Lính cứu hỏa - Những hy sinh lặng thầm - Bài 2: Ánh mắt của nạn nhân chính là sức mạnh

Người chỉ huy
Lính cứu hỏa - Những hy sinh lặng thầm - Bài 2: Ánh mắt của nạn nhân chính là sức mạnh

Người chỉ huy

Lính cứu hỏa - Những hy sinh lặng thầm - Bài 2: Ánh mắt của nạn nhân chính là sức mạnh ảnh 1

Tiếp cận đám cháy từ trên cao, họ phải “giỡn mặt” với hệ thống dây điện chằng chịt.

Nếu coi việc dập tắt một đám cháy như một cuộc chiến thì vị tướng - người chỉ huy chữa cháy, điều binh khiển tướng đứng ra chặn đứng lưỡi “giặc lửa” có vai trò quyết định thành bại. Anh ta toàn quyền trong việc lựa chọn phương tiện, lực lượng, cũng như lựa chọn chiến thuật để giành thắng lợi nhanh nhất, bảo toàn được lực lượng và hạn chế thiệt hại đến mức tối thiểu.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật (Trưởng Phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn, Sở Cảnh sát TPHCM), người đã có gần 30 năm gắn bó với nghề chữa cháy và trực tiếp chỉ huy trong vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho biết, với người chỉ huy, chỉ cần nhìn khói của đám cháy bốc lên như thế nào là biết đám cháy đó ra sao - cháy nhỏ hay lớn, cháy chất gì.

Ví dụ, nếu khói nhiều tất cháy lớn, còn khói màu đen kịt là cháy xăng dầu, khói có màu vàng vàng thì chắc chắn là cháy ở khu dân cư hoặc hóa chất, khói mà có màu đen cộng với mùi là cháy cao su… Vì thế, trên đường xuống hiện trường, khi ngồi trên xe, người chỉ huy phải nắm được 90% về kiểu “giặc lửa” mình sắp đối mặt, để tiên lượng mình có thể dập tắt được đám cháy hay không hoặc là cần chi viện cái gì. Đồng thời, trong đầu người chỉ huy phải mường tượng được các nguồn nước chữa cháy xung quanh khu vực này như thế nào, địa hình, hướng gió ra sao để bày binh bố trận cho hợp lý, nếu không, chỉ “nướng lính” mà lửa vẫn không tắt. Khi tiếp cận hiện trường rồi, trong thời gian ngắn nhất, người chỉ huy phải quyết ngay cách đánh hợp lý.

Nói về những “trận đánh” của mình, Thượng tá Nhật nhớ mãi vụ cháy ở kho bông 30 tấn của Nhà máy Dệt Thắng Lợi (năm 1982). Lúc đó, mới giải phóng được 7 năm, lực lượng chữa cháy của TPHCM còn non trẻ, nhiều chiến sĩ đã “ngợp” trước khối bông cháy đỏ rực như lò sắt. Đám cháy ròng rã mấy ngày nên nhiều chiến sĩ đã ngất tại chỗ, phải vào bệnh viện cấp cứu. Đặc biệt, do cháy sợi nên khói rất nhiều. Lúc đó, anh đã lệnh cho hàng lính đứng tiếp giáp với mặt lửa (hàng đầu tiên) phải nằm xuống cầm lăng phun nước để tận dụng chút không khí thoáng đãng ở sát mặt đất, tránh những cuộn khói đen kịt bao vây lấy người.

Sau nhiều ngày liên tục chữa cháy, mặt sân của nhà máy rộng mênh mông đã trở thành một ao nước để ngăn ngừa đống sợi bông đỏ rực cháy trở lại. “Đó là những khi chữa cháy thành công. Nhưng, có khi người chỉ huy cũng… bất lực, chỉ biết lệnh cho rút lui chứ không thể tiến quân. Đó là khi đối mặt với những đám cháy xăng dầu, nhất là đến giai đoạn xăng dầu sắp sôi trào. Lúc đó, chúng (xăng dầu) gầm rít như núi lửa sắp phun. Khi ấy, người chỉ huy muốn hay không cũng phải cho anh em ra ngoài chứ không thể cứu chữa được nữa” - anh tâm sự.

Với Trung tá Nguyễn Văn Quyên (Giám đốc Trung tâm cảnh sát PCCC khu vực 8), người có nhiều kinh nghiệm trong chữa cháy rừng thì việc chỉ huy các chiến sĩ của mình như thế nào để có thể khống chế những đám cháy rừng thường nhảy cóc (do cành, lá cây đang cháy bị gió thổi đi xa, gây đám cháy mới) là một bài toán đau đầu. Bởi khu vực rừng (huyện Củ Chi) thuộc địa bàn Trung tâm 8 quản lý cách trụ sở trung tâm tới hơn 60km, ở trong rừng thì bộ đàm không sử dụng được nên anh phải chỉ huy chữa cháy bằng… điện thoại di động (rất hạn chế).

