Lính cứu hỏa – Những hy sinh lặng thầm

Bài 1: “Người ta chạy ra, mình chạy vô”

Bài 1: “Người ta chạy ra, mình chạy vô”

Anh chàng lính cứu hỏa Jack Morrion (bộ phim “Thang số 49”, điện ảnh Mỹ) không bao giờ chần chừ khi lao vào đám cháy bởi anh nghĩ, lính cứu hỏa là phải vậy! Trong một lần chữa cháy, đáng lẽ có thể thoát ra ngoài an toàn nhưng trước sự kêu gào, cầu cứu của người dân đã giữ anh lại và Jack bị mắc kẹt trong tòa nhà 20 tầng lửa rừng rực cháy.

Trong giây phút đan xen giữa cái sống và cái chết đó, anh đã mỉm cười sẵn sàng đối mặt với tử thần. Những người lính cứu hỏa ở Việt Nam nói chung và cán bộ chiến sĩ chữa cháy của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM cũng vậy, dù chưa có một bộ phim nào của Việt Nam khắc họa chân dung họ.

Chuông reo là chạy

Nói về nghề chữa cháy, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, cứu hộ-cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC TPHCM) đùa: đây là cái nghề người ta chạy ra (khi có cháy) để tránh khỏi lưỡi lửa, còn mình thì chạy vô, “giáp lá cà” với “giặc lửa” để cứu người, cứu tài sản. Đó cũng là câu thường nói của các cán bộ chiến sĩ chữa cháy, ám chỉ sự hiểm nguy của nghề.

Bài 1: “Người ta chạy ra, mình chạy vô” ảnh 1

Di chuyển và cứu người là nhiệm vụ đầu tiên khi tiếp cận đám cháy.

10 giờ 20 ngày 23-3-2008, một hồi còi lanh lảnh vang lên - tín hiệu báo cháy! Sau đó là thông tin ngắn ngọn “Số 2/10 đường Hàm Nghi phường Bến Nghé quận 1 bốc cháy”. Nghe thấy vậy, 40 cán bộ chiến sĩ của Trung tâm Cảnh sát PCCC khu vực 1 (Sở Cảnh sát PCCC TP) tức tốc lên 4 chiếc xe chữa cháy đã nổ máy từ khi nào.

Tiếng còi ưu tiên hú lên, đoàn xe phóng nhanh trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), các chiến sĩ trên xe lúc này mới kịp sửa soạn trang phục, người thì khoác chiếc áo bảo vệ, người thì đi ủng có đế sắt chống đinh, người thì chỉnh lại nón bảo vệ… để sẵn sàng đối mặt với lửa!

Trung tá Nguyễn Danh Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh sát PCCC khu vực 1 cười xòa, quy định của Ban Giám đốc sở là trong vòng 1 phút sau khi nghe tiếng còi báo cháy, xe chữa cháy phải ra khỏi cổng. Vì thế, anh em chiến sĩ đang làm bất cứ việc gì, nghe tiếng chuông là phải chạy liền. Nhiều khi, anh em đang tắm, người còn xà bông nhưng cũng chỉ kịp xỏ vội quần áo vào và chạy ra xe.

Có khi đang ăn nhưng nghe tiếng chuông cũng phải lập tức buông chén. Thượng tá Nhật vẫn còn nhớ, một buổi liên hoan cách đây mấy năm, Bam Giám đốc sở mời rất nhiều khách. Đang ăn, tiếng chuông báo cháy rền rĩ một hồi dài. Tất cả cán bộ chiến sĩ không ai bảo ai đều đồng loạt buông chén, nói với khách “chúng tôi phải đi” rồi… chạy mất. Khách ngơ ngác nhìn nhau và đành ở lại cứ tự biên tự diễn.

Nói về những chuyện dở khóc dở cười khi nghe thấy chuông báo cháy của các chiến sĩ chữa cháy thì nhiều vô cùng: nhiều chiến sĩ đi chữa cháy với cái đầu “nửa ngắn nửa dài”, hỏi ra mới biết là anh ta đang hớt tóc thì phải… chạy; có người bị người yêu “chiến tranh lạnh” do đang tâm sự thì anh chàng phải đi chữa cháy…

Trung tá Thành, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề chữa cháy kể, nhiều khi cả ngày, cả tuần không có một vụ cháy nào nhưng cũng có ngày cháy dồn dập. Có khi đi chữa cháy về ướt như chuột lột nhưng không dám giặt quần áo vì nhỡ có cháy nữa thì không biết lấy gì mà mặc. Các sắc lính khác còn có chuyện “lên ca (trực) xuống ca”, còn lính cứu hỏa gần như phải “lên ca” thường xuyên, do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ. Một trung tâm cảnh sát PCCC có bao nhiêu xe thì hàng ngày phải bố trí tương ứng bấy nhiêu số cán bộ công nhân viên (1 xe chữa cháy thường có 6 người) trực đủ trên số đầu xe để lúc nào cũng có thể… hoạt động hết công suất!

