Dân cần nhưng công trình… chưa vội!

Dân cần nhưng công trình… chưa vội!

Hiện nay, nhiều công trình đào đường đã gần hết hạn thi công. Những tưởng công nhân sẽ cật lực “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Giao thông ùn tắc thì cứ việc ùn tắc, hàng trăm phương tiện rồng rắn vẫn tiếp tục sắp hàng đi qua những công trình … vắng hoe, vắng ngắt!

Dự án tiếp nối dự án

Những ngày cuối tháng 3, vòng xoay trước cửa Bưu điện Chợ Lớn với các tuyến đường Lương Nhữ Học, Vạn Kiếp, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) như một đại công trình. Đường Vạn Kiếp đã được rào kín, chỉ để lại lối đi nhỏ vừa đủ một xe gắn máy di chuyển. Bên trong là công trình xây dựng cầu Chà Và với hàng trụ bê tông cốt thép kiên cố đâm thẳng lên trời, nhưng công trình vắng ngắt.

Dân cần nhưng công trình… chưa vội! ảnh 1

Hơn 8 giờ ngày 25-3, nhưng công trường trên đường Nguyễn Kiệm (P3, Q.Gò Vấp) chỉ có 1 công nhân ngồi trên xe lu nói chuyện ĐTDĐ. Ảnh: H.P

Đối diện trên đường Hải Thượng Lãn Ông là công trình Dự án đại lộ Đông Tây (gói thầu xây dựng số 1, khởi công tháng 4-2005 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2009).

Tuy nhiên, toàn bộ công trình này lại biến thành bãi giữ xe ô tô và đương nhiên cũng không có công nhân nào thi công. Như các tuyến đường khác, việc rào chắn để thi công công trình đã lấn chiếm giao thông nghiêm trọng tại khu vực này.

Cách đó không xa, hơn phân nửa đường Trần Hưng Đạo bị chiếm dụng để xây dựng dự án môi trường nước.

Nhưng, hình như chỉ có công trình ở phía trước Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đang ráo riết thi công ngày đêm, còn hơn 5 công trình còn lại suốt tuyến đường Trần Hưng Đạo đều lặng lẽ. Thậm chí, phía sau rào chắn của công trình gần ngã tư Trần Bình Trọng đã trở thành một kho chứa hàng với hàng chục ống cống, sắt, thép… bên trong.

Những lát cắt băm nát đường phố

Đào đường đang trở thành nỗi ám ảnh của cư dân TPHCM. Khi đào - gây ách tắc giao thông, đào xong - để lại những ổ voi, ổ gà cắt những vết dọc, ngang mặt đường. Một tài xế taxi đã từng “ra kèo” nếu ai tìm được một đoạn 3km đường trong khu vực nội thành, mà mặt đường không bị cắt ngang cắt dọc sẽ được đi taxi miễn phí 100km và đến nay vẫn chưa ai thắng “độ”.

Mặt đường Hưng Phú phường 8 quận 8, liên tục gần 2 năm nay luôn được đào lên lấp xuống và sau khi đơn vị thi công rút đi, mặc dù có “hoàn nguyên” lại mặt đường, nhưng vẫn đầy ổ gà, ổ voi, cùng những gờ cao thấp. Một điểm có thể xem là kỷ lục về số lát cắt là góc ngã tư Cao Lỗ - Trần Bình Trọng, trong khoảng diện tích 50m2, có đến hơn 10 đường cắt ngang, cắt dọc.

Việc đào đường, lấn chiếm lòng đường không những ảnh hưởng đến tình hình ùn tắc giao thông mà còn trực tiếp gây khó khăn cho người dân. Anh Hữu Thành (chủ một doanh nghiệp ăn uống khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi) mệt mỏi nói với chúng tôi về chuyện buôn bán khó khăn. Do mặt bằng kinh doanh hơi hẹp nên đầu năm 2007, anh mở rộng thêm một điểm nữa trên đường Huỳnh Mẫn Đạt. Sửa sang, mua bàn ghế… chuẩn bị khai trương thì tuyến đường này bị rào lại để thi công công trình “Dự án cải thiện môi trường nước thành phố”.

