Về Thành Nam xem “sự học”

Tự hào vùng đất học
Về Thành Nam xem “sự học”

Ở miền Bắc đang nổi lên những “vùng đất học” được ca ngợi như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định… Nhưng trong số đó, có lẽ đạt nhiều thành tích về giáo dục, có nhiều mô hình khuyến học đặc biệt phải kể đến vùng đất có truyền thống học lâu đời Thành Nam.

Tự hào vùng đất học

Một trong những ngọn đuốc dẫn đầu trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, đồng thời cũng là hạt nhân văn hóa, giáo dục ở Thành Nam hiện nay là huyện Hải Hậu, nơi vẫn được coi là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nam Định, cách trung tâm tỉnh lỵ 50km và có đặc sản lúa tám thơm rất nổi tiếng.

Về Thành Nam xem “sự học” ảnh 1

Người dân Hải Hậu đến nhà văn hóa huyện để dự lễ kỷ niệm 120 năm thành lập huyện.

Chúng tôi đến đúng thời điểm người dân nơi đây đang hồ hởi kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Hải Hậu và chuẩn bị khai giảng năm học mới. Trước đó 1 tuần, học sinh đã nô nức cắp sách đến trường. Tiếng trống  vang lên rộn rã, tươi vui khắp xóm làng.

Dù rất bận, nhưng khi nhắc đến chuyện hiếu học ở vùng “lúa tám”, Trưởng phòng GD-ĐT Trần Văn Hải đã hào hứng nói: Từ năm 1999, Hải Hậu đã trở thành huyện đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học”. Nhiều người ngỡ ngàng khi biết ở một huyện nằm xa tít miền duyên hải, cuộc sống người dân vẫn còn lam lũ, trẻ con dễ dàng bỏ học lại có được thành tích bất ngờ như vậy. “Nhưng đó là sự thật đầy tự hào của chúng tôi sau nhiều năm kiên trì, nỗ lực đưa giáo dục trở thành điểm sáng ở Nam Định”, ông Hải nói.

Gần 10 năm qua, sự nghiệp giáo dục ở Hải Hậu còn gặt hái được rất nhiều thành tích bất ngờ khác. Cho đến nay, những bằng khen, giấy khen và sự cổ vũ, ca ngợi của Sở GD-ĐT Nam Định, rồi của cả Bộ GD-ĐT và nhiều cơ quan, đơn vị dành cho Hải Hậu không đếm xuể. 10 năm qua, Hải Hậu tự hào là huyện đầu tiên trong cả nước, cả 4 cấp học đều có trường đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2002, Hải Hậu đã được công nhận là phổ cập THCS đúng độ tuổi. Những năm qua, ở Hải Hậu Bộ GD-ĐT khẳng định là không hề có học sinh bỏ học. Ông Hải nói giọng rất vui: “Chúng tôi còn tự hào về việc hàng năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS và THPT đều rất cao, đặc biệt là tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đều đạt từ 35% - 40%”.

Ngoài ra, Hải Hậu còn đang dẫn đầu cả nước về thành tựu hiện đại hóa cơ sở trường lớp, thiết bị học tập. Hiện tại, 100% xã và thị trấn đều có từ 2 trường học cao tầng trở lên. Trong đó, có 22 xã, cả 3 cấp học đều có nhà từ 2 tầng trở lên. Dù những căn nhà của người dân làng biển đơn sơ, mộc mạc nhưng với họ, nơi học hành của con em họ thì phải làm thật khang trang, đẹp đẽ.

Rời thị trấn Yên Định - trung tâm của huyện Hải Hậu - chúng tôi tìm về xã Hải Phương, nơi những con kênh đào bao quanh các ngôi làng xanh ngắt bóng cây, những con đường làng trải nhựa, để đến thăm ngôi Trường tiểu học Hải Phương. Cô hiệu trưởng Lại Thị Liên cho hay nhà trường cùng với chính quyền xã đang lo chuẩn bị lễ đón bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2 vào ngày 4-9, ngày khai giảng năm học mới. “Đây không chỉ là một ngày hội, niềm tự hào lớn của trường mà của nhân dân cả xã Hải Phương” - cô Liên nói.

Ông Phạm Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hải Phương, dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng cơ sở vật chất của trường, rồi bảo: “Ở Hải Phương đến nay đã có 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia. Riêng Trường tiểu học Hải Phương từ năm 1999 đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 nay, trường lại tiếp tục được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Đây là một danh hiệu mà hiện nay, không phải trường nào cũng được đón nhận.

Cho đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người thì những ngôi trường ở làng, nhất lại là trường ở những vùng xa xôi duyên hải, chỉ là những ngôi nhà tạm cũ kỹ, bàn ghế mốc meo, thiếu thốn… Thế nhưng, ở Hải Phương cũng như hàng chục xã ở vùng quê của lúa tám, cơ sở dạy và học lại không kém gì ở Hà Nội. Trong khuôn viên rộng rãi, rợp bóng cây xanh, cũng có khu sân bóng đá riêng, rồi sân chơi, vườn hoa, sân tập, vườn trường… Trong 11 phòng chức năng, có một phòng đặt 16 máy tính để dạy tin học, một phòng 16 cây đàn để dạy nhạc, một phòng 16 giá vẽ để dạy vẽ… Nơi làm việc của Ban giám hiệu cũng có phòng vi tính, máy in, nối internet...

Hải Hậu đua nhau “trồng người”

Hiện nay, Hải Phương đang được coi là một mô hình không chỉ của tỉnh Nam Định mà cả miền Bắc về sự nghiệp giáo dục. Ở đây, cứ bước vào nhà là được nghe bà con kể về chuyện học. Buổi tối, sau bữa cơm, dưới ánh đèn, người làng lại ngồi sum họp bên khay trà bàn tính việc học hành của con em.

Về Thành Nam xem “sự học” ảnh 2

Con của bà Nguyễn Thị Mát sửa xe đạp tạo thêm thu nhập để đi học.

Chúng tôi đến thăm cụ Phạm Duy Đàm, ngoài 70 tuổi, một người đã có hơn 30 năm làm “ông giáo làng” chắp cánh cho hàng ngàn học trò bay cao, bay xa đi khắp cả nước bằng những vạch phấn, chữ cái đầu tiên. Ông Đàm xúc động nói rằng, Hải Phương là mảnh đất nghèo. Thế nhưng người dân lại rất đề cao chuyện học. Tinh thần hiếu học đã được gây dựng từ thời phong kiến, bây giờ như đã ăn vào máu thịt. Gia đình nào không cho con được ăn học tử tế thì sẽ trở nên lạc lõng.

Ở đây, chuyện học được chính quyền đặc biệt quan tâm coi trọng, biến thành phong trào thi đua đến từng khu, xóm. Nhiều chục năm qua, nhờ học mà nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều người hiển đạt. Cụ tự hào khoe với chúng tôi rằng: “Quê hương chúng tôi còn nổi tiếng là xã có nhiều tiến sĩ. Không chỉ có tiến sĩ ngày xưa đâu mà cả tiến sĩ ngày nay. Có nhà có tới 2 - 3 tiến sĩ. Có nhà, ông là tiến sĩ, cháu cũng là tiến sĩ”.

Cụ Đàm cũng nhìn nhận khách quan rằng, hiện nay ở xã Hải Phương đang có 48% là người theo đạo Thiên Chúa và con em các gia đình bên đạo cũng thi đua học tập rất hăng say. Có những gia đình rất nghèo như trường hợp ông Lê Văn Đạt, Nguyễn Văn Súy… đều đang có 3 - 4 đứa con học đại học trên Hà Nội. Năm học mới này, cả xã có hơn 40 em đỗ vào đại học, cao đẳng.

Ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng GD-ĐT bảo rằng, trước đây con em giáo dân ở huyện Hải Hậu thường chỉ chú trọng đến việc đi nhà thờ để học thánh ca, giáo lý, cầu nguyện... nên lơi là chuyện học hành, chữ nghĩa. Thế nhưng bây giờ, ở nhiều giáo xứ của huyện Hải Hậu và nhiều linh mục cũng đang nhiệt thành cổ súy cho sự học của con em giáo dân. Tinh thần khuyến học ở Hải Hậu không chỉ được lồng ghép vào các bài giảng nơi thánh đường mà còn được cụ thể hóa bằng các quỹ khuyến học, khuyến tài của nhà thờ do linh mục tự mở ra. Trong đó, tiêu biểu là quỹ khuyến học của linh mục Nguyễn Đức Trung ở giáo xứ Liên Phú thuộc xã Hải Tây.