Đội hình “mì ăn liền”

“Lúc chưa cháy đã… “nóng” như vậy, khi xảy ra cháy, tình hình càng “nóng bỏng” - Thượng tá Nhật chia sẻ. Theo ông, trong các loại cháy thì cháy khu dân cư là… “khổ” nhất! Thấy nhà cháy, người dân thường hoảng loạn, bỏ chạy ra ngoài, để mặc lửa hoành hành hoặc mạnh nhà nào, ai nấy cũng lo quẳng đồ đạc ra khỏi nơi cháy, khiến việc tiếp cận đám cháy của lính PCCC thường rất khó. Muốn tiếp cận được, trước hết lính cứu hỏa phải vượt qua “bức tường” người và đồ đạc dày đặc. “Cái khó ló cái khôn” - chính phải chữa cháy nhiều trong hoàn cảnh như vậy nên phương pháp được áp dụng là dùng đội hình “mì ăn liền”.

Thượng tá Nhật giải thích, bình thường, các cuộn vòi (20m) cuộn tròn với nhau, khi xuống hiện trường, các chiến sĩ sẽ tiến hành rải vòi (đứng tại một điểm, phóng thẳng cuộn vòi cho bung ra dài theo đường, thao tác như người chơi bowling). Nhưng vào các khu dân cư, người dân và đồ đạc “vây” kín lối đi, lính cứu hỏa không thể “chơi” cách đó được.

Thay vào đó, vòi được nối sẵn 100, 200, 500 m… rồi gấp lại để trên xe. Khi tới hiện trường, chiến sĩ số 1 cầm lăng (vòi chữa cháy) chạy thẳng từ chỗ xe chữa cháy đậu tới đám lửa, khoảng cách là bao nhiêu thì các chiến sĩ số 2, 3, 4 có nhiệm vụ kiến thiết đường vòi sẽ ngắt mối nối ra và gắn vào xe chữa cháy. Theo ngôn ngữ chuyên ngành, đó gọi là “đội hình vòi gấp sẵn sàng trong xe” còn khi tác nghiệp, anh em chiến sĩ gọi là đội hình “mì ăn liền” cho nhanh.

Với các chiến sĩ chữa cháy, việc chữa cháy ở khu dân cư còn “ngán” ở chỗ, người dân đa số chưa được huấn luyện về PCCC nên khi có cháy, họ không phối hợp hiệu quả với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Nhất là khi xảy ra cháy nhiều nhà dân liền nhau, tâm lý chủ hộ nào cũng muốn nhà mình được “ưu tiên” chữa trước nên có khi họ chỉ cần nhìn thấy xe chữa cháy là “nhảy xổ” vào, mỗi người cầm 1 cuộn vòi về phía nhà mình.

Thượng sĩ Nguyễn Thanh Bình (Trung tâm Cảnh sát PCCC khu vực 1) bày tỏ, người dân không hiểu và họ làm như thế chính là “tự thiêu” tài sản nhà mình, bởi chúng tôi phải mất thời gian thu gom lại phương tiện để triển khai đội hình chữa cháy. Nhiều khi đường ống đang phun nước, có người còn vác cả dao ra chọc thủng ống nước để lấy nước phun về hướng nhà mình. “Muốn dập tắt được đám cháy, chúng tôi phải phối hợp nhiều lăng cùng phun nước, 1 lăng cũng chưa chắc đã dập tắt được đám cháy huống chi một tia nước, nên có chặt thủng ống nước để phun nước cũng không hiệu quả. Còn cái ống bị chặt thủng như vậy thì chỉ còn nước… vứt đi, mà giá mua chúng thì không hề rẻ chút nào! Ngoài “giặc lửa”, chúng tôi còn phải sẵn sàng đối mặt với nhiều… kẻ phá hoại khác”- anh Bình tâm sự.

Giành giật với “giặc lửa”

Trung tá Trần Văn Bảy (Phó Giám đốc Trung tâm 4), người trực tiếp chỉ huy chữa cháy tại kho của Công ty Nam Thuận Hưng (đường Nguyễn Văn Luông phường 11 quận 6) kể, 23 giờ 38 phút đêm 26-4-2007, nhận được tin báo cháy, trung tâm 4 liền xuất quân đến hiện trường, triển khai các mũi phun nước chữa cháy và chống cháy lan sang nhà xung quanh.

Toàn bộ khu vực được cúp điện. Sau một lúc giằng co, ngọn lửa lúc này bùng lên dữ dội và có nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận. Lúc đó, để đảm bảo an toàn cho các căn nhà kế bên, một tốp chiến sĩ phải mạo hiểm leo sang nóc nhà bên cạnh để phun nước xuống… Trong vụ cháy ngày 26-2-2008 tại căn nhà cấp 4 số 12 Nguyễn Thượng Hiền (phường 5 quận 3), khi xảy ra cháy, trong nhà còn một bà cụ gần 90 tuổi đang loay hoay không biết thoát ra đường nào. Tốp trinh sát trong khi đột nhập vào căn nhà đang cháy để nắm tình hình đã phát hiện kịp thời và đưa cụ ra ngoài an toàn.

Đáng nhớ nhất là vụ cháy ITC - được coi là thảm họa về cháy tại TPHCM. Thượng tá Nhật kể, tòa nhà có 7 tầng nhưng người quản lý không chấp hành các quy định an toàn PCCC, chỉ có buồng thang xoáy ốc và không có buồng thang kín thoát nạn. Khi xảy ra cháy, lính cứu hỏa phải tiến hành phá 3 lớp cửa để đưa người ra ngoài. Lúc đó, lực lượng cảnh sát PCCC mới chỉ có một xe thang và chiếc xe thang duy nhất đã trở thành cầu thang thoát nạn. Riêng bằng chiếc xe thang đó, lính cứu hỏa đã đưa được hơn 30 người từ các lầu xuống đất an toàn. 

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục