Đến với "chợ" báo đêm

"Chợ" chỉ họp từ khoảng1 giờ sáng trở đi, đến 5 giờ là tan. Mọi người làm việc tất bật trong 3 tiếng cho kịp với nhịp độ mua bán, và "độ nóng" thông tin mà mặt hàng họ đang trung chuyển, mỗi khi trời gần về sáng. Không mặc cả, không trả giá, tất cả những người mua và bán ở đây chỉ toàn dùng ký hiệu và nói tắt với nhau. Đó là hình ảnh của "chợ" báo đêm ở Sài Gòn
Đến với "chợ" báo đêm

"Chợ" chỉ họp từ khoảng1 giờ sáng trở đi, đến 5 giờ là tan. Mọi người làm việc tất bật trong 3 tiếng cho kịp với nhịp độ mua bán, và "độ nóng" thông tin mà mặt hàng họ đang trung chuyển, mỗi khi trời gần về sáng. Không mặc cả, không trả giá, tất cả những người mua và bán ở đây chỉ toàn dùng ký hiệu và nói tắt với nhau. Đó là hình ảnh của "chợ" báo đêm ở Sài Gòn.  

  • Mua bán không cần mặc cả 
Đến với "chợ" báo đêm ảnh 1
Công việc giao và xếp báo phù hợp với sức khỏe và thời gian của anh Bình.

Tôi đến "chợ báo" trước cổng tòa soạn Báo SGGP lúc 12 giờ 45, không khí họp "chợ" giờ này chưa thật… sung, nhưng số lượng người đổ về lấy báo ở ba đại lý lớn của cô Lựu, chị Thu và chị Hường cũng bắt đầu nhiều.
 
Tranh thủ lúc chưa có khách đông, tôi bắt chuyện với cô Lựu- chủ một đại lý lâu năm tại đây. Cô cho biết: "Chợ báo xôm tụ nhất chủ yếu là ở trước cổng của các tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, SGGP, Người Lao Động… Mỗi điểm có từ 5-8 đại lý. Không ai tranh giành lãnh thổ của ai và cứ thế người nào làm công việc của người nấy. Nhiều sạp không sợ mưa thì đem báo ra tận lề đường bày bán như tôi, cũng như tiện cho khách đi đường ghé mua lẻ. Mưa thì chùm bạt để đấy, tạnh mưa ra bán tiếp. Ai chắc ăn thì rút vào trong sân có mái che của tòa soạn. Nhưng, để có được chỗ ngồi lý tưởng ấy là điều không phải ai muốn cũng được…".
 
Ngồi quan sát tôi nhận thấy một điều, khi tới giờ báo ra sạp, những khoảng sân trống trước các phòng phát hành của các báo kể trên lập tức biến thành… "chợ báo". Người ra kẻ vô mua bán, trao đổi tấp nập. Chính vì sự tấp nập đó, nên những đại lý lớn như cô Lựu phải có mặt ở đây từ lúc 12 giờ để chuẩn bị mọi thứ, cũng như nhận các đầu báo khác mà những người phụ việc cho đại lý chuyển về.

Để xác định được đâu là một đại lý lớn, chỉ cần nhìn vào số lượng đầu báo của đại lý đó, đầu báo khác nhau nhiều, nhân viên đông, diện tích mua bán lớn. Cô Thu, chủ một đại lý báo khá lớn ở đây cho biết thêm: "Thường thì các đại lý đầu mối nhận phát hành cho chính tờ báo nơi họ ngồi, bên cạnh đó các đại lý đầu mối còn phải nhận thêm nhiều đầu báo khác thì mới thu hút được các đại lý lẻ. Chứ chỉ tập trung bán một đầu báo là chết ngay…"

 Điểm đặc biệt ở "chợ báo" này là "chợ" họp nhanh và tan cũng rất sớm. "Chợ" chỉ đông đúc tầm 2-3 giờ sáng, đến 5 giờ trở đi thì các đại lý lớn bắt đầu rút, vì vậy mà tuy họp "chợ" ở lòng lề đường nhưng chẳng bao giờ chủ các đại lý lớn ở đây sợ công an phạt.
 
