Bấp bênh đời thợ hồ

Bấp bênh đời thợ hồ

Những cao ốc hoành tráng, những khu đô thị sang trọng, những tòa biệt thự cao cấp đang từng ngày mọc lên trên khắp đất nước. Trong quá trình xây dựng, đã có không ít công nhân ngành xây dựng đã vĩnh viễn ra đi vì tai nạn lao động. Và những người còn lại hằng ngày vẫn miệt mài với công việc của mình, nhưng phía sau những vôi vữa, bụi bám... vẫn đầy rẫy “tai nạn”, cạm bẫy ít ai hiểu được.

Những cái chết ít người biết

Bấp bênh đời thợ hồ ảnh 1

Lao động tại các công trường xây dựng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, tai nạn.

Lân la trong những quán cà phê vỉa hè chật cứng người vào giờ nghỉ trưa, bên khói thuốc và những tiếng chửi rủa, tiếc nuối của rất nhiều sòng bài “đánh nhanh” với hàng trăm công nhân xây dựng thuộc các công trình trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM, tôi đã nghe kể rất nhiều chuyện về những tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm.

Trong đó, có nhiều cái chết rất ít khi được công bố, điều tra. Bởi, ngay sau tai nạn, chủ sử dụng lao động đã nhanh chóng “xử lý” hiện trường và “ giải quyết” hậu quả bằng cách riêng của mình. Người lao động do thiếu ý thức về an toàn lao động, cũng như hiểu biết hạn chế về pháp luật, nên khi xảy ra sự cố họ cũng đành “phó mặc” cho chủ doanh nghiệp (DN).

Sự thật này cũng được đề cập trong báo cáo tình hình TNLĐ của Thanh tra Bộ LĐTB-XH: “Tình trạng DN không báo cáo TNLĐ theo quy định ngày càng nhiều, trong 6 tháng đầu năm 2007, chỉ có 4.052 (trong tổng số hàng trăm ngàn DN trên cả nước-NV) tham gia báo cáo tai nạn. TPHCM chỉ có 130 DN báo cáo, chiếm 0,12% trên tổng số 107.127 DN”.

Một công nhân có trên 30 năm trong nghề xây dựng đã kể cho tôi nghe về những cái chết của đồng nghiệp mà anh đã từng chứng kiến. Cách đây không lâu, 3 công nhân thuộc đội thi công của anh được phân công tháo dỡ cốp-pha tầng mái và giàn giáo tại tầng 12 của công trình xây dựng tòa nhà cao tầng ở quận Tân Bình.

Trong khi tháo dỡ các thanh thép, một trong 3 người đã té rơi khỏi khung giàn giáo, rơi xuống tầng 3 căn nhà bên cạnh, chết ngay tại chỗ. Trước đó, tại một công trình xây dựng nhà xưởng ở một huyện ngoại thành, sau khi đổ bê tông xong, công nhân tiến hành vệ sinh máy trộn bê tông mà không ngắt điện khiến cho một đồng nghiệp khác của anh chạm tay vào máy, điện giật chết ngay sau đó...

Còn nhiều cái chết tương tự xảy ra và đều được “giải quyết” nhanh: đưa ngay về quê kèm theo một khoản tiền vài ba chục triệu đồng. Một thành viên trong Đoàn điều tra TNLĐ TPHCM thừa nhận sự thật này khi cho biết, TNLĐ trong xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Khi xảy ra sự cố, nếu không bị phát hiện thì chẳng có DN nào, ông chủ nào lại đi báo cáo với cơ quan chức năng? Trong khi đó, mạng lưới nhân sự cho việc thanh tra, điều tra TNLĐ trên địa bàn TP quá mỏng, không thể kiểm soát hết tình hình.

Môi trường nhiều cạm bẫy

Công nhân xây dựng trên TPHCM này tuy đến từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng những câu chuyện mà họ kể cho tôi nghe, đều có những điểm chung, những bi kịch trong cuộc đời làm thợ hồ rày đây mai đó gần như giống nhau.

