Nỗi đau sống chui ở xứ người

Nỗi đau sống chui ở xứ người

Ra đón tôi ở sân bay Changi - Singapore, anh bạn tôi hiện đang học cao học tại Trường Đại học Quốc gia Singapore, liền rủ: “Này, tối nay mình đi hát nhạc Việt ở phố bar Việt nha”. Nghe lạ tai quá, tôi “ừ” ngay.

Phố bar Việt ở Singapore

Nỗi đau sống chui ở xứ người ảnh 1

Ngồi chờ khách Joo Chiat.

Geylang là khu phố lâu đời ở Singapore nằm gần trung tâm Singapore. Khu phố này mang một hình ảnh khác về Singapore: không hề sạch - xanh mà đầy rác rưởi, quán xá chật vỉa hè, xe cộ chạy bát nháo…

Geylang từng nổi tiếng với các quán ăn khuya của người Hoa, đặc biệt là món ếch nấu trong thố đất với nước dùng màu nâu sền sệt, ăn với cháo trắng. Hiện nay Geylang còn được biết đến với những dãy nhà treo lồng đèn đỏ trước cửa - là những động mua bán dâm hoạt động công khai.

Khách làng chơi đến đây có thể chọn các em người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và cả Việt Nam, với giá từ 40 đến 80 SGD (1 SGD tức 1 Singapore dollar, bằng khoảng 9.800 đồng) trong 30 phút.

Từ Geylang đi bộ đến phố Joo Chiat mất khoảng 10 phút. Phố nhỏ và ngắn, nhưng có tới hàng chục quán bar, hộp đêm, karaoke mang những cái tên ấn tượng: “Đêm màu hồng”, “Loan VN delight”, “KTV pub 88”, “Bar 51 Jazzy”, “Blue Lagoon”, “Web pub, Cherry”, “Sweet Angel”…

Trên vỉa hè, chừng dăm phút lại thấy vài cô gái ăn mặc mát mẻ, đi qua đi lại cười nói bằng… tiếng Việt. Tôi nhẩm tính: nếu trung bình mỗi quán ở Joo Chiat có 20 cô, cộng với các cô đang làm ở khu đèn đỏ Gaylang và rải rác ở các nơi khác, thì ở Singapore hiện có tới cả ngàn cô gái Việt đang ngày ngày làm cái nghề mua vui cho khách.

Chính phủ Singapore đánh thuế bia, rượu, thuốc lá rất cao. Vì vậy, giá các mặt hàng này ở Singapore đắt gấp 3- 4 lần ở Việt Nam. Ở Joo Chiat, giá cả không đều, bia được bán từ 10 đến 15 SGD/chai, rượu từ 200 – 1.000 SGD/chai, tùy loại.

Các quán bar và hộp đêm ở đây đều mở nhạc disco để khách và các em nhún nhảy, anh nào không nhún nhảy thì đã có em ngồi vào lòng. Còn ở các quán karaoke, khách có thể hát nhạc Anh, Hoa, Việt, nhưng các “đào” toàn hát nhạc Việt.

Quán Karaoke 88 không ngăn phòng nhỏ mà mở karaoke cho các “thượng đế” luân phiên “hát với nhau”. Tối thứ ba mà các bàn gần kín khách. Ngồi xen kẽ với khách là… các em. Tiếng nói cười át cả tiếng hát. Hai em bước tới bàn chúng tôi nhoẻn nụ cười chào “Nị hào” (xin chào). Chúng tôi mời ngồi.

Sau vài ly bia, các em kể lể: “3 năm về trước, “đào” Việt Nam qua đây còn ít nên có giá lắm. Chạy sô một đêm 3 bàn là có thể nhét bóp được vài trăm SGD, cộng thêm tiền “đi khách”, một tháng sang Sing có thể đút túi 4- 5 ngàn SGD. Nhưng dạo này “đào” Việt đổ sang Sing đông lắm, còn khách thì lại bo ít đi, vì vậy nguồn thu chính của chúng em là… “đi khách”.

Đúng như hai em này nói. Chúng tôi bước ra khỏi quán lúc 23g30, thấy khách đã đứng đầy hai bên đường và ở các ngã tư để đón các em. Em thì bước lên xe hơi đi chơi tiếp với khách, em thì sánh đôi với khách ung dung bước vô các khách sạn gần bên.

Cùng chung nhịp sống với các hàng quán ở Joo Chiat còn có mấy cái khách sạn mở cửa 24/24. Khách có thể thuê phòng 60-70 SGD/ngày hoặc thuê phòng dạng “nhảy dù” giá 20 SGD trong 2 giờ đồng hồ để hú hí với các em. Phần của các em thì từ 100 – 200 SGD, tùy theo “nhan sắc” của em và “hầu bao” của khách.

Sống chui nhủi

Nếu chỉ gặp những cô gái Việt ở Joo Chiat trong những chiếc váy đầm, bên những ly rượu đầy cùng những điệu nhạc vui, thì thấy cái phận của họ xem ra cũng vui vẻ. Nhưng đằng sau những nụ cười giả lả hàng đêm ấy là những gì?