Gọi là "chợ" nhưng thật ra "chợ báo" đêm Sài Gòn không họp tập trung ở một điểm nhất định như mọi người nghĩ, mà họp rải rác ở khắp nơi trong thành phố. Người mua kẻ bán không phải chỉ lấy hàng ở một chỗ mà họ phải chạy từ điểm này sang điểm khác, đôi khi cách nhau cả chục cây số để giao nhận báo. Mỗi đại lý đầu mối bao giờ cũng có hai bộ phận làm việc song song nhau. Một bộ phận chuyên lo sắp xếp báo, bộ phận khác lo đi nhận báo ở các điểm khác chuyển về, sao cho kịp giao đến các địa lý lẻ để họ còn kịp rải ở các sạp trước 5 giờ sáng.
 
Về giá cả của một cuộc mua bán, tuyệt nhiên tôi chẳng nghe ai nói, mọi thứ hầu như đã thống nhất hết với nhau. Người nhận đến nhận báo, đếm đủ số lượng, ký vào sổ rồi chở đi. Tất cả nhịp nhàng nhanh lẹ, tiết kiệm thời gian, đến nỗi, mọi người chỉ cần nói tắt với nhau là đã hiểu. Nếu tôi không đến đây sớm, quả thật tôi cũng không thể hiểu được ngôn ngữ mọi người ở "chợ báo" dùng với nhau. Như: 100 luật ( tức 100 tờ Pháp Luật), 50 người (Người Lao Động), 30 mực (Mực Tím) 40 bóng (tức báo Bóng Đá)…

Bên cạnh những đại lý nhỏ lên lấy báo từ các đại lý đầu mối, còn có không ít những người bán lẻ cũng trực tiếp lên đây lấy báo rồi đem giao tận nhà cho người đặt báo hay đi bán dạo tại các quán cà phê. Ông Sáu Hơn, người bán báo dạo, lấy báo tại đại lý của cô Thủy ở Tuổi Trẻ gần mười năm nay cho biết: "Bình quân một ngày tôi đạp xe đi giao báo, bán báo cho người ta trong khoảng 4 tiếng, tôi kiếm cũng được hơn 30 ngàn đồng". Một số tiền đủ để ông trang trải cho cuộc sống độc thân của mình. 

  • Nhịp sống "chợ báo" đêm  Sài Gòn 

Ngoài những đại lý đầu mối cắm chốt trước cửa các tòa soạn trên, còn có các tổng đại lý lớn và tên tuổi như: Trường Phát, Hồng Lạc, Dương Lâm, Trường Thanh…

Đến với "chợ" báo đêm ảnh 2
Người bán báo đến lấy báo tại đại lý của cô Lựu.

Tuy không trực tiếp có mặt ở "chợ báo" nhưng hàng đêm cán bộ, công nhân viên của các tổng đại lý trên cũng có cuộc sống cùng với báo chẳng khác gì những người ở "chợ". Họ được nhắc nhiều tới như là những công ty độc quyền phân phối đi các tỉnh cho khá nhiều tờ báo, tạp chí của TPHCM.

 Mỗi " chợ báo" đều có những công ty lớn chuyên phát hành độc quyền một đầu báo và rất được giới phát hành nể nang. Ở "chợ báo" Tuổi Trẻ có ông Vũ, anh Trung, Bà Trang, chị Chín Lâm…, ở sân phát hành của SGGP có chị Thu-Q.8, cô Lựu. Ở sân báo Thanh Niên có anh Bảy Sương, chị Cẩm… tất cả họ đều có mạng lưới đại lý và bán lẻ rộng khắp, có bộ phận đưa báo đi các tỉnh, nhân công làm việc lên đến cả trăm người.
 
Công việc phát hành hàng ngày của họ là như vậy, nhưng mỗi khi có các sự kiện đặc biệt, hay các tờ báo phát hành thêm các tờ nhật báo, ấn phẩm mới thì họ phải huy động thêm lực lượng.