Chuyện mà Nguyễn Anh Dũng (27 tuổi, quê Thanh Hóa) kể cho tôi nghe cứ ngỡ là chuyện đùa, nhưng không ít người đã từng “nếm trải”, ngậm trái đắng trong tủi hổ. Dũng tâm sự, nghề thợ hồ của những kẻ tha phương cứ lang bạt khắp nơi, từ công trình này đến công trường khác. Khi thì ăn ở ngay trong chính tòa nhà đang xây, khi thì “liên kết” nhau lại một nhóm, có khi lên tới 15-20 người, thuê chung một phòng trọ để có chỗ đặt lưng khi tối đến.

Tuổi trẻ cứ thế trôi đi. Suốt ngày quần quật, tối mệt nhoài lăn ra ngủ, có tiền thì nhậu, không thì “ngồi đồng” ở các quán cà phê hoặc lập sòng đánh bài... Cách đây hơn 2 tháng, trong đội xây dựng của Dũng đột nhiên xuất hiện một cô gái khá xinh đẹp, đến làm phụ hồ. Dũng cũng như các đồng nghiệp trai trẻ trong đội khác bắt đầu “quan tâm”, chọc ghẹo bâng quơ.

Thế mà cô gái không những không ngần ngại, ngược lại còn sẵn sàng làm quen và kể cho Dũng nghe tình cảnh bi thảm của mình. Cô bảo, cô tên Nhung, quê ở Bến Tre, mới đây nghe lời người quen lên TP làm công nhân may, nhưng vì tay nghề không có nên không xin được việc. Người quen bảo tạm thời đi làm phụ hồ, khi nào có việc ở xí nghiệp may sẽ đi làm...

Nhung còn kể rất nhiều chuyện “trắc trở”, khó khăn từ gia đình cho đến bạn bè. Càng nghe, Dũng càng đồng cảm với những gì mà cô gái đang gánh chịu. Hôm sau là ngày thứ bảy, ngày “huy hoàng” nhất trong nghề xây dựng vì được nhận lương. Hết giờ làm việc, Nhung chủ động hỏi Dũng ở khu vực này có quán cà phê nào đẹp và yên tĩnh không, vì cô rất thích những nơi như vậy để thư giãn sau ngày làm việc nặng nhọc.

Không cần phải suy nghĩ, cùng với số tiền vừa lãnh, Dũng đồng ý ngay... Hai hôm sau, mọi người trong phòng trọ không ngạc nhiên lắm khi Dũng trở về với dáng điệu thất thiểu, trong túi chẳng còn một xu, cô gái tên Nhung kia cũng biến mất...

Một chủ nhà trọ ở phường 22, quận Bình Thạnh chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc cãi vã, thậm chí là đánh nhau giữa những đôi vợ chồng trẻ cùng làm nghề xây dựng liên quan đến việc người chồng bị các cô gái mại dâm vào trong công trường lừa lấy hết tiền. Đã có 2 đôi ở chung với nhau “chia tay” vì lý do trên.

Vì sao những người thợ trẻ lại dễ bị lừa? Vì sao gái mại dâm lại có thể vào được công trường? Anh Lê Tuấn Nghĩa (56 tuổi, quê Thái Bình) chua chát thừa nhận: “Tất cả đều có thể! Cuộc sống của công nhân xây dựng thiếu thốn, bấp bênh đủ thứ. Nhất là cuộc sống tinh thần, cả ngày vật lộn với vôi vữa, đêm đến không nhậu, không cà phê thì chỉ có... đánh bài. Nên khi gái mại dâm “cải trang” vào tới tận công trường thì bị lừa đâu có khó?”.

Đây là thực trạng cần được báo động! Cô gái tên Nhung nói trên vào công trường bằng cách nào? Liệu chỉ một mình cô hay còn nhiều cô khác? Cô ta “hành xử” một mình hay có cả “đường dây”? Sự thật cũng đau lòng là nhiều người bị lừa như Dũng, nhưng chẳng ai lên tiếng, và họ chỉ xem đó như là một “tai nạn”, để rồi khi có tiền, lại tiếp tục... “vui chơi” cuối tuần!

