Mót mủ cao su...

Mót mủ cao su...

Sau hai tháng “ăn chơi ngồi rồi” do cao su vào mùa thay lá (tháng 1 và 2), công nhân các nông trường cao su của cả nước lại chuẩn bị vào mùa khai thác của năm nay. Những người nghèo mưu sinh bằng cách mót mủ cao su vào  ban đêm cũng “vào cuộc”… Tôi đã về nông trường cao su Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi, TPHCM) để tìm hiểu cuộc sống của những người mót mủ...

Nắng tắt - là lên đường!

Mót mủ cao su... ảnh 1
Hai mẹ con chị Tuyết đang mót mủ trong rừng cao su

Trong vai một người mót mủ mới vào nghề, tôi có mặt tại lô A nông trường cao su Phạm Văn Cội lúc 6g chiều cùng với người chị gái ở Tân Thạnh Đông mới quen vài hôm trước. Nắng chiều chưa tắt hẳn nhưng hàng chục con người - già có, trẻ có - đã chầu chực ở bìa rừng cao su, kiên nhẫn đợi chờ đến giờ mót mủ.

Chưa kịp mở lời làm quen, một phụ nữ trạc 45 tuổi, tên Phượng, ở xã Phú Hòa Đông ngồi cạnh tôi, đã nói: “Ăn mặc như chú em tí nữa vào rừng là muỗi nó thiêu. Ở đây muỗi dữ lắm, không mặc áo dài tay, khẩu trang là coi như mai về có mà mang bệnh sốt rét”.

Rồi như một người chị đang dạy đứa em mới chập chững vào nghề, chị nói: “Vào đó mót mủ chứ nhớ đừng ăn cắp mủ của người ta nghe chưa, lấy được chẳng đáng là bao mà lỡ may bảo vệ họ bắt được là họ đánh đấy! Ở đây bị mấy vụ rồi, chị nhắc để em biết đừng có tham mà rước họa vào thân, mai mốt còn bị họ đuổi không cho vào mót nữa đấy”. Chị vừa dứt lời, tôi thấy mọi người nhao nhao đứng dậy, tay xách thùng, miệng la í ới “Họ ra rồi kìa”, rồi bổ nhào vào lô cao su. Tôi lật đật đứng dậy chạy theo họ vào từng gốc cây, chắt nhặt những hạt mủ còn sót lại đang chảy chậm chạp xuống chén.

Đúng như lời chị Phượng nói, tôi thật sự choáng váng khi lần đầu tiên phải ngửi cái mùi hăng hắc đến chóng mặt của mủ, rồi muỗi mẹ, muỗi con cứ ào ào đổ đến bu vào tôi. Mới trút được 4-5 chén với vài giọt mủ, ngẩng lên tôi đã thấy mọi người chạy xa trước mặt mình hàng chục mét. Họ chạy thật nhanh, tranh thủ giành từng chén mủ để mong sao có được càng nhiều mủ càng tốt.

Nhìn vào thùng với vài giọt mủ li ti cầm trên tay, tôi nhớ lời chị gái dẫn tôi đi mót mủ nói: “Để có được 3-4kg mủ bẩn (mủ nhặt dưới gốc, mủ bám trên thân cây), mẹ con chị phải đi xuyên suốt trong rừng từ 6g tối đến 1g sáng. Một ký mủ bẩn, thương lái mua lại chỉ khoảng 10.000 – 11.000đ”.

Chạy mỏi cả chân gần 2 tiếng trong rừng cao su rộng mênh mông, thùng mủ của tôi cũng chẳng nhích lên được là bao so với lúc xuất phát ban đầu. Tranh thủ ngồi nghỉ mệt, chị Tôn Nữ Quỳnh Như ở khu dân cư 979E nói: “Đời người mót mủ cực khổ lắm em ạ! Làm quần quật mà cũng chẳng đủ ăn. Đã thế lại bệnh hoạn thường xuyên do bị muỗi đốt vì toàn phải chui lủi trong rừng vào ban đêm, chân tay tóe máu do vấp phải cành cây khô hay gốc cây là chuyện bình thường”.

Nhọc nhằn đời mót mủ

Do việc mót mủ phải làm vào ban đêm (từ 2g tối đến 5g sáng) nên chuyện “gặp nạn” cũng thường xảy ra. Chị Nguyễn Thị Gái ở xã Phạm Văn Cội cho biết: “Mình đã nghèo đã khổ mới phải đi mót từng giọt mủ kiếm sống, vậy mà nhiều kẻ đểu cáng vẫn nhẫn tâm cướp mủ ngay trên tay mình”.

Mánh lới của bọn cướp mủ thường là giả dạng bảo vệ nông trường đi tuần tra, vu oan cho những người mót mủ là ăn cắp mủ rồi tịch thu, đôi lúc còn dùng vũ lực để khống chế và cướp mủ. Ngoài ra còn những chuyện đại loại như bọn lưu manh lợi dụng đêm vắng giở trò sàm sỡ với phụ nữ hay bảo vệ nông trường hiểu lầm là vào ăn cắp mủ nên chửi rủa, xua đuổi.

Gia nhập đội quân mót mủ, tôi hiểu hơn những khó khăn, đắng cay mà họ phải trải qua trên bước đường mưu sinh, để rồi trân trọng ý chí vươn lên của những con người cần lao. 

Một hiện tượng đáng lo là việc học sinh bỏ học, trốn học để đi lấy mủ khi đợt cạo mủ cao su vào mùa. Hiện nay ở nông trường cao su Phạm Văn Cội, học sinh trong độ tuổi đi học đi mót mủ khá nhiều. Có những em nghỉ học hẳn để đi mót mủ, có những em tranh thủ thời gian rảnh để phụ gia đình kiếm tiền.

Cháu Lê Thanh Tùng, học sinh lớp 5/3 Trường Tiểu học Phạm Văn Cội, con chị Châu Thị Bạch Tuyết ở khu dân cư  979E Phạm Văn Cội là một ví dụ. Hàng ngày, cháu cùng mẹ vào rừng cao su mót mủ từ 8g tối cho đến 2g sáng mới trở về nhà. Một đêm, hai mẹ con kiếm được khoảng 40.000đ. Nhưng cũng có những đêm mất ngủ chỉ để đổi được 2-3kg gạo và ít đồ ăn cho ngày hôm sau.

Cuộc sống gian nan là vậy nhưng chị Tuyết kiên quyết không để con mình thất học. Chị nói: “Cái nghèo, cái đói đã đeo đẳng mình suốt mấy chục năm qua. Nên dù vất vả đến mấy, tôi cũng sẽ cố gắng để con tôi được đến trường, có cái chữ để sau này chúng đỡ khổ”.

Nguyễn Anh Tú

Tin cùng chuyên mục