Bà con trong giáo xứ kể: “Tất cả con em thuộc diện nghèo, cha đều chu cấp đầy đủ học bổng cho đi học. Đặc biệt, cha rất muốn có một sự công bằng cho học sinh nữ. Trước đây, học sinh nữ chỉ học đến lớp 9 là gia đình bắt phải nghỉ ở nhà lấy chồng. Nhưng bây giờ, cha khuyên các gia đình phải cho các cháu đi học. Cứ mỗi cháu vào lớp 10, cha tặng cho 1 chiếc xe đạp mini “xịn”. Còn học sinh nam thì cứ thi đỗ vào bậc THPT là cha lại có tiền, quà thưởng”.

Tương tự, linh mục Nguyễn Đức Hiệp, ở xứ Thịnh Long là người đã có thành tích về lập quỹ khuyến học từ nhiều năm nay. Trong giáo xứ, cứ có con em thi đỗ đại học là ông chu cấp học bổng cho đến khi ra trường.

Trên đường về thị trấn Thịnh Long, mảnh đất mũi của huyện Hải Hậu, nơi hàng ngàn người nông dân chỉ quen sống lênh đênh trên biển, mặn mòi với muối. Đi đâu chúng tôi cũng được nghe người dân kể về chuyện học. Tạt vào một quán phở ở đầu làng, chị chủ quán tự hào khoe rằng, sinh được hai đứa con gái thì hiện nay, cả hai đều đang học cao đẳng, đại học trên Hà Nội. Chị thật thà: “Chúng em là lớp người cũ, chữ nghĩa thì chẳng bao nhiêu, nhưng riêng con cái thì bằng mọi giá phải cho ăn học tử tế”. Rồi chị say sưa kể về tinh thần học tập của người làng biển: “Ở xã em, năm nào cũng có vài chục cháu đỗ đại học, có những cháu học rất giỏi. Một gia đình có 3 - 4 cháu học đại học là rất bình thường. Trong đó, cảm động nhất là chuyện học của những đứa con của bà Nguyễn Thị Mát, 56 tuổi, ở tổ 18 thị trấn Thịnh Long”.

Chúng tôi tìm vào nhà bà Mát. Bà thổ lộ: “Chúng tôi là gia đình theo đạo Thiên Chúa. Chồng tôi bị ung thư gan, mất từ cách đây 4 năm, khi 3 đứa cháu nhà tôi vẫn còn chưa vào đại học. Trụ cột gia đình không còn, tôi không còn ai để nương tựa, nhưng vì thương con, nghĩ đến tương lai của các cháu, tôi đã quyết định bán bỏ một nửa mảnh đất đang ở để có tiền nuôi các cháu”.

Thương mẹ và 3 đứa em, đứa con cả là Phạm Văn Thiệu, 28 tuổi, đã quyết định hy sinh mơ ước vào đại học để ở nhà mở một quán sửa xe đạp, nhằm đỡ đần mẹ nuôi 3 đứa em thi vào đại học. Thấu hiểu nỗi lòng của người anh cả và mẹ, 3 chàng trai lần lượt là Phạm Văn Thuân (sinh năm 1986), Phạm Văn Trọng (sinh năm 1988) và Phạm Văn Trang (sinh năm 1990) đã lao vào học, quên ăn quên ngủ bên đèn sách. Cuối cùng, cả 3 đều đỗ vào 3 trường đại học là Đại học GTVT Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm lần lượt là 30, 30 và 29 điểm.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn ấn tượng bởi câu nói sâu sắc của thầy Đàm khi tiễn khách ra đến cổng, thầy vỗ vào vai chúng tôi bảo rằng: “Tôi cho rằng, không có gì mang lại lợi nhuận, hiệu quả nhất bằng đầu tư cho giáo dục, cho sự nghiệp trồng người”.

Văn Phúc - Văn Nghĩa

Tin cùng chuyên mục