Nghịch lý nghề nghiệp

Bấp bênh đời thợ hồ ảnh 2

Bước ra khỏi công trường, công nhân xây dựng phải đối mặt với không ít khó khăn, cạm bẫy. Ảnh: K.B

Tiếp xúc với nhiều người, tôi nhận ra không ít người đã có hàng chục năm trong nghề, trải qua không biết bao nhiêu công trình xây dựng, nhưng cuộc sống của họ chẳng có nhiều đổi thay.

Cuộc đời cứ trôi theo những tháng ngày với công trường, với rượu chè, bài bạc... Có không ít người đã 10 năm rồi không về quê ăn tết bởi chẳng thể dành dụm đủ tiền, hoặc nhiều lý do khác...

Cùng với họ, không ít người đã “ra đi” vì những “tai nạn” không tránh khỏi. Uống rượu nhiều cuối tuần, đầu tuần vào làm việc trên các công trình cao tầng, không làm chủ được bản thân nên rơi, té. Qua đêm với nhiều gái mại dâm rồi nhiễm bệnh AIDS. Ăn ở chung đụng nhiều người, phát sinh mâu thuẫn, gây gổ, đâm chém nhau khi có rượu vào...

Thực tế buồn này không ngăn được lớp thanh niên nông thôn “thoát ly” lên TP tìm kiếm công việc, trong đó một bộ phận không nhỏ gia nhập vào đội ngũ công nhân xây dựng. Ngồi tâm sự với anh Sáu Chiến (48 tuổi, quê Vĩnh Long) trong căn phòng trọ cùng với 12 công nhân khác đang nằm chèn ngủ bên nhau, tôi không khỏi băn khoăn khi biết rằng, không ít nơi ở đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu người làm nông, nhất là vào mùa gặt lúa.

Anh Sáu Chiến thừa nhận đó là sự thật. Bản thân anh cũng đã bỏ nghề nông lên TP làm phụ hồ, mấy năm nay trở thành thợ xây chính. Rồi anh em, con cháu họ hàng lần lượt kéo nhau lên. Vừa có kinh nghiệm nghề nghiệp, lại có mối quan hệ nhiều, nên anh đã “gom” mọi người lại, thành lập một “đội xây dựng tự do” chuyên “thầu lại” việc thi công tại nhiều công trình, vừa tạo được việc làm cho anh em, lại vừa dễ bảo ban, nhắc nhở, quản lý nhau để không bị lừa hoặc sa vào chuyện ăn chơi quá đáng. Nhờ vậy, anh em thợ hồ trong đội của anh nhiều người có tiền dành dụm gửi về quê, thu nhập cao hơn là ở nhà làm ruộng.

Anh Sáu cho biết thêm, lên TP làm vài ba năm, anh em con cháu học được nghề, có kinh nghiệm rồi sẽ về quê tiếp tục làm xây dựng, bởi bây giờ ở đâu cũng có công trình, chứ làm nông giờ rất khó sống. Nghịch lý ở chỗ, rất nhiều người giống anh về quê nhận công trình nhưng kiếm không ra thợ, dù tiền lương trả chẳng thua kém gì. “Tụi trẻ cứ thích lên TP làm việc, trừ những đứa làm vài năm không được mới chịu quay về, nhưng chúng cũng chẳng ở lại lâu. Có dịp là tụi nó lại trở lên TP…”.

Đất nước sẽ tiếp tục dựng xây những công trình, TP vẫn tiếp tục mọc lên những cao ốc, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người tham gia vào đội ngũ lao động tại các công trình. Nhưng với những bấp bênh, tai nạn và cả những cạm bẫy phía trước, liệu cuộc đời những người thợ hồ có tốt đẹp hơn? 

NGỌC LỮ

Tin cùng chuyên mục