đi cho gần? Mình trông con đường lắm. Chỉ nó mới cứu được Kon Pne thôi...”.

Thực ra thì cái “ốc đảo” này từ lâu đã là mối bận tâm của huyện Kbang. Nghe nói cách đây tám, chín năm gì đó người ta dự tính dời Kon Pne sang bên này núi. Nhà nước hứa sẽ làm nhà, khai hoang đất cho từng hộ nhưng không ai chịu. Họ bảo đây là vùng đất khai sinh, là cái nôi của cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thôi đành “trời không nghe đất thì đất phải nghe trời”. Không thể để cái “ốc đảo” này làm  biểu tượng của sự xa xôi, đói nghèo lạc hậu lâu hơn được nữa. Thế là dự án làm đường vào “ốc đảo” được tiến hành.                  

Gặp chúng tôi, ông Vương Đăng Chính - Giám đốc Công ty 145 (thuộc Binh đoàn Trường Sơn) hồ hởi tâm sự: Đơn vị mình đảm nhận thi công làm con đường này. Đường chỉ dài 25,23km (phía ngoài đã có đường lâm nghiệp) nhưng phải làm tới hơn 100 cái cầu lớn nhỏ và “ngốn” hết hơn 24,1 tỷ đồng. Con đường này sẽ giúp cho người dân “ốc đảo” giao lưu mở rộng ra bên ngoài để phát triển kinh tế xã hội. Nhiệm vụ tuy khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ chiến sĩ đơn vị thi công xong trước thời gian dự tính, vì đây không chỉ là con đường bình thường mà là con đường mang một chữ “Tâm”, là cái nghĩa đền đáp cho người dân vùng căn cứ cách mạng. 

Chiều hôm đó, nhờ xe làm đường, chúng tôi đã ra thẳng được thị trấn Kbang. Một ngày không xa nữa, khi con đường hoàn thành được đưa vào sử dụng, Kon Pne sẽ trở thành một nơi tham quan, du lịch hấp dẫn với thắng cảnh đẹp và Rừng Quốc gia Konkakinh. Kon Pne sẽ trở thành một vùng đất cách mạng trù phú, bình yên và cái tên “ốc đảo” sẽ trở thành dĩ vãng….

Ái Hàn

Tin cùng chuyên mục