Những cuộc gặp gỡ giữa người Việt và người Việt nơi xứ người thường dễ thông cảm, dễ chia sẻ. Khi biết tôi là phóng viên và đề nghị được đến xem chỗ trọ, Mi – một “đào” của bar “Loan VN delight” đã không ngần ngại đồng ý ngay.

Đúng hẹn, 10 giờ sáng, tôi có mặt ở cửa khu nhà trọ trên đường Changi. Mi dắt tôi vô phòng. Chưa kịp hỏi han gì, Mi đã cho biết: các “má mì” thuê căn hộ 3 phòng, giá 1.500 SGD/tháng rồi cho tụi em thuê lại. Mỗi phòng nhét 7, 8 đứa, mỗi đứa phải trả 10 SGD/ngày”.

Tôi đi xem qua một vòng. Mỗi căn phòng ở đây chỉ khoảng mươi mét vuông. Quần áo, giày dép, đồ đạc vương vãi khắp nơi. Sau một đêm trắng, các em vẫn còn nằm ngủ la liệt dưới đất. Mùi dầu thơm hòa với mùi hôi ẩm của căn phòng và hơi thở rượu bia gây cảm giác thật khó chịu.

Rồi Mi kéo tôi ra một quán trà ở đầu đường và kể: Hồi mới qua Sing, “má mì” đưa sang với phí dẫn đường và tiền “cò” giới thiệu vào làm quán là 1.300 SGD. Đến sân bay Changi, phía Sing yêu cầu phải chìa ra 1.000 SGD họ mới cho vào Sing, nên tụi em phải vay nóng của “má mì”. Vay 1.000 SGD ở Tân Sơn Nhất, 3 tiếng sau trả 1.100 SGD ở Singapore. Các “má mì” còn thường xuyên gầy sòng bài rủ tụi em chơi. Nhiều đứa thua cháy túi, nợ dầm dề.

– Ngoài má mì ra, các em còn bị ai bức ép không?

– Bọn khách làng chơi ăn quịt là chuyện bình thường. Có thằng còn đánh đập tụi em trong phòng khách sạn, lấy cả bóp và điện thoại của em. Tụi em sang đây làm chui nên đâu dám gọi cảnh sát, phải cắn răng van xin nó tha cho. Có thằng khách rủ đi vô khách sạn ngủ, sáng ra ra vẻ lịch sự đưa em vô siêu thị mua sắm quần áo thay cho tiền “bo”. Nhưng mới vô siêu thị vài phút, lựa lúc đông người nó liền chuồn mất.

Vào cuối tháng 3-2006, P.Tr.Linh - 24 tuổi, “đào” ở bar “51 Jazzy” - sau giờ tan quán đã được “bạn trai” người Singapore rủ đến căn hộ của anh ta ở trên lầu 10 khu chung cư Toa Payoh. Sáng sớm hôm sau người ta phát hiện xác cô Linh nằm trên vỉa hè trong tình trạng ở trần, mặc váy lửng. Cảnh sát xác định là cô đã rơi từ cửa sổ căn hộ xuống.

Một nhà hảo tâm người Singapore tên là Tan đã đứng ra tổ chức đám tang cho Linh. Gia đình của Linh ở Việt Nam không sang, chỉ có các bạn của Linh ở Joo Chiat đến viếng Linh trong chiếc quan tài màu trắng. Hiện nhà chức trách Singapore đang điều tra nguyên nhân cái chết lạ lùng này.

Sức ép đối với các cô gái Việt ở Joo Chiat còn đến từ phía nhà chức trách Singapore. Không chỉ dùng biện pháp hạn chế thời gian lưu trú, nhà chức trách Singapore còn thường xuyên tổ chức các đợt bố ráp, hốt các cô về bót để kiểm tra passport, đối chiếu vân tay và thẩm vấn. Nếu “chụp” được cô nào hành nghề chui là họ trục xuất khỏi Singapore ngay. Vì thế, cứ mỗi lần xe cảnh sát đến Joo Chiat là các cô gái chạy loạn xạ khắp phố. Có đêm, cảnh sát hốt vài chục cô.

Trong phòng chờ chuyến bay trở về Việt Nam của hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways ở sân bay Changi, tôi lại gặp những cô gái ăn mặc mát mẻ, tóc nhuộm hoe vàng hoe đỏ. Một cô nhận ra tôi - vị khách mới ở Joo Chiat - liền chào và nói: “Anh về hả. Kỳ này em cũng về hẳn luôn. Nhục lắm anh ơi!”. Lời nói của cô gái làm tôi lặng người. Tôi biết, khi các cô này trở về, thì lại có những cô gái khác tưởng rằng dễ kiếm được nhiều tiền ở Singapore, sẽ lao thân vào. Chỉ đến khi có sự trả giá, các cô mới thấm thía ra.

Mong rằng thực trạng đau lòng này sẽ được những người có trách nhiệm sớm giải quyết dứt điểm, đừng để những cô gái lầm đường phải sống chui nhủi nơi xứ người và cũng đừng để những hoạt động của họ làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp đẽ của phụ nữ Việt Nam trong mắt người dân Singapore.

KHẮC VĂN

Tin cùng chuyên mục