Nhìn tấm bảng thông báo công trình sẽ hoàn thành vào giữa năm 2008, anh Hữu Thành bỗng thấy muốn xỉu, vì chi phí đầu tư chưa kể, việc kinh doanh ngưng trệ chưa tính… anh Thành còn lo mỗi tháng lấy đâu ra hơn 10 triệu đồng để trả nợ ngân hàng.

Tương tự, việc rào chắn đường để thi công công trình “Dự án vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè mở rộng và thay thế cống cấp 2 và cấp 3” trên tuyến đường Nguyễn Kiệm, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh.

Chị Trần Thị Hoa, chủ một doanh nghiệp bán hàng trang trí nội thất trên đường Nguyễn Kiệm, tâm sự: “Cách đây mấy tháng tuyến đường này được phân luồng một chiều. Gia đình tôi đã gặp khó khăn trong kinh doanh, song vẫn ráng vượt qua. Nay, lại rào chắn ngay trước cửa tiệm thì tôi không biết sẽ buôn bán ra sao!”.

Theo quan sát của chúng tôi, tuy đất đá vẫn còn ngổn ngang bên trong các công trình nêu trên, nhưng đã cơ bản hoàn thành. Mặt đường đã được lắp lại và chỉ cần xe lu nén đất đá và tráng nhựa. Nhưng, nhiều ngày qua các công trình tại khu vực này vắng tanh, vắng ngắt.

Gần 9 giờ sáng ngày 25-3 – giờ cao điểm – hàng trăm phương tiện như xe buýt, ô tô, xe gắn máy… chen lấn, luồn lách nhau qua các rào chắn thì công trình vẫn chưa đến giờ làm việc. Bên trong công trình gần giao lộ Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn – Hoàng Minh Giám, chỉ có một công nhân đang ngồi trên chiếc xe lu để nói chuyện điện thoại, chứ không phải làm việc.

“Muốn niêm yết, có niêm yết”!

Kể từ khi UBND TPHCM chỉ đạo niêm yết rõ tên công trình, chủ đầu tư, đơn vị giám sát, đơn vị thi công, thời gian thi công… thì các công trình thực hiện rất đúng. Công khai niêm yết, nhưng niêm yết thì niêm yết còn thi công có hoàn thành kịp tiến độ hay không thì chỉ có… đơn vị thi công biết rõ.

Đơn cử, theo thông tin trên website Sở Giao thông Công chính thì Dự án cải thiện môi trường nước TP tại khu vực đường Trần Hưng Đạo (mà cụ thể là tại giao lộ Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng) thi công từ 6 giờ ngày 7-3-2007 đến hết ngày 18-9-2007, nhưng đến cuối tháng 3-2008 vẫn chưa xong. Công trình vẫn được rào chắn để làm nơi chứa vật tư, máy móc…

Cũng qua website của Sở Giao thông Công chính thì ngày 28-3 tại các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Phan Đình Phùng… sẽ khởi công thi công hàng loạt công trình Dự án vệ sinh môi trường thành phố. Đây là các “điểm đen” ùn tắc giao thông trong thời gian qua mà đến thời điểm này chưa có hướng khắc phục hiệu quả.

Những ngày cuối tháng 3-2008, công trình thi công cải tạo hệ thống thoát nước đường Trần Văn Đang quận 3, TPHCM vẫn còn “đang” trong quá trình thi công dù đã quá hạn phải hoàn thành so với hợp đồng trúng thầu gần 2 năm.

Đoạn từ đường ray xe lửa đến kênh Nhiêu Lộc cơ bản đã được hoàn thành, phần đường còn lại từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến đường ray xe lửa (dài khoảng 500m) vẫn còn đang ngổn ngang. Theo kế hoạch niêm yết, công trình này được khởi công ngày 16-2-2006 và phải hoàn thành ngày 7-7-2006, tuy nhiên đến nay mới hoàn thành khoảng 50%.

Dân cần nhưng công trình… chưa vội! ảnh 2

Ùn tắc giao thông tại công trình trên đường Nguyễn Kiệm (P3, Q.Gò Vấp, gần ngã năm Nguyễn Thái Sơn), nhưng công trình không thi công.

