Phờ phạc vì “chạy” vốn nuôi tôm

Phờ phạc vì “chạy” vốn nuôi tôm

Mùa nuôi tôm chính vụ trong năm ở các tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau đã chính thức bắt đầu nhưng nông dân đang thiếu vốn trầm trọng. Mang giấy tờ nhà đất đến gõ cửa các ngân hàng cổ phần, nơi nào cũng bảo không đầu tư cho con tôm. Trong khi đó, nhiều ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) chỉ cho vay nhỏ giọt hoặc tạm ngừng cho khách hàng mới vay với lý do không cân đối được vốn.

Nông dân gặp khó khăn

Phờ phạc vì “chạy” vốn nuôi tôm ảnh 1

Thiếu vốn làm người nuôi tôm lo lắng.

Vụ tôm trước, anh Lý Tấn Tài ở Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) gom hết giấy tờ nhà đất mang thế chấp với các ngân hàng cổ phần trên địa bàn thị xã Bạc Liêu. Tuy một số ngân hàng không có chương trình đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản nhưng với lý do sửa nhà, chăn nuôi heo, mở đại lý bán thức ăn thủy sản… nên anh Tài vay được vốn và cuối năm trả nợ ngân hàng đúng hạn.

Năm nay anh tiếp tục nuôi tôm với quy mô lớn hơn năm ngoái nên cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, nhưng liên hệ với các ngân hàng NN-PTNT trên địa bàn thị xã Bạc Liêu thì nơi nào cũng hẹn khi cân đối được vốn mới liên hệ với anh để làm hồ sơ.

Anh than thở: “Mình có nhà đất mặt tiền đường chính ngoài thị xã nên đinh ninh sẽ được vay vốn để chuyển sang đầu tư cho con tôm nhưng chờ hoài mà chẳng thấy cán bộ tín dụng xuống thẩm định tài sản. Các đại lý tôm giống và thức ăn thủy sản giờ đây cũng ngại cho nông dân nợ gối đầu nên không biết phải chạy đâu ra tiền trong khi mùa vụ đã tới”.

Gần nhà anh Tài, anh Trần Hữu Sanh đã gửi hết “sổ đỏ” cho cán bộ ấp để ghi tên vào danh sách vay vốn Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Bạc Liêu nhưng đã nửa tháng trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Ở vùng nuôi tôm công nghiệp của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nông dân đã bắt đầu thả tôm giống chính vụ. Tuy nhiên, những người đến liên hệ vay vốn Ngân hàng NN-PTNT tại khu vực này cho biết cán bộ tín dụng chỉ ưu tiên thẩm định hồ sơ của những khách hàng có mối quan hệ làm ăn lâu dài, nuôi tôm hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Minh - trưởng phòng tín dụng chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Thạnh Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Ngân hàng cấp tỉnh giao cho chi nhánh tự cân đối vốn nên nhiều lúc đã bị động, không xoay kịp vốn”. Đây cũng là lời giải thích chung của các chi nhánh ngân hàng NN-PTNT tại các huyện khác của tỉnh Sóc Trăng.

Ngân hàng… “than” thiếu vốn

Qua tìm hiểu của Báo SGGP 12 Giờ, khu vực bán đảo Cà Mau hiện chỉ có duy nhất hệ thống ngân hàng NN-PTNT đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm nhưng nông dân rất khó tiếp cận, vì nơi nào cũng cho rằng do “tình hình khó khăn chung”.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển Bạc Liêu trước đây có đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm nhưng hiện nay cũng đã “đoạn tuyệt” với người nuôi tôm. Ông Trần Văn Lực – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh Bạc Liêu – cho rằng nguyên nhân ngưng phát vay đối với các hộ nuôi tôm là vì dư nợ ở lĩnh vực này quá lớn. Hiện ngân hàng chỉ tập trung thu hồi nợ xấu và chưa biết khi nào mới cho người nuôi tôm vay vốn trở lại.

Anh Lý Tấn Tài thở dài, nói: “Vào thời điểm này, nếu ngân hàng từ chối cho vay thì chỉ có cách nghỉ nuôi tôm hoặc đi vay nặng lãi bên ngoài vì không thể thả tôm giống quá trễ lịch thời vụ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Ẩn Long – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu – cho biết: “Hiện nay các ngân hàng trực thuộc tự cân đối vốn nên tùy theo nguồn vốn có được của từng nơi mà các đơn vị cho khách hàng mới vay hay không cho vay. Một số nơi còn gặp khó khăn khi phát vay cho khách hàng cũ nên khi nào vốn thoải mái mới tính đến chuyện cho khách hàng mới vay. Hiện đã có một số ngân hàng cho vay đội trần nên phải dừng lại để thu hồi vốn”.

Theo ông Nguyễn Tấn Bửu – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, chuyện thiếu vốn cho nông dân vay là tình hình chung trong cả nước. Chính phủ đang yêu cầu Ngân hàng NN-PTNT tăng cường huy động vốn, thu nợ xoay vòng để cố gắng cân đối vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân. Tuy nhiên, ông Bửu tỏ ra lo lắng: “Khó khăn nhất hiện nay là khó huy động vốn. Ngân hàng nông nghiệp thì không thể bỏ nông dân nhưng nhiều lúc lực bất tòng tâm, kẹt nguồn nên không thể cho khách hàng mới vay được”.

Sản lượng tôm sẽ giảm

Trước thực trạng nông dân thiếu vốn tái đầu tư cho vụ nuôi tôm này, ngành thủy sản các tỉnh ĐBSCL đang khuyến cáo người dân không nên chạy đi vay vốn nặng lãi bên ngoài để thả nuôi ồ ạt vì hiện nay giá tôm sú vẫn còn bấp bênh, chi phí đầu tư quá cao, nếu cộng thêm lãi suất “nóng” thì người nuôi tôm sẽ không có lãi, thậm chí lỗ vốn dẫn đến phá sản.

Theo Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng Phạm Hữu Lai, nếu quá khó khăn về vốn nông dân có thể tìm cách thả giống giãn ra theo từng đợt khi thấy thời tiết thuận lợi, nguồn nước tốt. Cách làm này cũng sẽ tránh được tình trạng thả giống tập trung để không phải thu hoạch rộ vào cuối vụ, tránh bị doanh nghiệp ép giá.

Cùng quan điểm này nhưng ông Tạ Minh Phú – Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu – rất lo lắng: “Năm nay dự kiến tổng sản lượng tôm sú trong tỉnh là 64.000 tấn nhưng trước nỗi lo thiếu vốn, giá thức ăn, xăng dầu tăng vọt nên nông dân rất ngại thả giống. Năm ngoái diện tích tôm công nghiệp từ 13.000ha giảm xuống còn hơn 10.000ha và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm trong năm nay. Thiếu vốn, không vay được tiền ngân hàng nông dân buộc phải chuyển từ hình thức nuôi công nghiệp sang nuôi quảng canh, chắc chắn sẽ làm cho năng suất giảm đi rất nhiều”. 

HỒNG DÂN

Tin cùng chuyên mục