 Anh Trung cho tôi biết" "Đợt vừa rồi, khi SGGP phát hành thêm tờ "Đầu tư tài chính" hay báo Gia đình & Xã hội ra thêm tờ "Mẹ yêu bé", tôi cũng phải kêu thêm cả chục nhân viên mới đủ người để chạy đó chứ". Các đại lý lớn có nhân công thì các đại lý nhỏ và vừa cũng có nhân công phụ việc đi phát hành tiếp họ.

Tuy không nhiều, chỉ khoảng 3-4 người, nhưng công việc cũng trôi chảy hơn khi báo tăng kỳ hay tăng số lượng xuất bản. Anh Kiên-SV trường ĐH Y Dược làm thuê cho cô Lựu ở đây cho tôi biết: Anh phụ trách công việc sếp báo và giao báo cho 20 sạp ở khu vực chợ Bà Chiểu. Làm việc từ 1 giờ - 5 giờ sáng anh được chủ đại lý trả công 35.000 đồng/đêm. Còn với anh Bình, nhân viên phục vụ tại nhà hàng Hoa Cau ở đường Phan Văn Trị, làm nhà hàng vào buổi chiều, buổi sáng sớm lại tranh thủ làm nhân viên giao báo cho anh Trung ở Tuổi Trẻ, với mức lương 1 triệu/đồng/tháng. 

 "Cứ vậy, hàng đêm "chợ báo" ở Sài Gòn vẫn nhóm họp, tất bật trong cái lặng lẽ của màn đêm. Bất kể trời nắng hay mưa, hàng trăm con người vẫn thức khuya dậy sớm cùng với các tờ báo, với ánh đèn nhập nhoạng của thành phố không ngủ này, để đem đến cho bạn đọc những thông tin nóng hổi nhất của thời cuộc."

Anh Bình cho biết, công việc giao báo và xếp báo giúp anh Trung hiện nay là phù hợp với sức khỏe và thời gian của anh. Anh nói: "Tuy làm công, nhưng anh còn sướng hơn cả ông chủ vì không phải đảm nhận việc đi gom báo ế ở các sạp, không phải đi thu tiền, đóng tiền cho tòa soạn như anh Trung…". Còn anh Hiền-một đại lý bán lẻ báo Thanh Niên trước Bệnh viện Từ Dũ thì khuyên tôi: "Chú mày có vốn, có quan hệ thì hãy làm đại lý, còn không thì làm công ăn lương sướng hơn, không sợ lo báo ế".
 
Còn ở "chợ báo" của SGGP, chẳng ai là không biết đến bác Tư, một người có thâm niên giao báo tận nhà cho bạn đọc hơn 20 năm nay. Mỗi đêm, bác đến "chợ báo" SGGP tự gom các đầu báo rồi đạp xe đi giao cho gần 150 gia đình quanh nơi bác sống đã đặt bác mang báo cho họ. Mỗi hộ đặt từ 1-2 tờ, tính ra lương tháng của bác còn gấp đôi lương của mấy cô công nhân ngành may. Trong khi đó bác chỉ mất 5 giờ làm việc. Bác Tư đùa với tôi "Mình đạp xe tập thể dục buổi sáng, tranh thủ kiếm thêm chút tiền phụ giúp cho con cháu ấy mà".

 Ở các "chợ báo" đêm, có những người chẳng làm công cho ai, nhưng họ cũng thức dậy từ lúc 2 giờ sáng như mọi người ở chợ. Họ là những người giao báo lẻ, những sinh viên tranh thủ làm thêm buổi sáng kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
 
Cứ vậy, hàng đêm "chợ báo" ở Sài Gòn vẫn nhóm họp, tất bật trong cái lặng lẽ của màn đêm. Bất kể trời nắng hay mưa, hàng trăm con người vẫn thức khuya dậy sớm cùng với các tờ báo, với ánh đèn nhập nhoạng của thành phố không ngủ này, để đem đến cho bạn đọc những thông tin nóng hổi nhất của thời cuộc  

NGUYỄN ANH

Tin cùng chuyên mục