Còn với Trung tá Nguyễn Danh Thành (Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh sát PCCC khu vực 1), người “chuyên trị” các tòa nhà cao tầng (nhất là những nhà gia cố lưới sắt như kiểu lồng chim) thì lại rành các chiêu tiến công bằng xe thang hoặc cho “lính đánh bộ” tiếp cận gốc lửa bằng lối cầu thang bộ.

Bị thương là chuyện nhỏ

Lính cứu hỏa - Những hy sinh lặng thầm - Bài 2: Ánh mắt của nạn nhân chính là sức mạnh ảnh 2

Khi lửa đã tắt, chiến sĩ PCCC phải “làm mát” tránh phát cháy trở lại. Ảnh: VIỆT TRÀ

Tất cả lính cứu hỏa đều thừa nhận công việc họ đang làm rất nguy hiểm. Với họ, chữa cháy trong những công trình sắp sập, trong tầng hầm, có chất nổ hoặc mạng lưới dây điện không an toàn… là đồng nghĩa đối mặt với cái chết.

Thiếu úy Cấn Mạnh Hùng (Trung tâm PCCC khu vực 8) bồi hồi kể về lần đầu tiên khi được giao cầm lăng, lần đó anh cùng với ba chiến sĩ khác đi theo cầu thang bộ của tòa nhà ITC vào tiếp cận gốc lửa. “Khi tốp đầu chúng tôi vừa xộc vào tầng trệt của căn nhà, chuẩn bị bước lên cầu thang thì toàn bộ khối cầu thang dẫn lên tầng 1 rớt sập xuống ngay trước mặt. Rùng mình, theo phản xạ tự nhiên, tất cả nhảy lùi một bước rồi sau đó cả nhóm băng lên phun nước. Thấy vậy, các tốp sau cũng xông lên...”.

Anh nói tiếp: “Nhiều khi chúng tôi chữa cháy ròng rã cả ngày, nóng muốn chảy cả người! Lúc đó, sẽ có một bộ phận đứng phía sau phun nước làm mát cho những người trực tiếp tiếp xúc với mặt lửa. Nếu không có sức khỏe tốt, chưa cần nhà sập, tường đổ, có khi anh em chúng tôi đã “quỵ” vì cảm lạnh rồi”.

Hạ sĩ Phạm Nguyễn Trường Anh (Trung tâm 1) lại ấn tượng bởi nhiều khi chữa cháy thông tầm, quá nóng nực, bức bối, các chiến sĩ phải rửa tay chân, mặt mũi bằng nước hút từ kênh rạch. Sau đó, nhiều người trong các anh phải sống chung với ghẻ lở, ngứa ngáy.Thiếu tá Lê Văn Hòa, là lái xe thang của Trung tâm cảnh sát PCCC khu vực 1 cho biết, với lính “đánh cao” như bọn anh, thích ứng được với độ cao lơ lửng trên không gần cả trăm mét là chuyện không hề dễ dàng trong bối cảnh hệ thống dây điện ở TPHCM không khác gì mạng nhện.

Nhiều trận chiến, các chiến sĩ PCCC đã phải hy sinh. Trong vụ cháy Công ty TNHH sản xuất thương mại Chí Thành (xã Tân Kiên huyện Bình Chánh) vào ngày 8-11-2007, 2 chiến sĩ Phạm Thanh Vũ (Trung tâm 1) và Nguyễn Minh Triều (Trung tâm 8) bị thương do tường đổ. Tháng 1-2005, trong khi chữa cháy tại kiosque bán điện thoại ở đường Nguyễn Kiệm quận Gò Vấp, có tới 7 cán bộ chiến sĩ bị thương do bị điện trung thế giật.

Tháng 1-2001, Thiếu úy Phạm Minh Tuấn bị phỏng 2 chân khi chữa cháy tại Xí nghiệp Vising Pack ở phường 19 quận Tân Bình (nay là quận Tân Phú). Tháng 3-2001, trong vụ cháy ở đường Tô Hiến Thành quận 10, hai chiến sĩ Lê Văn Hà và Phạm Văn Sáu đã bị điện trung thế giật chết tại chỗ. Mới đây nhất là đêm 26-4-2007, khi cùng đồng đội chữa cháy tại kho của Công ty Nam Thuận Hưng (đường Nguyễn Văn Luông phường 11 quận 6), trong đêm tối đen mù mịt, chiến sĩ Phạm Trường Huy (Trung tâm Cảnh sát PCCC khu vực 4) bị rớt từ trên mái tôn xuống đất. Anh đã hy sinh ở tuổi 22 do bị chấn thương sọ não.

Thượng sĩ Bình nói, điều mà anh cũng như các chiến sĩ PCCC không bao giờ quên và cũng chính là động lực giúp các anh vượt qua hiểm nguy để đối mặt với “giặc lửa” chính là ánh mắt của người dân. Đứng trước cảnh lửa đang rừng rực đốt cháy tất cả, chúng tôi thường bắt gặp ánh mắt trông chờ kỳ vọng của các nạn nhân. Nó như một luồng điện chạy dọc người và chúng tôi biết, chúng tôi là niềm hy vọng duy nhất của họ vào lúc ấy!

Đường Loan

- Bài 1: “Người ta chạy ra, mình chạy vô”

Tin cùng chuyên mục