Tây… phát cơm từ thiện!

Tây… phát cơm từ thiện!

“Không phải từ thiện, chỉ là chia sẻ. Tôi đang khỏe mạnh, đó là điều may mắn. Tôi muốn đem nụ cười may mắn của mình để nói với người bệnh rằng: Bạn hãy cười và may mắn sẽ đến”, Grainne, cô bạn đến từ Ai-len đã tâm sự với chúng tôi như vậy.

Điểm phát cơm của Chi hội từ thiện Bảo Hòa trên đường Trần Văn Kỷ (Bình Thạnh) thu hút rất nhiều ánh mắt của những ai tình cờ đi qua đó khi nhìn thấy nhiều thanh niên nước ngoài luôn tay luôn chân, hồ hởi xới cơm, múc canh cho mọi người. Nhưng với người dân sống ở xung quanh và bệnh nhân của Bệnh viện Ung bướu thì sự hiện diện của những người bạn Tây phát cơm đã trở nên quen thuộc.

  • Đâu cần phải biết tiếng Việt
Tây… phát cơm từ thiện! ảnh 1
Charlotte, Grainne, Pauline, Sharon trong phút rảnh rỗi đợi phát cơm

Khi chúng tôi hỏi thăm đường đến điểm phát cơm của Chi hội từ thiện Bảo Hòa, nơi có những người bạn nước ngoài đang làm từ thiện, một bác xe ôm sốt sắng: “Đi thẳng khoảng 500m, nhìn bên phải, đó đó, chỗ đông thiệt là đông. Chạy xe ôm nên tui biết, “Tây ba lô” ở thành phố mình nhiều lắm nhưng “Tây phát cơm từ thiện” thì mới thấy ở đây à! Mấy người đó tốt ghê, không quản ngại xa xôi đến đất nước mình làm từ thiện”.

Xa xa, chúng tôi đã nghe tiếng cười, tiếng hát của bốn cô gái ngoại quốc. Giọng lơ lớ tập nói tiếng Việt: “Xin chào!”, “Mấy người?”, “Cảm ơn!”… cộng với sự thân thiện, hồn nhiên, hài hước của họ đã khiến cho những bệnh nhân, thân nhân người bệnh đến nhận cơm không khỏi buồn cười - những khoảnh khắc ngắn ngủi, hiếm hoi của những người đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Cô Ba - một bệnh nhân nhận xét: “Mấy cô này vui lắm, mệt vậy mà cười hoài à, hổng mấy người được nhiệt tình vậy đâu!”.

Sự quen thuộc thể hiện trong động tác thuần thục như những đầu bếp lành nghề của những người bạn vốn quen ăn bánh mì, sử dụng dao nĩa: bàn tay thoăn thoắt xới xới, múc múc chia cơm, gắp đồ ăn và chia trái cây cho bệnh nhân. Nóng, mệt, mồ hôi chảy quanh khuôn mặt đỏ hồng, họ vẫn không quên một nụ cười khi trao mỗi suất cơm, đôi khi có cả những cuộc trò chuyện dù một bên nói tiếng Việt và một bên nói… ngoại ngữ. Charlotte, cô bạn đến từ Ai-len khẳng định: “Tôi không biết tiếng Việt, nhưng tôi hiểu được phần nào những gì họ nói, tôi tin họ cũng như vậy. Bạn thấy không, họ đã cười!”.

Anh Trung - người nhà bệnh nhân đi nhận cơm kể: “Ban đầu cũng thấy lạ lắm! Nuôi bệnh ở đây gần ba tháng, quen  rồi, giờ không thấy người nước ngoài mới là lạ! Bốn cô này mới đến hai tuần nay thôi, trước đó có một chàng trai với hai cô gái”. Anh Trung từ miền Trung dẫn mẹ vào Bệnh viện Ung bướu chữa bệnh, gia cảnh khó khăn, vay mượn khắp nơi mới đủ đóng tiền xạ trị cho mẹ, hàng ngày anh đều đến nhận cơm từ thiện cho hai mẹ con. “Tui không dám tưởng tượng hai má con sẽ ra sao nếu không có sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Mình trẻ khỏe nhịn một vài bữa không sao, má bị bệnh ăn không đủ thì làm sao chữa trị! Thiệt, tui cảm ơn lắm!”- anh tâm sự.       