Có cả trăm lý do để thuyết minh cho việc chậm trễ các công trình. Một số đơn vị thi công cho rằng việc thi công chậm trễ do gạch, đá, xi măng, sắt, thép… đồng loạt tăng giá; một số khác nêu lý do chậm trễ theo hướng thời sự là đô-la giảm giá, vàng tăng đột biến! Và lý do bế tắc vì “giải tỏa mặt bằng” gian nan, luôn là lý do hàng đầu.
Có thể lấy công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Đang làm một điển hình chậm trễ. Theo lãnh đạo đơn vị thi công, gói thầu chính là Xí nghiệp thi công số 9, ngay sau khi trúng thầu, đơn vị đã triển khai ngay việc thi công đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường ray xe lửa.
Tuy nhiên, do việc giải phóng mặt bằng của các đơn vị có liên quan, nên đến ngày 4-10-2007 mới hoàn thành. Đến lúc này, đoạn đường từ Cách Mạng Tháng 8 đến đường ray xe lửa vẫn chưa giải tỏa xong nên đơn vị vẫn chưa thể thi công được và đến tận ngày 19-2-2008, đơn vị thi công mới được bàn giao mặt bằng, chậm hơn so với thời hạn phải hoàn thành công trình này gần 2 năm. Do ngày nhận bàn giao mặt bằng cận Tết Nguyên đán nên đến ngày 3-3-2008, công trình mới được tiếp tục và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý 2-2008.

Theo giải thích của những người có chức năng giải phóng mặt bằng, việc giải phóng nhà dân hai bên đường tuy khó, nhưng cũng còn dễ hơn việc giải tỏa hệ thống cột điện, điện thoại… Đơn vị này mất khá nhiều thời gian với hàng loạt quy trình như: mời các bên có liên quan đến làm việc, thống nhất phương án di dời với từng đơn vị, chờ cấp lãnh đạo của từng đơn vị phê duyệt rồi mới tiến hành di dời…

Mọi việc tưởng chừng đã xong, thế nhưng khi đơn vị thi công đào xuống lại “đụng” phải hệ thống chằng chịt ống cấp, thoát nước, điện… ngầm. Và quy trình di dời những công trình ngầm này lại phải tiến hành lập lại từng bước. Chính vì những lý do trên mà công trình này đã kéo dài so với kế hoạch hơn 2 năm, lỗ gần 4 tỷ đồng.

“Là đơn vị thi công, chúng tôi đâu muốn công trình kéo dài, vừa lỗ, uy tín bị ảnh hưởng… nhưng với những sự cố như trên, chúng tôi không thể nào tự đẩy nhanh tiến độ được” - ông Nguyễn Thế Minh, lãnh đạo Xí nghiệp thi công số 9 bùi ngùi nói.

Cùng bức xúc, Phó Giám đốc Công ty Công trình Giao thông Công chính TPHCM Phạm Bá Phước cho biết, hiện công ty có gần 200 công trình giao thông công chính, với 10 đơn vị thi công, trong đó có nhiều công trình không thể hoàn thành đúng tiến độ, mà lý do chính là vướng các công trình ngầm.

Ông Phước nói: “Hình như trong quá trình lập dự án, việc xem xét và tính toán phương án di dời các công trình ngầm chưa được quan tâm đúng mức, vẫn theo kiểu đụng đâu gỡ đó, mà mỗi lần gỡ phải mất vài tháng và cuối cùng chỉ đơn vị thi công và người dân gánh chịu hệ quả…”.

Theo Sở Giao thông Công chính, trong tháng 12-2007, 19 tuyến đường trên địa bàn TPHCM bị sử dụng một phần mặt đường để triển khai lắp đặt các công trình hạ tầng. Sang quý 1-2008, thêm 38 tuyến đường khác sẽ bị đào xới và từ quý 2-2008 đến cuối năm 2008, lại có thêm gần 40 tuyến đường khác tiếp tục bị đào.

Hầu hết các công trình đào đường này đều sẽ kéo dài, trong đó không ít công trình phải đến cuối năm 2009 mới hoàn tất. Như vậy, mặt đường tại TPHCM đang trở thành đại công trình.

ĐOÀN HIỆP – CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục