Một ngôi nhà,hai mảnh đời bất hạnh

Một ngôi nhà,hai mảnh đời bất hạnh

Người cha phải nằm viện chạy thận nhân tạo từng ngày, My thì bị bệnh viêm não nặng, phải chờ đút từng miếng cơm. Căn nhà nhỏ 3 gian giờ nguội lạnh như không một bóng người. Nhìn khuôn mặt đầy những nếp nhăn, đôi mắt buồn sâu thẳm của người mẹ, chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn mà gia đình này đang từng ngày phải đối mặt.

Không thoát được số phận!

Một ngôi nhà,hai mảnh đời bất hạnh ảnh 1
Trong nhà có hai người bị bệnh nặng, nên cuộc sống gia đình chị Nhàn vốn đã nghèo lại càng khốn khó hơn. Ảnh: NGUYỄN BẢO

Con đường gập ghềnh cách trung tâm thị trấn gần 3 cây số đưa chúng tôi đến nhà bé Lê Thị Hoàng My, tổ 15, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam. Không khí ảm đạm, ngôi nhà xác xơ như càng minh chứng cho một gia đình đang gặp nhiều nghịch cảnh…

Cách đây 2 năm, khi Hoàng My học lớp 8 Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thị trấn Hà Lam và chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 1 thì em bị những cơn đau đầu hành hạ phải nghỉ học. My được đưa vào Bệnh viện Thăng Bình, Bệnh viện nhi Quảng Nam và sau đó được chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh viêm não rất nặng.

Sau một thời gian chữa trị, bệnh tình không thuyên giảm, gia đình My đưa em về nhà để chăm sóc. Thời gian đầu em nằm liệt giường không đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào đôi tay tần tảo của mẹ My. Sau gần hai năm, tinh thần, sức khỏe dần hồi phục nhưng My cũng chỉ đi lại được khi có người để vịn.

Nhìn đứa con 14 tuổi tập đi như trẻ chưa đầy năm, chị Nhàn (mẹ bé My) buồn bã tâm sự: “Lúc chưa ốm My học giỏi lắm. Nó rất thích học Anh văn và muốn trở thành một giáo viên dạy Anh văn. Không những thế, cháu viết văn rất hay, lúc nào cũng dẫn đầu lớp. Thầy cô, bạn bè biết tin ai cũng buồn và tiếc cho cháu…”. Nói đến đây, người mẹ rơm rớm nước mắt.
 
Trong khi đó, bố em là Lê Văn Hà, năm nay 47 tuổi, là thương binh hạng 2/4 cũng đang trong giai đoạn suy thận nặng, chữa trị 2 năm nay ở Viện Quân y C17. Anh từng tham gia chiến đấu tại nước bạn Campuchia và bị thương nặng phải về nhà chữa trị. Cứ ba lần một tuần, anh phải chạy thận nhân tạo, mỗi lần như vậy lại tốn 300.000đ. Mỗi tuần anh còn phải thay máu 1 lần.

Cứ thế, một tay chị Nhàn phải chăm sóc 2 người bệnh, từ Quảng Nam ra Đà Nẵng. Không thể một lúc cùng ở bên chồng con được, chị đành nhờ chú bé My đang làm việc tại Đà Nẵng chăm sóc chồng hộ. Cứ dăm bảy ngày chị lại chạy ra Đà Nẵng xem sức khỏe của chồng như thế nào.
 
Khó khăn chồng chất khó khăn

Một mình chị Nhàn xoay xở từng miếng cơm cho cả nhà đã khó, nay phải kiếm tiền chạy chữa bệnh cho 2 bố con My nên càng khó khăn hơn. Tiếp chúng tôi với nụ cười gượng, chị vừa vuốt ve bé My vừa buồn bã: “Thu nhập chính của gia đình tôi chỉ dựa vào 3 sào ruộng với 600.000đ trợ cấp thương binh của ba nó. Giờ đây, ba My lại nằm viện nữa, tôi không đủ điều kiện đưa cháu vào Sài Gòn phẫu thuật được”.

Hồi trước, ba My chưa ốm thì gia đình còn có thu nhập thêm từ buôn bán. Hai anh chị đã vay mượn 25 triệu đồng để xây căn nhà nhỏ rồi sau đó sẽ làm việc trả dần. Thế nhưng, nhà chưa hoàn tất thì anh Hà bị vết thương cũ tái phát phải nhập viện.

Mấy tháng sau bé My cũng đột nhiên bị ung thư não. Gia đình chị đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Nợ cũ chưa trả xong giờ chị Nhàn phải vay thêm 15 triệu đồng để chạy chữa cho chồng con.

Trước hoàn cảnh khó khăn của nhà bé My, bà con lối xóm cùng nhà trường đã quyên góp giúp đỡ. Nhưng đó cũng chỉ là chút tình hoạn nạn có nhau chứ không thể giúp gia đình chị vượt qua những khó khăn này.

Khi chia tay, chúng tôi như không tin vào tai mình khi nghe câu từ biệt “Good bye, see you again” từ bé My. Một đứa trẻ bị ung thư não lại còn khả năng nhớ tốt và ham học đến vậy? .

Nguyễn Bảo

Tin cùng chuyên mục