Tranh thủ lúc không còn người nhận cơm, tôi hỏi chuyện và được biết bốn cô gái ấy là Charlotte, Grainne (đến từ Ai-len), Pauline, Sharon (đến từ Anh) tham gia một tổ chức từ thiện quốc tế (I-To-I) và họ đã chọn Việt Nam với công việc phát cơm từ thiện cùng với Bảo Hòa trong thời gian khoảng ba tuần lễ. Mỗi ngày họ đều đến trụ sở Bảo Hòa (đường Đinh Tiên Hoàng,  quận 1) lúc 6 giờ để giúp chia chuẩn bị các phần cơm từ thiện đưa đi khắp nơi, khoảng 9 giờ sáng họ đến điểm phát cơm của Bệnh viện Ung bướu, sau đó trở lại trụ sở phụ dọn dẹp đến 14 giờ chiều.

  • Chia sẻ điều may mắn

Ông Nguyễn Văn Tư - Chi hội phó Chi hội Bảo Hòa cho biết: Bảo Hòa liên tiếp đón các đợt khách quốc tế đến giúp phát cơm từ thiện, họ là người của các tổ chức từ thiện quốc tế, những vị khách du lịch muốn làm từ thiện hoăc người nước ngoài đang học tập, làm việc tại Việt Nam. Công việc của họ là phụ giúp các nhân viên chi hội nhặt rửa rau, chuẩn bị các suất cơm từ thiện và đến phát cơm tại điểm phát cơm Bệnh viện Ung bướu, mỗi đợt kéo dài từ hai đến bốn tuần. “Những người bạn nước ngoài rất thân thiện và nhiệt tình, tôi có cảm giác họ làm bằng cả trái tim mình”, chị Kim Lâu, một trong những “mạnh thường quân” tham gia hoạt động từ thiện tại Bảo Hòa nhận xét.

Với những người mắc bệnh hiểm nghèo, sự sẻ chia rất quan trọng để họ có niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn trong chữa trị. Và những người bạn nước ngoài không phải “không làm được gì”, mà họ đã làm được một điều thật ý nghĩa: Đem lại nụ cười và niềm tin vốn đã vắng từ lâu cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh.

Mọi người ở đây đều xúc động khi nhắc đến cậu sinh viên có tên là Adam Robb đến từ  Úc. Adam tham gia một khóa học tiếng Việt tại Việt Nam, anh đã tìm hiểu và đề nghị 3 buổi/tuần được đến với Bảo Hòa để phụ giúp cắt rau, gọt củ, phát cơm… và anh đã tham gia phục vụ như vậy suốt ba năm học tại Việt Nam. Hiện tại Adam đã về nước làm việc nhưng khi có dịp trở lại Việt Nam vẫn đến thăm Bảo Hòa và không quên kêu gọi bạn bè giúp đỡ chi hội.

Grainne - một sinh viên luật nói: “Không phải từ thiện, chỉ là chia sẻ. Tôi đang khỏe mạnh, đó là điều may mắn. Tôi muốn đem nụ cười may mắn của mình để nói với người bệnh rằng: Bạn hãy cười và may mắn sẽ đến”. Pauline tâm sự: “Tôi chưa bao giờ làm điều gì tương tự trước đó. Tôi đã từng nghĩ quần áo, xe hơi, tiền bạc là những điều quan trọng nhất, song bây giờ tôi hiểu có những thứ thật sự còn quan trọng hơn xe hơi, tiền bạc, đó là cuộc sống. Tôi muốn họ cười nhưng đôi khi họ cười còn tôi lại muốn khóc. Tôi chẳng làm được gì cho họ!”.

Khánh Lê

Tin cùng chuyên mục